Bài viết
Trang chủ » Đường rừng » [Pu Si Lung] Phần 4 – “Chỉ còn những mùa nhớ”

[Pu Si Lung] Phần 4 – “Chỉ còn những mùa nhớ”

Câu chuyện sẽ kết thúc trong phần này. Ngày xuống núi nhiều hân hoan. Những ký ức luôn cháy bỏng mỗi khi gợi nhắc về. Nhưng không thể quên những bài học, những suy nghĩ trên hành trình lớn tới đỉnh cao miền biên viễn!

Tôi, bước đi trong ánh chiều tà, mau mải lao xuống những dốc núi. (Ảnh do chị Hương chụp)

Ngày cuối, chúng tôi xuống núi trong tâm trạng hân hoan. Những câu chuyện về hành trình ngày trước đó chưa chia sẻ được với nhau vì mệt và vì tan tác nhau trong đêm muộn nay được dịp rôm rả. Chúng tôi ăn sáng khi nắng rừng bắt đầu chạm những tầng cây. Suối vẫn gầm gào và cảnh rừng vẫn hoang hoải như hai ngày qua. Nhưng lúc này, khi đã được bước đi trong lòng núi, khi sắp phải nói lời chia tay mà có thể không bao giờ trở lại, khung cảnh bỗng thật thân thương và quyến luyến.

Đoàn chụp ảnh tại vị trí bãi trại trước khi chia tay Pu Si Lung
Lời chia tay nào ai muốn nói, nhưng vẫn phải nói thôi. Tạm biệt nhé Pu Si Lung! (Ảnh do Thu Chụp)
Và kìa, con suối nơi đập thuỷ điện – điểm xuất phát của hành trình
Bước khỏi con suối cuối cùng, ngoái lại chào khoảng trời xanh của núi rừng Pu Si Lung
Cứ tưởng về tới điểm ô tô thả hôm trước là xong. Ai ngờ đường đổ đất đá, ô tô không vào được. Sau khi đợi cả tiếng đồng hồ, cả đoàn lại lọc cọc cuốc bộ ra ngoài. (Ảnh do Đức chụp)

Ngày hôm nay, khi lục tìm ký ức về hành trình Pu Si Lung, gom góp những bức ảnh mà bạn bè chụp trên đường đi, lần ra những tấm hình chính mình quên trong một góc máy, tôi thấy trái tim và tâm hồn mình như bị thiêu đốt. Thiêu đốt bởi niềm tiếc nhớ và nỗi thèm khát được lên đường. Những tấm ảnh bè bạn ngồi bên nhau trên một dốc đường hay một vệ cỏ, dưới nắng gắt hay trong bóng rậm rì của tầng rừng trở thành những gợi nhắc đẹp.

Tiếng chào nhau của hai đứa bạn đứng hai đầu con dốc.

Những bức hình chụp chung vội vã.

Câu hỏi han khi hai nhóm bạn ngược lối, gặp nhau giữa lưng chừng, trao nhau chai nước còn để dành.

“Đỉnh còn xa không?”
“Xa đấy, phải một tiếng nữa, cố lên, đi đi…”

Nụ cười ngày khởi hành
Cùng nhau nghỉ mệt bên suối
Vui vẻ chụp hình lúc thảnh thơi

Pu Si Lung có thể coi là một hành trình lớn đối với tôi. Lớn tới mức những dòng viết về ngọn núi nơi biên cương tổ quốc này ngốn của tôi hơn sáu nghìn chữ, chia ra tới bốn phần bài. Cho tới thời điểm này, Pu Si Lung vẫn là hành trình dài nhất, đi qua nhiều kiểu địa hình nhất và có cảnh sắc đẹp ngỡ ngàng nhất mà tôi từng qua. Nhưng, những điều tôi muốn viết về Pu Si Lung không chỉ dừng lại ở những ký ức đẹp.

Nhiều chuyện trong chuyến leo Pu Si Lung ngày ấy trở thành những trăn trở trong tôi, những bài học kinh nghiệm. Những điều mà tôi nghĩ người có ý định bước lên một cuộc leo núi cần phải biết. Dẫu vậy, có vẻ như, nhiều người bị những tấm hình lung linh và những câu chuyện truyền miệng cuốn hút tới độ không coi trọng sự an toàn của chính bản thân mình.

Chuyện nước, chuyện thể lực, tôi kể rồi, nói nữa thành dài dòng. Nhưng có một điều tôi thấy mình vẫn cần nhắc, để bản thân ghi nhớ, rằng: trước khi bước lên bất cứ hành trình nào, mình phải tự hỏi chính mình xem hành trình ấy có dành cho mình hay không. Mình đã sẵn sàng cho nó hay chưa? Mình cần chuẩn bị gì để đối mặt với nó?

Đoàn có một cô bé chưa leo núi bao giờ. Theo như bạn của cô – người rủ cô vào hành trình này – cô bé thường xuyên tập gym và thể lực tốt. Nhưng thể lực tốt là một khái niệm trừu tượng ở mức dập dềnh như sóng, tức là khó có thể đoán định chính xác. Và thường xuyên tập luyện chưa chắc đôi chân của bạn quen được với địa hình núi cao, đòi hỏi di chuyển liên tục trong ngày, lên và xuống những con dốc gắt.

Cô bé phải từ bỏ con đường lên đỉnh sau vài giờ buổi sáng đi lên từ điểm trại. Quãng đường ngày trước đó đã làm chân cô bị đau và những con dốc của ngày hôm sau càng làm tình trạng tồi tệ hơn. Ngày xuống núi, chân bé không đi vững và có đoạn phải nhờ anh porter trong đoàn cõng xuống. Tôi để ý, ngay từ lúc vượt những con dốc trong ngày thứ nhất, cô bé đã có vẻ mệt mỏi và đau đớn. Em quay trở lại cũng đã rất dũng cảm. Có lẽ, lần tới, cô bé nên chọn một ngọn núi vừa sức hơn với mình.

Những người-lần-đầu-leo-núi còn lại? Vài con quỷ leo mất hút ở tốp đầu từ ngày đầu tới ngày cuối. Cả hành trình chắc tôi chẳng nói chuyện được với họ quá hai câu. Điều tôi muốn nói là mỗi người sẽ có khả năng thích ứng khác nhau. Hiểu về khả năng của bản thân và hiểu về hành trình mình dự định bước lên sẽ giúp chính mình có được trải nghiệm trọn vẹn và an toàn nhất.

Vẫn là ảnh chị Hương chụp – lúc mau mải chạy đuổi theo tôi xuống núi

Quay lại ngày thứ hai của hành trình – ngày lên đỉnh, đoàn tôi bị tách thành bốn tốp, mỗi tốp đi cách nhau vài tiếng. Và thời gian chúng tôi quay về tới điểm trại tối đó cũng chênh lệch khá nhiều. Tốp đầu tiên về lúc sáu giờ, khi trời còn sáng. Tốp thứ hai – tốp của tôi, về tới lúc bảy giờ mười lăm. Tốp thứ ba: mười giờ. Tốp cuối: mười hai giờ đêm. Tốp thứ ba còn không có guide hay porter đi kèm; tức là họ tự tìm đường trong đêm tối nhiều tiếng đồng hồ. Họ còn kể với tôi là có đoạn họ không biết phải rẽ đường nào, sau đó một thành viên nhận ra được ngã rẽ đúng.

Nếu họ đi sai đường? Nếu một thành viên bị trượt té trong đêm? Nếu có ai đó bị rắn cắn? Nếu… Có vô vàn chữ nếu có thể xảy ra. Và đây không phải những giả định kể ra cho vui, cho tăng phần kịch tính. Tôi đã nghe những câu chuyện thực về cái vế sau “nếu” ấy rồi, không ở Pu Si Lung thì cũng ở những ngọn núi khác.

Trước khi lên đường, khi nghe chuyện phải di chuyển trong đêm, tôi hào hứng lắm chứ. Tôi thích thú và mong đợi được đi giữa đêm tối. Lấy đâu ra cơ hội đi rừng ban đêm? Thú vị phải biết! Và đó là loại trải nghiệm mà những người kinh qua rồi sẽ còn nhắc đi nhắc lại với nhau nhiều, với xúc cảm và sự hồi hộp như khi vừa thực hiện nó. Nhưng tất nhiên, để kể lại được câu chuyện thì chúng ta cần an toàn trở về, phải không? Chúng tôi đã an toàn trở về, đó là điều quan trọng. Nhưng tôi vẫn suy nghĩ mãi về chuyện này. Những chữ “nếu” vẫn làm phiền tôi. Có lẽ tôi không nên lơ là chúng…

Dầu sao, đó là toàn bộ câu chuyện Pu Si Lung của tôi.

Tôi đã dồn hết những ký ức và suy nghĩ của mình ra thành câu từ. Một chuyến hành trình lớn, và tôi vừa vui, vừa nhẹ lòng khi hoàn thành những dòng viết thật cặn kẽ và chỉn chu về nó. Tôi tin mười chín người chúng tôi, mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng về hành trình đã qua. Nhưng dẫu cho những xúc cảm và suy nghĩ có khác biệt tới đâu thì khi nhắc nhớ, điều mà tất cả chúng tôi đều cảm thấy là niềm vui và niềm hạnh phúc vì đã ở đó, cùng nhau, và nỗi thèm khát được quay lại, lần nữa, hoặc tới bất cứ hành trình nào khác, bên những người bạn của mình.

Xin phép mười chín thành viên của đoàn được đăng cho trọn vẹn những tấm hình của mọi người dưới đây!

Chuyện phiếm sau bữa trưa ngày đầu tiên
Hoa đỗ quyên trên đường lên cột mốc 42
Một gốc cây…
… hai câu chuyện.
Suối ngày đầu
Suối ngày cuối
Hình đẹp thì mình đăng thui chứ không có caption gì đặc biệt. (Ảnh Thu chụp)
Tốp bất khả chiến bại của cả ba ngày leo
Nhóm đỉnh đầu
Nhóm đỉnh cuối
Ăn trưa
Nghỉ chiều
Đợi khởi hành
Đợi ăn tối
Rau cháo thương nhau.
Hẹn gặp lại, trong chuyến phiêu lưu tiếp theo!
4790cookie-check[Pu Si Lung] Phần 4 – “Chỉ còn những mùa nhớ”
Từ khóa : pu si lung 2020
Bình luận

2 bình luận cho “[Pu Si Lung] Phần 4 – “Chỉ còn những mùa nhớ””

  1. Thu viết:

    Xin chào cô bạn.
    Có lẽ vì là một phần của hành trình nên ngồi đọc không cảm thấy bị thôi thúc lên đường. Dọc theo câu chuyện, sẽ bắt gặp những bức ảnh mới mẻ, những câu chuyện nho nhỏ mà trong hành trình đã ít để tâm, có khi bật cười, khi lại tự hỏi “có chuyện/khung cảnh đó hay không?”. Những “cảnh phim” ngày nào lại mở ra, tua chậm trong một vai khác, cảm xúc khác, gam màu khác, không bí hiểm, không tô vẽ, rất thật.
    Sau đây, tôi tự mời tôi đến thăm những trang khác, nơi mà tôi được là người đọc đơn thuần, để nhấm nháp phần nào đó trong cuốn sổ tay của chủ nhà <3

    • admin viết:

      Bình luận có tâm quá. Cảm ơn bạn mình đã cẩn thận ngồi đọc hết các thứ mình viết <3 Thích nhất đoạn "không bí hiểm, không tô vẽ, rất thật" hihi

Trả lời Thu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *