Nếu phải tóm gọn chuyến hành trình Pu Si Lung của tôi bằng một từ, tôi sẽ dùng từ: kỷ luật. Sao lại vậy? Mọi thứ bắt đầu từ những-lời-doạ-dẫm.
Ai quan tâm tới leo núi hẳn đều biết tới bản danh sách vàng – độ cao và độ khó của các ngọn núi phía Bắc Việt Nam – thử thách dành cho tất cả những đôi chân đam mê. Đứng đầu danh sách về độ cao, người chẳng leo cũng biết là đỉnh nào. Còn cái tên nằm ở vị trí đầu bảng độ khó? Pu Si Lung!
Khi bắt đầu nhen nhóm ý định leo Pu Si Lung, tôi va phải vô vàn lời cảnh báo, cùng không ít can ngăn, rằng đường rất dài, rất khó, bao nhiêu người đã phải leo trong đêm, lội suối, leo dốc, những con đường dài dặc… Nói chung là đủ cả. Bạn leader – Tú (Tung Tẩy), người được chúng tôi chọn mặt gửi vàng – còn không quên kèm theo câu: “cái núi đó chẳng có vẹo gì cả, không có cảnh đẹp, đi làm cái gì, còn bao nhiêu là núi khác đẹp hơn để đi!”.
Nhưng điều đó có làm tôi thay đổi ý định không? Đáng buồn (cho leader) và (có lẽ là) đáng mừng (cho những người đồng đội sắp được tôi rủ lên hành trình này), tôi không mảy may suy chuyển ý định. Tất cả những thông tin như: dài, dốc, khó, gian nan, hiểm trở, lội suối, băng rừng, ngủ hang đá, đi trong đêm… chỉ càng làm tôi thấy thích thú và khát khao được đặt chân lên hành trình này ngay lập tức mà thôi!
Vậy là, chúng tôi lập tức lên kế hoạch và rủ rê bạn đồng hành. Một điều ngoài dự tính (mà phải thú nhận rằng tôi vừa vui lại vừa hốt hoảng vì nó) là nhờ công mời rủ nhiệt tình và hết mình của tôi và cô bé em người Sài Gòn, chúng tôi nhanh chóng quy tụ một đội gồm MƯỜI CHÍN thành viên! MƯỜI CHÍN NGƯỜI! Chưa bao giờ tôi tham gia một đoàn leo núi đông tới vậy.
Hành trình được ấn định vào ba ngày đầu tháng Ba năm 2020, rơi đúng vào dịp Quốc tế Phụ Nữ. Những ngày này, sau đó, cũng trở thành một cột mốc dễ gợi nhắc. Bởi nếu ai đó còn nhớ về các đợt bùng phát dịch Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam thì không thể quên ngày 7 tháng 3 khi các ca bệnh lần lượt được phát hiện trong cộng đồng. Ngày chúng tôi rời Sa Pa về Hà Nội, Sa Pa dựng chốt, còn Hà Nội cũng tiến hành phong toả một vài địa điểm liên quan tới ca nhiễm. Chính đây là khởi nguồn cho đợt giãn cách xã hội toàn quốc vào tháng 4 cùng năm.
Nhưng không dông dài về chuyện ấy mà làm gì. Tôi chỉ muốn nói rằng, với những người ham mê leo núi như đoàn chúng tôi lần đó, thì đây là ngọn núi cuối cùng chúng tôi leo trước khi bước vào một kỳ nghỉ dịch kéo dài. Với một số người, là kéo dài cho tới tận cuối năm. Còn với tôi? Gần hai tháng. Và thế là cũng đủ lâu rồi!
Trở lại với Pu Si Lung.
Ở độ cao 3076m so với mực nước biển (theo Atlat địa lý Việt Nam), Pu Si Lung là ngọn núi cao thứ ba tại Việt Nam, chỉ đứng sau Phan Xi Păng và Pu Ta Leng. Người leo núi ở Việt Nam cũng đặt cho Pu Si Lung cái tên: “Ngọn núi trấn giữ biên cương của tổ quốc”, bởi đỉnh Pu Si Lung nằm sát vị trí đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trên đường chinh phục Pu Si Lung, người leo cũng sẽ đi qua cột mốc số 42 – mốc biên giới cao thứ hai Việt Nam – một trong những điểm tạo nên sức hút của cung đường. Khi bước chân lên hành trình này, tôi mới biết rõ rằng con đường lên đỉnh chạy ngoằn ngoèo TRÊN đường biên giới. Điện thoại của chúng tôi sẽ lúc nhảy giờ Việt Nam, khi hiện giờ Trung Quốc. Và chúng tôi nhìn thấy vị trí của con đường ráp gianh, bước đi trên đó. Con đường được đánh dấu bằng… (cái này hẹn ở phần sau nhé!).
Nhưng khoan đã, có vẻ tôi đang đi xa chủ đề mình nhắm tới trong phần này của bài viết. Tôi chưa muốn nói vội về con đường chúng tôi đã đặt chân hay những cảnh vật chúng tôi thu vào mắt mình. Trước nhất, tôi muốn nói về tâm thế lên đường của mình và thứ “kỷ luật” tôi đặt ra cho riêng mình trong chuyến đi này (tôi thường bị ám ảnh bởi kỷ luật, lúc nào cũng muốn theo một hệ thống luật lệ tự mình đặt ra cho mình. Nhưng sao lại không cơ chứ?).
Ngay từ đầu, tôi đã xác định đây là hành trình dài và khó, rằng rất có thể chúng tôi sẽ phải leo trong đêm nếu không thể hoàn thành quãng đường kịp lúc ánh ngày còn tỏ, và rằng quãng đường ngày thứ hai – ngày lên đỉnh – sẽ đặc biệt gian nan. Vậy là, sáng ngày hai, tôi quyết định một việc mà tôi biết khi trở về và ngồi nhớ lại hành trình (như lúc này) tôi sẽ hối tiếc vô cùng. Nhưng thời điểm đó, tôi cho đó là việc cần làm nếu không muốn phải mò mẫm trong bóng đêm và đối mặt với tất cả những bất trắc trên đường. Tôi biết sức mình, và tôi biết với hành trình dài như thế này, nếu tốn thời gian la cà, chắc chắn tôi sẽ tụt lại sau.
Sau khi đã nhọc nhằn cả ngày trước đó, mang được toàn bộ số đồ đạc của mình lên tới điểm trại trên núi, ngày thứ hai trước khi bắt đầu hành trình lên đỉnh, tôi bỏ chiếc máy ảnh Fujifilm của mình lại khu trại.
Với vài ngọn núi trước đó, tôi thường tranh thủ lúc dừng nghỉ để chụp hình. Nhưng với Pu Si Lung thì tôi nhất quyết gạt ý tưởng đó ra khỏi đầu. Tôi đã nghe về nó, và tôi sợ. Mang theo máy ảnh nghĩa là ba lô trên vai thêm nặng; mang theo máy ảnh tức là thêm thời gian đứng lại ngắm nghía và chụp. Tôi lo rằng nếu làm vậy, tôi không thể về trại kịp trong ngày.
Đó là quyết định có phần đau đớn của tôi! Nhưng cũng đành… Tôi tự an ủi mình rằng tôi có thể ghi lại hình ảnh bằng điện thoại và gopro – thứ tôi chỉ cần giơ lên và bắt ngay khoảnh khắc. Và tôi cũng có thể ghi lại hành trình này bằng tâm trí mình – thứ khó có gì thay thế được. Đồng thời, tôi tự an ủi mình rằng với việc tập trung hoàn toàn vào con đường trước mặt, tôi sẽ ghi nhớ được nhiều hơn là nhìn cảnh vậy qua ống kính.
Quyết định thứ hai: nước.
Kinh nghiệm khốn khổ ở Tà Xùa cho tôi bài học đắt giá rằng tôi không thể thiếu nước khi leo núi. Dù tôi không phải người uống nhiều, nhưng tôi cũng không muốn đặt cược cơn khát của mình vào những suy nghĩ ngây thơ như: mình sẽ uống ít lại, mình không muốn mang nhiều đâu vì nặng, mình có thể lấy nước trên đường được,…
Lần leo Tà Xùa, cả nhóm đã phải đi chắt nước trong vũng đọng trên đường. Mà cũng chỉ tìm được đúng một vũng và chắt được lượng nước con con đủ để mỗi người hai ba ngụm trước khi lao mình hai tiếng đồng hồ về nơi có khe suối. Tất cả bắt nguồn từ việc ai cũng chủ quan và chỉ mang theo mỗi người hai chai 500ml, trời nắng nóng, trên đường không có suối hay khe nước chảy, nước nhanh chóng cạn kiệt… Tôi không bao giờ quên cơn khát ở Tà Xùa ấy. Nên lần này, với hành trình dài dặc nguyên một ngày phía trước, và trải nghiệm với nắng nóng tháng Ba đổ lên đầu ngày trước đó, tôi đánh đổi chiếc máy ảnh của mình với bốn chai nước 500ml cùng một túi nước 2lít.
Tôi có thể không cần máy ảnh. Nhưng tôi cần nước uống!
Quyết định này sau đó không chỉ giúp tôi mà còn giúp thêm vài người đồng hành khác của nhóm. Khi trên đường từ đỉnh quay xuống, tôi gặp một tốp khác đang đi lên (vì thể lực không đồng đều và một vài lý do mà chúng tôi tách thành bốn nhóm di chuyển, cách nhau khoảng một tới hai tiếng). Nhóm này không ai còn nước. Con suối cuối cùng trên đường đã ở cách vị trí đó nửa ngày leo. Tôi chia sẻ cho họ chai nước còn lại trong ba lô của mình.
Chuyện là thế, tôi lên đường leo Pu Si Lung với tâm thế rõ ràng, rằng: hành trình này không phải một cuộc dạo chơi! Leo núi là mạo hiểm. Và tôi nghĩ một vài kỷ luật nho nhỏ dành riêng cho mình chẳng hại đến ai, chỉ tốt cho bản thân mà thôi. Tôi có hối tiếc khi không mang theo máy ảnh không? Có chứ. Nhưng vấn đề không phải là chiếc máy ảnh, vấn đề là thể lực của tôi không đủ tốt. Tôi sẽ cần nâng cao khả năng của bản thân nếu muốn vừa tận hưởng cuộc hành trình, vừa mang về những bức hình đẹp.
Thôi, thôi. Cứ mắc bệnh dài dòng… Ở phần tiếp theo, tôi sẽ nói về điều mà có lẽ người đọc sẽ quan tâm hơn gấp mấy lần dăm ba suy nghĩ tầm phào trong đầu tôi.
Phần tiếp: “Ở nơi ấy, tôi đã thấy”…?