Với The Samurai’s Garden, tác giả Gail Tsukiyama tạo ra một bầu không trầm lặng, chứa đựng và gợi mở những suy tư sâu sắc về con người và cuộc đời. Ngồi trước Khu vườn của Samurai, tôi lặng lẽ theo dõi hành trình của Stephen và nghĩ về một khoảng lặng cần có trong đời mỗi người – khu vườn mỗi chúng ta cần vun bồi để đối mặt với bão tố cuộc sống.
Câu chuyện của cuốn tiểu thuyết này làm tôi nhớ tới tích truyện Từ Thức lên tiên. Chỉ là một liên tưởng thoáng qua bởi cảm giác mơ hồ rằng cả hai nhân vật đều có cơ hội bước chân vào một vùng đất khác và sống một quãng đời không liên quan tới cuộc sống thực của mình. Một khoảng cách biệt khỏi hỗn độn của thế giới, một quãng lặng của cuộc đời con người ấy. Họ bước vào, gặp gỡ những người không thuộc về cuộc đời thường nhật của mình và rồi khi rời đi cũng sẽ không còn cơ hội gặp lại những gương mặt ấy nữa…
Stephen là một sinh viên đại học người Hong Kong. Bố Stephen duy trì hoạt động kinh doanh với Nhật Bản nên thường xuyên vắng nhà; ông dành hầu hết thời gian ở văn phòng tại Nhật. Cuộc chiến tranh Nhật – Trung tới hồi khốc liệt; quân đội Nhật Hoàng đã tiến dần tới đánh chiếm Bắc Kinh. Đúng lúc này, căn bệnh của Stephen tái phát và bố mẹ muốn cậu tới căn nhà nghỉ hè của gia đình ở một vùng quê hẻo lánh bên Nhật để dưỡng bệnh. Vậy là, Stephen rời xa mẹ và các em, chia tay bạn bè, lánh khỏi thực tại chiến tranh đang chực chờ đổ xuống gia đình và những người thân quen của mình, để tới sống trong một thực tại khác…
Giống như nhiều cuốn tiểu thuyết Nhật Bản, cuốn sách này tràn ngập nghĩ suy mà không nhiều tình tiết. Tức là câu chuyện rất đơn giản, người đọc gần như chỉ được thấy nhân vật qua lại một vài điểm đến trong một ngôi làng nhỏ, gặp gỡ vài con người, một hai biến cố xảy ra… Tất cả được khắc hoạ lại qua lời tự sự của nhân vật chính – Stephen-san. Thông qua ngôi kể thứ nhất, bằng cách kết cấu cuốn tiểu thuyết dưới dạng một cuốn nhật ký, tác giả tạo ra cho câu chuyện một bầu không suy tư trầm tĩnh, như thể dẫn lối người đọc vào trong khu vườn thiền, mời người đọc ngồi lặng yên và lắng nghe câu chuyện đời lần hồi thắt mở.
Ngồi trước Khu vườn của Samurai, tôi cũng có cho mình vài suy nghĩ.
Một là dẫu quãng ngơi nghỉ nghe có vẻ thật ích kỷ và vô nghĩa lý trong một đời sống nhưng có khi nó là điều cần thiết để mỗi người nhìn đáy vào sâu tâm hồn mình và chiêm nghiệm cuộc sống của chính mình.
Ai cũng nghĩ sống nghĩa là lao vào đời sống, là tất bật sống cho ra sống, sống cống hiến, làm những việc lớn lao hoặc nhỏ bé cho gia đình, đất nước, xã hội. Stephen cứ day dứt về việc trong khi bạn bè ở trường đại học đối diện với những cuộc bố ráp và những trận tấn công của quân đội Nhật Hoàng, trong khi mẹ và các em lo lắng không biết khi nào thì nơi mình sinh sống bị chiếm đóng, thì cậu lại ở đó, một nơi an toàn, tránh xa bom đạn và chiến tranh, ngày ngày có cơm ăn đủ đầy và có không gian yên tĩnh để ngơi nghỉ.
Nhưng cuốn sách này đã chỉ ra rằng, dù là bệnh tật về thể chất hay tinh thần thì con người cũng cần những quãng sống khác biệt trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Dù chỉ là để ngẫm và nhìn ngắm đời sống.
“Nothing had given me more solace those first few days I was in Tarumi than sitting in the garden. In it, life seemed to have stopped, and a separate life containted itself in its beauty.”
Hai là dẫu trong quãng nghỉ ấy ta chẳng làm gì thì cuộc sống xung quanh cũng sẽ có nhiều cách tác động đến ta, bằng những trải nghiệm hay những cuộc gặp gỡ, khiến ta phải suy tư và trưởng thành từ đó.
Một quãng ngắt để làm những việc mà bản thân chưa bao giờ làm, hoặc muốn làm mà chưa có cơ hội – với Stephen là vẽ tranh, là khám phá vùng đất nhỏ mà cậu hay tới thăm khi thơ bé. Hay là khám phá một cuộc sống khác, tách biệt khỏi cuộc đời quen thuộc của mình – với Stephen là biết thêm về người quản gia già cô độc, về những mối quan hệ của ông và câu chuyện cuộc đời ông… Tất cả những trải nghiệm này biến đổi Stephen.
“He showed me that life is not just from within, it extends all around you, whether you wish it to or not.”
Điều thứ ba mà tôi nghĩ tới là ai rồi cũng phải quay lại trần gian. Dẫu là Từ Thức hay Stephen thì rồi cũng phải quay về với đời sống thực và đối mặt với những rối ren trong nó, những hỗn loạn, điên rồi và bất trắc của nó.
Stephen phải quay về đối diện với cuộc chiến đang diễn ra trên đất nước mình, với khúc mắc của cha và mẹ. Nhưng, quãng lặng đã tạo ra trong lòng Stephen một khu vườn, như khi cậu ngồi trước khu vườn của người quản gia. Khu vườn giúp tâm trí Stephen yên bình hơn, thông suốt hơn. Nó như chiếc mỏ neo giúp Stephen không bị sóng gió xô dạt. Nó cũng giống như cách bà Sachi tìm thấy an ủi trong khu vườn đá, hay Matsu tìm thấy nỗi khuây khoả ở khu vườn chính mình tự tay chăm nom.
Cuộc gặp với Sachi, Matsu, Keiko hay Kenzo cho Stephen hiểu hơn về cuộc sống. Bằng việc tham gia vào một lát sống nhỏ nơi ngôi làng hiu quạnh, tâm hồn và suy nghĩ của Stephen trưởng thành. Cậu hiểu ra dẫu ở đâu thì cuộc sống vẫn trôi và con người vẫn sẽ tìm được cách để trôi đi trong nó, mặc những hỗn loạn, điên rồ và bất trắc, mặc những nỗi đau, những giọt nước mắt… Ai cũng cần học cách tìm cho mình niềm vui và hạnh phúc; mỗi người phải tự tạo cho mình một khu vườn để an tĩnh giữa bão giông.
“Matsu once told me the bridge represented the samurai’s difficult path from this world to the afterlife. When you reach the top of the bridge, you can see your way to paradise. I feel as if the past few days have given me a glimpse of that. To simply live a life without fear has been a true paradise.”
Nhắc tới giông bão tôi lại nhớ về chi tiết cơn bão quét qua khu vườn của Matsu và tàn phá nó. Một suy nghĩ đến với tôi: mỗi người, rồi sẽ tới một lúc, cần bắt tay vào gây dựng một khu vườn mới khi khu vườn cũ hoang tàn trước bão giông cuộc đời. Dẫu công việc có khó khăn tới đâu, hãy lại dựng xây một khu vườn đẹp.
Bão giông là điều không thể tránh khỏi. Đôi khi nó tràn tới hết đợt này tới đợt kia. Nhưng con người cần đứng vững và tự tay dựng lại khu vườn của riêng mình, một lần nữa xây nên chốn an lành để nương náu khi giông tố. Chính khi cơn bão quét qua, khu vườn bị phá huỷ, Matsu và Sachi phải đối diện với một nỗi đau mới, một thử thách mới trong cuộc đời họ. Và rồi, họ chung tay dựng lại khu vườn. Khu vườn mới vẫn mang dáng dấp của khu vườn cũ, nhưng họ biết, nơi đó đã nhiều đổi khác và tâm hồn họ sẽ lại tìm được an lành trong nó.
“Even if you walk the same road a hundred times, you’ll find something different each time.”
*
“I knew all the praying in the world wouldn’t stop the war from continuing, or make my parents love each other again. I wanted to leave a message on the wall by the altar, tacked alongside all the other hopeful requests so that even if I never returned to Tarumi, something of me would remain.”
Có thể, Stephen chẳng để lại gì nơi Tarumi nhưng chắc chắn Tarumi đã để lại nhiều dấu ấn trong tâm hồn cậu. Mà cũng đâu thể nói không để lại gì, sự hiện diện của Stephen nơi ngôi làng đã khuấy động những tầng lớp sâu lắng dưới mặt nước tưởng như êm đềm, và chắc chắn những khuấy động ấy cũng tạo nên những lớp sóng vang vọng vào tâm hồn những con người nơi đây. Stephen chia tay Sachi và Matsu, cậu rời căn nhà nép bóng trong khu vườn, bước lên con tàu đưa cậu về thực tại cuộc sống mình. Và câu nói của Matsu có vẻ cũng thật hợp cho Từ Thức ngày ông trở về trần gian.
“- I hope the war…
– It is another life. It will never have anything to do with us. I wish you a safe journey, Stephen-san.”
*
Tôi đọc cuốn sách này trước thềm 2021 – năm mà tôi coi là bản lề trong cuộc sống của mình. Tôi lựa chọn 2021 làm năm thực hiện những dự định mà bản thân luôn ấp ủ suốt sáu năm qua. Tôi chọn 2021 làm quãng sống khác trong cuộc sống của chính mình, một quãng ngơi nghỉ để nhìn sâu hơn vào con người mình, quãng rời bỏ cuộc sống thực tại với cơm áo gạo tiền để làm những điều tưởng chừng thật vô nghĩa lý. Tôi rất vui khi đọc The Samurai’s Garden để mở đầu một năm mới ý nghĩa như vậy. Và cũng chính bởi những dự định ấy của mình mà tôi đã diễn giải nội dung cuốn sách này theo suy nghĩ cá nhân. Nhưng dầu sao, việc đọc và cảm nhận mỗi cuốn sách lúc nào mà chẳng tùy thuộc suy nghĩ và trải nghiệm sống của mỗi người đọc?!