Bài viết
Trang chủ » Đường rừng » [Pu Si Lung] Phần 3 – “Bên kia đỉnh dốc” đúng là người ta chỉ đồn thế thôi!

[Pu Si Lung] Phần 3 – “Bên kia đỉnh dốc” đúng là người ta chỉ đồn thế thôi!

Tiếp theo phần trước… Buổi sáng ngày thứ hai của hành trình leo Pu Si Lung đang dần kết thúc. Chúng tôi miệt mài bò lên dốc, qua những triền cỏ cháy, rừng đỗ quyên, rừng trúc. Sau hơn bốn tiếng đồng hồ, cột mốc 42 đã gần lắm rồi…

(Ảnh do chị Hương chụp)

Những con dốc đầu tiên trong ngày nhanh chóng chia đoàn chúng tôi thành các tốp riêng rẽ. Tới khi kết thúc con đường cỏ cháy thì nhóm đi chung với tôi chỉ còn bốn (và con số này sẽ duy trì cho tới lúc chúng tôi về lại bãi trại vào cuối ngày), gồm Quân – cậu porter người Dao (đây cũng là lần đầu tiên Quân leo Pu Si Lung nên tính ra cậu cũng… mù tịt như chúng tôi; chỉ là, cậu có kinh nghiệm đi rừng hơn và có vẻ cậu được nghe sơ qua về con đường này rồi), chị Hương (đi cùng tôi từ khi xuất phát ban sáng), Tuấn Anh (nhóm chúng tôi “nhặt” được cậu trên đường khi cậu rớt lại khỏi tốp trước do đói và đau bụng) và tôi.

Con đường có phần thoải hơn trước, đỗ quyên dần nhường chỗ cho trúc. Chưa bao giờ tôi được đi giữa một rừng trúc mọc cao và ken dày tới vậy. Nếu ở rừng đỗ quyên, dưới chân chúng tôi là thảm hoa, thì sang tới rừng trúc, tấm thảm dưới chân được thay thế bằng hàng ngàn vạn những lá trúc khô rơi rụng. Bước chân lên nghe xào xạc và êm ái. Thi thoảng, nắng len qua tán trúc, phủ lên thảm lá những chùm hoa nắng vàng.

Chị Hương cắm cúi bước trên con đường đỗ quyên đã dần thoải, sắp bước vào rừng trúc
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu, lả lả cành hoang…”, có điều nắng chưa trở chiều

Quân đi đầu và khi vào đến rừng trúc thì càng lúc cậu càng đi nhanh hơn. Con đường quanh co, nhỏ xíu chạy trong lòng những thân trúc mọc san sát. Quân đi trước tôi có một đoạn ngắn mà gần như tôi chỉ kịp thấy bóng cậu khuất sau những khúc quanh. Một lúc, gặp được Quân, tôi kịp nghe cậu nói sắp tới cột mốc 42, rồi cậu lại mất dạng. Hoá ra tới rừng trúc là gần tới cột mốc nên Quân đẩy nhanh tốc độ. Đã gần mười giờ. Chúng tôi mất hơn bốn tiếng để di chuyển từ điểm trại lên tới gần mốc 42, trong khi với những ngọn núi khác thì thời gian bốn tiếng là đủ để chúng tôi tới đỉnh và ăn trưa!

Nhóm chúng tôi tới cột mốc 42 lúc mười giờ rưỡi.

Nhóm trước đó – nhóm dẫn đầu đoàn – lên trước chúng tôi ba mươi phút. Nhóm tôi đến nơi thì họ đã ăn trưa gần xong và chuẩn bị lên đường. Chúng tôi tranh thủ vừa ăn vừa chụp vài tấm hình với cột mốc 42 – một trong những điểm mốc đáng giá trên đường leo. Mốc 42 là mốc giới cao thứ hai của Việt Nam, ở độ cao 2866m (độ cao này xấp xỉ đỉnh Tà Xùa – 2865m – núi xếp vị trí thứ 13 trên bảng các đỉnh cao tại Việt Nam). Một thông tin ngoài lề là cột mốc cao nhất là mốc 79, nằm trên đường leo Khang Su Văn (tôi đã được rủ rê leo núi này và chắc chắn khi có cơ hội sẽ leo. Sao không cơ chứ?!).

Nhóm bốn người chúng tôi chụp vội tấm hình trước khi lên đường

Tôi (áo hồng) mê mải ăn cho kịp giờ lên đường. (Ảnh do Thu chụp)

Sau khi ăn trưa bằng cơm nắm, thịt kho và xúc xích, chiêu thêm chút nước lọc và tráng miệng bằng táo, chúng tôi mau mải thu dọn để rời 42 lên đỉnh. Theo lời porter đi trước, từ mốc 42 tới đỉnh phải mất thêm ba tiếng đồng hồ nữa. Còn đường thì, tất nhiên, vẫn không bớt dốc đi chút nào. Có lẽ chỉ dốc hơn mà thôi!

Trúc tiếp tục ken lối. Sau đó là trúc mọc xen với đỗ quyên cổ thụ. Những thân cây đỗ quyên xù xì và xanh rờn một loài dây leo bám kín. Vài đoạn, hai bên con đường mòn nhỏ mọc đầy một loài cỏ lá dài, trông giống lá cây tóc tiên, màu xanh non rực lên dưới nắng. Đôi chỗ, những cánh hoa hồng quang màu hồng rụng đầy trên thảm cỏ ấy. Vài bông hoa trà màu trắng sữa, vài bông đỗ quyên điểm xuyết vào bức tranh hoa cỏ làm chúng tôi vừa bước mau, vừa thích thú ngắm nhìn.  

Rừng vẽ nên những bức hoạ tuyệt sắc mà chẳng ống kính vội vàng nào ghi lại được

Dốc lên rồi lại dốc xuống. Dốc xuống rồi dốc lại lên. Bây giờ thì tôi đã thấm thía câu nói của leader rằng: đường từ 42 lên đỉnh Pu Si Lung oải lắm. Oải thật. Ơ nhưng không oải bằng lần đi Pờ Ma Lung cơ, dù rằng đường leo Pu Si Lung dài hơn. Chẳng hiểu sao?! Có lẽ do cảnh vật ở Pu Si Lung đa dạng hơn, kỳ vĩ hơn chăng? Xung quanh hết trúc lại đỗ quyên, hết hoa lại cây, thay đổi liên tục, chẳng lấy gì làm chán để mà oải. Hoặc có thể, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý để đối mặt với con đường dài dặc này, nên lòng không nản, cứ thu vén hết sức lực mà bước lên.

Đường chúng tôi đi chạy men một dải dài trúc bị phạt đổ, kéo từ dốc này qua dốc nọ. Đi được một lúc mới ngẫm ra đây có khi là đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có lẽ biên phòng chặt trúc để đánh dấu con đường biên ải nơi xa xôi cách trở này chăng?! Một đoạn, giữa rừng cây âm u, quay sang phải nhìn xuống một con dốc, thấy những cành cây bị chặt ra, đan vào nhau, như một loại ba-ri-e chắn đường. Hẳn rồi, chúng tôi đang bước đi trên chính đường biên giới. Bên trái đường là Việt Nam, bên phải là Trung Quốc.

Lên dốc rồi xuống, xuống dốc rồi lên. Chúng tôi len lỏi trong những tầng tán cây rừng rậm rì.
Con đường trúc bị phạt đổ kéo dài từ dốc nọ tới dốc kia
Đường quanh co lẩn khuất trong cây

Gần một giờ chiều, cuối cùng cũng tới điểm cắm cờ đánh dấu đỉnh. Không có chóp. Chỉ có một viên đá nhỏ có khắc chữ Pu Si Lung đặt dưới cây cờ Việt Nam đang phần phật trong gió. Chẳng dám nấn ná lâu, chúng tôi thay nhau chụp vài tấm ảnh kỷ niệm…

Những tấm hình chụp vội trên đỉnh
Nằm tạo dáng chứ đâu có thời gian mà ngủ
Tôi chụp cùng Thu – người bạn huyền thoại!
Anh Ngọc, Thu và tôi – thành viên của đoàn Pờ Ma Lung năm trước

Đi lên rồi sẽ phải đi xuống. Hành trình xuống núi gian nan chẳng kém đi lên. Rời đỉnh được hơn một tiếng, tôi xin mọi người dừng lại cho ăn nốt nửa vắt cơm để dành từ trưa. Chân tay tôi đã rủn ra vì đói, không ăn thì không bước tiếp nổi.

Chúng tôi mất hai tiếng rưỡi để đi ngược từ đỉnh trở lại mốc 42.

Hành trình quay về…
… gian nan chẳng kém khi lên.

Rời khỏi bóng rậm rì của rừng trúc và rừng đỗ quyên cũng là lúc mặt trời xuống thấp. Chúng tôi lao ra những con dốc của miền cỏ cháy khi ánh nắng cuối ngày bắt đầu chuyển màu vàng rực. Trời chiều phủ lên bao la núi rừng một màu tịch liêu. Tôi có cảm giác như mình đang chạy đua với mặt trời, dù biết dẫu có đi nhanh cách mấy cũng không kịp xuống hết những con dốc này trước khi trời tắt sáng. Chênh chếch phía trên cao, nơi khung trời mang sắc xanh dịu nhẹ, không bị màu vàng nắng của mặt trời tàn ngày làm vẩn, vầng trăng thượng huyền như mảnh ngọc đính lửng lơ.

Ra tới triền cỏ cháy, Quân và tôi bước mau
Trăng thượng huyền, trăng mười bốn chênh chếch, bé xíu nơi góc trời.
“Trời chiều bảng lảng…
“… bóng hoàng hôn”

Chạy. Bước chân tôi cứ thoăn thoắt lướt trên đất sỏi, băng qua những thân cỏ đổ ngả nghiêng.

Quân cũng đi nhanh, cách tôi một đoạn xa. Chị Hương mệt, thi thoảng dừng lại nghỉ và chụp hình, nhưng vẫn cố lao theo Quân và tôi. Đi phía sau cùng là Tuấn Anh. Khi chúng tôi lao vào vòng ôm rậm rì của đám cỏ cao lút đầu người – đoạn đường cuối trước khi về tới điểm trại – cũng là lúc những tia nắng cuối cùng khuất lấp sau núi non trập trùng.

Bầu không se sẽ lạnh khi chẳng còn mặt trời thiêu đốt. Mảnh trăng mỏng mảnh lúc mặt trời chưa hạ sơn nay đã đầy hơn, sáng thêm ra, toả rạng trên cao. Cỏ và cây gai chằng chịt, thêm bóng tối mỗi lúc một dày làm chúng tôi di chuyển chậm.

Cứ đi và đi, xung quanh chỉ có tiếng gió và tiếng thân người va vào cỏ xào xạc. Chúng tôi vượt qua hai ba chặng suối trong ánh mờ mờ của những cây đèn pin mang theo, cho tới khi trông thấy ánh lửa rực đỏ giữa đêm đen.

Hét lên.

Về tới rồi!

Về tới nơi là chị Hương và tôi lao ra suối lau rửa, gột sạch bụi cát và mồ hôi của một ngày dài. Con suối đêm tắm trong ánh trăng. Suối lạnh buốt. Nước đổ qua khe đá gầm gào giữa bầu không yên ắng của rừng đêm…

Ăn tối xong, tôi ngồi lại bên đống lửa một lúc để ghi chép rồi chui vào lều nằm, né hơi lạnh càng về đêm càng buốt. Chúng tôi ai cũng đang ngóng đợi những người bạn của mình vẫn chưa về tới trại. Thời gian cứ thế trôi dần vào đêm. Mãi cho tới khi nghe tiếng gọi của những thành viên cuối cùng về tới nơi, tôi mới ló ra chúc mừng họ, rồi chui trở lại mà chập chờn vào giấc…

Đó là khi hành trình Pu Si Lung dần khép lại, và “Chỉ còn những mùa nhớ” – phần cuối.

3950cookie-check[Pu Si Lung] Phần 3 – “Bên kia đỉnh dốc” đúng là người ta chỉ đồn thế thôi!
Từ khóa : pu si lung 2020
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *