Ở phần trước, tôi đã nói về: “thanh thế” của Pu Si Lung và tâm thế của tôi trên đường khám phá ngọn núi này. Phần này, tôi muốn tới với câu nói của leader dành cho chúng tôi khi kế hoạch Pu Si Lung mới chỉ tồn tại trên ý tưởng: “Núi ấy chẳng có gì đâu. Núi không có view, không có cảnh đẹp!”.
Lúc nghe câu này, tôi chẳng lấy làm nhụt chí. Đơn giản là quan điểm “đẹp” của mỗi người khác nhau. Và theo kinh nghiệm cho thấy, dù “xấu” thế nào (theo lời leader) thì tôi cũng tìm ra được cho mình điều gì đó để mà thưởng thức. Ừ thì, câu nói nổi tiếng luôn là “quan trọng không phải là đích đến mà là cuộc hành trình” đó thôi! Tôi luôn tìm được cách tận hưởng hành trình của mình và ngắm nhìn những cảnh sắc lần đầu con mắt được nhìn ngắm.
Nhưng lần này (hay như bao lần khác) leader của chúng tôi nói sai bét cả.
Chúng tôi may mắn lên Pu Si Lung đúng mùa xuân. Đào, đỗ quyên, hồng quang… muôn thứ hoa khoe sắc dọc các sườn núi và trên đường chúng tôi qua. Hoa nở trên đầu và hoa trải dưới chân cho tôi cảm giác như bước vào miền cổ tích. Những dốc cao của ngọn núi nằm nơi biên ải này ghi tạc vào trí tôi những cảnh sắc đẹp ngỡ ngàng, nhen lên trong tim tôi những xúc cảm bồi hồi vẫn còn vương mãi tới bây giờ, và sẽ còn tới muôn sau, mỗi khi tôi nhìn lại những tấm hình ít ỏi của chuyến đi ngày ấy.
Hành trình leo Pu Si Lung kéo dài ba ngày. Vì muốn bảo toàn thời gian cũng như sức lực cho cả đoàn, chúng tôi thống nhất di chuyển lên Sa Pa trước một ngày bằng xe giường nằm và trong chiều tối hôm đó sẽ lên hai chiếc ô tô 16 chỗ, vượt quãng đường 200km sang Mường Tè (Lai Châu). Chúng tôi nghỉ đêm tại thị trấn Mường Tè và sáng sau khởi hành sớm, vào điểm leo cách trung tâm thị trấn hơn 30km.
Chuyến xe giường nằm từ Hà Nội lên Sa Pa ngang những triền núi xanh thẳm, điểm những tán hoa gạo đang vào mùa “đỏ rực trời đốt cháy tháng Ba” (ý thơ trong bài Mùa hoa gạo của Gió Phương Nam). Chúng tôi tới Sa Pa khi trời chiều dần buông nắng. Kế hoạch là khởi hành ngay, tới Lai Châu ăn tối, nhưng bởi vài trục trặc, chúng tôi buộc phải ở lại Sa Pa ăn xong mới rời đi.
Con đường từ Sa Pa sang Mường Tè sẽ chẳng có gì đáng nói nếu nó không vừa dài, vừa quanh co, nhiều đèo dốc, và đi trong đêm thì càng thấy thời gian như lê thê thêm. Rời thành phố Lai Châu một đoạn, chúng tôi dừng đón các anh chị porter người Dao. Xe ngả nghiêng theo đường đèo vòng quanh. Tôi cố ngủ. Bởi biết nếu không ngủ thì con đường này sẽ làm cho bữa tối trong bụng tôi không yên được. Nhưng ngủ cách mấy thì cũng tỉnh. Và khi vừa đặt chân tới thị trấn Mường Tè, quãng độ qua nửa đêm, tôi đã gửi lại hết thành quả bữa tối như quà gặp mặt cho vùng đất xa xôi nơi biên viễn lần đầu mình đặt chân tới.
Theo lời của leader, người đã leo Pu Si Lung trước đó vài năm, quãng đường của cả ba ngày leo đều rất dài. Ngày nào cũng có nguy cơ phải đi trong đêm tối. Nhưng hoá ra ai rồi cũng đổi khác, Pu Si Lung chẳng phải ngoại lệ.
Từ đồn biên phòng Pa Vệ Sử đi sâu vào trong, đường đã được san lấp và rải đá sỏi bởi địa phương đang thi công một công trình thuỷ điện phía trong này. Chúng tôi xuống xe ở con suối lớn mà trước đây từng có một cây cầu treo chênh vênh – một trong những thử thách thuộc hàng khó nhằn mà leader cảnh báo từ trước. Chẳng còn cầu treo. Suối cũng chẳng lớn hay chảy siết như chúng tôi được nghe kể. Đoàn rút ngắn được quãng đường trước kia phải leo mất nửa ngày mới tới nơi. Đó là lý do ngày đầu tiên chúng tôi tới điểm hạ trại khi mặt trời chỉ vừa mới khuất nẻo đằng xa…
Sau khi ăn trưa dưới tán rừng rậm rạp kề con suối nước trong vắt, chúng tôi bắt đầu vượt những con dốc đầu tiên, đối mặt trực tiếp với cái nắng gay gắt và bỏng cháy của trời tháng Ba chờn vờn mây. Dốc cứ chạy lên cao mãi, ngoằn ngoèo. Đất dưới chân nứt ra. Bụi cát mù lên sau mỗi bước đi. Hơi nóng mặt trời phả xuống, hơi nóng của đất bốc lên. Đoàn chúng tôi bắt đầu tan tác, chia thành đôi ba tốp. Các anh chị người đồng bào lưng đeo những gùi đồ to nặng cũng chậm chạp cùng chúng tôi lê bước.
Lưng chừng một con dốc nắng xối xả. Chúng tôi xúm vào dưới một tán cây thưa ngồi nghỉ mệt. Ngẩng mặt nhìn ra, tôi thấy núi điệp trùng trải trước mắt. Chẳng rõ mình đang ở vị trí nào trên bản đồ. Chẳng rõ mình đang nhìn về đâu. Cũng không biết dãy núi phía bên kia tên gì. Chỉ thấy dải núi chạy dài, mấp mô, kỳ vĩ, ẩn chứa trong màu xanh thẳm của mình tất cả những huyền diệu, những bí mật, những lời mời gọi. Và hẳn là, nếu đứng từ phía kia nhìn sang, một người lữ hành mệt nhọc dừng chân trên con lộ cũng sẽ thấy một khung cảnh giống như tôi đang thấy: núi trải dài, tít tắp, xa vời, bí ẩn.
Người ấy có khi cũng tự hỏi bên đó có gì.
Một câu hỏi rơi vào thinh không.
Chỉ có tiếng gió vi vút tầng cao, xào xạc tầng cây, đáp lại những bâng khuâng.
Sáng ngày thứ hai, chúng tôi gọi nhau dậy khi mặt trời còn chưa ló rạng. Trong hơi lạnh của núi rừng ban sớm, chúng tôi xì xụp húp những bát mì tôm nóng hổi nấu với rau cải và xúc xích, mau mải ăn cho kịp giờ lên đường. Ngày hôm nay là ngày dài nhất. Và chúng tôi cần xuất phát lúc 5h. Vậy mà 5 rưỡi nhóm đầu tiên mới lục tục khởi hành. Lại len qua những thân cỏ cao lút đầu người, chúng tôi đi về phía những triền dốc chạy về tít tắp…
Mặt trời bắt đầu lên, nhuộm vàng triền cỏ cháy. Có những đoạn cỏ đã cháy đen hết cả, chúng tôi bước thẳng lên những gốc cỏ trơ trụi mong rút ngắn con đường mòn zích-zắc. Ngày hôm trước, thi thoảng trên đường chúng tôi được thấy đôi ba tán đào rừng nở hồng rực, khoe sắc bên một triền núi chênh vênh. Thì hôm nay, đứng từ những con dốc nơi triền cỏ nhìn ra xung quanh, chúng tôi thấy nhiều hơn, rõ hơn những tán đào rừng như thế. Những đốm hồng lớn điểm xuyết trên nền xanh thẳm của rừng. Một đoạn đường đổ xuống suối, tôi ngước mắt lên thấy cành nhánh của một cây đào xoè rộng trên đầu. Hoa đào rơi rụng dưới chân, mỏng manh và tan tác trong dòng nước.
Đi hết những dốc cỏ cháy vừa lúc mặt trời lên hồi gay gắt, chúng tôi bước vào dưới tán xanh mát của rừng đỗ quyên. Con đường lên đỉnh Pu Si Lung bắt đầu mở ra cho chúng tôi những bí mật đẹp tuyệt vời của nó. Đỗ quyên trắng, đỗ quyên hồng, những cánh hoa phơn phớt, nở từng chùm, những bông hoa rơi rụng biến mặt đất thành một thảm hoa. Cây đỗ quyên nào cũng cao vút. Thứ tôi thích nhất ở những rừng đỗ quyên là khi ngước mắt nhìn lên, sẽ thấy cành nhánh đỗ quyên đan cài như dệt một tấm mạng che đi khoảng trời nắng chói trên cao.
Cắm cúi đi… cắm cúi leo… Chúng tôi không biết rằng…
Phần tiếp: “Bên kia đỉnh dốc” đúng là người ta chỉ đồn thế thôi!