Bài viết
Trang chủ » Chuyện » Nhật ký Huế - 2021 » Ngày 16 – Về nơi cũ học điều mới

Ngày 16 – Về nơi cũ học điều mới

Huế, ngày 26 tháng 7 năm 2021

Tôi thích trở lại những nơi chốn cũ. Khi con người ta thay đổi, cách ta nhìn thế giới cũng đổi thay. Trở lại một nơi chốn quen có thể mở ra cho ta một khung cảnh lạ và gieo vào đầu óc ta những suy nghĩ mới.

Tôi vẫn luôn nghĩ về điều này. Chẳng phải hiện thực của mỗi người là khác nhau sao? Chúng ta tri nhận thế giới quanh mình bằng giác quan và kinh nghiệm riêng có, cách ta nhìn thế giới phụ thuộc vào cách ta tư duy. Tư duy một con người thì, hẳn, chẳng bao giờ đứng yên. Ở đây tồn tại một phản ứng hai chiều, một sự tương hỗ. Ta thay đổi, thế giới thay đổi; thế giới thay đổi, ta thay đổi. Cứ thế tiếp nối, ta trở thành một con người mới hơn, và hi vọng là, tốt hơn ngày hôm qua.

Nghe có trừu tượng quá không? Tôi chỉ đang gắng diễn giải kinh nghiệm của chính mình. Ngày hôm nay tôi trở lại Hiếu Lăng – lăng mộ của vua Minh Mạng. Và ở nơi ấy, tôi nhận ra ngôi lăng mộ đã khác và chính tôi cũng khác.

Hiếu Lăng là lăng mộ của một vị vua triều Nguyễn đầu tiên tôi ghé thăm, cách đây năm năm, khi lần đầu tiên đến Huế. Ở nơi ấy, tôi có một cuộc trò chuyện vô cùng thoải mái nhưng không lấy gì làm tự hào, có phần xấu hổ là khác, dẫn tới một lời tự hứa. Lại một lời tự hứa khác với Huế! Tôi có với Huế quá nhiều lời hứa và cho tới giờ hình như mới chỉ thực hiện được dăm ba.

Chuyện bắt đầu bằng lời đề nghị của anh chị chủ homestay của tôi. Sáng đó, một vị khách người Hong Kong của nhà đăng ký tour tham quan vài điểm di tích bằng xe máy. Nói là tour tham quan nhưng kỳ thực anh xe ôm chỉ làm nhiệm vụ chở khách tới các điểm, rồi đợi bên ngoài và để khách tự vào. Anh chị chủ nhà đề xuất tôi chạy xe theo họ, tôi vừa đỡ khoản tìm đường, vừa có thêm một người bạn đồng hành. Một lời đề nghị quá tuyệt vời, sao mà không đồng ý cơ chứ?

Chúng tôi lên đường như thế, men theo con lộ chạy bên bờ sông Hương, hướng về một trong những khu lăng mộ bề thế bậc nhất tại Huế. Tôi và vị khách người Hong Kong (quả tình phải xin lỗi chú vì tới giờ tôi không còn nhớ tên chú là gì) cùng đi dạo, chụp hình và trò chuyện. Chú chia sẻ với tôi rằng chú thích những thành phố như Huế, ở đó có lịch sử, có những câu chuyện để chú tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Thiên nhiên như rừng hay biển, chúng ta có thể tìm kiếm ở mọi nơi, cảnh vật có thể giống hoặc khác, nhưng lịch sử thì chỉ thuộc về vùng đất đó mà thôi. Tôi buộc phải thú nhận với chú rằng tôi hoàn toàn không biết gì về lịch sử chính đất nước mình. Đứng nơi nhà bia của lăng vua Minh Mạng mà tôi nói với chú: tôi không có kiến thức gì về địa điểm chúng tôi đang tham quan đây, không biết đây là vị vua thứ mấy của dòng họ này và thời kỳ trị vì của ông ra sao…

Phải, lần đầu tiên tôi đã đến Huế như thế. Tôi mua vội tấm vé máy bay vì đơn giản, nó rẻ, và tôi chưa tới Huế lần nào, sao lại không đi? Nhưng tôi mù tịt về mảnh đất này. Tôi biết có những điểm tham quan như thế, có những nơi cần phải đến theo một danh sách dài như thế, nhưng lịch sử, nhân vật, những câu chuyện, huyền thoại, công và tội… với tôi là muôn vàn dấu hỏi. Tôi đứng cùng một vị khách nước ngoài, trên một di tích của đất nước mình, mà không thể kể bất cứ câu chuyện nào về lịch sử, về nơi mình đang đứng, hoặc ít nhất là trả lời được vài câu hỏi đơn giản mà người ấy quan tâm. Thật đáng hổ thẹn!

Đó là khi tôi hứa. Tôi hứa sẻ trở lại mảnh đất này với một cái tôi khác, cái tôi biết về những điều diễn ra nơi đây.

Cổng sau Điện Sùng Ân

Thực ra, trước cuộc tranh cãi về “vấn nạn” học sử của học sinh vẫn chưa bao giờ bớt gay gắt, tôi chỉ nghĩ đơn giản: kệ đi. Khi ai đó muốn quan tâm, hay cần quan tâm thì người đó sẽ quan tâm. Và khi đã quan tâm thì người đó tự khắc mưu cầu tri thức theo cách của mình. Mọi sự ép buộc đều là vô nghĩa, chẳng dẫn tới kết quả có ích nào. Mà, bắt ép mà làm gì khi gia đình, nhà trường và xã hội đều có một quy ước chung về sự thành đạt, đều mong muốn con em mình ra trường làm nghề này nghiệp nọ, ông nọ bà kia; nhưng không gì trong số đó liên quan tới lịch sử?! Hay như lời vị khách người Hong Kong: cháu còn trẻ, tuổi trẻ thường không bận lòng tới những vấn đề này, nhưng rồi sẽ tới một lúc cháu quan tâm thôi!

Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi ghét cay ghét đắng môn sử. Lý do quen thuộc: không hứng thú, thông tin lê thê, không hấp dẫn, không quan tâm, chỉ cần học để thi chứ nhớ làm gì… Tôi còn từng tuyên bố sẽ không bao giờ thích lịch sử và là người xé tan tờ đề cương sử sau khi bước ra khỏi phòng thi tốt nghiệp cấp ba. Tôi cho rằng đời mình thế là không bao giờ giao thoa với lịch sử nữa.

Tôi nhầm. Năm năm sau kể từ ngày ấy, tôi quay ra mê đắm lịch sử. Niềm mê đắm khởi sinh từ giây phút tôi đọc được cuốn tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đủ đẹp đẽ, điêu luyện và cuốn hút để tôi lần đầu cảm thấy nỗi thôi thúc muốn tìm hiểu về những con người mình gặp trên trang văn. Mê đắm ấy càng trở nên một niềm bức thiết sau cuộc chuyện trò ở Hiếu Lăng sáng ấy. Lời thề của tôi ngày tốt nghiệp phải chăng đã trở thành lời nguyền lên chính tôi, một lời nguyền đẹp!

Vậy là, tôi đọc, tôi tìm hiểu, và tôi về Huế. Dần dà, tôi có những cái nhìn đầy đủ hơn về nơi chốn và những con người thuộc về thành phố này. Ấy nhưng, trong những năm vừa qua kể từ lần xảy ra câu chuyện thẹn thùng kể trên, tôi có quay lại Hiếu Lăng một vài lần. Thế mà, chẳng lần nào cho tôi cảm giác như cảm giác tôi thấy vào buổi sáng hôm nay.

Cả khu lăng mộ không người. Vào thời điểm này của dịch bệnh, tôi là vị khách duy nhất. Tôi đi qua Tả Hồng Môn. Tôi đến trước Nhà Bia nơi vị khách người Hong Kong kể tôi nghe về mục đích du lịch của ông. Tôi thơ thẩn trước sân chầu, qua Hiển Đức Môn, Điện Sùng Ân… Tôi lang thang bên bờ nước, nhìn những hàng thông. Tôi đi bộ thăm những gờ tường đổ của một kiến trúc không còn nguyên vẹn sau thời gian và chiến tranh. Tôi gặp vài ba đứa trẻ, hẳn là dân trong vùng, đang háo hức hái những chùm nhãn đầu mùa trên một cây nhãn cổ thụ nơi góc lăng. Chúng tíu tít trò chuyện, chúng mời tôi một đôi chùm. Quả nhãn bé xíu, bằng đầu ngón tay út, vỏ nứt ra, ngọt thơm…

Tôi nhận ra, thứ tôi mang theo bên mình khi ghé thăm lăng vua Minh Mạng ngày hôm nay không phải chỉ có kiến thức lịch sử như tất cả những lần trước đó tôi trở lại. Hành trang của tôi lần này còn là một cái tôi mới, là một cách nghĩ khác so với những lần trước. Tôi của ngày hôm nay đã gạt bỏ được nhiều nỗi băn khoăn, nhiều sự tự ti, nhiều nỗi sợ mơ hồ. Tôi hôm nay bước đi chậm rãi hơn, vững chắc hơn, thay vì mau mải lao vào một cuộc tham quan chóng vánh, vội vã. Sáng nay, lần đầu tôi nhận ra những biến chuyển rõ nét trong con người mình.

Đứng bên bờ Hồ Tân Nguyệt nhìn về phía Huyền Cung

Trước đây, tôi không thích Hiếu Lăng cho lắm. Nơi này không mang nét u hoài trầm mặc như Khiêm Lăng của vua Tự Đức, nơi tôi thích chầm chậm dạo chơi; cũng chẳng có sự kỳ vĩ trong giản đơn và giản đơn trong kỳ vĩ như của Thiên Thọ Lăng. Lần nào đi Hiếu Lăng tôi cũng chỉ bước theo trục thần đạo, xem xét những toà lầu hay hồ nước mình đi qua, rồi tất tả quay ra. Vậy mà sáng nay, sao mà Hiếu Lăng yên bình, thơ mộng và cuốn hút tôi đến thế. Lần đầu tôi thấy thích nơi này đến thế. Cứ như thể tôi đã hiểu nơi này hơn vậy…

Tôi nhìn tôi khác, tự nhiên tôi nhìn thế giới quanh mình khác đi. Và trong cách tôi nhìn thế giới khác đi, tôi thấu hiểu được sự thay đổi bên trong mình, để hướng tới những thay đổi tốt đẹp hơn!

16531cookie-checkNgày 16 – Về nơi cũ học điều mới
Từ khóa : Huế nhật ký Huế
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *