“… một con đường mới được đắp lên, người ta quên bẵng con đường mòn dẫn đến suối và ngọn suối kia dần dần phủ kín dưới lau lách, bụi bờ. Đứng từ xa mà nhìn chẳng còn thấy suối đâu nữa. Và ít khi có ai nhớ đến dòng suối cũ mà từ đường cái rẽ về bên suối vào một ngày nóng nực để uống cho đỡ khát. Nhưng rồi một hôm có người tìm thấy nơi vắng vẻ ấy, rẽ đám lau lách ra và khi thốt lên: dòng nước mát mẻ, trong trẻo lạ lùng đã từ lâu không ai đến khuấy động làm vẩn đục, đang chảy lặng lờ, sâu thẳm, khiến cho khách phải ngạc nhiên. Khách nhìn xuống nước và trông thấy mình, thấy ánh thái dương, bầu trời, những rặng núi. Và khách nghĩ rằng không biết đến những nơi như thế này thật là có tội, phải kể lại cho các bạn bè cùng biết. Khách nghĩ thế rồi quên bẵng đi cho đến ngày thấy lại dòng suối lần nữa.”
– Trích trong truyện ngắn “Người thầy đầu tiên” –
SGK lớp 8 trích dạy với nhan đề “Hai cây phong”
Tôi không nhớ gì về Hai cây phong, cũng chẳng còn chút ký ức nào về bài giảng của những năm thơ trẻ ấy. Đã ngót nghét hai mươi năm qua đi, nhớ làm sao được, những câu văn tưởng như từng in sâu vào tâm trí giờ đây chỉ còn là vài tiếng vang động. Nhưng đọc những dòng trên đây, tôi bỗng thấy sao mà giống việc mình tìm và đọc lại được những dòng văn này đến thế. Một dòng suối trong trẻo bị vùi lấp bởi bao nhiêu năm thời gian và những đổi thay trong suốt chiều dài thời gian ấy, giờ đây lại hiện ra, lấp lánh, vui tươi, sáng ngời và nước suối thì vẫn mang vị ngọt ngào, thanh khiết y nguyên thế.
Những trang văn của Truyện núi đồi và thảo nguyên của nhà văn Aimatov thực sự mang tới cho tôi cảm xúc như người lữ khách đứng bên con suối ẩn mình giữa những bụi lau lách. Những dòng văn này như dòng nước mát, tưới tắm lên tâm hồn, cho tôi cái cảm giác như thể mình đang ngược bước thời gian trở về làm một đứa nhỏ “đầu bù tóc rối” (như cái tên của cô bé nhân vật chính trong Người thầy đầu tiên), ngày ngày cắp sách đến trường và nhìn cuộc đời với bao mộng ước thơ ngây.
Tập truyện “Giamilia – Truyện núi đồi và thảo nguyên” gồm bốn truyện ngắn. Bối cảnh của cả bốn truyện đều xoay quanh thời kỳ Kyrgyzstan thuộc Liên Xô, khi đời sống người dân nơi này bắt đầu có những biến chuyển bởi công cuộc đổi mới ăn sâu và lan rộng trên lãnh thổ, cùng với đó là những tác động của cuộc chiến tranh chống Phát xít Đức mà bóng đen của nó phủ tới tận những vùng thảo nguyên xanh cỏ xa xôi. Ở đây, người đọc được gặp những cậu bé cô bé mới hơn mười tuổi đầu phải làm quen với cuộc sống lao động, cuộc sống phục vụ sản xuất và chiến tranh. Aimatov dẫn người đọc tới những thôn xóm, ngang những làng bản và nhìn vào cuộc đời những con người nhỏ bé sống giữa thảo nguyên và núi đồi bao la hùng vĩ.
Nói một cách công tâm thì truyện của Aimatov rất đơn giản, tình tiết chẳng có gì nhiều để khiến người đọc hồi hộp hay ngóng trông. Nhưng đối với tôi, thứ hút tôi càng lúc càng sâu vào những dòng văn này là cách viết và ngôn từ đẹp đẽ của ông, cách ông hoạ những nét vẽ về núi đồi và thảo nguyên quê hương ông. Và những câu chuyện của Aimatov dẫu giản đơn đấy nhưng ấy là một sự giản đơn rất thấm đượm, rất lay động trái tim. Ông cho ta thấy những mối tình, ông kể ta nghe những oan trái của cuộc đời, ông hoạ lại đôi phận người nổi trôi… Những điều rất bình thường thôi, chẳng có gì to tát, nhưng bằng lời kể dịu dàng, thân tình thủ thỉ, ông như gieo vào lòng tôi những giọt mật ngọt.
Chầm chậm nhấm nháp câu văn, nhấm nháp thứ mật ngọt ông bày ra trên trang giấy, tôi thấy mình vừa buồn vừa vui theo số phận nhân vật, lại vừa hạnh phúc ngắm nhìn những cánh đồng cỏ và những dãy núi cao nơi xa xôi Kyrgystan và ngẫm ngợi về ý nghĩa của đời sống, về sức sống, về cách sống của những con người nơi đây hiện lên qua ngòi bút Aimatov. Truyện núi đồi và thảo nguyên vẽ nên những bức hoạ đẹp như những hình ảnh long lanh in đáy nước suối và âm vang của những câu chuyện thì còn mãi, thầm thì, lảnh lói như tiếng suối reo vui.