Như tác giả của cuốn sách có nói, đây không phải một cuốn tiểu thuyết, cũng không phải một ký ức cá nhân. Nguyễn Vỹ nói rằng chàng trai Tuấn là “một nhân vật tiêu biểu điển hình cho những chàng trai Việt Nam sinh trưởng trên đất nước từ đầu thế kỷ XX” (ông nói vậy thôi, chứ nhân vật Tuấn vẫn mang trọn những nét của cuộc đời ông). Mà quả tình, khi đọc những trang văn của cuốn sách này, tôi không muốn coi nó là một cuốn tiểu thuyết, lại cũng khó lòng coi nó là thuần ký sự cho được. Có lẽ cứ gọi là một cuốn tiểu thuyết-ký sự, vừa kể theo lối truyện, vừa tường thuật theo lối báo, những sự việc của nước Nam giai đoạn nhiều đổi thay biến chuyển.
Tuấn, chàng trai sinh ra nơi một làng quê nghèo tỉnh Quảng Ngãi, có cha làm thợ mộc, có người anh trai cũng tên Tuấn. Số là, theo đúng lời kể của cuốn sách này, trẻ con thời bấy giờ làm chi có tên khai sinh, chẳng việc gì phải làm một tờ giấy khai sinh để cần một cái tên chính thức. Trẻ con đẻ ra thường được cha mẹ gọi bằng một cái tên nào đó thật xấu, mong cho nó có thể được khoẻ mạnh lớn lên không bị ma quỷ nhòm ngó tới.
Như anh trai của Tuấn trước khi là Trần Anh Tuấn thì mang tên Chuột. Chú bé Chuột đến tuổi, được ông giáo của trường nhà nước trong tỉnh (đe doạ cha mẹ) khuyên đi học chữ Quốc ngữ, chữ Tây. Bố mẹ Chuột sợ nhà nước bỏ tù mà cho con tới trường, lại phải nghĩ một cái tên thật hay để ở trường thầy giáo gọi, ấy cái tên Trần Anh Tuấn – do thầy giáo đặt – theo Chuột như thế. Tới chú bé em, bố mẹ đều ít chữ ít học, không biết phải đặt tên gì kêu, tên gì đẹp, thôi thì thể theo nguyện vọng của nó mà để nó mang tiếp tên Tuấn, với hi vọng thừa hưởng được nết học tốt của anh Tuấn của nó. Vậy là, Trấn Tuấn tiến vào câu chuyện đời mình như thế.
Cuốn sách “Tuấn, Chàng trai nước Việt” gần một nghìn trang của Nhà xuất bản Văn Học là in gộp hai tập sách của bộ sách cùng tên này. Hai tập, một nhân vật, nhưng lại hướng tới hai chủ thể nội dung có đôi chút khác biệt.
Ở tập đầu, câu chuyện lấy mốc thời gian từ 1900 đến 1927. Tác giả lần lượt kể về cuộc học hành của ba người. Đầu tiên là Lê Văn Thanh – một anh học trò cựu học, vì phải duyên cô con gái ông bá hộ mà quày quả học thêm chữ Quốc ngữ rồi ra làm thầy ký cho quan Công sứ. Kế đó là Trần Anh Tuấn – tức Tuấn anh, từ cậu học trò trường nhà nước của tỉnh, nhỏ con, ham học, được ông Sứ cho học bổng ra Huế, rồi về làm thầy Phán. Sau rốt, cuộc đời được kể lại đủ đầy và dài hơn cả là đời Tuấn em – tức Trần Tuấn, từ lúc đi học cho tới lúc bị đuổi do hô hào bãi khoá ở Quy Nhơn.
Câu chuyện trải ra trong 27 năm, lần lượt lấy bối cảnh ở một vùng tỉnh nghèo Quảng Ngãi, tới Huế, rồi vào Quy Nhơn. Ở tập đầu này, kết cấu tiểu thuyết của cuốn sách rõ nét hơn, các câu chuyện được khéo léo lồng ghép vào nhau, các tình tiết truyện được sắp xếp và lần lượt hé lộ có thắt có mở. Và theo diễn tiến câu chuyện ấy, tác giả lồng ghép thêm về các phong tục của người An Nam, tình hình đời sống dân cư An Nam thời kỳ này…
Người đọc cảm giác bản thân được cuốn đi rất nhanh trên bước đường học tập và trưởng thành của Tuấn anh và Tuấn em, lại cũng được nhìn sâu vào khung cảnh đời sống người dân nước Nam của thời kỳ mà cựu học và tân học, Tây học tranh đấu nhau. Về cơ bản, tập một của cuốn sách này khá cuốn hút và đưa ra được một bức tranh vừa rộng, lại vừa chi tiết, cho người đọc được bước ngược về quá khứ và hiểu hơn về một quãng thời gian nhiều biến chuyển của nước nhà.
“… ta thấy rằng tất cả mọi biến đổi trong thời kỳ ấy đều xảy ra một cách tuần tự lặng lẽ, gần như tự nhiên, không có một áp lực nào thúc đẩy, và cũng không có một trở ngại nào. Không phải một cuộc cách mạng xã hội, mà chỉ là một định mệnh, một sự kiện dĩ nhiên của Lịch sử mà chính những nhân vật đương thời, dù muốn dù không, cũng mặc nhiên công nhận, sẵn sàng để lôi cuốn theo.”
Tới tập hai, sự rộng và sâu vẫn còn, dù hơi tản mác, nhưng sự cuốn hút của một cuốn tiểu thuyết đã mất đi nhiều phần. Tập hai, tác giả đi sâu vào việc kể lại các tư tưởng và các đảng phái tranh đấu tại nước Nam – từ 1927 tới 1945. Hay nói cụ thể hơn, nếu tập một là cuộc phác hoạ đời sống dân cư, xã hội và con người An Nam thì tập hai tập trung vào việc khắc hoạ tình hình “quốc sự” của An Nam những năm biến động trước Cách Mạng tháng 8 năm 1945.
Tác giả tập trung tất cả bút lực của mình vào việc kể lại, điểm tên, phân tích và nêu ra các sự kiện cũng như ý kiến bản thân về các đảng phái cũng như các luồng tư tưởng hiện thời, những làn sóng tư tưởng về quốc gia, dân tộc, độc lập và tự do nhen lên trong lòng người dân An Nam thời bấy giờ. Đan xen vào đó là thông tin về tình hình tôn giáo, văn học, nghệ thuật, một chút về một số các trào lưu. Nhưng quả tình, những sự kể và sự chiêm nghiệm trước tất cả những vấn đề này được trình bày trên trang giấy bằng một phong cách liệt kê, chứ không phải phong cách tiểu thuyết.
Sự khéo léo lồng ghép của tập một đã mất đi, tập hai cứ vậy tường thuật không dứt, để rồi cuối cùng cái hư cấu duy nhất là anh nhân vật Tuấn – mà suy cho cùng có lẽ chỉ hư cấu ở cái tên, bởi hình tượng nhân vật đã dựa trên chính tác giả rồi. Ở tập hai, người đọc cũng không còn được thưởng thức những bức tranh thôn quê hoặc bức tranh đời sống đẹp đẽ, chân thực, như được vẽ trong tập một nữa. Trong tập hai này, tính ký sự lấn át hoàn toàn tính tiểu thuyết. Cuốn sách trở thành một cuốn nhật ký ghi lại mọi xáo động và đổi thay trên khắp tam kỳ nước Việt.
“Xã hội Việt Nam trong khoảng hai mươi năm giữa đệ nhứt và đệ nhị Thế chiến (1919-1939) cũng ở trong tình trạng ấu trĩ của “bệnh tân thời”. Nó muốn vươn mình theo kịp tiến bộ Tây phương, nhưng không đủ phương tiện, yếu tố, cho nên chỉ chuyển động quanh quẩn trong khuôn khổ mong manh, của một xu hướng tân thời chưa có căn bản vững vàng, chưa có phương hướng nhất định.”
Tôi vẫn thích lối kể của tập đầu hơn cả, và có hơi chút uể oải khi phải đọc những trang dài liệt kê trong tập hai. Cá nhân tôi cũng thích những chi tiết sâu sắc về xã hội, dân cư và con người Việt Nam mà tác giả đưa ra trong tập đầu, đặc biệt là những cái nhìn vào tập tục và đời sống của người nông dân của một làng quê mùa hẻo lánh thời đó. Ở tập hai, những thông tin về “quốc sự” kể cũng cặn kẽ và chứa đựng nhiều chi tiết thú vị nhưng những trang viết ấy cho tôi cái cảm giác tác giả đang mau mải thuật lại mọi điều tai nghe mắt thấy, như một nhà báo, chứ không phải một tiểu thuyết gia viết sách như tập một. Nói cách khác, tập hai không còn nét đẹp trang văn như tập một, bởi vậy việc đọc của tôi có phần gắng gượng, cho xong, chứ không còn là ham mê, thích thú nữa.
Nhưng nói đi phải nói lại, cuốn sách này, như chính đầu đề của nó “Tuấn, Chàng trai nước Việt – Chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX”, đã hoạ lại khá rõ nét bức tranh nước Nam những năm đầu thế kỷ trước, từ phong tục, tập quán tới suy nghĩ, tư tưởng. Tôi cho rằng cuốn sách này có giá trị sử liệu cao và vẫn nên được đọc để có thêm góc nhìn về lịch sử và những con người thuộc vào thời kỳ lịch sử ấy.