Bài viết
Trang chủ » Chuyện » Ký ức trên đường » [11.2015] Sáng sương đi ngang Trại sáng tác Tam Đảo

[11.2015] Sáng sương đi ngang Trại sáng tác Tam Đảo

Nhân đọc bài Trại sáng tác Thanh Liệt trong cuốn Tiếng người trong văn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tôi nhớ tới toà nhà mang tên Trại sáng tác mình từng bắt gặp trong lần đầu tiên, mà tính tới nay, cũng là lần duy nhất tôi lên Tam Đảo. Ngôi nhà ấy, ngày đó, chìm khuất trong sương mù mờ mịt vẫn thường bủa vây Tam Đảo. Ngôi nhà cũ kỹ và mang chút gì hoang phế như những dáng nhà dáng tường rào bao quanh gần đó.

Tới nay đã hơn sáu năm kể từ ngày tôi bắt gặp ngôi nhà ấy trên con đường ướt sương. Không rõ ngôi nhà có còn ở đó và người ta có còn dùng tới nó theo cái tên gọi ý vị mà nó mang hay không.


Buổi đó, tôi và Thư – cô bạn vẫn chơi từ cấp Hai chạy xe máy từ Hà Nội lên Tam Đảo trong một ngày chớm đông tháng Mười một. Chúng tôi rời Hà Nội muộn, mãi quãng hơn ba giờ mới tất tả đi. Thành thử, lên tới Tam Đảo trời đã buông bóng chiều thấp lắm. Thêm màn sương mù dày đặc, chúng tôi đi trên con đường đèo ngoằn ngoèo dẫn lên Tam Đảo mà chẳng thấy đâu quá hai mét trước mặt. Tôi cứ dò dẫm lái chiếc xe máy giữa sương mờ, áo ướt đẫm sương.

Chúng tôi nghỉ lại một nhà nghỉ lưng chừng một con dốc. Nhà nghỉ ấy kể cũng hay. Nhà xây ba bốn tầng gì đó, tới giờ tôi cũng khó lòng nhớ rõ. Nhưng nhớ nhất là tầng trệt căn nhà nằm ở đầu một con dốc lên – dùng làm nhà để xe cho khách, qua tầng hai rồi lên tới tầng ba (và có thể còn trên nữa) là những căn phòng nghỉ. Tầng ba mở ra lưng chừng một con dốc khác, nối với con dốc dẫn qua cửa ngôi nhà bằng một khúc quanh tay áo. Cửa sổ phòng chúng tôi nhìn thẳng ra con dốc nối dài ấy. Căn phòng ở lưng chừng lãng đãng, giữa lưng chừng sương.

Ký ức rõ nhất của tôi về Tam Đảo ngày ấy là sương. Sương cứ giăng tràn mọi ngả đường của trấn thị nhỏ nhoi nằm ôm vào núi.

Buổi tối đầu tiên, chúng tôi lút mình trong làn sương vẫn mịt mùng hệt như hồi chiều, càng lúc lại càng đặc dày hơn. Những ánh đèn đường chỉ mờ mờ sáng trong màn sương giăng giăng. Nhưng sương giăng chẳng ướt áo, chỉ hơi buốt lạnh. Tôi và Thư lang thang quanh quất những ngả đường hai đứa tìm được trong sương. Một quãng sân rộng. Một cây cầu. Một nếp nhà bán đồ lưu niệm đã sớm tối đèn. Bữa ấy là một ngày thứ Bảy, thế mà chẳng thấy đông đúc. Phố không xe. Những hàng quán tỏ mờ trong sương.

Đặc sản nơi phố thị lưng chừng núi ngập sương này, như nhiều những phố thị tương đồng khác, là đồ nướng. Chúng tôi tìm tới một quán hàng nằm chon von ở một con dốc, rất tự nhiên, rất ngẫu hứng, cứ đi và tìm thấy. Mùi nướng vẩn lên trong sương làm cuốn chân người du khách. Mùi ấm nồng của những bếp than hồng làm thắm lên nỗi khát khao của lòng người đi trong sương giá. Bữa ăn ấy ra làm sao, chúng tôi đã vãn những chuyện gì, và đã tìm đường về nhà nghỉ như thế nào… những ký ức ấy giờ đây chìm lút trong màn sương mờ dày đặc của ký ức tôi. Màn sương ký ức có khi còn dày hơn cả màn sương Tam Đảo đêm ấy. Đêm ấy tôi vẫn thấy đường và vẫn về được ngôi nhà nghỉ; còn thì, đêm nay, tôi bất lực không tìm được về những miền ký ức đã quá cũ xưa.


Ngày hôm sau, vẫn trong sương, chúng tôi lại đi bộ khám phá những điều mình chưa thấy trong bóng sương đêm, mong cầu một điều gì đó đẹp đẽ giữa ánh sương ngày. Kể, cũng đẹp lắm. Những hình ảnh ấy lưu sâu tới nỗi giờ đây tôi vẫn cảm được nỗi mênh mang và màu cô tịch của khung cảnh mình đã thấy trong sáng sương Tam Đảo ngày đó.

Từ con đường dẫn qua tầng ba căn nhà nghỉ, chúng tôi đi miết lên. Về phía trên con dốc, không còn hàng quán, chẳng có nhà nghỉ và nhà dân cũng thưa thớt. Trong lớp sương mờ thi thoảng ánh lên những tia ban mai, chúng tôi bắt gặp những triền dốc trồng đầy su su. Những giàn su su xanh mướt, non tơ, mơn mởn dưới sương. Con dốc vắng lặng, không một tiếng xe, chẳng một bóng người. Những bậc thang ẩm ướt rêu phong dẫn từ lòng đường đi lên, vươn lên mãi, ngang những giàn giậu su su rờn lên và phơ phất trong những con gió lạnh tràn qua tràn lại nơi sườn đồi dốc núi. Và bên dưới những giàn giậu ấy, một đôi lúc, chúng tôi bắt gặp những nếp nhà.

Nhà hoang.

Nhà không người.

Nhà còn để lại làm một việc gì.

Những ô cửa vỡ, mảnh kính còn trơ trọi mờ đục đi vì bụi bẩn và vì rêu sương. Những gờ tường trốc lở, đen đi vì nước mưa và hơi ẩm đọng lại, vì rong rêu mọc đầy. Mái những ngôi nhà thành nơi cho su su leo mọc.

Con dốc dài chìm trong sương và trong u tịch là thế đó.

Một lần, chúng tôi bắt gặp một dáng người bước lên những bậc thang về phía ruộng su su. Một người chủ vườn đang đi chăm bón lũ cây trồng cứ mởn lên nhờ hơi nước mát lành của sương.

Chúng tôi ngược trở xuống. Xuống mãi. Để rồi dừng chân nơi khúc quanh một con dốc đứng. Quán Gió. Quán Gió trong sương.

Quán Gió nằm nơi khúc quanh, nơi nhìn xuống một khoảng thung lũng mà khi ấy vì sương mờ giăng quá dày mà tôi không thể nhìn thấy chút hình hài, nơi gió núi cứ từng hồi cuốn lên, rít gào, gầm thét, như muốn cuốn đi tất cả những bóng người cô lẻ đang đứng chơ vơ nơi sân quán. Tôi tự hỏi giờ đây Quán Gió có còn nơi ấy? Có còn là dáng quán chơ vơ, không chút đặc sắc, không màu hoa mỹ, chỉ có cái tên quán là toát lên vẻ phiêu bạt non trời ung dung. Nơi dốc bẻ ngoặt ấy giờ đây là gì nhỉ? Liệu là một quán cà phê khác hay đã thành một nhà nghỉ lung linh… Chẳng thể đoán biết được với thời gian và với sự đổi thay của dòng đời.


Từ Quán Gió chúng tôi đã đi đâu, đã đi như thế nào, lại một câu hỏi chìm trong sương mù nữa. Sau Quán Gió, chỉ còn vài dư ảnh.

Sân nhà thờ ướt đẫm, cái nhà thờ mà người ta vẫn hay tới chụp hình khi lên Tam Đảo ấy, cái nhà thờ có những ô lan can gạch.

Một con dốc đứng với vô vàn bậc thang dẫn lên cao. Chúng tôi dừng chân ăn vội một bắp ngô nướng, rồi men theo dốc đi lên. Từng bậc. Từng bậc. Một giàn dây leo nở hoa tím biếc, những kẽ mắt cáo mở ra khu đất hoang hoải mọc đầy cỏ dại.

Con đường cắt ngang dốc dẫn qua những nếp nhà, một trụ sở cơ quan, một công viên có những con đường hoang không ai bước chân làm cỏ đâm tua tủa, và dẫn ngang cả căn nhà tôi đã nhắc ở đầu những dòng ký ức này – Trại sáng tác Tam Đảo.

Khi đi ngang ngôi nhà ấy, tôi đã nhen lên cái ý nếu bản thân ngồi bên trong một căn phòng kia thì sẽ thế nào. Tôi cứ nghĩ mãi và nghĩ mãi, tới mức ngày quay trở về còn ghi lại vào sổ tay của mình – khi ấy tôi chưa có những cuốn sổ hành trình, những dòng viết hành trình ghi chung vào một cuốn sổ tay Kim Long dày hai trăm trang cỡ A6, lúc bấy giờ có lẽ là cuốn sổ thứ ba.

Tôi ghi rằng không biết nếu mình là một nhà văn ngồi trong một căn phòng của trại sáng tác ấy thì sẽ thế nào. Tôi sẽ ngày ngày thức dậy trong sương, mở cửa, ngồi bên bàn viết và nhìn ra lớp sương lãng đãng lênh đênh rồi viết những ra mọi điều trong trí mình. Tôi còn ghi gì nữa nhỉ? Ồ, có lẽ chỉ là một đôi dòng tự hỏi như thế. Một người tưởng ra một điều mộng tưởng.


Sáu năm rồi, thời gian trôi nhanh quá. Cô bạn đi cùng tôi ngày ấy giờ đã lấy chồng và sinh con. Công việc tôi làm ngày ấy giờ cũng đã thành dĩ vãng trong tôi. Những căn nhà tôi bắt gặp trong sương Tam Đảo thuở ấy không biết có còn hay mất, vẫn đứng đó bao năm hay đã bị thay thế bởi một căn nhà khác, to đẹp hơn, hiện đại hơn. Những nếp nhà hoang dưới giàn giậu su su có còn chăng? Sợ rằng không còn, với cái đà đô thị hoá, du lịch hoá như thế này. Và Trại sáng tác. Trại sáng tác có còn ở đó, và người ta có còn đến đó để sáng tác nữa không? Tôi chợt nhớ ra buổi đó là lần đầu tiên tôi biết tới một nơi được gọi là trại sáng tác, lần đầu tôi biết những người nghệ sĩ có thể có một khu “trại” như thế để tới thoả lòng mình. Chắc hẳn vì thế mà hình ảnh ấy cứ lưu sâu trong trí tôi.

Trại sáng tác Tam Đảo. Đó là lần đầu tiên tôi biết có một căn nhà dành cho những người nghệ sĩ tới để đắm mình vào một bầu không lao động của đặc thù ngành nghề họ. Thật đặc biệt. Trại sáng tác trong sương Tam Đảo. Tôi vẫn yêu những hình ảnh mình bắt gặp trong sương ngày ấy. Yêu mãi tới giờ. Cứ muốn nhớ mãi thôi!

25210cookie-check[11.2015] Sáng sương đi ngang Trại sáng tác Tam Đảo
Từ khóa : 2015
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *