Nhân vật “tôi” đang gặp vấn đề như thế nào? Hành trình của “tôi” trong cuốn sách này có ý nghĩa gì và Người Cừu là ai, đóng vai trò ra sao trên hành trình ấy? Tôi sẽ bóc tách lời chú văn chương của Nhảy nhảy nhảy bằng ba trích dẫn trong ba cuốn sách khác của nhà văn Haruki Murakami.
“Nhà văn không phải là người giải quyết vấn đề,
mà là người đưa ra vấn đề.”
– 1Q84
Câu nói này ám ảnh tôi mỗi khi đọc các tác phẩm của nhà văn Haruki Murakami. Và không hiểu vì lẽ gì, câu nói trong trí nhớ tôi đã tự phát triển thêm một vế sau. Tôi đã gắng kiểm tra xem vế sau ấy phát xuất từ đâu, mà hoài công. Có thể, một lúc nào đó cái vế không-rõ-nguồn-gốc nảy ra trong đầu tôi khi đọc những trang văn của Haruki Murakami. Hoặc có thể, nó nằm đâu đó trong những trang văn, và một lần tình cờ tôi tìm ra được rồi ghép hai vế vào với nhau. Giá kể nếu cẩn thận đọc lại từng cuốn sách tôi đã đọc thì biết đâu tôi tìm thấy vế ấy chăng?
Dầu sao thì, vế thêm vào sẽ biến câu phát biểu thành như thế này:
Nhà văn là người đưa ra vấn đề, chuyện kể có nhiệm vụ diễn giải vấn đề – đưa ra lời chú và người đọc có nhiệm vụ giải mã lời chú ẩn tàng ấy.
Tôi xin thú nhận rằng tôi chưa bao giờ hiểu hết văn chương Murakami. Những cuốn sách này khó hiểu. Và nhiều khi mạng lưới những câu chữ đan cài cứ như thể dệt nên một giấc mơ hư hư thực thực, không biết đâu là thực, đâu là hư, khiến tôi lạc lối trong chính những suy luận và diễn giải của mình. Một lời chú quá sức ẩn tàng. Tôi rơi vào mê lộ những hình ảnh và những chi tiết, không biết phải chắp nối chúng ra làm sao. Lần đầu đọc Nhảy nhảy nhảy cách đây quãng độ năm, sáu năm, tôi đã cảm thấy hệt như vậy. Tôi không thể hiểu những sự việc bày ra trên năm trăm sáu mươi lăm trang giấy này, rốt cuộc, muốn truyền tải điều gì. Tôi bất lực. Và tôi đã xếp cuốn sách gọn gàng vào giữa những cuốn “chẳng muốn đọc lần hai”.
Ngày ấy, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm với những nhập nhằng huyền ảo của văn chương Murakami. Trước Nhảy, tôi mới chỉ đọc Kafka bên bờ biển, và ai mà không nghĩ Kafka cũng là một hỗn độn của thực và hư cơ chứ?! Ngày ấy, tôi không hiểu Kafka, cũng không hiểu Nhảy. Nhưng có gì đó trong những trang văn ấy cuốn hút tôi, kéo tôi tìm về phía chúng, nhiều hơn. Tôi bắt đầu đọc thêm. Xứ sở diệu kỳ tàn bạo, 1Q84, Tanzaki Tsukuru không màu, Những người đàn ông không có đàn bà… Tôi đọc gần như mọi cuốn sách của Murakami.
Cớ sự run rủi, tôi tìm về với Nhảy nhảy nhảy. Và không ngờ, lần này, tôi có được cho mình một lời giải. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình hiểu ra một vấn đề, rõ ràng và mạch lạc, xuyên suốt những trang văn. Tôi không biết lời giải của tôi có đúng hay không. Làm sao có thể dám chắc? Bởi giải lời chú văn chương đâu phải như tìm nghiệm một bài toán. Nghiệm của một bài văn hẳn phải là tập hợp của vô số. Người đọc diễn giải vấn đề dựa trên kinh nghiệm và phán đoán của bản thân. Tôi cũng vậy thôi, chẳng thể khác. Tôi giải Nhảy bằng những cuốn sách tôi đọc và bằng cuộc đời tôi sống.
Dẫu đúng hay sai, tôi cũng sẽ trình bày lời giải của mình. Để biết đâu đấy, ai đó có cùng quan điểm với tôi chăng? Lời giải về Nhảy nhảy nhảy của tôi liên quan tới những tác phẩm khác của nhà văn Haruki Murakami mà tôi sẽ cẩn thận trình bày sau đây. Quả tình, lời giải này không hề ngắn gọn chút nào (bạn đã được cảnh báo rồi đấy!).
Đầu tiên, hãy tới với cuộc hội thoại duy nhất giữa “tôi” và Người Cừu trong cuốn sách này. Cuộc hội thoại ấy ẩn chứa mục đích và ý nghĩa nơi hành trình của nhân vật “tôi”.
Đoạn hội thoại này đối với tôi của vài năm trước mù mờ và khó hiểu. Người Cừu là ai? Người Cừu có vai trò thế nào trong cuộc sống của “tôi”? Người Cừu đang khuyên “tôi” làm gì? Tại sao hai người họ lại nói chuyện trong một thế giới tối tăm, nơi có căn phòng lạnh lẽo? Trọng tâm cuộc hội thoại xoay quanh vấn đề gì? Quá nhiều câu hỏi nảy sinh trước chục trang văn chỉ toàn những con chữ sít sịt. Nhưng tôi của bây giờ thì hiểu nó.
Chúng ta cùng đọc lại một đoạn ngắn trong cuộc hội thoại ấy:
– Anhđãđánhmấtnhiềulắm. Rấtnhiềuthứquýgiá. Chẳngphảilỗicủaai. Nhưngmỗilầnanhđánhmấtmộtthứgìđó, anhđánhrơiluôncảmộtchuỗinhữngthứkháccùngnó. Tạisao? Tạisaoanhlàmvậy?
– Tôi không biết.
– Khócóthểlàmkhác. Sốphậncủaanh, hoặcđiềugìđógầngiốngnhưsốphận. Cáckhuynhhướng.
– Các khuynh hướng?
– Cáckhuynhhướng. Anhcócáckhuynhhướng. Bởithế, kểcảanhcólàmlạitấtcảmọithứ, cảcuộcđờianh, anhcókhuynhhướngchỉlàmnhữngchuyệnmìnhtừnglàm, lặplạitấtcả.
– Được rồi, vậy tôi phải làm sao bây giờ?
– Bọntađãnóirồi, bọntasẽlàmhếtnhữnggìcóthể. Cốgắngkếtnốianhlạivớinhữnggìanhmuốn. Nhưngbọntakhôngthểlàmđiềuđómộtmình. Anhcũngphảithamgia. Ngồikhôngkhônglàmđượcgìcả, nghĩcũngchẳnglàmđượcgìcả.
– Vậy thì tôi phải làm gì?
– Khiêuvũ. Anhphảikhiêuvũ. Mỗikhitiếngnhạccấtlên. Anhphảinhảy. Đừngbaogiờthắcmắctạisao. Khiđầuanhsuynghĩlàlúcchânanhphảidừnglại. Dừnglạinghĩalàbọntasẽmắckẹt. Khibọntamắckẹt, anhcũngmắckẹt. Vìvậy, đừngnghĩngợigì, chodùđiềuđócóngốcđếnmứcnào. Anhphảiluôngiữnhịpchân. Anhphảiluônmềmdẻo. Anhphảilàmmềmnhữngbộphậnđangcứngđờtrêncơthể. Phảisửdụngtấtcảnhữnggìanhcó. Bọntabiếtanhmệtmỏi, mệtmỏivàhoảngsợ. Nhưngaicũngvậymà, phảikhông? Chỉcầnđừngđểđôichânmìnhdừnglạilàđược.
Cuộc đối thoại của Người Cừu với “tôi” làm tôi nhớ tới ba trích dẫn trong ba cuốn sách khác của nhà văn Haruki Murakami. Chính ba trích dẫn này giúp tôi luận giải cuộc hội thoại, rồi từ đó đưa ra đáp án về lời chú của Nhảy nhảy nhảy.
Trích dẫn đầu tiên:
“Người ta sinh ra là để sống, phải không nào? Nhưng càng sống mình càng mất đi cái gì đó ở bên trong mình. Và rốt cuộc, mình trở thành trống rỗng. Và mình dám chắc là càng sống, mình sẽ càng trống rỗng hơn. Ở đây có một cái gì đó không ổn. Đời lại cứ phải xoay ra như thế sao? Liệu mình có thể xoay chiều đổi hướng được không?”
– Kafka bên bờ biển
Đặt trích dẫn này vào từ đầu cuốn sách tới cuộc hội thoại với Người Cừu, ta sẽ hiểu rõ hơn cảm giác của nhân vật “tôi” và vấn đề anh ta đang gặp phải. Câu trích dẫn này cũng đặc biệt tương thích với câu nói đầu tiên của Người Cừu trong đoạn trích hội thoại phía trên.
“Anh đã đánh mất nhiều lắm… Khó có thể làm khác, số phận của anh, hoặc điều gì đó gần giống như số phận… Anh có các khuynh hướng…”
Trở lại với hai chương đầu sách, khi nhân vật “tôi” trình bày vắn tắt cuộc sống của anh trong vòng vài năm trở lại đây, ta sẽ nhận thấy cuộc sống của “tôi” đang “trống rỗng” và càng lúc càng “trống rỗng hơn”.
“Tôi” làm một công việc mà bản thân anh gọi là “xúc dọn tuyết”, một công việc anh chẳng ưa thích gì, nhưng anh làm tốt, và “phải có ai làm điều đó chứ”. Tôi gặp một vài biến cố trong cuộc sống, dẫn tới việc anh tự nhốt mình trong nhà liền mấy tháng trời, chẳng giao tiếp hay liên lạc gì với ai. Sau quãng thời gian ấy, “tôi” tìm cách hoà trở lại nhịp sống nhưng đời anh không còn như trước nữa. Anh duy trì một nếp sống không giao thiệp, không thân thiết, không giữ bất kỳ mối quan hệ tình cảm lâu bền nào. Đó chính là những “đánh mất” của tôi.
“… có lẽ so với người cùng độ tuổi mình, tôi còn rất nhiều điều chưa xác định được. Tôi để lại quá nhiều vấn đề dở dang không giải quyết được. Vì vậy hiện giờ tôi đang cố gắng kết nối càng nhiều chuyện càng tốt. Nếu tôi làm được điều đó, có thể chuyện này sẽ được giải thích rõ ràng…”
“Tôi” cũng giống như Kafka (trong Kafka bên bờ biển) cảm nhận được sự trống rỗng bắt đầu lớn dần lên trong mình. Và nhân vật “tôi” sau giấc mơ về một khách sạn cũ, nghe thấy tiếng cô gái anh từng yêu khóc thương cho anh, đã nhận ra có “một cái gì đó không ổn” và anh thấy rằng đã đến lúc mình cần tìm cách “xoay chiều đổi hướng” xem sao.
“Người ta sinh ra là để sống, phải không nào? Nhưng càng sống mình càng mất đi cái gì đó ở bên trong mình. Và rốt cuộc, mình trở thành trống rỗng. Và mình dám chắc là càng sống, mình sẽ càng trống rỗng hơn. Ở đây có một cái gì đó không ổn. Đời lại cứ phải xoay ra như thế sao? Liệu mình có thể xoay chiều đổi hướng được không?“
– Kafka bên bờ biển
Đặt vấn đề như thế này chẳng hạn: nhân vật “tôi” đang ở vào một ngưỡng của cuộc sống mình. Biến cố của bốn năm trước chính là những đứt gãy trong đời “tôi”. Đứt gãy ấy làm thay đổi đời sống anh, làm mất đi một phần nào đó trong con người anh. Đứt gãy ấy là nguồn cơn cho những xa-lánh-đời-sống của anh sau này. Anh cứ ngỡ thời gian đã giúp làm lành những vết thương do biến cố gây ra và anh đã về được với nhịp sống đời thường, dù cung cách sống có khác so với trước. Hoá ra không phải. Tới một thời điểm, “tôi” nhận ra khoảng đứt gãy đã để lại nhiều di chứng mà nếu không nghiêm túc đối diện và tìm đường hướng chữa lành chúng, “tôi” sẽ không thể tiếp tục sống đời mình thêm nữa…
Tại sao tôi liên tục sử dụng cụm từ “khoảng đứt gãy”? Độc giả trung thành của Murakami hẳn sẽ nhận thấy cụm từ này rất quen thuộc. Nó xuất hiện ở đây:
“Có vẻ như một cuộc đời tưởng chừng vô cùng bình ổn và nhất quán, thì đâu đó vẫn tồn tại một khoảng đứt gãy. Cũng có thể gọi đó là khoảng thời gian để điên. Một thứ mang tính dấu mốc như thế có lẽ luôn cần thiết cho cuộc đời con người.“
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
“Khoảng đứt gãy”, “khoảng thời gian để điên”, những từ này miêu tả rất chính xác quãng thời gian bốn năm về trước của nhân vật “tôi”. Càng suy nghĩ về khoảng đứt gãy của “tôi” và Tazaki Tsukuru không màu, tôi càng nhận ra nhiều sự tương đồng giữa hai nhân vật này.
Cả hai đều gặp biến cố mang tính dấu mốc sâu sắc, ảnh hưởng lớn tới con người và đời sống của họ. Hai biến cố đều để lại một tác động lớn gần như làm kiệt quệ sức sống của cả hai. Hai người đều biến đổi sau biến cố ấy và nhận thấy có gì đó khuyết thiếu hay mất đi trong sâu thẳm tâm hồn mình, làm họ mất khả năng kết nối với những người xung quanh, không thể xây dựng được một mối quan hệ thân thiết và sống cho ra sống. Và giống như Tsukuru, “tôi” cũng trở lại, lần theo những sợi dây của quá khứ để hoá giải và hàn gắn những đứt gãy trong lòng mình.
Hành trình trở về bắt đầu.
“Có vẻ như một cuộc đời tưởng chừng vô cùng bình ổn và nhất quán, thì đâu đó vẫn tồn tại một khoảng đứt gãy. Cũng có thể gọi đó là khoảng thời gian để điên. Một thứ mang tính dấu mốc như thế có lẽ luôn cần thiết cho cuộc đời con người.“
– Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương
Hành trình để “tôi” một lần nữa quay về và đối mặt với khoảng đứt gãy trong cuộc sống mình, để hiểu về mong muốn sâu thẳm của bản thân và cách thức sống sao cho không còn là “sống mòn”. Bởi suy cho cùng, cuộc đời bốn năm qua của anh vẫn cứ như thiếu vắng một thứ gì, anh thấy mình như chỉ trôi đi trên dòng tuyết chảy, mà không thực sự tham gia vào cuộc đời. Đây là hành trình để “tôi” hàn lấp những vết nứt trong tâm hồn, tìm lại đời sống, hay “nối lại những mối liên kết” với cuộc sống. Mối liên kết ấy là gì? Cách nào để nối lại?
Giờ đây, chúng ta cùng nhìn vào nhân vật Người Cừu. Và tôi còn một trích dẫn cuối cùng để làm rõ nhân dạng thật của Người Cừu – nhân vật bí hiểm sống trong căn phòng tăm tối, nơi vừa là thực tại vừa tách rời thực tại, nơi dành cho những kẻ “chỉ là cái bóng nửa vời” nhưng lại phụ trách việc kết nối tất cả với nhau. Ta sẽ nhận ra Người Cừu khi biết điều này:
Người Cừu, chẳng là gì khác, mà chính là cái tôi sâu thẳm bên trong “tôi”. Người Cừu là mặt không ai nhìn thấy được của “tôi”, khác với con người thể hiện ra bên ngoài – cái tôi trong mắt mọi người mà “tôi” đã từng thắc mắc không hiểu trông như thế nào khi so sánh đời mình với đời Gotanda. Căn phòng tối nơi Người Cừu trú ngụ chính là “nghĩa địa voi khổng lồ”, “chốn tận cùng thế giới”, “miền đất lạ cuối cùng”. Đó là tâm trí chúng ta, hay trong trường hợp này là tâm trí của nhân vật “tôi”.
Chẳng thế mà chính “tôi” đã nói: Người Cừu đã có từ lúc “tôi” sinh ra, và Người Cừu vẫn luôn ở đó.
“Tại sao ông ta lại ở đó? Chú chẳng biết. Có lẽ vì chú cần ông ta. Có lẽ bởi vì khi ta già đi mọi chuyện đều không còn gắn kết với nhau nữa, ta cần thứ gì đó giúp giữ chúng lại với nhau. Cần phanh sự hỗn loạn ấy lại.”
Câu nói này của nhân vật “tôi” trong Nhảy nhảy nhảy đặt vừa in vào hai câu trích dẫn phía trên, trong Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Kafka bên bờ biển. Người kết nối tất cả, tồn tại từ khi ta sinh ra, chính là cái tôi sâu thẳm bên trong ta. Đó là tiếng nói đích thực của lòng ta, chỉ dẫn ta tới nơi ta cần tới. Càng sống thì càng mất đi thứ gì đó ở bên trong mình nhưng tiếng nói thẳm sâu kia vẫn còn, nó vẫn sẽ giúp kết nối mọi chuyện trong đời ta, giữ ta làm chính ta và phanh sự hỗn loạn của đời trưởng thành lại…
Nếu bạn từng đọc Xứ sở diệu kỳ tàn bạo, bạn sẽ nhận thấy thế giới tối tăm nơi Người Cừu trú ngụ, được vẽ ra bằng vài câu miêu tả đơn giản, rất giống thành phố sau bức tường thành, ở chốn tận cùng thế giới. Cả hai đều có thú dữ, đều tồn tại các quy luật sống khác biệt so với thế giới thực, đều có những kẻ người không bóng và những bóng không người. Khi đọc tới cuối cuốn sách này, khi lần cuối “tôi” tới thế giới tối tăm và tìm kiếm Người Cừu, những tương đồng càng hiển hiện rõ ràng hơn. Điều quan trọng là, việc vào và ra giữa thế giới sống và thế giới của Người Cừu vừa thực lại vừa không thực, như mơ mà không phải mơ, một đặc tính rất đáng lưu ý và rất mang tính “tiềm thức” – một điều để khẳng định “chốn tận cùng thế giới” và “căn phòng tối tăm của Người Cừu” chính là tâm trí con người.
“Trong óc chúng ta có một nghĩa địa voi khổng lồ mà chưa người nào đặt chân tới, đó là miền đất lạ cuối cùng của nhân loại – trừ vũ trụ.“
– Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới
Trở về với câu hỏi “mối liên kết” mà Người Cừu nói với nhân vật “tôi” là gì. Khi đặt vấn đề Người Cừu chính là cái tôi bên trong, là tiếng nói tiềm thức, trú ngụ trong sâu thẩm tâm trí ta, thì ta sẽ có luận giải: mối liên kết ấy – bên ngoài – chính là liên kết với những người xung quanh, là liên kết vững chắc với đời sống, để đảm bảo không sống mòn hay đơn giản là trôi đi trong khoảng tồn tại; mối liên kết – bên trong – là liên kết của cái tôi bên ngoài và cái tôi tiềm thức, để đảm bảo không có khoảng đứt gãy giữa hai bên, hai bên có hoà hợp thì mới có thể hoà hợp và tìm được cách hoà hợp với cuộc sống, làm sao có thể đè nén một trong hai?!
“Thông qua thế giới của Người Cừu – bằng bảng điều khiển của ông ta – mọi thứ được nối kết lại với nhau. Có một số liên kết dẫn đến sự rối loạn, ông ta nói vậy. Bởi vì tôi đã không xác định được mình muốn gì. Liệu có phải các liên kết của tôi đều vô nghĩa?
(…) Dẫu sự việc có mơ hồi tới mức nào, tôi cũng phải kiên nhẫn tháo gỡ từng phần một. Tháo gỡ, rồi nối chúng lại với nhau. Tôi phải khôi phục thế giới của mình.”
Vậy là, “tôi” cần tìm lại mối liên kết – cả bên ngoài, lẫn bên trong – để tìm được cân bằng và duy trì cuộc sống cho-ra-sống. Làm cách nào để phục hồi các liên kết? Anh phải khiêu vũ. Khi tiếng nhạc cất lên, anh phải nhảy, nhảy, nhảy. Tức là sao? Tức là anh phải lắng nghe các dấu hiệu, đi theo chúng, để chúng đưa đường chỉ lối. Đi theo các dấu hiệu tới cuối hành trình, anh sẽ tìm được thứ mình cần tìm.
“Tôi nên làm gì bây giờ?
Tôi chỉ có thể chờ đợi, cho tới khi điều gì đó hiện ra. Lúc nào cũng vậy. Vội vàng chẳng có ích gì. Có điều gì đó sắp xảy ra. Có cái gì đó sắp hiện ra. Chỉ cần ngồi chờ nó hiện ra, từ trong sương mù…”
Cuộc sống thực ra là một cuộc khiêu vũ lớn. Quan trọng là anh có lắng nghe được tiếng nhạc và nhảy theo được đúng nhịp hay không. Không nhảy, anh sẽ bị đẩy ra ngoài. Nhảy sai nhịp, nhanh quá hay chậm quá, đều sẽ gây ra những hệ quả khác nhau đối với cuộc sống anh, cứ nhìn Ame, Dick hay Gotanda thì thấy. Khi nhảy đúng nhịp, theo đúng các dấu hiệu, anh sẽ hòa được vào đời sống. Anh sẽ tìm được nơi mình thuộc về, trở thành con người mình muốn – phù hợp với cả bên trong lẫn bên ngoài, rồi tìm được người anh có thể gắn kết – không chỉ bè bạn mà cả một người anh thương yêu, bởi:
“Người ta cần phải yêu thương một ai đó, và được một ai đó yêu thương,
rồi thông qua đó mà học cách tự yêu chính mình.”
– 1Q84
Khiêu vũ để phục hồi các liên kết là vậy. Và nhan đề “Nhảy nhảy nhảy” của cuốn sách này, theo ý tôi, chính là muốn nói về điệu vũ để sống-thực của mỗi người trong thế giới này như thế. Vấn đề là, như cuốn sách chỉ ra, con người ít khi biết được điều mình thực sự cần làm, ít khi lắng nghe những dấu hiệu.
“- Cháu đoán chẳng ai biết phải làm gì cả. Họ muốn làm một điều gì đó, nhưng họ không biết phải làm thế nào.
– Dường như không ai biết phải làm thế nào cả.
– Còn chú thì biết à?
– Chú đang chờ những gọi ý để hình dung rõ hơn, khi đó chú sẽ biết phải làm gì.”
Chính Người Cừu đã khuyên “tôi” như vậy cơ mà. Đợi các dấu hiệu, chờ các cuộc gọi, và rồi khi chuông reo, hãy nhảy. Đấy chính là hành trình của “tôi”.
“Tôi” phải nhảy. Và trong cuộc khiêu vũ ấy, “tôi” sẽ gặp và thân thiết với một vài nhân vật. Yuki, Ame, Gotanda, Dick, Makimura,… những người này sẽ trở thành tấm gương soi chiếu trở lại cuộc sống của “tôi”. Họ chính là các dữ kiện, các “cuộc gọi” giúp “tôi” phân tách và hiểu hơn về con người mình cũng như cuộc sống của mình.