“Đàn ơi đàn hỡi, hề ta muốn say
Thanh trầm thanh bổng, hề ta vui tối ngày
Mỹ nữ u buồn, hề anh hùng bảng lảng
Thiên hạ đại loạn, hề biết làm chi đây”
Thiên hạ đại loạn, hề biết làm chi đây?
Nguyễn Xuân Khánh gọi cái thời đại trong tiểu thuyết của mình là “thời thiên túy”, thời mà trời say, đất say, người người đều say, người say thật kẻ say giả, nhưng họ đều đảo điên theo sự đảo điên của đất trời.
Ông vua già Trần Nghệ Tông say trong những mặc tưởng về quá khứ, thứ quá khứ mà ở đó nhà Trần còn thịnh, vua Trần thảy đều anh minh, thời của những chiến thắng lẫy lừng sử sách; ông ngà ngà trước viễn cảnh kẻ cận thần của ông – thế lực của người Quan Thái Sư ấy đang dần mạnh lên, hắn mưu mô gì, hắn suy tính chi, cho tới khi nào hắn lên tiếm ngôi? Ông mệt quá, ông già rồi mà vẫn phải uống rượu đời, vẫn phải say. Thuận Tông con ông, Duệ Tông em ông, những người ông nhường ngôi kia đứa thì trẻ nít, kẻ thì trọng dũng khinh mưu, làm sao lèo lái được con thuyền tàn tạ này qua cơn giông bão. Rồi nhà Trần sẽ đi về đâu?
Hồ Quý Ly say. Quan Thái Sư say trong những mưu lược của mình. Ông thấy nhà Trần suy rồi, mục rồi, thời thế vần xoay và ông phải là người đứng trong tâm cái vòng vụ ấy, ông phải đứng ra thay đổi nước nhà này, đưa nó vững vàng hơn, mạnh mẽ lên. Ông chếnh choáng trong mộng tưởng về một Đại Ngu hùng mạnh, phía Bắc phải ngăn được bước chân nhà Minh lăm le xâm lấn, phía Nam phải thị được cái oai trước lũ mọi Chiêm Thành. Ông nâng từng cốc rượu đời lên uống mãi: “… đất nước ta quá ư hỗn loạn, cần có một thay đổi, cần có một sự đảo lộn. Lẽ dĩ nhiên tàn nhẫn đấy, đau thương đấy, nhưng ta sẽ cố cho bớt đầu rơi máu chảy.”
Và còn kia nữa, người chí sĩ bước chân nhầm thời, kẻ không say được nhưng vẫn phải cố tỏ ra mình say – Hồ Nguyên Trừng. Danh là con trai cả của quan thái sư, không say sao được? Cha say như vậy, em trai say như vậy, đến bạn hữu như Nguyễn Cẩn, Trần Khát Chân, Sử Văn Hoa… – mỗi người cũng chới với trong cơn say bên từng chung rượu của mình. Nhưng ông không say nổi là cớ làm sao? Nếu ông cũng say vì nghĩa, say vì đạo hiếu, đạo trung, hay say quyền say vị như người thân của ông thì biết đâu tâm ông bớt đau khổ hơn. Ông đôi khi thấy mình say tình nhưng hũ rượu tình vơi cạn quá, người vợ tri kỷ chết, người con gái hiểu và thương ông thì lại được kẻ thù của cha ông nhận làm nghĩa tử.
Thiên hạ đại loạn, hề biết làm chi đây?
Tôi hiểu Nguyễn Xuân Khánh dựng thiên tiểu thuyết này muốn bám thật sát lịch sử để lại. Ông tôn trọng từng câu nói, từng chi tiết nhỏ nhặt tản mác trong sách sử. Ông coi lịch sử là cốt lõi trong tác phẩm của mình. Chẳng thế mà ông để cho Sử Văn Hoa – nhà chép sử của triều đình nói thế này:
“Sử là hồn núi hồn sông. Sử là tinh tuý của đất nước. Dân tộc nào biết chép sử càng sớm, càng có nhiều cơ hội văn hiến. Dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử càng có nhiều cơ hội trường tồn. (…) Cứ bền lòng nhìn vào sử như tự ngắm mình trong một tấm gương. Ngắm để vẽ, để tô, để sửa, ắt khuôn mặt càng dễ ưa, dễ coi. Hồn núi ở đó, hồn sông cũng ở đó.”
Nhưng sự tôn trọng lịch sử ấy không hề gượng ép, ông vẫn có những xử lý rất riêng, ông ban cho nhân vật những nghĩ suy, tâm tư trùng điệp mà vẫn hợp lòng lịch sử. Lịch sử nguyên đó nhưng truyện của ông vẫn có thần, nhân vật của ông vẫn thoát ra khỏi những khô khan sử sách mà hiển hiện đầy cá tính, sinh động. Qua ngòi bút của Nguyễn Xuân Khánh, ta thấy một Hồ Quý Ly đầy mưu mô nhưng cũng nhiều xúc cảm, ác thì ác đấy nhưng vẫn đủ mọi cung bậc từ yêu thương, trắc ẩn tới trọng nghĩa, trọng tài. Ta lại được dịp nhìn vào sâu hơn, hiểu hơn tâm tư của những vua chúa, tướng tài lẫy lừng sử sách như Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hãn, Phạm Sư Ôn…
Nguyễn Xuân Khánh đã khéo léo đan cài nhân vật – cả thực, cả tưởng tượng – trong những mạng lưới, những giao lộ, tạo nên một toàn cảnh rộng lớn, phản ảnh nhiều tầng nhiều lớp xã hội thời “thiên túy” – khi đất trời điên đảo và con người cũng đảo điên say trong những dày vò, dằn vặt của mình, của người, của nhà, của nước. Nguyễn Xuân Khánh đã dùng tài hoa của mình viết nên một thiên lịch sử đồ sộ mà không hề khô khan, trái lại, rất thơ, rất đẹp. Nếu ai có cơ hội đọc cuốn sách này, thì sẽ được thoả lòng trước cảnh trí Thăng Long từ trăm năm trước hiện hữu đầy chân thực, rồi những đình đài thành quách, những núi non sông hồ nay đã không còn dấu vết cũng như bừng tỉnh trên từng trang văn.
Chưa bao giờ tôi thấy mê đắm với lịch sử như thế. Tôi còn ngóng chờ sẽ được Nguyễn Xuân Khánh dẫn bước đi tiếp trên con đường lịch sử cổ xưa tuyệt đẹp ấy, tôi đợi xem ông sẽ làm gì tiếp với lịch sử, nhưng ông đã chọn một cái kết vừa như chóng vánh, lại vừa như đã đủ.
“Người xưa bảo: Con người vốn độc hành, độc bộ.”
Cuốn sách hơn tám trăm trang kết thúc chỉ bằng đôi câu chữ như thế. Hồ Quý Ly chưa chiếm ngôi, vua Trần vẫn tại vị, quân Minh vẫn dừng ở biên ải, và ngay như Nguyên Trừng – nhân vật được Xuân Khánh chọn làm trung tâm cho câu chuyện “thời thiên tuý” cũng còn đang chới với giữa hai lựa chọn: tiếp tục cạn chén rượu đời mà say cho hết kiếp, hay đập chung rượu đi quyết tỉnh cơn mê này?!
Nhưng vậy thôi. Còn bao số phận chưa ngã ngũ. Kẻ được người mất, kẻ sống người chết. Vòng “thiên túy” còn xoay mãi, nhưng ít nhất ta cũng đã biết những kẻ say kia nhảy điệu vũ gì với đất trời. Còn lại, tác giả có lẽ muốn trả lịch sử về cho lịch sử, để người đọc tự nghĩ, tự suy tiếp.
Phải chăng, nhà văn tài hoa là người biết dừng truyện của mình ở đúng bến bờ như thế, hình cờ đã bày xong rồi, đi tiếp ra sao phó mặc từng độc giả. Tôi cho Nguyễn Xuân Khánh là tài lắm, ông hư cấu trên nền lịch sử, nhưng ông không xuyên tạc lịch sử mà sử qua văn ông càng gần, càng đẹp biết bao.