Bài viết
Trang chủ » Trang sách » Gom » Tiếng người trong văn | Nguyễn Xuân Khánh

Tiếng người trong văn | Nguyễn Xuân Khánh

Tôi đọc Hồ Quý Ly. Tôi đọc Chuyện ngõ nghèo, đọc Miền hoang tưởng. Rồi tôi đọc Tiếng người trong văn. Và ô kìa, kia chẳng phải là bóng hình một nhân vật tôi đã từng gặp trên những trang văn. Kia, một chi tiết, một hình ảnh mơ hồ tôi tìm được giữa những con chữ của một cuốn tiểu thuyết, giờ nó ở đây, sáng tỏ và chân thực trên những dòng viết của một cuốn gần như là tự truyện.

Sao tôi lại nói là gần như? Bởi nhẽ, nhà văn đâu gọi nó là tự truyện. Tiếng người trong văn là tập hợp các bài viết của cụ Khánh về các bạn văn, về những người viết văn mà cụ cả đời ngưỡng mộ, yêu mến. Ở đó, người đọc được nghe những dòng tâm sự của cụ về anh nhà thơ một lần cụ gặp tình cờ, về anh bạn của anh nhà thơ ấy mà cụ cũng quen thân, về một cây viết bút ký đại tài, về một nghệ sĩ không hợp thời, về những con người đã trôi qua suốt chiều dài cuộc đời nhiều thăng trầm của cụ…

Đấy, chỉ toàn những lời về người này người kia như thế. Nhưng giữa những dòng viết về người, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng viết về mình. Bằng những câu chuyện về bạn bè bằng hữu, cụ Khánh kể chêm vào những mẩu vụn vặt của cuộc sống mình. Ngày anh Khánh tuổi chưa tròn đôi còn sống nơi làng Thanh Nhàn cùng người mẹ tảo tần nuôi anh học; ngày anh thanh niên Khánh lấy vợ rồi làm trưởng ban đại diện khối, anh lăn lộn với bè bạn vừa công tác vừa tăng gia kiếm miếng cơm nuôi cả nhà; ngày nhà văn Xuân Khánh viết tác phẩm này, tác phẩm kia; rồi ngày người ấy già..

Rất nhiều mẩu chuyện về đời mình và đời bè bạn cứ đan cài và kết nối vào nhau như thế, tạo nên một tập hợp các bài viết vừa như hoạ lại chân dung các bạn văn, lại như lột tả cả cái thẳm sâu của tâm hồn chính tác giả.

Đọc những bài viết trong Tiếng người trong văn, tôi hiểu hơn về bối cảnh của Miền hoang tưởng hay của Chuyện ngõ nghèo, tôi thấu suốt một vài hình ảnh nhân vật, sự kiện đã diễn ra trong hai cuốn tiểu thuyết mà đối với tôi như hai giấc mộng mị rất đắm say và mê man ấy. Mộng mị bởi người gấp sách vào mà người không rõ mình mới trải qua điều gì, mọi thứ cứ xoắn bện vào nhau, hư hư thực thực. Để rồi, những thực và hư được bóc tách phần nào trên những dòng chữ của Tiếng người trong văn.

Cuốn sách này giá trị ở chỗ đó.

Tiếng người trong văn, tôi cứ thích luận ra rằng ấy là tiếng của những con người thật trên trang văn ảo mộng. Đó là tiếng nói của những nhân vật có thật mà nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dựa vào để sáng tạo ra những thiên tiểu thuyết của mình. Nhưng, thiết tưởng, ấy cũng là tiếng lòng của chính nhà văn. Tiếng tâm can, mơ hồ hiển hiện trong những bài chân dung, rồi đúc kết cô đọng trong bốn bài thuộc phần Phụ lục – những suy ngẫm và “điều răn” của người cầm bút.

24460cookie-checkTiếng người trong văn | Nguyễn Xuân Khánh
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *