Quay trở về sau một chuyến đi, đôi khi có muôn thứ để kể, đôi khi lại chẳng có gì ngoài vài cảm xúc hay ký ức vụn vặt khó có thể trải ra thành một câu chuyện. Nhưng dẫu nhỏ nhặt tới đâu thì một ký ức vẫn là một phần trong tâm trí một con người, thiết nghĩ vẫn nên được kể ra. Bài viết này là về phần nhỏ như thế trong dòng ký ức lớn những hành trình núi rừng của tôi. Đây là chuyện về Nhìu Cồ San.
Khi bạn đã leo một ngọn núi và thích thú với việc đó thì chín mươi tám phần trăm là từ đó trở đi bạn đâm ra nghiện loại hình trải nghiệm này, rồi liên tục lao vào những hành trình mới, không tính toán, không nghĩ suy, chỉ tìm mọi cách để đi. Đó là câu chuyện của tôi vào quãng cuối 2018, đầu 2019.
Tháng Mười một năm 2018, thấy lịch trình của mình đôi chút trống trải và thấy đứa bạn mình – Lều A Tú (tên nó là Tú nhưng nó thích thêm cái vế kia cho hay vậy) lại mở lịch dẫn đoàn leo, lần này là Nhìu Cồ San, tôi quyết chí: leo! Lại nói, bởi Ngũ Chỉ Sơn mưa gió quá, trước đó là mưa Bạch Mộc, nên vào thời điểm ấy, trong tôi là một nỗi thôi thúc lớn lao và nóng hổi phải leo cho kỳ thấy trời cao mây trắng, nắng trong lành thì thôi.
Đoàn leo, hoá ra, chẳng có ai ngoài tôi, ba đứa bạn của leader và chính nó. Nó kêu định mở tour nhưng không ai đăng ký, mỗi mày, thôi coi như dẫn bạn bè đi chơi, chuyến này kinh phí bao nhiêu cam-bu-chia nhé. Ơ, được quá ấy chứ, có gì phải lăn tăn (lúc đó mới biết lợi ích của việc chơi với leader)! Vậy là, xuất phát từ Sa Pa, chúng tôi thuê hai chiếc xe máy chạy xuống xã Sàng Ma Sáo – điểm khởi đầu của hành trình leo Nhìu Cồ San. Hẳn bạn sẽ thắc mắc tại sao năm người lại đi có hai xe? Một người trong nhóm, anh chàng Khiêm người Hàn Quốc, đi nhờ xe ô tô của đoàn leo Bạch Mộc (Bạch Mộc và Nhìu Cồ San gần nhau) và chúng tôi sẽ đón anh chàng trên đường qua.
Nắng. Nắng to từ Sa Pa. Tôi vui như mở cờ trong bụng. Cuối cùng sau bốn lần cố gắng giữa mưa gió bão bùng thì nay tôi cũng được thấy nắng trên núi đồi. Và dẫu tới lúc long nhong kéo nhau lên Nhìu Cồ San trên con đường chỉ lác đác vài bóng cây thưa, bị nắng đổ hầm hập lên người, tôi vẫn không lấy gì làm khó chịu. Tạnh ráo là mừng rồi, chẳng đòi hỏi gì thêm!
Xe vòng quanh đèo. Những thửa ruộng bậc thang đã qua mùa gặt từ lâu, nằm trơ gốc rạ. Những tán cây rậm rì đổ tràn trên những sườn dốc xe chạy ngang. Đường dẫn tới Nhìu Cồ San đi qua, đầu tiên: Ngũ Chỉ Sơn – làm tôi lại mong ước được trở lại và đứng trên đỉnh núi mà nhìn cảnh nắng rọi chói chang này, thay vì màn mưa dày đặc tôi đã thấy; kế đó, xe qua con dốc ô tô đã dừng đón chúng tôi trong mưa chiều Bạch Mộc, tôi thấy con đường tôi đã một mình mau mải bước… Ồ, bao nhiêu là kỷ niệm trên từng khúc quanh.
Nắng lên sớm mà không xua được hết hơi lạnh núi cao. Cái lạnh đầu đông miền Tây Bắc dẫu chưa tới hồi cắt da cắt thịt, lại được nắng làm dịu đi đôi chút, thì vẫn đủ làm tôi run rẩy mỗi khi xe chạy vào bóng râm đổ xuống từ một mô núi. Dầu vậy, tới lúc dừng ở ngã ba đợi cả đoàn tề tựu thì nắng đã tới hồi gắt gao, chỉ đứng dưới nắng có một chút mà thấy thịt da bỏng rát. Từ đoạn ngã ba này, con đường kéo lên những sườn dốc, đi sâu vào bản người H’mông.
Đoạn đầu, đường vẫn trải bê tông nên chúng tôi chạy qua chẳng mấy khó khăn. Nhưng chỉ lúc sau, khi mặt đường chuyển qua toàn sỏi đá, đất lồi lõm và đôi chỗ khấp khểnh đá tảng, thì chúng tôi được phen thử thách. Thử thách cơ đùi khi ngồi cho vững trên yên xe, và thử thách sức chịu đựng của toàn bộ cơ thể mỗi lần xe xóc lên xóc xuống. Vài ba đoạn, tôi phải xuống đi bộ cho Tú dễ chạy qua vũng lầy hay một dốc đứng gồ ghề.
Càng vào sâu, càng thấy nhiều ruộng bậc thang trải ngút tầm mắt, chúng tôi tấm tắc với nhau rằng mùa lúa chín đi vào đây hẳn sẽ đẹp lắm. Trên những sườn núi, tôi thấy những bụi lau lớn ngả nghiêng đón gió. Chiều hôm sau khi quay về, tôi còn bắt gặp một khoảng lau mọc cao trên gờ vách. Lau trắng bông bồng bềnh trong gió, vào quãng trời chạng vạng, như một đám mây sà thấp đậu vẩn vơ.
Dọc đường đi chúng tôi gặp đôi ba tốp thuộc một đoàn leo khác đang cuốc bộ vào. May mắn cho chúng tôi là đi xe máy từ Sa Pa, nên tới đây có xe chạy vào tận cuối bản; nếu không, chúng tôi cũng phải đi bộ. Dưới cái nắng như vậy mà cuốc bộ con đường ấy thì tôi không nghĩ mình còn sức để leo tiếp lên. Những tháng cuối năm, cảnh vật núi đồi nhìn đâu cũng thấy khô cằn và tiêu điều càng làm tăng nỗi mệt nhọc của những kẻ lữ hành.
Con đường xe máy của chúng tôi kết thúc nơi một căn nhà nhỏ có tán cây đào vươn trùm trước cổng. Cái cây vào mùa chẳng lá chẳng hoa, chỉ có cành nhánh đâm tua tủa, như đan mạng lên nền trời xanh. Cả chặng đường đi từ Sa Pa xuống tới đây đã ngốn của chúng tôi hết buổi sáng. Mọi người quyết định ăn trưa trước khi chính thức leo dốc. Bữa trưa diễn ra ngay trước hiên căn nhà gỗ. Mấy đứa trẻ con của gia đình chủ nhà rụt rè ló ra từ sau khung cửa, nhìn ngó chúng tôi.
Xong bữa trưa thì mặt trời cũng quá ngọ, chúng tôi rời ngôi nhà nhỏ, chính thức bắt đầu hành trình leo. Cô gái nhỏ hai mươi mốt tuổi, tay bồng tay dắt hai mụn con, thằng lớn ba tuổi có đôi mắt to tròn nhìn rất kháu, đứng trước cửa nhà vẫy chào chúng tôi. Vào quãng trưa, mọi thành viên trong gia đình đều có mặt ở nhà, họ ra đứng ở sân trước tạm biệt và chúc chúng tôi lên đường may mắn. Tôi nhớ lại câu chuyện mà Tú kể về gia đình nhỏ éo le này. Người mẹ một lần đi làm ngoài xã, qua đò bị ngã, xác bị nước cuốn trôi ra tận Sa Pa…
Đường đi dẫn qua đôi ba nếp nhà sót lại cuối bản, trước khi gặp núi cao. Một đám đông tụ tập, vài cây chanh quả lớn vàng ươm, những bờ rào gỗ ngăn bò đi hoang… Anh porter của đoàn vai đeo ba lô, tay xách con gà vẫn sống nguyên chúng tôi mua dưới chợ, thoăn thoắt bước đi đầu. Lại gặp đoàn leo lúc nãy, hoá ra họ có tới hai mươi chín người và chín porter đi kèm. Đoàn chúng tôi nhập vào đoàn họ, nối đuôi nhau đi dưới trời nắng chang chang. Quãng đầu đường, cả nhóm tụ lại đông đúc nên chúng tôi di chuyển rất chậm. Lên cao hơn, các nhóm tách ra, chúng tôi chỉ còn lác đác gặp người này người kia của đoàn leo ấy.
Chúng tôi miệt mài leo, lấy mốc là những gốc cây lớn đặng nghỉ mệt và trú nắng.
Đường dốc, đất cát cuốn mù mịt theo mỗi bước chân, tôi cố tránh đi quá sát người trước. Vài chỗ, đường trải ra bằng phẳng, kéo qua bãi cỏ khô cằn chỉ lác đác cây bụi. Lưng chừng, chúng tôi dừng chân trên một trảng cỏ lớn – một trong những mốc đáng chú ý của đường đi. Ở đây, người leo vẫn thường gặp đàn dê, bò, ngựa của dân địa phương thả hoang và đôi khi bắt được tấm hình chúng thơ thẩn giữa cỏ mênh mông và núi trập trùng, ngỡ một xứ cao nguyên nào đó. Một vũng nước đọng, mặt nước như gương. Trên nền trời xanh thẳm, đôi lúc một làn mây mỏng vắt ngang, theo gió chiều loang ra, loang mãi…
Rời trảng cỏ xứ cao nguyên, chúng tôi leo lên con dốc cuối cùng trước khi vào rừng rậm. Nơi tảng đá đỉnh dốc, chỗ phân cách rừng và đồi cỏ, chúng tôi ngồi nghỉ giữa bầu không vi vút gió. Gió thổi tạt sóng trúc lùn. Đó là một trong những vị trí tôi thích nhất. Đất trời ở vào điểm ấy, khoảnh khắc ấy, vừa động vừa tĩnh, vừa ầm ào lại vừa thinh không. Nơi chân trời đằng Tây, mặt trời xuống thấp, dần ẩn mình sau dãy núi điệp trùng và quầng mây lớn.
Tầng tán rậm rì của những cây cổ thụ đón chúng tôi khi ánh ngày đã bắt đầu trở chiều muộn. Đôi ba vạt nắng còn sót lại, chiếu nghiêng, vàng rực. Thi thoảng bắt gặp một cây phong, nhưng dưới khung trời càng lúc càng nhập nhoạng thì tôi chỉ nhận ra dáng lá tua tủa mà khó nhận ra màu đỏ vàng đặc trưng, cuốn hút người leo vào tháng này của năm.
Chúng tôi nghỉ đêm tại căn lán nhỏ lọt giữa tầng rừng rậm rạp. Lán nằm kề con suối lớn. Nước chảy mạnh tới mức các anh porter còn cho chạy được một máy phát điện thắp sáng đôi ba bóng đèn nhỏ. Ngoài lán chúng tôi thì còn một lán khác, cách đấy đôi ba con dốc, trên một trảng cỏ quang đãng chẳng cây cao. Đó là nơi mà đoàn hai mươi chín người nghỉ đêm.
Nói ký ức vụn vặt chẳng có gì đáng nhớ mà rồi lại hoá dài lê thê thế này?! Nhưng vẫn phải hẹn bạn theo dõi tiếp câu chuyện trong phần 2 – Ám ảnh rừng.
Nhìn ảnh mà cảm giác như thể chưa đi Nhìu vậy, chỉ bởi vì nghỉ ở hai cái lán khác nhau.
Klq nhưng 7km đường sỏi đá thà rằng t đi bộ còn hơn ngồi xe, lái thì chịu hẳn luôn :).
ha ha em được ngồi sau không phải lái nên cũng đỡ nhọc =)) nhưng đường đó đi bộ dưới trời nắng cũng oải lắm