Hà Ân luôn là cái tên xếp hàng đầu trong danh sách các tác giả tiểu thuyết lịch sử mà tôi mến mộ. Các tác phẩm của ông không chỉ chinh phục tôi bằng sự dùng sử và sáng tạo trên nên lịch sử vừa sâu sắc, vừa khéo léo, mà còn cuốn hút tôi bởi một thứ hồn sử, hồn văn rất đẹp, rất thơ và hào hùng. Đọc văn mà như đang sống cùng lịch sử; đọc văn mà như cảm được tâm hồn những con người giờ đây chỉ còn là những cái tên lưu truyền trong sử sách.
Nhân dịp hai cuốn tiểu thuyết của ông mới được tái bản đây, nhân dịp tôi có cơ hội lần nữa nghiền ngẫm những trang văn này, tôi viết một bài nói về những điều mà tôi yêu thích khi đọc các tác phẩm mà nhà văn Hà Ân viết về triều Trần.
Đầu tiên là hệ thống các nhân vật.
Tôi đến với văn chương Hà Ân từ Trên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mạc và Trăng nước Chương Dương. Đây đều là các tác phẩm nói về giai đoạn quan quân nhà Trần chiến đấu chống quân Mông Nguyên lần thứ hai. Nhà xuất bản đưa Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở đặt cạnh nhau như hai tập của một bộ tiểu thuyết, nhưng đối với tôi, cả năm cuốn vừa điểm tên, gói vào, mới trọn vẹn khúc tráng ca về thời kì đẹp đẽ mà tác giả đã chọn ấy.
Xuyên suốt các tác phẩm này, người đọc được gặp đi gặp lại những gương mặt quen thuộc, cả thực lẫn không thực. Đó là những con người đã vang danh trong sử sách như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, An Tư công chúa, Dã Tượng, Yết Kiêu… và những bóng người là những nét sáng tạo rất riêng của nhà văn như cụ Uẩn – người lính thời Nguyên Phong, cậu thám báo Hoàng Đỗ, ông già Màn Trò, Minh tự Hoàng Mãnh – người em đồng tuế sau thành hộ vệ cho Trần Nhật Duật, Trịnh Mác – con trai của tù trưởng Châu Mai,…
Mỗi nhân vật được nhà văn xây dựng cẩn trọng và tỉ mỉ. Mỗi nhân vật được trao cho một câu chuyện và một cá tính rõ ràng, xuyên suốt tất cả các tác phẩm. Chính nhờ hệ thống nhân vật kết cấu chặt chẽ và thông suốt như vậy, nhà văn Hà Ân đã gây dựng nên (tôi xin dùng một cụm từ đang thành trào lưu bây giờ) một vũ trụ văn học Đông A. Tôi cứ lần theo từng trang sách, vừa trầm trồ trước sức sáng tạo của nhà văn, vừa thích thú gặp lại một “người quen” mà mình đã gặp, tò mò theo dõi họ sẽ tiếp tục giữ vai trò gì trong câu chuyện lịch sử này.
“Cúc là giống hoa cần được chăm sóc tưới tắm, bắt sâu, diệt muội hàng ngày. Người ta thường dặn nhau hễ ai còn phải xa nhà thì đừng có mà trồng cúc. Đó là thứ hoa dành riêng cho những người già ít đi xa và những cao sĩ ở ẩn. Vườn cúc là vườn của ẩn sĩ…
(…)
Tết năm ấy, vua Nhân Tông trao ấn nguyên soái cho Trần Quốc Tuấn. Thế là Trần Quốc Tuấn phải tạm biệt thái ấp Vạn Kiếp trù phú, có những chiếc cọn nước dẫn thuỷ nhập điền, có vườn cúc ẩn sĩ, có dãy nhà sách bằng trúc vàng lợp lá thông nhã thú, có căn phòng riêng sáng mát và yên ắng để về Thăng Long làm việc trong Hoàng cung.”
– Trích Người Thăng Long
Nhắc đến sức sáng tạo của Hà Ân thì chắc chắn phải nhắc luôn tới việc dùng sử và sáng tạo trên nền lịch sử vô cùng uyển chuyển và tài tình của ông. Đây là lý do thứ nữa khiến tôi say mê những cuốn tiểu thuyết này. Tất nhiên, một tiểu thuyết lịch sử thì cần phải xây dựng trên cơ sở những sự kiện lịch sử mà chúng ta ai cũng có thể biết, nhưng điều mà tôi khâm phục ở nhà văn Hà Ân là cách ông đưa vào trang văn những kiến giải và những vạch nối cho các sự kiện vừa ngắn gọn, vừa khô khan trên trang sử ấy và biến nó thành một câu chuyện thật lớp lang, thật hợp nhẽ.
Tỉ dụ như những chương đầu trong Người Thăng Long, nhà văn Hà Ân lý giải cho người đọc cách nhà Trần vượt qua mối hiềm thù trong dòng tộc để cố kết tôn tộc chống giặc dữ. Những chương sau đó, Hà Ân lại dẫn người đọc đến dự hội nghị Bình Than với quan tướng nhà Trần. Các sử gia vẫn còn bàn luận về địa điểm đích xác diễn ra sự kiện ấy. Nhà văn Hà Ân cho nó diễn ra ở một bãi bồi trên sông, có sự tham gia của tất cả các gương mặt lớn trong dòng tộc nhà Trần. Và ngoài cậu bé Trần Quốc Toản không được cùng cha anh dự hội thì còn một Phi Liêm hầu có “đôi mắt đen láng và cái miệng cười rất nghịch ngợm” cũng ngấp nghé ngoài thuyền ngó nghiêng vào. Hay như một chi tiết mà tôi rất thích, một chi tiết lần nào cũng làm tôi xúc động khi đọc lại, ấy là câu chuyện về lời trăng trối của An Sinh vương Trần Liễu dành cho Trần Quốc Tuấn: một mảnh phù chia hai nửa, đưa cho hai người với hai lời dặn riêng rẽ. Lời ấy như thế nào thì bạn có thể đọc trong Trên sông truyền hịch.
Ngồi trước trang văn của nhà văn Hà Ân, tôi bỗng nhận ra một tiểu thuyết gia cũng chính là một sử gia. Nhà sử gia đọc sử và khảo sử để dùng chiếc chổi khảo cổ của mình phủi đi đất đá và làm rõ nét thêm những vết tích mờ nhạt trong lòng thời gian; còn nhà văn thì đọc sử và khảo sử rồi mượn trang văn để vẽ bức hoạ thời gian dựa trên sự đọc, sự luận và sự tạo tác của riêng mình.
Sách sử ghi về người vợ của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật chỉ vỏn vẹn một cái tên: “Trinh Túc phu nhân”. Vào trang văn, Trinh Túc phu nhân đã thành cô Mơ, người con gái miền biển lộ Thanh Hoa, cháu của bà vú đã nuôi lớn Trần Nhật Duật. Sách sử chép rằng đội quân đánh Toa Đô của Trần Nhật Duật có một tướng người Tống tên Triệu Trung. Vào văn, người đọc gặp Triệu Trung không ít lần, trong những cuộc tiếp kiến với Trần Quốc Tuấn, trong tiệc rượu ở phủ Chiêu Quốc, hay trên chiến trường. Rồi trận đánh trên bãi Thiên Mạc trở thành trận chiến trên bãi lầy Màn Trò (lịch sử có nhắc một bãi Màn Trò, tên khác là đầm Dạ Trạch ở Hưng Yên, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử – Tiên Dung và là căn cứ của Triệu Quang Phục. Nhà văn đã đọc chi tiết này ở đâu hay đây là một phân tích của riêng ông?!); hay chỉ từ một cái tên Đỗ Vỹ mà nhà văn vẽ nên câu chuyện lưu lạc của con người tài hoa một lòng vì nước… Tôi có cảm tưởng nhà văn Hà Ân đang kể những thuyết sử của chính mình.
Tôi thích thú vừa đọc văn vừa tra tìm sử liệu, vừa đối chiếu vừa ngẫm nghĩ những sự thật lịch sử và những sáng tạo văn chương. Tôi nhận ra những kiến giải của ông hẳn phải xuất phát từ những nghiền ngẫm và tìm tòi lịch sử sâu sắc. Ông phải soi xét rất kỹ các sự kiện trong các pho sử đại chúng, đồng thời tìm thêm những tình tiết ở giai thoại làng, đình đền, miếu mạo… để đưa ra luận cứ chắc chắn cho các lý lẽ của mình. Nhà văn Hà Ân còn tái hiện các cuộc đánh cực kì chi tiết, từ kế dụng binh, cách đánh, kiểu đánh, các thế võ, thế chặn giặc; ông phân tích đường hướng các cuộc tiến binh, lùi binh, mưu đồ của địch và tính toán của ta. Nếu không bỏ công nghiên cứu thì sao có thể đưa ra những trang văn cặn kẽ và sống động tới nhường ấy. Đó là thành quả của cả người nghệ sĩ sáng tạo và vị học giả uyên thâm.
Sự uyên thâm của nhà văn Hà Ân còn thể hiện ở các chi tiết về tập tục, các nét văn hoá, đời sống dân cư, cung cách ứng xử và cung cách chiến đấu của muôn lớp người xuất hiện trong văn – không chỉ người Đại Việt, mà còn người Tống, người Chăm, người Thát… Chỗ này ta thấy một điệu múa Chiêm, nơi kia ta bắt gặp những nong tằm của người dân thái ấp Vạn Kiếp. Ta biết được về cái que tắm ngựa của một dòng Hãn Mông Cổ, lại biết thêm về trò đánh phết được các vương hầu nhà Trần ham thích. Một lời thơ cổ Trung Hoa, một điệu hát ru người Việt, một tập tục cướp dâu miền núi, một lễ cưới hỏi đặc miền thôn dã…
“Những cây mơ trước nhà sách lay động. Gió đông nam thổi lộng lên nghe phảng phất tiếng những cành mơ trĩu quả đập vào nhau. Trong nhà sách, có tiếng chuột nghịch lạch cạch thoi mực Hương Lan trên chiếc nghiên mã não. Trần Quốc Tuấn khẽ thở dài, giở mình trên sập. Từ mé xóm Giếng có tiếng ai vút lên một điệu hát:
Ới anh đọc sách giếng đình,
Cớ sao im ắng tiếng bình câu thơ…
Âm thơ ngân dài mãi ra, man mác như ấp Mai Hiên với rừng mơ thăm thẳm một niềm thao thức.”
– Trích Trên sông truyền hịch
Tất cả những điều kể trên, từ nhân vật, tình tiết truyện, tới những nét văn hoá và tục lệ, đều được khắc hoạ bằng một lời văn đẹp. Tôi rất thích giọng văn Hà Ân, bởi bên trong đó tôi cảm nhận được, đầu tiên, là sự bình dị, chân thật của một con người Việt viết về đất nước Việt.
“Con thuyền xuôi nước, được gió, trôi bềnh bồng như lướt trong mơ. Nước sông Thiên Đức mùa này cạn, lắng nghe thấy tiếng đất lở hai ven sông. Đoàn thuyền đã qua ngã ba Cơ Xá lâu rồi. Đèn đuốc trên các thuyền đã được lệnh thắp lên. Những đốm sáng trong đêm cuối thu giăng giăng trông như lửa chài mùa cá ở vụng biển Tức Mặc.
(…)
Bây giờ trời đã sáng. Đoàn thuyền đang đi men vùng bãi dâu Tiêu Xá rộng mênh mông. Những vườn dâu cuối mùa loáng thoáng lá già xanh thẫm. Những người con gái đất lề quan họ len lỏi giữa các luống, cố hái cho đủ lá nuôi lứa tằm muộn cuối năm. Hai cánh đồng, người gặt, người gánh lúa về các thôn làng thấp thoáng sau những luỹ tre xanh.”
– Trích Trên sông truyền hịch
Hơn thế, trang văn còn toát lên một màu hào sảng, khí khái. Câu từ và ý tứ làm cho từng trang truyện thấm đẫm một thứ chất mà người đọc có thể cảm rõ, một thứ hào khí Đông A.
“ “… Các ngươi ở dưới trướng ta đã lâu, nắm giữ binh quyền, không có áo thì ta cho mặc, không có cơm thì ta cho ăn, thăng chức, cấp lương, cấp thuyền, cấp ngựa…”
Thốt nhiên hàng loạt hình ảnh thân thiết, vũ dũng, hiên ngang, nhân ái diễu nhanh qua trước mắt ông. Chiêu Minh đại vương với đôi mắt trầm tư sâu sắc. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật dẫn đầu một cánh quân kỵ sơn chiến gọn ghẽ, sắc sảo nhưng vẫn lịch sự duyên dáng. Hoài Văn hầu với khí thế tuổi trẻ nuốt trâu dẫn đầu sáu trăm gã thiếu niên hào kiệt, tươi vui và nhộn nhạo. Ông nhớ tới Đỗ Vỹ, con người tài hoa, bản lĩnh, tới Dã Tượng, Yếu Kiêu, những gia tướng trung trinh, tới cụ Uẩn, người lái đò già đã từng là tay kiếm hộ vệ của cha ông, tới thư nhi Trương Hán Siêu, tới ông già chép sử Lê Văn Hưu, bậc thầy và tham quân trí lự của Chiêu Minh vương… tới tất cả những con người anh hùng của nước Việt anh hùng…
“… Bởi vì như vậy tức là các ngươi không hề nghĩ tới mối thù chung, điềm nhiên không lo rửa nhục, không nghĩ đến việc dẹp giặc, không siêng năng luyện rèn sĩ tốt. Như thế là trở giáo hàng giặc. Rồi đây khi đánh tan giặc, các ngươi sẽ phải để thẹn muôn đời, còn mặt mũi nào đứng giữa trời đất nữa?” ”
– Trích Người Thăng Long
Một điểm cuối cùng, các câu chuyện sử của nhà văn Hà Ân về Trần triều nhắm tới một lớp nhân vật rất đặc biệt và quan trọng. Đó là dân. Xuyên suốt cả năm tác phẩm, nhà văn Hà Ân không ngừng khẳng định vai trò của những con người bình thường và tầm thường đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội. Ông chỉ ra rằng để có được những cái tên lừng lẫy được lưu danh sử sách thì không thể thiếu sự hỗ trợ và đóng góp to lớn của “trăm họ”. Chẳng phải rất hợp với lời dạy của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn rằng “phải lấy dân làm gốc” hay sao?!
“Thốt nhiên, Trần Quốc Tuấn hiểu rằng sơn hà xã tắc vững bền chính nhờ gương chiến đấu xả thân của biết bao con người trung nghĩa, trong đó có những người như cụ Uẩn, như ông già họ Hoàng trên bãi Màn Trò… Nếu như tất cả trận đánh to, nhỏ trong một cuộc chiến tranh đều có cân lượng của nó thì các liệt sĩ ngã xuống vì nghĩa cả có người được chép trong quốc sử, có người không nhưng nhân dân đời đời không quên ơn các bậc tiên liệt, tất cả các bậc tiên liệt.”
– Trích Trăng nước Chương Dương
“Ông nghĩ về lực lượng dân binh cả nước. Đội dân binh hương Vạn Kiếp lớn lên trong óc Trần Quốc Tuấn thành ức triệu những người dân Việt cầm vũ khí bảo vệ tổ quốc trên mọi nơi mọi chốn. Dân binh châu Hoan, châu Diễn, dân binh lộ Quy Hoá, lộ Tam Đái, dân binh vùng núi, dân binh vùng biển, mỗi nơi có một sắc thái riêng, một cách đánh sở trường. (…) Ông reo thầm trong lòng: “Giặc Thát! Giặc Thát! Chúng mày sẽ phải chọi với hàng triệu tay cung, hàng triệu tay giáo, chúng mày phải chọi với cả dân tộc ta. Giặc Thát! Giặc Thát! Chúng mày chắc chắn sẽ đại bại!”. “
– Trích Trên sông truyền hịch
Nhà văn Hà Ân viết năm cuốn tiểu thuyết về nhà Trần, bao gồm: Bên bờ Thiên Mạc, Trên sông truyền hịch, Trăng nước Chương Dương (hiện đã được Nxb Kim Đồng in chung vào một tập, lấy tên Trăng nước Chương Dương), Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở (mới được Nxb Kim Đồng in lại tháng Chín năm 2021).
Người Thăng Long và Khúc khải hoàn là sự kế thừa ba tác phẩm đi trước. Nhiều chi tiết và nhân vật đã xuất hiện trong ba tác phẩm trước, tới hai tác phẩm sau được nhắc lại hoặc được phát triển thêm. Ba cuốn đầu tiên là các lát cắt nhỏ, hai cuốn sau là một sự tổng kết, gói ghém tất cả vào thành một câu chuyện trải trên bề mặt thời gian dài hơn. Để cảm nhận được trọn vẹn thế giới văn chương Hà Ân, nhất thiết nên đọc toàn bộ cả năm tác phẩm này.
Ba truyện đầu ngắn hơn hai cuốn sau. Chúng đi sâu vào ba bối cảnh chính: Trên sông truyền hịch là nỗi lòng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trước trọng trách Tiết chế ba quân và các đường hướng cho cuộc chiến chống quân Mông Nguyên sắp tới; Bên bờ Thiên Mạc là chuyện về Trần Bình Trọng và trận đánh cầm chân quân Nguyên tại bãi Thiên Trường; và Trăng nước Chương Dương thuật lại giai đoạn sau trận Hàm Tử và Chương Dương, nhà Trần bắt đầu xoay ngược thế cờ, kéo quân đánh rát để đuổi quân Nguyên khỏi bờ cõi. Cá nhân tôi thấy ba truyện này là hay hơn cả vì sự gọn gàng và ý tứ rõ ràng của chúng.
Người Thăng Long, đối với tôi, lại là đỉnh cao ngôn ngữ văn chương Hà Ân khi lời văn trong cuốn này nằm ở mức đẹp nhất. Tôi rất thích cách tác giả đưa vào các từ cổ, ngữ cổ, nhiều hơn so với ba cuốn trước (có vẻ bởi ba cuốn trước nhắm tới cả độc giả thiếu nhi nữa nên lời văn dễ tiếp thu hơn). Đó là những “quyền rơm vạ đá”, “tự tri giả anh, tự thắng giả hùng”, là “tập ấm”, “phong túc”, “nắc nỏm”, “giảm đằng”, “đức trạch”, “trí lự”, “xương kính”, “thị lập”, “tằm tang”… và rất nhiều nữa mà kể hết ra thì thật không nổi.
Khúc khải hoàn dang dở khiến tôi hơi chút nuối tiếc. Đây là cuốn tiểu thuyết cuối cùng và hình như nhà văn có hơi vội vàng thì phải. Ông gói rất nhiều thứ vào cuốn sách này, gồm cả diễn tiến truyện, các chi tiết văn hoá, tục người, bày trận, đánh trận,… nhưng nhiều quá thành ra trang văn bị gượng. Tôi có cảm giác sự gọn ghẽ và sâu sắc của bốn tác phẩm trước đã mất đi và Khúc khải hoàn chỉ còn là một đống hỗn độn nhiều thứ tác giả muốn kể mà sợ mình không kịp kể nên đành kể vội, kể mau. Ngay tới câu từ cũng không được chau chuốt như các tác phẩm trước. Thật tiếc bởi câu chuyện về Đỗ Vỹ đã được gài cắm từ rất sớm, trong Trên sông truyền Hịch. Đây là một nhân vật thú vị, nhưng cái kết dành cho anh lại không đẹp cho lắm, cả trong văn và ngoài văn.
Tôi hi vọng mình đã viết lại đủ mọi điều tôi tâm đắc về văn chương Hà Ân. Trang văn của ông tác động nhiều tới tôi. Chính những câu chuyện này gợi lên sâu hơn niềm say mê lịch sử và văn chương lịch sử trong tôi. Đồng thời, sự uyên thâm (từ kiến thức lịch sử tới văn chương, văn hoá) và sức sáng tạo của nhà văn Hà Ân là một nguồn cảm hứng lớn, nó cho tôi thấy rằng sự học còn rất vô biên và ta còn phải cố gắng nhiều nữa để vươn tới được một trí lự sâu sắc thế.
Lời sau cuối, còn một cuốn mà tôi cho rằng cũng nên được đọc cùng năm cuốn tiểu thuyết tôi kể trên, một cuốn tiểu thuyết của người học trò của nhà văn Hà Ân – cuốn Trần Khánh Dư của nhà văn Lưu Sơn Minh. Lưu Sơn Minh kế thừa hệ thống các nhân vật mà thầy mình dựng nên và ông kể câu chuyện cuộc đời vị Phó đô tướng ngạo đời bằng một lát cắt: cuộc hải chiến ở Vân Đồn trong cuộc chiến chống quân Mông Nguyên lần ba. Câu chuyện này chính là gạch nối tiếp theo, nối vào lời chỉ dạy mà Trần Quốc Tuấn đã nói với Trần Khánh Dư ở cuối Khúc khải hoàn dang dở.
“Đừng coi thường lời ta dặn. Giặc sẽ còn sang. Tin của Đỗ Vĩ đưa về là như vậy. Tiệc xong rồi em về ngay Vân Đồn chuẩn bị đóng thuyền chiến và mộ lính chiến. Tất cả những người thông thạo đường thuỷ phải huy động ngay một cách kín đáo. Lời ta dặn đây là loại thuyền đánh trên biển nhưng là loại thuyền nhẹ xoay xở nhanh, có thể chứa được chất cháy. Phải lập tức giăng mạng lưới tuần phòng tra soát suốt ven biển từ Vân Đồn đến châu Hoan. Thôi em đi đi.”
– Trích Khúc khải hoàn dang dở