Bài viết
Trang chủ » Đường rừng » [01.2022 | Tà Giang] “Có tuổi nào…”

[01.2022 | Tà Giang] “Có tuổi nào…”

Sài Gòn, ngày 04 tháng 01 năm 2022

Một năm có lẻ rồi mới lại được khoác chiếc ba lô lên vai và bước lên một hành trình núi rừng, không mới, nhưng mới theo cái kiểu những con đường cũ vẫn mang tới cho người đã từng bước đi trên nó nhiều tháng năm về trước.

Tà Giang mùa này nước lên cao. Những cơn mưa cứ chực chờ trên bầu trời vần vũ mây. Anh porter Ten nói mùa mưa kéo dài trong hai tháng 9 và 10 nhưng tuỳ mỗi năm thời tiết lại mỗi khác, như năm nay mưa vắt qua tận tới cuối tháng 12, đầu tháng 1. Nước cũng lên theo những cơn mưa như thế. Mùa tháng 2 và 4, hồi tôi đi năm 2020, nước chỉ ngấp nghé mắt cá, đoạn cao nhất lên ngang đầu gối. Con suối nước chảy rầm rì như một điểm tô êm ả dọc quãng đường rừng quanh co mùa nắng khô, cháy da đầu. Dưới mưa thì khác. Suối ầm ào, gầm gào qua những gờ đá mấp mô; nước suối có khi cao ngang thân người và muốn qua thì các anh, các bạn porter và guide phải đứng thành hàng đỡ tay từng người qua một. Có một lúc đứng giữa con nước chảy siết, tôi thấy người mình chỉ chực chờ trôi đi, nước đẩy tới mạnh bạo. Vậy mới thấy phục những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, chúng quen với nước và rừng từ thuở nhỏ. Đôi ba đứa nhỏ lon ton theo cha theo chú cùng đoàn người lên núi, qua suối chẳng cần dìu hay dắt, ngoan cường.

Hành trình ôm lấy lòng con sông Khế cuồn cuộn chảy

Khác với hai lần đi trước – đi từ trên vườn Bidoup xuôi xuống, men theo suối để rồi kết thúc tại Tà Giang, lần này tôi đi ngược vào, từ Tà Giang vào rừng rồi trở ra. Những đoạn dốc nhất nằm phía trên cao, phía Bidoup của Lâm Đông. Con đường ở ngả Tà Giang này, mà cụ thể là đường từ ngoài làng đi vào tới bãi cắm trại nằm lưng chừng một ngọn đồi, dốc không nhiều, chủ yếu bám theo suối mà đi. Đây là một điều thú vị khác của rừng phương Nam. Những hành trình leo núi ngoài Bắc, chúng tôi cũng được gặp suối nhưng sẽ chỉ là những khe suối nước chảy róc rách, có khi đường leo men theo lòng suối đi lên nên chỉ đi được vào mùa khô, nước ri rỉ chảy lắm lúc không thấy hình dáng con nước nơi đâu. Hoạ hoằn lắm mới có được một hành trình có thác, có suối lớn, có vụng nước sâu trông đến là thích mắt nhưng ấy chỉ là một điểm dừng chân trên đường và thường thì thời tiết quá lạnh để có thể lao xuống thoả thuê. Chẳng mấy khi được đi dọc một dòng suối lớn – hay nói cho đúng là dòng sông, sông Khế. Lòng sông lớn, nước trong xanh mát lành cuồn cuộn từ trên thượng nguồn đổ xuống. Xếp hàng qua suối nước ngập ngang thân người, nhìn xuống lòng con nước thấy trong vắt, đá dưới sâu lóng lánh theo màu lóng lánh của nước dưới nắng mặt trời.

Con nước vơi đầy dọc hành trình

Đường rừng mùa này không khí dễ chịu hẳn. Cơn mưa làm dịu đi nắng trời và dịu đi cơn khát trong người. Tôi đã từng đi qua cái nắng cháy thịt da của rừng Phước Bình này hồi tháng 4 nên hiểu những con mưa như thế này quý giá ra làm sao. Nắng đi mệt, nắng đi làm con người ta cứ bải hoải, cứ thèm được nghỉ, thèm được uống nước không thôi nhưng con đường thì dài dằng dặc chỉ toàn bóng cây thưa nên dẫu có muốn nghỉ cũng chẳng nghỉ được lâu, lại phải quầy quả nặng nhọc đứng lên bước tiếp để mong ngóng về một chặng nghỉ tiếp theo. Mưa thì khác. Mưa dìu dịu mát lành, dòng suối dưới chân càng xoa dịu những đường gân thớ thịt đang bừng lên bởi thời gian dài nằm chùn chân bó gối, hơi mưa trong trẻo làm cho bước chân thêm phần vững chãi. Dẫu mưa mang tới những con đường lầy lội và trơn trượt nhưng trơn trượt và lầy lội ở Tà Giang có thấm là bao so với nhiều trơn trượt lầy lội khác tôi đã qua. So với những hành trình mưa bão tôi đã đi thì chuyến đi này như một cuộc dạo chơi thú vị và an lành. Tất nhiên, ấy là với tôi, người đã không lạ gì mưa gió, nhưng với phần lớn bạn cùng đoàn – những người mới lần đầu đi núi đi rừng và đi trên những đôi giày hay dép không có độ bám thì họ cũng trầy trật và đâm ra hơi thù ghét cơn mưa trên đầu.

Bên suối ăn trưa.
Bờ suối chụp từ phía sau một ngôi nhà ngoài làng – nơi bắt đầu hành trình
Ba anh người đồng bào kéo nhau ra suối bắt cá. Anh cởi trần dưới nước chuẩn bị ngụp lặn như cá trong lòng suối
Các bạn porter người Raglai buổi sớm đứng bên bếp nồng khói
Hai em nhỏ theo cha chú lên núi
Chú Hiếu mặc áo cờ đỏ cực chuyên nghiệp và có tâm!!

Mưa lớn nhất có lẽ là lúc chúng tôi yên vị trên bãi trại. Tối đó mưa theo gió rít qua phần phật, thốc vào dưới mái bạt căng lên che bàn ăn, ai ngồi đầu gió là hứng trọn cơn mưa lạnh và cơn gió buốt hất vào thân người. Quãng đêm, tôi chập chờn ngủ và chập chờn nghe mưa gió đập phía bên ngoài, có những lúc tưởng như lều sắp bay lên cùng cơn gió núi cuồn cuộn thổi về từ cao xa. Thế nào, sáng sau trời lại hửng lên đôi chút. Lúc chúng tôi tỉnh dậy mây vẫn vần vũ và mưa vẫn thi thoảng theo bóng mây mà đổ dồn nhưng tới quãng 7, 8 giờ thì trời le lói nắng. Mặt trời đằng Đông rọi những tia thẳng thớm và rực rỡ xuyên làn mây mưa, làm thành một đường cầu vồng cong cong nơi những dãy núi phía Tây bãi trại – phía xa xa núi trập trùng và dòng sông uốn khúc trắng xoá bọt nước do con nước phải đi qua gập ghềnh đá sỏi. Chúng tôi đứng dưới làn mưa thi thoảng lất phất, nhìn ngắm bầu không quang đãng và miết mải chạy dài về xa, núi và rừng một màu biêng biếc, xanh vàng lên dưới nắng sớm. Ấy thế nhưng chỉ được chút ít thời gian như thế, tới lúc đoàn khởi hành rời đi thì mưa lại đổ lớn. Mưa và gió lại rít gào như đêm hôm trước. Men theo con đường dốc đi xuống, tôi nghe mưa rít qua những rặng cây rào rào, nghe gió thầm thào qua những sườn đồi dốc thoai thoải. Lạnh. Nhưng lạnh chút chút thôi, vẫn chỉ đủ để tôi run lên khi một cơn mưa gió dội tới, rồi thì vẫn chiếc áo cộc tay, đôi găng chống nắng và chiếc ba lô như chiếc khiên chắn gió mưa, tôi đi xuôi theo chiều gió thổi, chẳng kịp ướt áo.

Trời chiều nơi bãi trại sớm tắt nắng do cơn mưa lúc nào cũng chực chờ
6h sáng ngày hôm sau
Bãi trại im lìm dưới màn mây vần vũ
Mây bắt đầu dạt đi, nắng le lói hoạ hình một vòng cầu vồng nơi chân trời đằng Tây.
Một dải cầu vồng nơi hai dáng cây đứng sóng đôi dưới chân bãi trại
Cuộc vui buổi sớm…
… giữa những căn lều chìm trong nắng mưa.
Những dải nắng…
… ngả nghiêng trên núi non và mây trời.

Đường lại trải về xuôi, qua suối qua rừng. Bởi trúng dịp lễ nên người tham gia hành trình cũng đông. Nhiều đoạn, khi đường ngang qua một khúc có dốc trơn trượt hay một gờ đất nhỏ khó đặt chân là dòng người lại phải đứng lại chờ, chờ cho “cơn tắc đường” qua đi để bước tiếp về phía trước. Trưa ngày đầu chúng tôi dừng chân ăn cơm bên suối khi chỉ vừa mới vào rừng được hơn tiếng thời gian; trưa ngày hai thì quãng đường dài hơn đôi chút, nhưng vẫn là dừng bên suối. Nhìn dòng nước ào ạt trôi, màu nước xanh lơ cuộn bọt trắng khi nghỉ trưa quả cũng là một thứ trải nghiệm mà tôi cứ muốn ghi nhớ mãi.

Khi ngồi bên dòng nước, để những dòng nắng hiếm hoi ló ra từ tầng mây vần vũ trên cao hong cho khô áo quần ướt sũng lúc qua suối, tôi bỗng nhớ lại câu hỏi mà suốt những năm qua bản thân vẫn tự hỏi: đi như thế này để làm gì? Tôi nhìn dòng nước chảy, tôi nghe tiếng suối reo, tôi cảm nhận hơi ấm của nắng trên thân mình, tôi ngước mắt nhìn những cây và rừng xung quanh, tôi tìm câu trả lời cho riêng tôi.

Có lẽ, đã qua rồi cái thời tôi cho rằng những chuyến đi này là cách để tôi thử thách bản thân, để chứng minh rằng tôi làm được, tôi đang sống, tôi có thể sống. Những câu trả lời ấy không mất đi, nhưng đó là những câu trả lời tôi đã có cho mình, tôi đã lưu giữ và tôi đã khắc ghi. Con người khi đã tìm được một câu trả lời tức là đã trưởng thành thêm một chút, và phải đi tìm những câu trả lời mới cho cùng một câu hỏi như thế, để tiếp tục bước tiếp lên trên con đường trở thành một bản thể thành thực nhất với chính mình. Câu trả lời dưới nắng, bên suối, giữa rừng xa xôi của tôi khi ấy nảy ra dưới dạng một câu trích dẫn như sau này:

“(…) Có tuổi nào mang lá vàng ướp vào sách. Có tuổi nào nhặt lá vàng đếm cho đủ tuổi mình. Có tuổi nào nhặt lá vàng rồi ngồi khóc. Có tuổi nào nhìn đá sỏi, nhìn tường vách rêu phong, nhìn dã tràng, sò ốc. Ôi có bao nhiêu tuổi trên cuộc đời này để nhìn cho hết thiên nhiên.”

Tình cờ làm sao, gần đây tôi đọc lại Thư tình gửi một người của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Và trong cuốn sách đó có câu nói trên. Phải. Tôi không còn chật vật đi tìm một lý do cho sự tồn tại của bản thân và một chứng minh cho sự tồn tại ấy nữa. Tôi giờ đây thu gọn lại, chỉ còn mong ước muốn nhìn ngắm tất thảy những tuyệt diệu và bí ẩn trải ra xung quanh. Tôi muốn “nhìn cho hết thiên nhiên” dẫu có không bao giờ nhìn được hết thiên nhiên. Tôi muốn nhìn ngắm và đắm chìm trong những thanh âm và những cảnh sắc thật hiển nhiên nhưng cũng thật lạ kỳ kia. Khoác ba lô lên, vững bước chân, và rồi phóng tầm mắt thật xa để nhìn thấy những ngọn nước, những đỉnh núi, nhưng cũng hướng đôi mắt xuống dưới chân mình để nhìn những đá sỏi, rêu phong, để không bỏ lỡ bất cứ một nhỏ nhặt hay lớn lao nào thuộc về chiều kích dài rộng của thiên nhiên.

“Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm.

Ta muốn ôm,
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Cả non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!”

Phải tới một tuổi nào đó con người ta mới thấu đủ những ý thơ như vậy.

26170cookie-check[01.2022 | Tà Giang] “Có tuổi nào…”
Từ khóa : tà giang 2022
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *