(… NHƯNG HOÁ RA LẠI KHÁ TRÁI NGANG.)
Mùa hè năm 2018, tôi thực hiện chuyến leo núi thứ hai trong đời – hành trình lên Bạch Mộc Lương Tử. Nói về Bạch Mộc là nói về một duyên nợ có phần trớ trêu tới tức cười. Nhưng nói về Bạch Mộc cũng là nói về một cảm xúc mang tính nền tảng cho những suy nghĩ trên đường leo núi sau này của tôi.
Tháng Ba năm ấy, người anh học cùng đại học rủ tôi theo nhóm công ty anh leo Bạch Mộc Lương Tử. Kế hoạch đã định; đoàn cũng gặp gỡ và bản thảo chuyện lên đường nghe chừng vui lắm rồi. Buổi tối ngày lên xe đi Sa Pa, đang đứng trên vỉa hè, tôi thoáng thấy bóng bạn cùng đoàn liền vừa chạy lại vừa vẫy, để rồi vấp ngã lăn ra đường. Trẹo cổ chân. Nghĩ đơn giản là chẳng sao đâu, đau chút rồi mai lành, tôi vẫn gan lỳ lên xe rời Hà Nội. Sáng sau, xe dừng ở Sa Pa cũng là lúc cổ chân tôi sưng to như chân voi, bầm tím, không cử động được. Thôi, ăn bát phở Sa Pa rồi đi về chứ Bạch Mộc gì tầm này nữa…
Ba tháng sau, chân cẳng vừa tạm ổn là tôi ôm đồ lao ngay tới cuộc chinh phục Bạch Mộc lần hai. Một mình đăng ký, may mắn gặp trúng đoàn toàn những người vui vui, điên điên kiểu mình. Ngày đầu tiên, chút mưa chút nắng càng làm cuộc leo thêm phần kỳ thú. Nhưng trời tối là mưa bắt đầu đổ không ngơi nghỉ. Mưa cả đêm, tôi nằm thao thức nghe tiếng mưa gõ trên mái lán, trên cây rừng. Trời về sáng mà chẳng ngớt mưa, vẫn sùm sụp mây và rào rào nước. Một đoàn leo khác lên cùng chúng tôi ngày hôm trước quyết định xuống núi. Mưa vậy lên đỉnh làm sao, đành xuống chứ chần chờ gì nữa. Chúng tôi, do đã sắp sẵn kế hoạch đi ba ngày, thấy có xuống cũng không biết phải đi đâu làm gì. Thôi, ở trên núi ngắm mưa tiếp…
Lần thứ ba, rút kinh nghiệm của hai lần trước, không chạy nhảy lung tung và không đi vào mùa mưa, tôi mới thành công đặt chân lên đỉnh – mà lúc ấy đã đổi qua tên Ky Quan San. Vậy là tính ra thì tôi đã leo tới đỉnh Bạch Mộc Lương Tử đâu kia chứ. Ky Quan San mà…
Nhưng nói gì thì nói, như câu châm ngôn người ta vẫn hay truyền tụng nhau, những chuyến đi chệch khỏi kế hoạch luôn là những chuyến đi khác biệt, thú vị và không thể nào quên (hoặc ý gì từa tựa thế, hoặc có thể là tôi tự bịa ra thế cho thuận theo ý mình đang muốn nói vậy). Cuộc leo lần đầu chưa được gọi là một cuộc leo nên hãy bỏ qua, ký ức đó chỉ làm tôi đau cổ chân. Cuộc leo thứ ba, theo đúng kế hoạch, cảnh đẹp và hành trình thuận lợi, sẽ dành lại cho một bài khác. Trong bài viết này, tôi muốn thuật lại hành trình Bạch Mộc lần thứ hai, mà tôi hay gọi vui là: hành trình Bạch Mộc Không Đỉnh.
Màu mây xám xịt trên cao, màu xanh thẳm trải ra bốn bề, màu trời đất nhoà đi trong màn thác đổ, màu bùn đất, màu trầm lặng của những dáng người cúi gằm, bước đi trong rừng mưa… Tiếng gió xào xạc tán cây, tiếng gió gầm gào nơi rìa núi, tiếng gió rít qua khe hở căn lán gỗ, tiếng mưa đập vào mái, vào cây rừng, vào đất… Mùi ẩm, mùi ngai ngái của đất rừng trũng nước, mùi quần áo đẫm mồ hôi không khô được vì mưa… Nhưng hơn cả là ký ức về những giờ chẳng việc gì làm, chỉ nhìn mưa, chuyện phiếm và bày đủ trò vui đùa trong căn “biệt thự giữa rừng”, hay đứng giữa mưa gió núi Muối, ngắm trời mây, chụp hình, quay phim, rồi lầm lũi kéo nhau xuống núi, đứa nào đứa nấy ướt sũng mệt nhoài…
Ký ức về những ngày mưa trên Bạch Mộc không ngờ lại trở thành những ký ức không thể quên và khó lòng mong cầu một lần lặp lại. Những người bạn cùng tôi leo Bạch Mộc năm ấy, từ những người xa lạ, giờ đây gắn kết và còn tiếp tục cùng tôi đồng hành trên những cuộc đi khác.
Đây là câu chuyện về:
Người đi Bạch Mộc chiều mưa ấy…
(hoạ theo ý thơ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng)
Mùa hè năm 2018, xe ô tô chở khách tới leo núi không được vào hẳn trong bản mà phải dừng ngoài ngã ba. Chúng tôi xuống xe và cuốc bộ nốt chặng đường trải bê tông dài khoảng 3km, uốn lượn xuyên qua những nương lúa xanh mượt. Xa xa là trập trùng núi ẩn mình trong màn mây.
Cơn mưa vẫn còn cách chúng tôi xa lắm, ít nhất là nửa ngày leo nữa. Bước đi trên con đường bê tông ngoằn ngoèo, chúng tôi phải đối mặt với hơi oi nóng và ánh mặt trời gay gắt chốc chốc lại đổ xuống. Nắng và nóng cứ thế theo chân chúng tôi qua những con dốc đầu tiên cắt ngang bản người H’mông, lên cao, vượt đôi nếp nhà nằm bên giậu rào xanh. Ai cũng mệt. Và vì mệt, lại ham chơi, nên chúng tôi cứ đi được một quãng ngắn lại nghỉ, lại dừng chụp hình với đủ mọi thứ lạ lẫm. Chúng tôi tiêu tốn cả buổi sáng chỉ để đi hết làng bản dưới chân núi, tức là mới độ một phần tư quãng đường. Cỡ chính ngọ thì cả đoàn tới được ngôi nhà cuối cùng cạnh bìa rừng. Vừa kịp giờ ăn trưa.
Khi có dịp trở lại Bạch Mộc hơn một năm sau, tôi mới biết quãng đường dài và đầy dốc cao mà chúng tôi leo suốt buổi sáng ấy, giờ đây, thu lại chỉ còn dăm phút chạy ô tô và chục phút mấy anh bạn người H’mông vít ga, bốc qua những ngả đường đất lồi lõm kề nương lúa.
Bữa trưa chỉ kéo dài dăm chục phút. Chúng tôi, dù mệt rã rời, cũng không dám nghỉ lâu bởi theo lời cậu leader thì chặng đường phía trước còn dài lắm, phải đi mau mới mong lên lán kịp trời tối. Vậy là, ăn trưa xong, chúng tôi lại gồng gánh lên đường. Sau khi rời căn nhà cuối bản, chúng tôi bước vào rừng trúc. Từ đây, rừng bắt đầu mở ra, rậm rì, xanh thẳm. Chúng tôi hướng tới mốc tiếp theo: đỉnh Rùa – mà vẫn theo lời leader – là điểm ngắm toàn cảnh thung lũng rất đẹp.
Chúng tôi thích thú chụp ảnh, cười đùa dưới nắng chói, giữa bốn bề núi đồi mênh mông. Những dốc cao cứ đổ xuống, rồi lại lên; con đường men theo gờ núi, dẫn xuống khoảng thung nằm lọt giữa những dãy núi cao. Bởi đi vào mùa hè nên con mắt chúng tôi chìm đi trong sắc xanh bất tận của rừng. Khi trở lại Bạch Mộc vào một ngày tháng Mười hai, tôi mới thấu rõ sự khác biệt trong sắc màu nơi đây. Rừng tháng Sáu xanh miên man, còn rừng mùa đông phơi ra màu cỏ cây héo úa và đất nâu khô cằn…
Đuổi theo những con dốc, chúng tôi sớm nhận ra những tia nắng cuối cùng đã rời bỏ mình. Mưa bắt đầu buông…
Phần tiếp: “Mưa rừng ơi mưa rừng, hạt mưa nhớ ai mưa triền miên…”