Câu chuyện về lần đầu leo núi của tôi. Kỷ niệm của lần đầu tiên luôn in sâu nhất trong tâm trí: dải Ngân Hà muôn vì sao, con đường đêm, khung cảnh nhoè nhoẹt mưa sương, biển mây, màu hoang hoải xanh của rừng trúc, màu đen đúa của những gốc cổ thủ cháy,…
Tôi cúi xuống, gí sát chiếc điện thoại đã gần hết pin vào nhành cỏ đang rung rinh trong gió. Mưa và sương đọng thành giọt trên những sợi cỏ mảnh mai. Trông cứ như ai gắn bao hạt pha lê nhỏ xíu lên cây cỏ. Tôi không biết đó là những cây gì; ai mà biết được tên của muôn loài cỏ hoang dưới chân mình.
Gió tiếp tục thốc tới. Sương giăng đầy xung quanh chúng tôi. Dưới chân là cỏ, còn bốn bề trắng xoá những mưa và sương. Áo khoác ngoài đã ướt đẫm. Một người anh cùng đoàn chụp cho tôi tấm ảnh, đội mũ, khoác ba lô trĩu nặng, ngồi thu lu bên vệ cỏ cắm cúi chụp hình. Chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước. Đường không còn dốc gắt như quãng sau trưa, lúc đi trong rừng cây cao. Giờ đây, khi xung quanh chỉ toàn cỏ bụi thấp là tà, đường cứ thoai thoải đổ lên. Gió mạnh, sương dày, mưa nặng hạt hơn. Tôi không thấy được quá hai người đi phía trước.
Bạn porter người đồng bào nói đã sắp tới lán nghỉ đêm.
Chiều.
Mới cỡ hơn bốn giờ, mà bởi trời nặng mây nên trông như đã tối lắm. Tôi ngồi bên mép sập, kê cuốn sổ tay lên đùi và viết, dưới ánh tù mù lọt vào qua khung cửa mở. Tôi viết lại mọi thứ có trong đầu mình lúc ấy, đó là thói quen mà tôi đã tự tạo cho mình trên mỗi chuyến đi. Tôi cặm cụi một mình trong lán, né xa các thành viên chung đoàn đang tụ tập trong bếp để hơ giày và quần áo sau ngày leo mệt nhoài dưới màn sương mưa dày đặc.
Ngày hôm đó không có gì nhiều để ghi lại. Mưa bắt đầu từ sáng sớm, khi chúng tôi lên xe rời Sa Pa. Tới ngôi làng dưới chân núi Lảo Thẩn, chúng tôi đi bộ lên con đường đất đang làm dang dở trong màn sương mù mỗi lúc một dày, đổ sụp trên đầu. Cả ngày không thấy mặt trời, một chút le lói của nó cũng không tài nào chen nổi qua tầng mây sương trĩu nặng. Rừng dần mở ra trước mắt chúng tôi với những tán cây cao rậm rì và những bụi cây ngang người mà cành nhánh tua tủa đâm ra cản lối hai bên đường. Một đoạn, con đường mòn úng nước, chúng tôi phải men theo hai bên rìa nước để đi. Một cánh cổng ghép từ vài ba thân cây gỗ chắn ngang đường, chúng tôi thích thú leo qua.
Đoàn dừng ăn trưa ở một khoảng đất bằng phẳng, cỏ mọc xanh. Mọi người xúm vào cắt bánh mì, giò, dưa chuột và cùng đứng ăn dưới làn mưa phơ phất lọt xuống từ lớp sương lãng đãng trên đầu. Vừa ăn, anh trưởng đoàn vừa hứa hẹn một con dốc cực cao đang đợi chúng tôi ngay sau bữa trưa này. Tôi đứng nhìn vơ vẩn ra xung quanh. Lần đầu được đứng giữa núi rừng Tây Bắc nên cái gì cũng lạ trong mắt tôi. Cây rừng chìm đi trong sương, nhoè đi trong mưa. Chẳng còn gì rõ ràng trong ánh ngày nhoè nhoẹt u ám. Những thân cây và những tán lá đều vô hình hài, vô màu màu sắc trong mưa sương…
Tôi thức giấc. Chiếc khăn quàng cổ quấn quanh mặt để ngăn hơi lạnh xộc vào mũi khi ngủ giờ đây ướt đẫm. Nhiệt độ bên ngoài xuống thấp nên hơi nước đọng lại trên mặt khăn suốt đêm. Lạnh. Đó là điều duy nhất tôi nhớ về đêm đầu tiên trên núi ấy. Bữa đó trúng ngày gió mùa về, càng về đêm trời trên núi càng buốt. Chân tay chúng tôi chỉ hở ra ngoài một chút là cóng. Lúc tôi choàng tỉnh cũng vừa đúng lúc bạn porter gọi mọi người dậy để chuẩn bị hành trình lên đỉnh.
4 giờ sáng.
Mãi chúng tôi mới đủ dũng khí chui ra khỏi ba lớp chăn phủ kín người. Quần áo có bao nhiêu mặc trên người cả, năm lớp… Vậy mà vẫn lạnh. Tôi lần hồi xỏ giày rồi bước ra ngoài. Trời đêm khô ráo, không còn mưa lây phây như tối trước. Anh trưởng đoàn chỉ xuống phía vách kế căn bếp. Tôi trông ra, thấy một màu trắng mờ lên trong đêm. Anh nói mây đấy, biển mây. Dân leo núi mà đi săn được biển mây coi như là “nhân phẩm tốt”. Vậy là nhân phẩm tôi tốt ư? Chẳng thể biết. Lúc ấy chỉ thấy đêm tối như hũ nút và một thứ gì đó trăng trắng phía xa, chưa ý thức được mình đang thấy gì.
Đoàn mau chóng sửa soạn đồ đoàn, cầm theo những chiếc đèn pin đã cẩn thẩn chuẩn bị từ trước, bước khỏi lán để trở lại con đường mòn nối dài con đường ngày hôm trước.
.
Tôi cất từng bước nặng nhọc.
Thở dốc.
Mệt.
Tới tận bây giờ, khi đã hơn ba năm kể từ ngày ấy, khi bước chân tôi đã in lên thêm nhiều ngọn núi, nhưng con dốc sớm đó vẫn là con đường mệt nhọc nhất trong ký ức tôi. Tôi cứ đi ba bước lại ngừng, ba bước lại đứng hít lấy hít để bầu không khí buốt lạnh của đêm. Đứng thì gió thổi vào lớp áo đẫm mồ hôi càng lạnh, nhưng đi thì không nổi. Ba người bạn đồng hành với tôi lúc ấy cứ đi một quãng lại phải dừng đợi. Chị Ngọc, người Đà Nẵng, thấy tôi tụt sau đã hối tôi đi trước chị, tôi dừng thì chị dừng, động viên bước tiếp; hoặc khi hai người đi phía trước bỏ xa quá, chị lại gọi với lên để mọi người đứng chờ. Chúng tôi chẳng hề quen nhau. Bốn người từ bốn mảnh tổ quốc, hai Sài Gòn, một Đà Nẵng, một Hà Nội, nhưng chúng tôi đi bên nhau và quan tâm nhau như thể bạn bè đã quen biết bao năm.
Mãi sau này tôi mới nhận ra, chính rừng núi, hay những hành trình mạo hiểm dài ngày như thế, đã tạo ra trong chúng tôi một thứ gần như bản-năng. Chúng tôi biết quan tâm và lo lắng cho những người xa lạ. Chúng tôi hỏi han, chia sẻ với nhau vài ngụm nước, đôi chiếc bánh, hay những lời động viên vững chân bước tiếp đặng chạm tới đỉnh cao mà chúng tôi đều mong chờ. Tình đồng đội chăng? Có lẽ những người lính băng rừng vượt núi xưa kia cũng cảm thấy những mối cảm tình như vậy, nhưng sâu sắc và mang tính sống còn hơn chúng tôi…
.
Tôi lại dừng nghỉ. Nặng nhọc hít thở.
Suốt những tháng ngày qua tôi chỉ ngồi ỳ một chỗ, quãng đường dài nhất chắc là từ nhà ra bến xe buýt đi làm. Khi ấy, đừng giữa lưng chừng đêm, nghe gió lạnh rít gào xung quanh, tôi đã quyết tâm quay về phải tập luyện, để đủ sức tiếp tục những hành trình như thế này, để không làm chậm chân những người bạn đồng hành.
Hít thở. Tôi ngước mắt nhìn trời.
Sao. Dày đặc. Phủ kín vòm trời. Một dải dài lấm tấm những hạt sáng, hạt lớn hạt nhỏ, kéo ngang. Màu dải sáng tương phản với màu đêm. Dải Ngân Hà. Dải sữa trắng của đêm. Quãng này là lúc dải sáng ấy đang chiễm chệ nằm ở đỉnh trời.
Đó không phải lần đầu tiên tôi thấy dải Ngân Hà nhưng là lần đầu tiên tôi thấy nó sáng và nhiều sao tới vậy. Gần tới vậy. Cứ như thể chỉ cần giơ tay ra, rướn người lên là có thể chạm vào những đốm lấp lánh kia. Và, đó cũng là lần đầu tiên tôi được ngắm Ngân Hà giữa đất trời lồng lộng gió, bốn bề tối đen như mực, không một tiếng động hay một ánh sáng nào xen vào cuộc đối thoại lặng im giữa tôi và đêm đen.
Tôi cứ tiếp tục đi, dừng, và ngước mắt nhìn lên trời cao. Tôi mê đi trong một cơn ngây ngất. Cơn ngây ngất như được sống trong một thực tại khác, được bước đi trên con đường dốc, đắm mình trong gió núi, dưới bầu trời đêm diệu vợi.
.
Cả đoàn lên tới đỉnh Lảo Thẩn.
Vẫn chưa thấy bóng dáng mặt trời ở nơi đâu giữa mênh mông tối và gió. Chúng tôi kéo nhau xuống một hố sụt trên khoảng đất trên đỉnh, ngồi co cụm lại với nhau để tránh rét. Được một lúc thì bạn porter gọi. Mặt trời đã bắt đầu le lói phía chân trời đằng Đông. Khung trời cao rộng trên đầu nay đã dày đặc mây.
.
Hành trình leo núi, nói ngắn gọn, chỉ có thế. Hai hoặc ba ngày leo những con dốc dài lê thê, vượt qua những con đường gập ghềnh sỏi đá hay khuất nẻo trong những tán rừng rậm rì, chỉ để ngắm một buổi bình minh, chạm tới cột mốc đánh dấu đỉnh, hay săn mây, săn hoa, săn đôi cảnh sắc người ta thường truyền tụng. Ấy vậy mà, suốt bao năm, bao con người vẫn lao đi.
Tại sao?
Khi lần đầu đứng trên một đỉnh cao, ngày đó, tôi được nếm đôi chút cái vị ngọt ngào của câu trả lời, dù câu trả lời ấy chưa thực sự định hình trong trí tôi. Vị ngọt khởi nguồn từ quãng tôi bước trên con đường mòn giữa đêm tối, ngước mắt lên trời cao nhìn muôn vì sao lấp lánh sáng và nghĩ về những thứ mà chỉ người nào dám bước lên những hành trình như này mới được chiêm ngưỡng. Và rồi vị ngọt đong đầy hơn khi vẫn con đường ấy, quay trở xuống, tôi ngỡ ngàng nhìn ngắm quang cảnh trải ra trước mắt mình.
Mây.
Mênh mông mây trắng.
Mây trải dài khuất nẻo chân trời. Đôi chỗ, vài đỉnh núi nhô lên như những ốc đảo trên biển mây bềnh bồng.
Trúc.
Mênh mông trúc lùn đang ngả nghiêng theo gió.
Gió lồng lộng thổi sóng trúc mấp mô đổ về xa. Tôi nghe tiếng những cây trúc xô nhau xao xác.
Tôi bước đi, để mình hoà vào những đợt sóng trúc. Con đường mòn nhỏ chạy ngoằn ngoèo, trúc cao ngang thân người, đi trên đường mà tưởng như đang nằm để sóng trúc đánh trôi đi.
Xuống thấp hơn, gần với tầng mây, tôi nhận ra màn trắng muốt ấy vừa là mây vừa là sương. Ở đoạn mây gặp sườn núi, nơi có trúc mọc xanh non, mây sương tan ra như khói, mờ ảo, vẩn lên.
Và, còn những gốc cây cháy đen trơ trụi.
Một người chị trong đoàn nói đặc sản của Lảo Thẩn là những gốc cổ thụ cháy đen. Tôi thấy chúng, đứng cô lẻ, sừng sững trên sóng trúc xanh. Những dáng cây cao, đen đúa, vài cành nhánh đâm ra, gầy guộc. Tại sao chúng lại cháy? Và tại sao chúng vẫn đứng đây mặc gió gầm gào bao năm?
Những gốc cây trầm mặc. Trúc xanh rì rào. Biển mây trắng thinh lặng. Gió vi vút, cuộn làn sương. Khung cảnh vừa ma mị, vừa kỳ vĩ. Tôi cố bước chậm để tụt lại sau, một mình đi giữa thiên nhiên, chỉ có tiếng lá trúc xào xạc và tiếng gió núi đôi lúc thét gào. Tôi thu vào tâm trí khung cảnh ấy, lặng lẽ chìm đi trong nó.
Là đây, là lúc này, tôi thấy mình đang sống.
Hành trình thuật lại trên đây diễn ra vào ngày 17 và 18 tháng 12 năm 2017. Lảo Thẩn là ngọn núi đầu tiên tôi leo. Hay có thể nói, Lảo Thẩn là dấu mốc đầu tiên trên danh sách dài những ngọn núi tôi sẽ leo ba năm tiếp sau.
Bây giờ, khi nhớ về lần đầu tiên ấy, tôi vẫn không khỏi tự cười mình bởi lúc đó có thể mặc tới cả áo sơ mi mà leo núi, và còn chẳng mang theo bất cứ bộ quần áo sạch nào để thay khi xuống núi. Tôi đã bước lên xe khách rời Sa Pa về Hà Nội với bộ đồ dính nguyên bùn đất. Có lẽ, ngày ấy, thứ duy nhất trên người tôi hợp với việc lên núi là đôi giày tôi đi. Đôi giày leo núi chống nước và có đế bám chống trơn trượt. Đôi giày tôi mua một năm trước đó, mục đích để đi mưa!
Tôi của lần đầu tiên ấy khác rất nhiều so với tôi bây giờ. Thật thú vị khi lục lại ký ức và nhớ lại bản thân mình đã từng ngô nghê và rụt rè thế nào. Tôi sẽ thay đổi rất nhiều, trên từng hành trình leo núi tiếp sau.