“HẠT MƯA NHỚ AI MƯA TRIỀN MIÊN”
Tiếp theo phần trước: những con dốc Bạch Mộc bắt đầu chìm trong mưa. Chúng tôi hối hả đi trong trời chiều sớm tắt sáng, gắng bước nhanh để lên lán nghỉ đêm ở độ cao 2100m. Câu chuyện về hành trình Bạch Mộc của tôi sẽ kết thúc ở phần này, nhưng sẽ mở ra những trang hành trình mới…
Rời đỉnh Rùa, chúng tôi đi sâu xuống một khoảng thung lũng phủ đầy cỏ mà chẳng có lấy một bóng cây cao, để rồi từ đây con đường lại dốc lên. Những dốc cao cuối cùng tới lán. Trời bắt đầu đổ mưa. Đầu tiên là làn mưa lâm thâm, không đủ ướt áo. Nhưng càng về chiều muộn, mây đen kéo về càng dày đặc, cướp đi những khoảng nắng cuối cùng và thu hẹp trời ngày. Khi chúng tôi lê bước nặng nhọc lên sườn dốc mọc kín một loài cây rực hoa vàng cũng là lúc mưa nặng hạt thêm. Chúng tôi dừng nghỉ trên một trảng cỏ lớn, nhìn ra dãy núi phía bên kia, trên nền xanh mát mắt là đôi ba dòng thác trắng uốn lượn đổ xuống từ những đỉnh cao khuất trong mây…
Khoảng ba trăm mét cuối cùng của quãng đường ngày hôm ấy chúng tôi đi trong bóng tối. Đứa thì lười không muốn lôi đèn pin từ ba lô ra, đứa thì không mang, cũng chẳng đứa nào nghĩ tới việc bật đèn flash của điện thoại để soi đường. Chúng tôi cứ thế mò mẫm. Cũng may đoạn đường ấy không dốc, chỉ chạy bằng bằng tới căn lán nằm sâu trong rừng. Nhìn thấy ánh điện mờ mờ giữa rừng đêm đen đặc mà như thấy thiên đường hạ giới. Ấy vậy mà, tới khi chỉ còn cách lán một thân cây gỗ đổ nghiêng bắc thành cầu qua vũng lầy lớn, tôi cũng không đi đứng được cho tử tế. Tôi trượt chân khỏi thân cây, giẫm mạnh một chân xuống bùn, lún sâu. Nhấc chân lên mà giày nằm lại dưới lớp bùn nhão nhoét. Tôi phải lấy tay móc lên. Gớm hết biết! Thế mà cả chặng đường tự hào giày mình chống nước nên không bị ướt tất. Giờ thì hay rồi, toàn bùn không! Chúng tôi tới lán lúc tám giờ hơn.
Lán Bạch Mộc có một tiện nghi hay ho là: tắm nước nóng. Và ngại gì mà sau ngày quần thảo với mưa rừng mùa hạ lại không mua lấy một thùng nước nóng (50k/thùng, nước lạnh thì thoải mái, xách được bao nhiêu thì xách) đặng tắm táp cho sảng khoái tinh thần! Chúng tôi tắm, ăn tối, sạch sẽ và no nê, kéo nhau chui vào chăn.
Đêm ấy, tôi ngủ chập chờn. Khi thì mê man, lúc lại bừng tỉnh nghe tiếng gió rít và tiếng mưa đổ rào rào xuyên những tầng cây. Gió thi thoảng lùa qua khe hở dưới sàn, len giữa hai miếng cách nhiệt mà trờ tới bên tôi. Nhưng trời đêm mùa này không lạnh, chỉ ở mức se se mà nếu có ngồi trước hiên lán cũng chỉ cần mặc hai làn áo mỏng là chịu đựng được. Tôi trở dậy từ sớm. Mưa tầm tã. Tôi ngồi ghi chép vẩn vơ vào sổ tay, nghĩ về chuyện nếu ngày mai trời vẫn mưa lớn như này thì chúng tôi sẽ xuống núi ra sao, mà cũng phải xuống thôi dẫu mưa tới mức nào… Căn lán nằm giữa rừng cây cao nên ngoài những dáng cây gầy, cành nhánh tua tủa, thân đen đi vì nước mưa xối xả, thì chẳng còn gì để thả hồn mình trôi theo. Không mây, không núi, chỉ một màu mưa nhoà trắng những hàng cây.
Cả sáng không ngớt nước, chúng tôi chỉ biết chôn chân tại lán. Tới chiều, khi mưa đến hồi thưa thớt, chúng tôi háo hức tròng vào người bộ đồ ẩm của ngày hôm trước, nhét chân vào những đôi giày sũng nước, kéo nhau sang núi Muối đặng… ngắm mưa ở một góc khác.
Đêm cuối, tôi lại thao thức nằm nghe mưa.
Sáng sau, chẳng có gì đổi khác, mưa vẫn đều đều. Vẫn phải xuống núi thôi, dẫu giá nào đi nữa…
Ngay tới porter chính của chúng tôi trên hành trình này – A Sử, người mặc áo đen trong hai tấm ảnh trên – cũng là một thành viên cực kỳ nhiệt tình trong những lần chụp hình sống ảo (hoặc do cậu không cách nào nói nổi chúng tôi mà mặc cho chúng tôi đạo diễn).
Cả đoàn miệt mài hành quân và vui đùa dưới mưa. Quá trưa, chúng tôi xuống tới nhà anh A Tủa. Cả đoàn giũ vội những tấm áo mưa, gọi nhau ngồi vào trước hiên nhà, ăn mau những lát bánh mì mong qua cơn đói và sớm khởi hành tiếp. Vẫn còn con đường dốc đứng dẫn từ bản ra ngoài. Con đường cuối ấy với chúng tôi vừa cực nhọc, vừa hài hước. Chân đứa nào cũng đau, không đau đùi thì đau đồi gối, như tôi với chị Tũn thì đau ngón chân do giày đi vừa size, xuống dốc là ngón cái sẽ kích vào mũi giày đau khôn thấu. Đi không dám đi nhanh, nhưng đường trơn tuột, cố ghìm chân xuống đất cũng không nổi. Mất gần hai tiếng chúng tôi mới ra được tới cây cầu bê tông lớn ngoài đầu bản.
Trước cây cầu bắc qua con suối nước chảy siết, đục ngầu, anh chị porter đợi sẵn để đèo chúng tôi ra ngoài điểm ô tô đón. Tôi nhất quyết không lên xe mà đi bộ. Lúc ấy, trong đầu tôi chỉ có một suy nghĩ: nếu dừng ở đây thì chẳng phải quá dễ dãi với bản thân mình sao?
Chuyến đi này không trọn vẹn, bởi tôi chưa chạm được tới đỉnh núi, bởi còn nguyên một chặng đường gian nan chưa chinh phục, bởi rành rang cả ngày chẳng làm gì ngoài ra vào căn lán nhỏ giữa rừng. Tôi còn thấy tôi thảnh thơi quá, chưa được bung hết sức lực để bước trên hành trình mình muốn trải nghiệm. Có gì bức bối. Có gì không thoả mãn. Tôi không nói chuyến đi này không vui, rất vui và rất tuyệt vời là khác. Bạn đồng hành đều là những người hay ho, vui tính, và giữa chúng tôi gần như lập tức không có khoảng cách, dù trước đó chẳng hề quen biết nhau. Chúng tôi đã có quãng thời gian chẳng-làm-gì trên núi nhiều tiếng cười và không thể quên. Chính tôi, trong đôi lúc ngồi ngoài hiên căn lán gỗ, ghi chép đôi dòng, cũng tự an ủi mình rằng mấy ai được ngồi ngắm mưa trên lưng chừng núi như thế này?!
Nhưng, tôi đã chọn trải nghiệm này và đã rèn luyện để đủ sức lên đường. Phía trước còn nhiều đỉnh cao tôi muốn chinh phục và nhiều trải nghiệm tôi muốn chạm tay. Thế thì, đơn giản kết thúc vậy sao? Tại sao phải dừng khi bản thân vẫn còn có thể tiếp tục? Sao không tiếp tục để thách thức sức chịu đựng của bản thân vì biết đâu đấy những hành trình sau có thể còn gian nan hơn?
Nhiều lần tôi đã tự chất vấn bản thân, sao phải làm vậy? Tại sao khi có thể chọn một lựa chọn dễ dàng, tôi vẫn muốn quấy quả bản thân mình đến thế? Tại sao không chọn một kiểu du lịch nào nhẹ nhàng hơn thay vì mò lên những ngọn núi và nặng nhọc trèo lên những dốc cao?… Muôn kiểu tại sao nhắm vào những điên rồ của mình trong mắt người đời. Mãi sau này tôi mới hiểu, mọi sự khởi nguồn từ cảm giác: mình đang không thực sự sống. Một đời giản đơn, một công việc, một mái nhà, cuộc sống bình thường trôi đi, ngày qua ngày, không làm tôi thấy hạnh phúc. Tôi chỉ thấy như bản thân đang sống trong một phòng giam tự tay mình xây lên, và rồi xây xong thì không biết cách nào mở một cánh cửa để hít thở chút khí-sống bên ngoài. Tôi thấy mắc kẹt trong chính đời sống mình.
Vậy là, tôi đi.
Mà, với cái đứa tôi lúc nào cũng khát phiêu lưu và hoang dại, thèm chạy chơi và hoạt động hết sức hết lực mình, còn nơi nào ý nghĩa cho bằng những ngọn núi?! Tôi tìm tới núi. Tôi muốn ném mình vào thứ gì đó thật chất ngất, thật khó khăn, để được hưởng mùi vị ngọt ngào của sự sống, của niềm xác tín rằng mình đang sống, khi nhọc nhằn, gồng lưng, bước từng bước lên dốc núi cao vời vợi. Phải rồi. Đó chẳng là gì khác ngoài cơn thèm khát, niềm mong mỏi được nếm vị sống – rõ ràng, nóng hổi như giọt mồ hôi chảy ngang khoé mắt. Đó là thứ kéo tôi về phía những hành trình này, những chuyến leo núi, càng dài càng tốt, càng khó càng tốt, đừng cản. Đó là điều tôi muốn!
Vậy thì, ở đây, lúc này, rõ là tôi lựa chọn hành trình này để thử thách mình, để thoả mãn niềm khát sống trong mình, vậy mà tôi lại không đi được tới trọn vẹn, tôi phải chịu chùn chân, tôi phải quay về, một lần nữa, khi đỉnh cao vẫn cách muôn trùng… Bức bối càng bức bối hơn. Lý gì mà không mượn con đường này để xả bớt chút bức bối đi…
Mưa càng lúc càng to. Áo mưa đã bỏ lại chỗ cây cầu. Dầu sao người cũng đã ướt hết, chân cũng đã đau điếng sau ngày dài gồng mình xuống núi. Nhưng càng bước tôi lại càng như lên đồng, như thấy mình khoẻ thêm ra, thấy đôi chân guồng nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi vừa đi vừa cười, vừa mệt nhọc lại vừa thấy như mình thật tươi mới. Sao thế nhỉ?! Ôi ngọn núi chết tiệt, con đường chết tiệt, sao cứ tuột khỏi tay tôi mãi thế?!
Sau này, khi những chuyến đi lần hồi mở ra nhiều hơn, tôi đối diện với nhiều bất trắc và thay đổi trên đường, tôi hiểu ra niềm bức bối và cơn lên đồng của mình là điều dễ hiểu, nhưng cũng là điều chẳng nên tiếp tục duy trì mà làm gì. Ai mà chẳng cảm thấy thiếu thốn và không thoả mãn khi không thể thực hiện kế hoạch mình đề ra. Với những ngọn núi thì cảm giác bức bối và không thoả mãn càng cao hơn gấp bội. Dầu vậy, lần hồi, tôi hiểu rằng cột mốc đỉnh không phải là câu trả lời duy nhất cho một hành trình leo núi. Dần dà, tôi nhận ra điều mình thực sự tìm kiếm trên những dốc cao gian nan này không phải chỉ là đỉnh núi và đỉnh núi chỉ như một điểm mốc để quay đầu, để tận hưởng hành trình dưới một góc nhìn khác. Và, leo núi, những chuyến đi, hay cuộc sống thì luôn thế, luôn có bất trắc và những ngáng trở làm ta không thể theo những định liệu ta mong cầu. Cứ nhẹ nhàng thay đổi và tận hưởng những đổi thay trên con đường, vậy thôi!
Nhưng, đó là những điều mà phải sau nhiều chuyến leo núi nữa tôi mới thấu ngộ. Rời Bạch Mộc, ý chí của tôi, cách nhìn của tôi về leo núi cũng như cuộc sống lần nữa đối mặt với thách thức. Thách thức tiếp theo nằm ở Ngũ Chỉ Sơn.
Chủ nhà chiêu đãi hơi nhiều ảnh xanh mát, ít người gặp được vì mùa hè không phải mùa leo. Tôi thích hành trình này ở những đoạn cắt không được viết ở đây hơn, mà được kể ở những nơi khác, câu chuyện trong lán ngày mưa, những đoạn đã nhảy cóc qua. Dẫu sao cảnh sắc sau cơn mưa thật đẹp.
P/s: Cảm ơn đã giới thiệu đỉnh Rùa 😁
ha ha viết lại thì công nhận là có những đoạn muốn kể mà không biết kể như nào, kể vào lại sợ dài dòng với không hợp được với mạch viết. Dù sao cũng xin cảm ơn ý kiến của bạn mình. Có khi xin để dành đoạn cắt “câu chuyện trong lán ngày mưa” ở một bài viết khác :v
P/S: công nhận là mùa mưa leo dính mưa thì cực thật nhưng cảnh sắc xanh mát thích mắt hơn mùa không mưa =))