Mưa lầm rầm trong rừng
Mưa xoay tròn không trung
Hai bờ mưa mờ mịt
Con đường vòng mông lung
Rặng núi về đầu mây
Xa cách những rặng cây
Từng sóng xanh tre trúc
Cơn gió đã trút đầy
Cơn gió đi mất hút
Người về đường còn đây
…
(trích bài thơ Mưa rừng của nhà thơ Quang Dũng)
Trước khi biết thế nào là leo núi khi trời quang mây tạnh, “đời” leo của tôi vẫn còn phải chịu một thử thách cuối cùng.
Một thử thách thuộc hàng nặng đô. Mà kể, nếu ý chí lung lay chút thôi là bỏ để quay về với chăn ấm đệp êm và căn phòng khô ráo sạch sẽ rồi chứ chẳng gan lỳ đi tiếp làm gì. Yếu ý chí hay tỉnh táo đây? Tôi khó lòng phân định. Có khi quyết định quay trở lui, như hai người anh tôi quen, lại là quyết định đúng đắn nhất trong điều kiện và hoàn cảnh như thế. Còn như chúng tôi, tiếp tục tiến về phía trước và nhất quyết mò lên đỉnh giữa mưa gió bão bùng, lại là những kẻ quá gàn dở thì sao?
Nhưng dầu cho gàn dở cỡ nào, tôi cũng đã ở đó. Chúng tôi đã cùng nhau lên tới đỉnh núi và quay về, dưới cơn mưa vuốt mặt không kịp. Nếu bạn đã từng đọc bài viết của tôi về Bạch Mộc Không Đỉnh, đã biết về trời mưa buổi ấy, thì tôi xin thưa tiếp rằng, chúng tôi leo lên Ngũ Chỉ Sơn trong cơn mưa dữ dội hơn đôi ba phần. Ở Bạch Mộc, khi mưa trút nước thì chúng tôi an vị trong căn lán giữa rừng. Còn trên Ngũ Chỉ Sơn, khi mưa đổ và gió gầm không cách nào chống đỡ thì chúng tôi còng lưng cõng ba lô, ghim đôi chân mình xuống bùn đất mà tiến tới. Và, còn chẳng có lán cho chúng tôi hưởng đôi chút khô ráo đặng ngắm mưa cho bớt nản lòng. Không. Ngũ Chỉ Sơn của tháng Mười năm 2018 ấy như một con quỷ nước chẳng từ thủ đoạn nào hành hạ chúng tôi.
Nhưng con quỷ ấy, tới cuối cùng, lại chịu hé lộ cho tôi thấy một vẻ mặt đẹp đẽ của nó. Ngày xuống núi, tôi được ngắm trông một khung cảnh núi rừng đẹp mênh mang và êm ái. Cộng thêm những ngẫm suy nảy sinh trong lòng tôi trên hành trình đối đầu với con quỷ, tôi nhìn cảnh rừng núi buổi chiều tà với một tâm hồn thư thái và một cảm giác vừa vui vẻ, vừa vững lòng về những hành trình phía trước.
Đi thôi nào. Đã đến lúc quay về Ngũ Chỉ Sơn.
Mưa đập rào rào vào tấm bạt lớn che trên hai chiếc lều. Gió thốc tới, thổi mép bạt đập phần phật. Đêm đã khuya lắm. Tôi mò mẫm tìm chiếc điện thoại nhét dưới chân. Hơn hai giờ sáng. Nhẹ nhàng luồn điện thoại vào lại túi ngủ, tôi khẽ trở người. Chẳng có chỗ cho chân tay tôi được tự do. Chúng tôi, bảy đứa con gái, lèn chặt trong chiếc lều sáu. Lại thêm mấy cái ba lô chèn quanh, đứa nào đứa nấy đủ chỗ nằm thẳng lưng và chỉ cần chớm quay nghiêng là khoảng không chừa ra sẽ có đứa kế bên lấp vào.
Bạn bè xung quanh say giấc hết cả. Lều bên cạnh, nơi có hai thành viên nam của đoàn cùng mấy anh porter, cũng yên ắng. Tôi chẳng biết làm gì cho qua thời giờ trong cái chỗ nằm chật hẹp. Tôi không đưa mình vào giấc ngủ cho nổi. Suy nghĩ trong đầu tôi được dịp trôi dạt khắp ngả.
Chúng tôi ăn tối muộn, chín giờ hơn mới bắt đầu cơm dù bốn rưỡi năm giờ kém đã tới điểm trại. Mưa gió bão bùng làm củi cây đâu đâu cũng ướt nhẹp, các anh porter chật vật không nhóm được lửa. Khói um lên dưới tấm bạt che chắn cho chúng tôi khỏi cơn mưa thác lũ. Nhưng mưa chẳng đủ sức đe doạ tới độ khiến chúng tôi phải lo lắng khi đã an vị bên trong hai căn lều dựng dưới tấm bạt lớn. Thứ đáng sợ hơn là gió. Điểm hạ trại nằm ngay sườn đón gió, lại chênh vênh trên một con dốc, cây cối xung quanh không đủ lớn để che chắn, chúng tôi như phơi ra cho những cơn gió núi quật tới tấp. Mưa đôi lúc thưa thớt, nhưng gió chưa một lần bớt dữ dội.
Tôi nhớ tới thời điểm lần đầu giáp mặt những cơn gió mạnh bạo này là khi kéo được thân mình lên đỉnh con dốc cuối cùng sau bữa trưa, nơi con đường thay vì dốc lên thì thoải xuống men theo mép núi mọc đầy trúc lùn, một giao điểm giữa sườn núi bên này và sườn núi bên kia. Tôi đã không tài nào đứng được ở vị trí ấy. Gió kéo qua khe núi, xô bạt những thân cây. Gió lạnh kèm theo mưa thốc vào thân người đã sẵn ướt sũng làm tôi run cầm cập.
Lúc xuống xe ở chân núi, trời chỉ mây mù nặng nề chứ không mưa. Hoạ chăng, đôi lúc màn sương dày đặc trĩu nặng tới độ nhỏ xuống vài giọt bay bay. Nhưng khi con đường bắt đầu dốc cao hơn và khi chúng tôi rời những nếp nhà nơi rìa bản để vào sâu trong rừng thì mưa trở nặng hạt. Tôi nhớ tới chuyến leo Lảo Thẩn của mình một năm trước đó. Khi ấy mây mù cũng bủa vây như thế này, nhưng mưa không mỗi lúc một kinh hoảng như thứ chúng tôi đối mặt ở Ngũ Chỉ Sơn. Con đường mòn bé xíu, nhiều đoạn bám sát mép núi, chân đặt mấp mé còn tay cố bám vào bất cứ thứ cỏ cây nào nhô ra, đặng giữ thăng bằng mà trườn được sang phía bên kia. Tới khi dừng ăn trưa cũng là lúc mưa chuyển tầm tã.
Đường lên Ngũ Chỉ Sơn không dài, nhưng nó biến thành cực hình dưới mưa. Dốc cao cuối cùng trước khi tới đỉnh gió chạy khấp khểnh cạnh vách đá lớn. Đường vừa nhỏ vừa đầy sỏi đá, vừa gập ghềnh vừa trơn trượt. Leader từng cho tôi xem những tấm hình vách đá dựng đứng này dưới nắng, với đôi dòng thác bé xíu thi thoảng nhỏ xuống từ cây cối, lóng lánh ánh mặt trời. Còn thứ tôi thực sự nhìn thấy? Trên nền mưa tối sầm, cũng những dòng nước từ những cành nhánh cây cỏ, rêu rong, và sườn đá nhỏ xuống, nhưng tuyệt không thể lấp lánh nắng. Lấy đâu ra nắng mà lấp lánh?! Rừng trải ra quanh chúng tôi một màu mờ mịt. Nhưng kìa, bên trong một hốc đá hay chênh vênh trên một mặt vách là đầy những vốc hoa li ti, phủ thêm màn nước mưa trông thật vui mắt. Ngắt quãng, trên lưng chừng dốc, tôi dừng nghỉ và nhìn ra xung quanh, xuyên vào tầng rừng, thấy những tán phong in hình. Những tán lớn vươn ra, lá phong chẳng thể rõ màu giữa cái màu xám xịt của đất trời nhưng dáng lá thì không lẫn vào đâu được. Những tán phong trong rừng mưa mang vẻ ma mị, bí hiểm.
Cũng chỉ tận hưởng được chút an ủi nhỏ nhoi thế trên con dốc dài. Phần lớn thời gian, chúng tôi cắm cúi bước, cắm cúi tiến về phía trước dưới thác mưa vẫn đều đều đổ xuống thân người. Tôi đang làm cái quái gì ở đây vậy? Vừa đi tôi vừa không ngừng tự hỏi mình điều ấy. Tôi muốn leo núi, tôi muốn ném mình vào những hành trình mệt nhọc để thử thách ý chí và để thoả cái mộng ước được cảm nhận sự sống trong con người mình một cách chân thực nhất… Phải. Phải. Tất cả những điều tuyệt vời và hay ho mà tôi đã nghĩ đến. Nhưng có nhất thiết phải như thế này không? Hành hạ chính mình? Tới mức này? Mưa như thế này thì có gì mà đi, có gì mà nhìn ngắm? Làm sao phải gan lỳ khổ sở thế? Tôi chán nản, thấy vô định trên con đường dài, thấy bấp bênh trên chính đường đời mình…
Tiếng bạt đập vào mái lều lớn hơn. Có gì đó là lạ. Tiếng đập khác ban nãy. Tôi dứt mình khỏi dòng suy nghĩ để chú tâm lắng nghe. Tôi với qua người Tâm – cô bạn nằm sát mép ngoài, sờ tay vào vách lều. Ướt đẫm nước. Tôi căng tai thêm một lúc. Thôi đúng rồi, tấm bạt lớn che trên lều đã bị gió đánh tung lên, mưa đang quất thẳng vào lều chúng tôi. Làm gì bây giờ? Tôi thầm hi vọng leader hoặc porter lều bên sẽ nghe thấy tiếng bạt đập lớn mà tỉnh dậy. Chẳng thấy ai động tĩnh gì. Có vẻ chỉ mình tôi biết tấm bạt đã tuột khỏi dây. Tôi với giọng gọi sang. Không ai thưa. Tôi lôi người ra khỏi chỗ nằm chật chội, mở cửa lều, gọi lớn tiếng sang lều bên cạnh. Đã có người nghe thấy…
Khi đó là ba giờ sáng.
Chúng tôi thức giấc vào quãng năm giờ hơn. Các anh porter gọi mọi người dậy ăn sáng và chuẩn bị lên đỉnh (nếu muốn). Vẫn mưa. Tôi mới chợp mắt được một chút, lồm cồm bò dậy đón lấy bát mì tôm. Lên đỉnh ư? Trong trời mưa như thế nào? Để làm cái quái gì? Tôi lại tự nhủ. Tôi đã tới mức nản lòng, không muốn đi tiếp. Mưa ở Lảo Thẩn, mưa ở Hang Tiên, mưa ở Bạch Mộc, và giờ là mưa ở Ngũ Chỉ Sơn. Cứ mỗi lần, mưa gió bão bùng lại tăng lên một bậc. Và tới lúc này thì quả là tôi chẳng muốn lao mình vào mưa làm gì nữa, gắng sức quay trở về chắc cũng đã là giỏi lắm rồi.
Chúng tôi thay nhau hỏi han về con đường lên đỉnh. Thực ra chủ yếu là tôi hỏi. Tôi muốn biết nó có xa quá không, liệu có thể lên tới nơi trong trời mưa như này không, rồi trên đó có gì không… Tôi vẫn còn chút quyến luyến, quả tình là vậy. Vừa chán không muốn đi tiếp, vừa không muốn cứ thế mà quay về khi đã leo tới đây.
Tâm nói cô ấy sẽ đi, lên đỉnh. Tôi quen Tâm trong lần leo hụt Bạch Mộc vì què chân, đây là chuyến leo núi đầu tiên của tôi và cô. Tâm nói có thể cô sẽ chẳng còn cơ hội quay lại đây nữa, nên cứ đi thôi, quyết đi. Tôi ngả theo Tâm. Ừ thì đi, bạn mình đã quyết tâm thì mình trở lui làm gì cơ chứ? Đâu còn gì để mất khi quần áo, giày dép và tất cả những thứ đồ mang theo đều đã ướt sũng và dính đầy bùn đất. Nản thì nản thật nhưng thôi, tăng thêm chút nản vào đó chắc cũng chẳng sao. Có chăng đi lên thì thêm chút bùn đất dính người nữa thôi mà…
Nhưng không phải chút!
Tôi đã nhầm. Con đường lên đỉnh ngoằn ngoèo chạy trên sườn núi mọc đầy trúc lùn (nói là lùn nhưng trúc ở đây cao hơn đoạn gần điểm trại, đủ cao để che lút đầu chúng tôi). Đường bé xíu, trúc rậm rì, còn mưa thì biến nền đất dưới chân thành thứ bùn nhão nhoét, đen sì, nhớp dính và nhiều chỗ lút chân sâu không tưởng… Thứ bùn quái quỷ gì vậy? Vừa đen, vừa nhầy nhụa. Có lẽ là đất trộn với lá trúc mục, hoặc còn gì nữa thì tôi chịu. Kinh khủng. Chúng tôi bò dần lên.
Và, chính trên con đường này, mọi câu hỏi, mọi nghi ngờ về lựa chọn của bản thân, về cuộc sống mình trong tôi đều bay biến. Chăn ấm đệm êm sẽ chẳng bao giờ làm những nghi vấn của tôi về con người mình biến đi cho được. Một hành trình êm đềm, không biến cố hay trở ngại sẽ chẳng dẹp bỏ được những dằn vặt của tôi về chính mình. Có lẽ thiên nhiên hiểu điều ấy?! Con đường lầy lội, dốc đứng và cheo leo này cho tôi câu trả lời về điều tôi tìm kiếm.
Nếu bạn hỏi tôi thứ hấp dẫn nhất của Ngũ Chỉ Sơn là gì, tôi sẽ nói với bạn rằng: đó là những đoạn thang gỗ bắc trên gờ núi, bên vách đá, những đoạn thang chông chênh, trơn tuột trong mưa, giữa những làn gió hun hút kéo mây và sương qua vách thẳm. Bám tay leo lên đó, tôi mê say, tôi sung sướng, tôi thích thú cười vang. Tôi cảm thấy một niềm vui thuần khiết, một cơn hứng khởi trong trẻo, giản đơn và nguyên sơ dềnh lên trong mình. Nơi dốc thang cuối cùng trước khi chạm đỉnh, đoạn thang gỗ thẳng đứng vươn mình giữa hai vách đá, tôi leo lên trước, để gió thốc thẳng vào người và gọi với xuống Tâm đang bám dây leo lên: “Trên này thú vị lắm Tâm ơi!”.
Tôi muốn giữ mãi xúc cảm ngất ngây khi bám tay từng bước leo lên những bậc thang trong gió, trong sương, bên vách vực ấy. Đó là lúc tôi thấy hạnh phúc nhất, thoả mãn nhất, và là lúc mọi câu hỏi tôi tự vấn đều trở nên vô nghĩa: tôi vẫn đang từng ngày cố gắng sống một cuộc đời do chính tôi lựa chọn, làm những điều tôi muốn. Và ngừng băn khoăn đi, cảm giác hạnh phúc này là câu trả lời cho tất cả. Cảm giác được thử thách, được điên rồ, được làm một việc thoả cái điên trong con người mình. Tôi không biết phải diễn tả cảm xúc trong mình khi ấy như thế nào. Việc ở đó, leo lên, chênh vênh, ngất ngưởng, đã xoá hết những chống chếnh trong lòng tôi, đã lấp đầy cơn khát của tôi. Đó là khi tôi hiểu tôi yêu những trải nghiệm này. Đây là điều tôi tìm kiếm. Một phút giây hạnh phúc này thôi là đủ cho cả hành trình, dẫu có gian nan, đáng nản, và chẳng nghĩa lý gì đến đâu.
Đỉnh.
Đỉnh mù sương. Gió lạnh quần thảo trên đỉnh núi trơ đá. Mưa nặng hạt quất vào làn áo mưa. Chân tay tôi lạnh cóng. Không thể thấy gì chung quanh. Dày đặc một màn mưa sương. Nhưng giờ đây, chẳng gì quan trọng nữa cả. Tôi vẫn đang đắm chìm trong cơn ngây ngất bởi con đường gian nan phía dưới. Với tôi, mọi thứ đã vẹn tròn rồi.
Đường quay xuống chẳng đọng lại gì nhiều trong ký ức tôi. Cứ như thể cảm xúc nơi những gờ thang bám khi leo lên đã xoá nhoà hết những dư ảnh còn lại về hành trình. Tôi thoáng nhớ đôi chân mình sau hơn một ngày leo dốc bùn đã kiệt quệ, đùi và đầu gối không còn vững, xuống núi là cực hình. Nhưng một đoạn, nơi con đường kề bên vách đá, khi ngày hôm trước leo lên tôi đã chán nản và tự dằn vặt mình, thì nay, đứng từ lưng chừng nhìn xuyên qua tầng rừng, tôi được chiêm ngưỡng cảnh nắng soi tỏ một vùng núi non trùng điệp, xanh vàng rực rỡ, mây trắng phủ bồng bềnh, bản làng dưới chân núi thấp thoáng trải dài… Chầm chậm men xuống núi dưới khung trời nay đã ngơi ngớt mưa, tôi vừa đi vừa ngơ ngẩn ngước mắt mà nuốt vào tâm trí khung cảnh ấy. Nắng dịu êm và mây nhè nhẹ trên một vùng xanh.
Sương mù tản bớt, núi rừng quanh tôi hiện rõ hình hài. Những gốc cổ thụ. Những tán lá phong. Những bông hoa nhỏ khoe sắc dọc các sườn dốc. Lúc ấy, khi đang bước mau theo anh porter, bất giác tôi nghĩ về tình thế này và ước sao mình không phải vội vàng đi cho kịp đoàn người như thế. Ước sao tôi có thời gian thảnh thơi mà nhìn ngắm vạn vật chung quanh, để đôi mắt mình và tâm hồn mình đón lấy tất cả vẻ nguyên sơ và hùng vĩ của thiên nhiên, và ve vuốt những bí mật của nó. Giá như tôi có nhiều thời gian hơn…
Xuống thấp hơn, niềm mong ước trong tôi được thoả nguyện. Rời khỏi rừng cây cao, xuống tới triền đồi mọc kín những cây bụi nở hoa hồng tím, chỉ còn mình tôi thơ thẩn trên đường. Bạn bè, người đã lao đi trước, người tụt lại sau, tôi thong thả đặt từng bước chân nặng nhọc. Tôi đã có cả trời mây núi cho riêng mình. Tôi cứ ngơ ngẩn bước, thi thoảng cầm máy lên chụp lấy vài tấm ảnh, đứng lại ngước ra sau nhìn mây mù ôm đá núi, trông về trước thấy khoảng thung lũng trải ra bao la…
Và trăng. Trăng núi rừng. Vẫn ánh trăng thân thuộc nhưng giữa khung cảnh rừng núi thâm u và trầm mặc, trăng bỗng sáng hơn, đẹp tới nao lòng. Mảnh trăng lưỡi liềm sắc cạnh, đính lơ lửng giữa đám bông mây. Hai màu trắng in lên màu xanh vời vợi của khung trời sau mưa. Bên bờ suối, sau một đợt mưa đổ ào, cầu vồng hiện lên nối hai bờ mây. Một bên mây trắng phau trên nền biếc, một bên mây mù nặng mưa sầm sì xám xịt.
Ảnh lúc nào cũng tấu hài nhưng văn thì dùng bao nhiêu thủ pháp nghệ thuật vẫn thấy gợn lên chút cảm xúc gì đó, tĩnh lặng.
Hiu hiu viết có một phần 🙁
để mình rút kinh nghiệm cân đối lại thủ pháp =)) dùng nhiều có vẻ hơi quá đà hiuhiu mấy chuyến ngắn ngắn lâu lâu rồi thì chỉ dám viết 1 phần thui. viết nhiều sợ dài dòng quá mà cũng không nhớ nhiều để mà viết =))