Huế, ngày 28 tháng 7 năm 2021
Điều quan trọng phải nói ba lần!
Đây là câu hỏi mà tôi trăn trở đã bao nhiêu năm. Lần nào bước qua Ngọ Môn tôi cũng thấy ngợp, bởi không biết phải đi ra sao cho hết các điểm đến nằm sau bức tường thành. Tất nhiên, đi thế nào thì cũng hết được thôi, quan trọng là bạn bỏ ra được bao nhiêu thời gian và sức lực. Tôi thường tiêu tốn từ hai tới ba tiếng một lần. Vấn đề cốt yếu nằm ở chỗ: tôi muốn tìm một trình tự hợp lý để tới được từng điểm, ngắm nghía kỹ càng và thưởng thức không gian một cách trọn vẹn.
Hãy để tôi nêu ra ví dụ để minh hoạ cho cái khó của vấn đề này.
Tôi thường tham quan theo trình tự như sau:
Chính đây là chỗ phát sinh vấn đề. Tôi không bao giờ có thể bỏ qua đoạn “xiên lung tung” cho được, vì từ Ngọ Môn dẫu có đi thế nào thì vẫn tới những vị trí tôi buộc phải vòng qua vòng lại để tới được các điểm muốn tới. Và dẫu đi thế nào thì tôi vẫn có nguy cơ bỏ qua một vài điểm bởi không có thời gian đi hết hoặc tôi bỏ qua điểm đó mà tới lúc nhớ ra thì đã ở quá xa nó mất rồi. Điển hình cho trường hợp này là bao nhiêu lần tôi tới Đại Nội, hôm qua mới là ngày tôi đặt chân lên khu vực Ngự Tiền Văn Phòng và Lầu Tứ Phương Vô Sự! Và để tới được đây thì tôi đã phải thay đổi lịch trình của mình một chút, vừa để cân đối thời gian, vừa vì một số lý do khách quan như Điện Thái Hoà đang tu sửa và lúc tôi trở ra thì cổng ra chính phía Cửa Hiển Nhơn đã đóng và tôi phải vòng xuống Cửa Hoà Bình.
Đơn giản lắm, chuyện ấy đối với tôi tương tự việc bạn thích một quán cà phê nào đó, bạn tới đó luôn luôn, bạn ngồi vào một góc quen và nhâm nhi cốc trà hay cuốn sách. Nơi ấy tạo cho bạn một cảm giác thư thái, dễ chịu, thân thương và ngày này qua tháng khác bạn lại tìm về. Hoặc, có thể ví Đại Nội với tôi như chốn công viên mà bạn thích ra chạy bộ mỗi chiều. Một khi thành thói quen thì hôm nào không chạy bạn sẽ thấy thiếu, phải không? Tôi cũng thế, đi Huế mà không vào Đại Nội thì tôi cũng thấy thiếu vô cùng.
Mà, tôi nghĩ Đại Nội là một phần thuộc về linh hồn Huế. Đó không hẳn chỉ là một điểm đến đặc trưng của Huế, một điểm du lịch “cần phải đi”. Đại Nội là một phần của không gian Huế, nơi lưu giữ bầu không khí của một quãng thời gian đã mất (xin mượn một tựa sách để gọi tên vậy) và một khi bước vào trong, bạn sẽ có cơ hội nhìn vào lịch sử, xem một lớp người của một quãng không thời gian xưa cũ đã sống như thế nào. Nơi ấy thực chất là căn nhà lớn của một gia đình từng giữ vị trí quan trọng trong xã hội Việt Nam. Muốn hiểu về gia chủ thì cần tham quan nhà. Ngôi nhà không chỉ mang cá tính chủ nhân mà cả hồn cốt của cá tính vùng đất nữa.
Và bạn biết không, mỗi khu vực trong Đại Nội lại có một bầu không khí rất khác nhau. Nếu trục Dũng đạo ở chính giữa, nối các kiến trúc trung tâm của Đại Nội, mang dáng vẻ uy nghi và bề thế thì những khu vực thuộc về phía phải Hoàng Thành (như cung Diên Thọ hay cung Trường Sanh) lại mang tới cho người khách tham quan một cảm giác bình lặng và thư thái. Hay tâm thế của ta khi bước qua những mái cửa cao của Thế Miếu hay Hưng Miếu cũng rất khác khi ngang những hộc cửa nhỏ, xem giữa những lối đi trong vườn Thiệu Phương. Thế đấy, nên tôi thích chầm chậm thả bộ trên những con đường lát gạch chạy trong bóng rậm rì của hàng cây cổ thụ, nhìn hoa nắng nhảy múa dưới chân mình và lắng nghe tiếng thở của từng toà kiến trúc còn sót lại như thế.
Cũng bởi tha thiết muốn hiểu không gian nơi này và muốn đắm mình trong không gian ấy, tôi vẫn băn khoăn và choáng ngợp mỗi khi bước chân vào Đại Nội. Tôi vẫn sẽ quay lại đây dẫu đã vào ra vừa tròn chục lần.
Để kết thúc dòng tâm sự hôm nay, tôi muốn mời các bạn tham quan Đại Nội ngày không du khách. Dưới đây là những tấm ảnh tôi chụp trong buổi chiều qua, khi tôi là vị khách tham quan duy nhất. Cùng tôi thăm nhà người chủ nhân cũ của Phú Xuân và toàn cõi An Nam xưa nhé!