Bài viết
Trang chủ » Chuyện » Nhật ký Huế - 2021 » Ngày 28 – Chậm bước với Huế

Ngày 28 – Chậm bước với Huế

Huế, ngày 7 tháng 8 năm 2021

Đường dẫn vào điện Gia Thành một chiều hoàng hôn buông

Hai giờ chiều, vẫn nắng. Đôi khi một làn gió nhẹ thoảng qua đủ lay động mấy tán cây, nhưng cũng chỉ khuấy lên cái bầu không oi nồng đã tới kỳ đặc quánh.

Tôi đứng trước hiên nhà. Cửa sổ và cửa phòng hai gian nhà dưới đóng kín. Tôi vẫn thường thấy chúng mở luôn luôn, anh trai người Sài Gòn hay ngồi bên cửa sổ làm việc trên máy tính, còn chị gái phòng bên thì ngồi pha trà. Nay, hẳn vào giờ này thì họ chọn trú ngụ trong căn phòng kín với điều hoà phả hơi mát lạnh hơn là mở toang cho thứ không khí này ùa vào.

Trời vẩn mây. Nhưng tầng mây mỏng manh không đủ che bớt những tia mặt trời xối xả.

Tôi ra lấy quần áo phơi ngoài dây rồi lật đật quay trở lại phòng. Ở đây đã gần một tháng, tôi dần mất đi tâm trạng hăm hở của một kẻ du khách mà khoác lên mình tấm áo lặng lẽ và chậm chạp của một cư dân thành phố bên bờ Hương. Lặng lẽ nằm trong nhà cả ngày và chậm chạm lê bước tới một hai điểm đến một tuần, chỉ để tiếp tục lặng lẽ ngắm cảnh hoặc chụp ảnh và chậm chạp lê bước về. Không làm gì hơn. Không làm gì nổi hơn trong thứ thời tiết mùa khô nóng nực của miền trung.

Mấy ngày gần đây tôi cứ nghĩ miết không hiểu sao những lần trước tới Huế, lần nào cũng đi vào mùa nắng như thế này, mà tôi đủ sức lực và dũng khí để ở ngoài đường từ sáng tới chiều, có khi tới tận tối mới về?! Những buổi phóng xe ra khỏi nhà nghỉ, cùng Giang, từ bảy tám giờ sáng, mười hai giờ trưa tìm một quán ăn, trú vội trong hơi mát lành của nhà hàng, rồi ăn xong lại lao trở lại ra đường. Hay, cái năm tôi dẫn cả nhà đi Huế. Tôi gàn dở bắt mọi người ra đường từ tám giờ sáng, trưa thì cũng về phòng nghỉ ngơi đấy, nhưng chiều ba giờ nắng vẫn gay gắt đã lại bắt mọi người đi luôn. Gia đình tôi vẫn chịu đựng đứa con này quả là may mắn.

Hẳn, thứ năng lượng và tinh thần nhiệt thành tiến bước bất chấp nắng nóng ấy của tôi tới từ cảm giác mình chỉ tới đây vỏn vẹn vài ngày, cần phải tận dụng triệt để thời gian mình có và đi cho bằng hết những điểm muốn đi. Một loại bẫy du lịch. Tôi gọi thế có đúng chăng? Ai bẫy ai? Cái hầm chông nằm đấy và tự kẻ du khách cắm chông lên rồi vui vẻ ngã vào lòng đống chông nhọn. Trách ai bây giờ đây?

Lúc nào các bài viết về du lịch cũng liệt kê hàng loạt điểm đến: cần phải đi, không thể không tới, đừng bỏ lỡ, nhất định thử một lần trong đời… Rồi thì, một lần, ai mà thu xếp được một tuần tới vài tuần để du lịch cơ chứ? Dài nhất chắc cũng chỉ ăn cắp được bốn năm ngày giữa đời sống bận rộn mà thôi. Thế là đi vội đi vàng. Bởi, ai mà biết rồi thì mình có trở lại hay không, ai mà biết lần tới trở lại nơi này có còn như cũ hay không, và ai mà chẳng muốn đi ngay những điểm ai ai cũng đi. Đấy, muôn vàn chông nhọn trong hố, thế mà vẫn nằm vào với lòng nhiệt thành lớn lao.

Sau bao lần đi Huế, tôi vẫn thấy mình và mảnh đất này còn thiếu nhau một điều gì. Khi giờ đây, có dịp sống chậm trong lòng thành phố này, tôi mới hiểu thứ chúng tôi thiếu nợ nhau ấy. Huế cần một du khách chậm rãi, trong khi tôi lúc nào cũng vội vàng.

Hôm nay là thứ bảy nhỉ, chiều hôm thứ năm tôi đi lăng vua Tự Đức. Tôi dành ra hơn hai tiếng buổi chiều đấy chỉ để lang thang trong khu Khiêm Lăng. Vậy mà gần cuối giờ tham quan, khi nắng chiều đã nhạt lắm, tôi vẫn phải vội vội vàng vàng bước mau qua khu lăng một của Hoàng Hậu và của vua Kiến Phúc để quay trở ra. Lại nói, hôm đi Hiếu Lăng – lăng vua Minh Mạng, tôi lang thang suốt ba tiếng đồng hồ buổi sáng. Đại Nội cũng vậy, ngót nghét ba tiếng. Rồi tôi nghĩ về lần đầu tiên đến thành phố này và tự hỏi làm cách nào mà lần ấy tôi đi cả ba lăng vua Khải Định, Minh Mạng và Tự Đức chỉ trong có bốn tiếng đồng hồ?! Khác nào tới nơi, mua vé, chạy vào rồi đi ra… Quá tốn tiền và tốn sức.

Những điểm đến của Huế không thể đi theo cung cách hối hả ấy được. Những toà lầu, những ngôi lăng mộ, những bờ tường đổ hay những gốc cổ thụ nơi này đòi hỏi người du khách phải bước thật chậm, từ tốn ngắm nhìn. Chỉ khi ấy, kẻ xa lạ chọn tới ngụ nơi đây mới cảm nhận được bầu không khí an tĩnh và bình lặng của Huế, của bao năm thời gian và lịch sử phủ lên thành phố. Vả lại, làm sao có thể vội nơi thành phố miền trung nắng nóng chỉ độc hai mùa khô và mưa?! Ta thích tới vào mùa trời quang mây tạnh. Ấy nhưng quang tạnh đi kèm nắng nóng. Lao lên lăng vua Khải Định, hay chạy xe mướt mải tới lăng vua Gia Long cách trung tâm hàng mấy chục cây số dưới trời nắng thì người ta sẽ chỉ thêm bực tức nơi này mà thôi.

Từ lầu Tứ Phương Vô Sự nhìn ra ngoài bức tường thành

Người ta nói Huế buồn. Nhưng Huế chỉ buồn trong mắt gã khách trú ưa náo động, người tìm kiếm những trải nghiệm rộn rã, ồn ào, nhiều hoạt động và lắm âm thanh. Với người biết kìm bước chân mình, biết nhẹ nhàng chạm tay lên bức tường Bửu Thành ôm lấy mộ vua Tự Đức, nhìn lên hàng thông cao phía trên đầu, hay biết khẽ khàng qua trên sân chầu nhìn về phía hồ sen, xa xa là hai trụ biểu in dáng trên dãy Đại Thiên Thọ… chậm thôi, người ấy sẽ cảm được hồn Huế.

Huế không buồn, Huế chứa đựng một bầu không man mác và an tịnh.

Nắng vẫn chưa thôi gay gắt. Nhưng tôi nghĩ chiều nay mình vẫn sẽ chọn một điểm đến nào đó trong số những điểm mình đã quen tên, để quay lại, và để chậm rãi, lần nữa, ngắm nhìn bầu không mênh mang của Huế.

19440cookie-checkNgày 28 – Chậm bước với Huế
Từ khóa : Huế nhật ký Huế
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *