Bài viết
Trang chủ » Trang sách » Đọc và ghi » Chiến tranh với những khuôn mặt phụ nữ

Chiến tranh với những khuôn mặt phụ nữ

Cảm xúc trước trang sách

Đọc “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của Svetlana Alexievich, tôi không ngừng tự hỏi: chiến tranh Việt Nam qua lời kể của những người phụ nữ Việt Nam thì sẽ thế nào, sẽ giống và khác những gì so với lời kể của những người phụ nữ Liên Xô này. Câu hỏi gói gọn cái khát khao to lớn nhất của tôi trước trang sách.

Tôi thèm biết bao một cuốn sách nói về những khuôn mặt phụ nữ trong chiến tranh việt Nam. Giá có ai đó tới nói chuyện với họ, một cây viết nữ – đó nhất thiết phải là một cây viết nữ vì giữa phụ nữ với nhau họ mới sẵn sàng chia sẻ và họ mới thấu cảm được để viết về nhau, rồi người đó sẽ ghi lại những lời kể, những suy nghĩ, những xúc cảm của những người nữ thanh niên xung phong, những o du kích, những cô gái mở đường, những nữ lái xe… tất thảy những gương mặt nữ nơi chiến trường hàng chục năm của đất nước ta – khác với cuộc chiến chỉ kéo dài vài năm của Liên Xô.

Đó là điểm khác biệt. Cuộc chiến của đất nước ấy khác với cuộc chiến của đất nước ta, nên những lời chứng, những ký ức chiến tranh này chắc chắn vẫn có điều gì đó khác. Tôi đọc và tôi nhận thức điều ấy. Nhưng tôi cũng nhận thức những điểm tương đồng. Dẫu tôi chưa bao giờ biết chiến tranh là gì thì tôi cho rằng vẫn có những điểm giống nhau giữa các cuộc chiến và giữa những con người đã bước qua chiến trận. Khác và giống, duy có một điều mà hẳn là ở đâu cũng thế, chiến tranh trong con mắt người phụ nữ khác chiến tranh trong mắt đàn ông.

“… đấy là một thế giới khác, khác với thế giới của đàn ông. Với những mùi của nó, những sắc màu của nó và một môi trường đấy tình tiết.”

Tôi đọc được trong những trang sách này, hơn bốn trăm trang sách, vô vàn những cái tên. Toàn những cái tên tiếng Nga dài dặc, tôi không ghi nhớ nổi. Tôi còn chẳng thể đọc chúng, mắt tôi chỉ lướt qua những con chữ, rồi tôi không còn quan tâm tới những cái tên, chỉ đọc những chức vụ, những nghề nghiệp. Nhưng, những dòng kể, những ký ức, những thứ đó thì hoàn toàn khác. Chúng gây xúc động, chúng có gì đó rất gần gũi, chúng đi thẳng vào tim tôi.

Lời nói của những người phụ nữ đã chạm thẳng tới trái tim nữ đang đập trong lồng ngực tôi. Và bởi vậy, dẫu những cái tên có xa lạ thì trước những lời này, tôi vẫn thấy một sự gần, một sự hiểu được, một sự có thể cảm được. Đối với tôi, giá trị cuốn sách nằm ở chỗ đó. Những nhân vật có thể xa lạ, những con người tới từ một đất nước xa xôi, tôi có thể chẳng biết địa danh ấy, cuộc chiến ấy là gì, là như thế nào. Nhưng những xúc cảm nữ thì hiển hiện rõ nét, chúng sâu sắc, chúng chân thực, chúng cất lên từ những ký ức nữ, những trái tim nữ, và ngập đầy một màu sắc nữ giới khác hẳn với thế giới chiến trận của đàn ông.

“Các câu chuyện của phụ nữ thuộc một tính chất khác và nói về những chủ đề khác. Cuộc chiến tranh “nữ” có những màu sắc riêng của nó, những mùi riêng của nó, nguồn chiếu sáng riêng và không gian cảm xúc riêng của nó. Cuối cùng, những từ riêng của nó.”


Về nội dung cuốn sách

Cuốn sách này mở ra cho người đọc cánh cửa bước vào một thế giới chiến tranh trong mắt nhìn của người phụ nữ. Người ta được thấy chiến trường dưới một lăng kính khác. Người ta nghe về cái chết, về bom đạn, về kẻ thù, về mọi sự đẫm máu và phi nhân tính của chiến tranh qua một giọng kể khác – giọng kể của người phụ nữ. Chiến trường của người phụ nữ có chết chóc và đổ máu, có vinh quang và thắng lợi, nhưng cũng có cả những nhành hoa, có màu nắng, có những xúc cảm ngọt ngào, dịu nhẹ ngược lại với những bạo cuồng đang bủa vây họ.

“Trong chiến tranh, không có mùi phụ nữ. Tất cả các mùi đều là nam. Chiến tranh bốc mùi đàn ông.”

Tác giả nói: “Phải viết một cuốn sách về chiến tranh sao cho người đọc đến buồn nôn sâu sắc vì nó, cho họ thấy chỉ ý tưởng về chiến tranh thôi đã là bỉ ổi. Tâm thần.” Mà còn cách nào tốt hơn để truyền tải điều ấy ngoài cách để người phụ nữ cất lên tiếng nói về chiến tranh, bởi “họ cảm nhận giết người là không thể tha thứ, bởi vì người phụ nữ ban sự sống. Biếu tặng sự sống.”

Cuốn sách này cũng cho người đọc hiểu người phụ nữ bước vào chiến trận với tâm thế gì và thấu tỏ những khó khăn mà họ phải đối mặt trước quyết định ấy của mình.

Suy nghĩ và những khó khăn mà người nữ phải đối diện khác với người nam nhiều lắm. Chiến tranh là thế giới của đàn ông, người phụ nữ phải tìm được cách để sống sót và để khẳng định mình trong thế giới ấy. Nhưng người phụ nữ cũng phải tìm cách để giữ lấy trái tim nữ tính, tâm hồn nữ tính bên trong con người mình. Rồi, chưa dừng ở đó, người phụ nữ bước vào chiến trận khó bao nhiêu thì cuộc hành trình rời chiến trận lại càng bội phần gian nan hơn thế. Chiến tranh không có chỗ cho phụ nữ nhưng cuộc sống thời bình cũng lại không có chỗ cho những người phụ nữ đã bước qua chiến tranh.

“Chúng tôi không muốn người ta nói về chúng tôi: “A! Đàn bà ấy mà!” Thế là chúng tôi dùng đủ mọi cách, chúng tôi làm nhiều hơn đàn ông, vì chúng tôi muốn chứng tỏ chúng tôi cũng đáng giá ngang họ.”

Mùa xuân, chúng tôi mang về một cành cây con, chúng tôi cắm trong nước.”

“Cơ thể chúng tôi chịu áp lực đến mức suốt chiến tranh không còn cái ấy… Không còn kinh nguyệt… Vậy đó, cô hiểu… Và sau chiến tranh, một số người không thể có con…”

“… trong chiến tranh, người ta cần những người lính. Chỉ những người lính. Nhưng tôi cũng muốn đẹp.”

“Chỉ còn lại một nỗi sợ, sợ mình xấu xí tệ hại sau khi đã chết. Một nỗi sợ rất con gái…”

“Mùi phấn, chiếc nắp hộp bằng xà cừ… một đứa bé… một đứa con gái nhỏ… Có gì đó thật thân thuộc, một điều gì đó của cuộc sống thật của những người đàn bà…”

Những trang sách này làm tôi ngỡ ngàng, xúc động, rồi cả phẫn nộ và bất bình trước những lời nói mà người ta ném vào những người phụ nữ của chiến trận. Không ít lần tôi phải ghi lại bên ngoài lề: Tại sao những người phụ nữ này phải chịu một sự đối xử như thế? Tại sao những người phụ nữ kia lại nói như vậy với một người nữ chiến sĩ?…

“Đàn ông im lặng, còn đàn bà… Họ hét lên với chúng tôi: “Chúng ta biết các người làm những gì ở ngoài đấy. Các người ngủ với chồng của chúng tôi. Đồ lính đĩ! Đĩ rạc mặc quân phục!” Họ có hàng nghìn cách chửi chúng tôi…”

“Tôi có cảm giác đã sống hai cuộc đời: một cuộc đời đàn ông và một cuộc đời phụ nữ.”

“Thế mà anh bảo là con gái! Lính đấy chứ.”

“Chúng tôi, những người con gái của chiến trận, chúng tôi có phần thử thách của chúng tôi. Mà một số lớn là sau chiến tranh, bởi chúng tôi phải đối mặt với một cuộc chiến tranh khác. Nó cũng ác liệt.”

“Đối với đàn ông, chẳng có gì khác. Đối với anh ta, dù có mất một chân, cũng không quá nghiêm trọng. Cách gì, anh cũng là một người anh hùng. Một nhân vật có thể lấy làm chồng! Nhưng khi một người phụ nữ cụt chân là số phận đã định. Số phận một người đàn bà…”


Những liên tưởng

Tôi suy nghĩ và rung động nhiều trước cuốn sách này, nhiều tới nỗi tôi nghĩ chỉ nói về nó là không đủ. Bởi những câu chuyện ở đây vừa cá nhân lại vừa phổ quát, chúng vừa kể về trải nghiệm của một con người riêng lẻ, vừa mô tả bộ mặt chung của tất cả các cuộc chiến tranh. Xuyên dọc những ký ức này, tôi thấy lại và tôi hiểu hơn về những cuốn sách chiến tranh khác mình từng đọc. Bởi thế, nếu đã nói về “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” thì tôi nhận thấy cần phải nói về cả những cuốn sách khác đó nữa. Tôi muốn chứng minh giá trị của cuốn sách này theo cách ấy.

Đầu tiên, tôi muốn nhắc “Về từ hành tinh ký ức” của Võ Diệu Thanh.

Thành thực mà nói, chính “Về từ hành tinh ký ức” thôi thúc tôi đọc “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”. Chính những câu chuyện mà nữ tác giả Võ Diệu Thanh ghi lại về những người mẹ, người chị, người vợ, những nữ chiến sĩ, những người em gái của chiến trường biên giới Tây Nam đã tạo ra một dấu ấn trong lòng tôi, để rồi ngay khi đọc tựa đề “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” tôi bị cuốn hút ngay. Chẳng phải tôi vừa đọc những dòng về những người phụ nữ chiến trận? Thế thì đọc tiếp một cuốn sách chỉ về tiếng nói nữ ấy không phải là rất đáng sao?

Và đây, đôi dòng mở đầu “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” sao mà như sinh ra để lý giải cho tựa đề “Về từ hành tinh ký ức”:

“Bây giờ tôi hiểu nỗi cô đơn của người từ nơi đó trở về. Cứ như là họ trở về từ một hành tinh khác hay từ thế giới bên kia. Họ sở hữu một hiểu biết mà những người khác không có, và người ta chỉ có thể lĩnh hội được ở chốn ấy, khi chạm mặt cái chết.”

Tôi đã đúng, tôi đã gặp không ít những tương đồng trong những câu chuyện của hai cuốn sách.

“Không ai dám truyền đạt lệnh của người chỉ huy, nhưng tự người mẹ đoán ra. Cô nhận đứa bé địu trên người xuống nước và giữ hồi lâu… Đứa bé không rống lên nữa. Nó đã chết.”

“Có đủ thứ huân chương cho mọi chuyện, nhưng chẳng huân chương nào là đủ; ngay cả cái danh tiếng nhất, Ngôi sao Anh hùng, cũng còn quá ít để tôn vinh người mẹ này… Để thưởng cho sự im lặng của bà.”

“Một trong các cô y tá của chúng tôi bị bắt làm tù binh… mắt bị moi, vú bị cắt. Chúng đóng cọc xuyên suốt người cô… Trời giá. Cô trắng bệch và tóc chuyển màu xám. Cô mười chín tuổi. Một cô gái rất đẹp.”

Tôi thấy “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” trong chương “Chúng tôi chỉ được phép có những huân chương nhỏ…” – một chương ghi lại ký ức của các y tá và các bác sĩ quân y.

“Trong chiến tranh, âm thanh, ngôn ngữ biến đổi. Ta nói “mẹ”, và là một từ hoàn toàn khác được nói ra, ta nói “em yêu anh”, và ý nghĩa của nó không hề còn như trước nữa… Có một điều gì đó đã đến thêm vào. Thêm nhiều tình yêu hơn, nhiều nỗi sợ hơn.”

“Làm sao có thể đang chiến tranh? Khi thiên nhiên đẹp đến thế, yên tĩnh đến thế…”

Tôi gặp lại bóng dáng các nhân vật của nhà văn Chu Lai, các nhân vật chính trong vô vàn tiểu thuyết của ông: Ăn mày dĩ vãng, Phố, Hai lần và một lần, Cuộc đời dài lắm…

Không ít lần tôi được nghe lời thú của một người bước ra từ chiến trận cảm thấy bản thân không có chỗ trong thời bình, không thể hoà nhập hay không thể sống an ổn trong lòng nó. Khi thì họ nói bản thân có ích hơn nơi chiến trận. Lúc thì họ sợ, họ không biết rồi đây mình sẽ hoà nhập vào đời sống hoà bình như thế nào khi hõ đã trải biết bao chuyện như thế, khi họ đã quen với chiến tranh đến thế. Những lời ấy sao mà giống với tiếng lòng của các nhân vật chính trong tiểu thuyết Chu Lai – những người lính bị chiến tranh bỏ lại, không thể chạy theo guồng quay của xã hội thay da đổi thịt, và dần thấy bản thân như kẻ bơ vơ, lạc lõng, không còn biết sống ra làm sao…

“… tôi biết trong chiến tranh tôi có thể có nhiều khả năng hơn trong đời sống dân sự.”

“Tôi nhớ phản ứng đầu tiên của tôi là niềm vui. Rồi, tiếp ngay, cùng lúc, là nỗi sợ. (…) Mỗi người nghĩ về tương lai của mình. Về cuộc sống, với chúng tôi, chỉ bắt đầu từ bây giờ… Cuộc sống thật… Chúng tôi bị xẻ đôi giữa vui và sợ. Trước, chúng tôi sợ chết, bây giờ chúng tôi sợ sống.”

“… rõ ràng là tập sống trở lại sau chiến thắng cũng khó khăn… Không ít thử thách chưa từng có và không hề ngờ phải vượt qua, nhiều là đằng khác. Nhưng mục đích thì vẫn là một: giữ cho được là một con người.”

Rồi ở đây nữa, tôi bỗng nhớ vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn khi đọc những dòng viết này:

“Về sau, tôi đã nhiều lần đối mặt với sự cùng tồn tại của hai sự thật trong ký ức của một con người: một sự thật cá nhân bị dồn nén tận đáy của ý thức, và một sự thật vay mượn, hay đúng hơn là đương đại, thấm đẫm tinh thần của thời nay, những đòi hỏi và bắt buộc của nó.
(…) Những ký ức họ giãi bày với tôi cứ như chịu một sự sửa chữa thường trực… càng có nhiều người nghe, câu chuyện càng tẻ nhạt và lạnh lùng. Càng giống như thông thường ta vẫn chờ nó như thế. Nó càng cẩn trọng tuân theo cho đúng cách với mẫu hình thông thường.”

Tại sao tôi nghĩ đến ông? Có lẽ là bởi sự vừa thực vừa hư ảo của “ký ức chiến tranh”, của lịch sử chiến trận sau chiến trận. Đọc những dòng trên, tôi không thể không nghĩ tới tựa đề cuốn sách “Tên người như cuộc đời” viết về tướng Ẩn do nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải chấp bút. Rồi tôi nhớ tới “The Spy Who Loved Us” của Thomas Bass và nhận định của tác giả rằng sẽ không bao giờ người ta giải mã chính xác và trọn vẹn được cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, rằng cuộc đời của vị tướng tình báo ấy sẽ mãi chỉ là ký ức của riêng mình ông mà thôi.

Ở đây cũng có hình ảnh những nông trang hợp tác, những đoàn viên Komsomol, những cuộc lao động trên đồng ruộng với chiếc máy kéo… của “Giamilia – Truyện núi đồi và thảo nguyên”. Và tất nhiên, tôi đã hiểu hơn về những suy nghĩ và tư tưởng của các nhân vật tôi từng gặp trong các truyện ngắn của Aimatov nhờ vào những câu chuyện của “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”.

Chưa hết đâu, tôi cũng gặp “vợ chiến trường” – một hình ảnh khá tương đồng với cuốn sách ngắn mà để lại trong tôi ấn tượng không hề nhỏ: “Chuyến tàu định mệnh” của Georges Simenon.

“Tôi đã là VCT, có nghĩa là vợ chiến trường. Vợ chiến tranh… Một người vợ thứ hai. Bất hợp pháp.”

Họ ở đó, giữa cái nghiệt ngã và đớn đau của chiến tranh, và họ cần tình yêu, họ cần hơi ấm để giữ cho mình sống sót mà chiến đấu. Tôi nhận ra trong câu chuyện ấy, trong tất cả những câu chuyến ấy, cái mà tôi từng gọi là “sự phi lý của chiến trận” – khi một người đàn ông đem lòng yêu rồi gắn bó với một người phụ nữ nhưng khi có cơ hội thì anh ta lại tìm về với người vợ hợp pháp của mình mà chẳng chút đắn đo, anh ta giũ bỏ mọi thứ mà chỉ cảm thấy một chút áy náy trong sâu thẳm tâm hồn khi tình cờ gặp lại người-vợ-hờ của cái thời anh ta bị chia cắt với gia đình. Hoá ra, cái sự ấy không hề phi lý. Người ta đối diện với cái chết, với hỗn loạn, và người ta cần một điểm neo. Còn gì neo đậu con người ta tốt hơn tình yêu?!

“Chiến tranh đã chấm dứt, tình yêu cũng đi. Như một bài hát… Anh đã đi tìm lại người vợ hợp pháp của anh, các con anh.”


Đôi dòng trích dẫn

“Chiến tranh là một thử thách quá riêng tư. Và cũng bất tận như sự tồn tại của nhân loại…

“… chiến tranh trước hết là một cuộc giết người, sau đó là một lao động mệt nhoài. Rồi cuối cùng thì đơn giản là cuộc đời thường, người ta hát, người ta phải lòng nhau, người ta đặt những lô cuộn tóc.”

“Cuốn sách tôi viết sẽ chứa rất ít tư liệu chuyên về quân sự và chuyên ngành (đấy không phải là mục đích của tôi), ngược lại, người đọc sẽ tìm thấy ở đấy một chất liệu khác, được tích lại rất nhiều, chất-liệu-người.”

“Không phải lịch sử chiến tranh hay lịch sử nhà nước, mà là lịch sử những con người bình thường sống một cuộc sống bình thường, bị thời đại của họ xô vào những chiều sâu kỳ lạ của một biến cố khổng lồ.”

“… Người ta vội vàng dạy cho họ cách sử dụng một khẩu tiểu liên, một khẩu súng máy, một khẩu cácbin bắn chính xác. Ném bom và đặt mìn. Họ thuần thục tất cả nhiệm vụ quân sự, thậm chí đó là những thứ chỉ dành cho con trai. Xuất hiện một vấn đề ngôn ngữ: những từ như công binh, bộ binh, người bắn súng máy không có giống cái, bởi loại công việc đó không bao giờ do phụ nữ đảm nhiệm. Những từ giống cái sinh ra ở ngoài ấy, trên mặt trận…”

“- Cô bị thương ở đâu?
– Tôi không biết, nhưng tôi chảy máu…
Ông ấy bèn giải thích cho tôi, như một người cha.”

“Trong chiến tranh, tôi sẽ nói với cô, người ta nửa là người, nửa là thú. Một cái gì đó rất xa xưa trở lại trong chúng ta. Nếu không thì không sống sót được…”

“… chúng tôi đã học điều khiển một máy bay trong sáu tháng, thay vì hai năm theo quy định thời bình.”

“Tôi nhặt lấy một cái bánh mì, tôi bẻ làm đôi và cho hắn phân nửa. Hắn ta cầm lấy. Thận trọng… Chậm rãi… Hắn ta không thể tin…
Tôi hạnh phúc… Tôi hạnh phúc nhận ra rằng tôi không thể căm thù. Tôi ngạc nhiên về ch
ính mình…”

“Chúng tôi chiến đấu để bảo vệ cuộc sống mà chưa biết cuộc sống thực ra là gì. Chúng tôi mới biết thế giới qua sách vở.”

“Anh chỉ mới mười chín. Anh còn chưa được sống mà.”

“Chiến tranh đã làm tôi tốt hơn lên… Tôi đã trở thành một con người tốt hơn vì ở đấy tôi đã biết nhiều đau khổ. Ở đấy, tôi đã nhìn thấy nhiều đau khổ và chính tôi cũng đau khổ nhiều. Ở đấy, tất cả những gì không phải là cốt yếu đều bị quét sạch, vì vô ích. Nhưng chiến tranh trả thù chúng ta… Nhiều cô gái của chúng ta đã thất bại trong cuộc sống của riêng họ.”

“… còn nhớ chiến tranh là còn tiếp tục chết… Chết và chết nữa…”

“Thật tàn bạo… Ta trở thành… Đấy không phải là chuyện của con người… Người ta phang, người ta xuyên lưỡi lê của mình vào một cái bụng, vào mắt, người ta tóm lấy cổ họng nhau để mà siết… Người ta làm vỡ xương nhau ra… Đấy là điều ác mộng nhất trong chiến tranh. Chẳng có chút gì là người trong ấy nữa. Đừng tin những kẻ nói với ta rằng trong chiến tranh người ta không biết sợ.”

“Tốt hơn hết là đừng nhìn vào mặt người khác sau một trận tấn công, đấy là những khuôn mặt hoàn toàn khác cái khuôn mặt con người vẫn có thường ngày.”

“Trong chiến tranh, người ta chôn nhanh: những người chết trong ngày, nếu trận đánh đang ác liệt, người ta nhặt tất cả họ không phải chờ, người ta dồn họ lại từ mọi chỗ và người ta đào một cái hố lớn chôn chung.”

“… chỉ hôm nay là đáng kể. Mỗi người biết rằng người mình yêu lúc này có thể không còn nữa vài phút sau. Trong chiến tranh, thời gian không giống như nó vẫn thế… Nó trôi đi theo một kiểu khác.
(…) Trong chiến tranh, mọi sự diễn ra nhanh hơn: sự sống cũng như cái chết. Tất cả diễn ra trong một chiều kích khác.”

“Nếu cô đã từng ở trong chiến tranh, cô sẽ hiểu thế nào là xa cách một ai đó, dù chỉ một ngày. Chỉ một ngày.”

“Cả gia đình tôi đã chết trong chiến tranh. Chiến tranh đã chấm dứt, nhưng chẳng còn ai để mà chờ trở về.”

“Những gì tôi viết về chiến tranh cũng khiến tôi suy nghĩ về cuộc sống của chúng ta hôm nay. Chúng đưa tôi đi tìm xem tất cả cái hiểu biết đó tan biến vào đâu. Tìm xem kỳ thực chúng ta là ai. Chúng ta được làm bằng gì, bằng chất liệu nào. Và cái chất liệu ấy có thật là bền vững không.”


Lời cuối

“Người ta không thể có một trái tim cho căm thù và một trái tim khác cho tình yêu. Con người chỉ có một trái tim, và tôi luôn nghĩ phải giữ trái tim mình.
Sau chiến tranh rất lâu, tôi sợ bầu trời, thậm chí sợ ngửng mặt lên trời. Tôi sợ nhìn thấy ở đấy một cánh đồng bị cày nát… Mà những con quạ châu Âu thì đã bình an bay qua trên đó… Chim chóc đã chóng quên chiến tranh…”

Nhưng những con người bước ra từ chiến trận thì mãi mãi không bao giờ quên. Chiến tranh ám ảnh họ, họ mang theo ký ức chiến tranh cho tới tận những hơi thở cuối cùng. Người ta không ngừng viết sách về chiến tranh, hàng trăm nghìn cuốn, mà tôi nghĩ rằng bao nhiêu cũng không thể là đủ. Những ám ảnh ở mức độ như thế này cần thật nhiều sẻ chia và lý giải, để ít nhất con người nhận ra sự bạo tàn ấy mà ngừng gây chiến. Nhưng có thể không? Ngừng gây chiến?

“Người ta sẽ hạnh phúc biết bao sau chiến tranh! Cuộc sống của họ có được khi đó sẽ hạnh phúc và đẹp đẽ biết bao! Con người sau bao nhiêu đau khổ, sẽ biết thương xót nhau. Họ sẽ thương yêu nhau. Nhân loại sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, chẳng có gì thay đổi cả. Chẳng gì hết. Người ta vẫn tiếp tục căm ghét nhau và chém giết nhau. Với tôi, cô gái quý báu của tôi, đấy là điều khó hiểu nhất…”

24700cookie-checkChiến tranh với những khuôn mặt phụ nữ
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *