Người Thăng Long và Khúc khải hoàn dang dở cùng lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ hai, bắt đầu từ khi quân Nguyên nhăm nhe “mượn đường Đại Việt đánh Chiêm”, cho tới khi quân Nguyên kéo khỏi biên giới Việt, hậm hực, ôm mộng quay lại xâm lăng lần nữa. Đối với riêng tôi, hai cuốn tiểu thuyết đặt cạnh nhau như một cặp đối xứng song hành thú vị.
Nhân vật chính của Người Thăng Long là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật – cái tên đã quá quen trong sách sử. Nhân vật chính của Khúc khải hoàn dang dở lại là một cái tên chưa ai nghe tới, không rõ sử liệu nào ghi chép lại tên người ấy, chỉ biết nhà văn đã “tình cờ gặp” rồi dựng nên cả một thiên tiểu thuyết về con người này. Đó là Đỗ Vĩ – một “chiến sĩ tình báo” nhà Trần gửi Nguyên. Người Thăng Long là câu chuyện về dòng họ đế vương, còn Khúc khải hoàn dang dở là câu chuyện về những người dân, người quân nhỏ bé rải rác khắp các đội quân của những con người đế vương kia.
Người Thăng Long khắc hoạ những gương mặt của quan tướng nhà Trần trước buổi chiến chinh gần kề, tỏ cho người đọc thấy nỗi lòng những con người ấy khi phải đối diện với mối hiềm dòng tộc và mối nguy giặc giã. Còn ở Khúc khải hoàn dang dở, nhà văn đi sâu vào những gương mặt quân, những tiếng lòng dân. Khúc khải hoàn kể những câu chuyện nhỏ, về cô Tầm, cô Hồng, cậu bé Hoàng Đỗ, chuyện về ngôi làng xin lập bài vị thờ Thành hoàng là người anh hùng chết trận không rõ tên tuổi, chuyện mối duyên của anh lính Hoa Xuân Hùng và cô nữ dân binh làng Ngọ…
Ngay tới hai đám cưới diễn ra trong hai cuốn sách cũng mang màu đối xứng hệt vậy.
Đám cưới của Người Thăng Long là đám cưới của một dũng thủ xuất thân quê mùa, được thăng tới chức Điện tiền tướng quân, với con gái chủ trại lộ Đà Giang. Một đám cưới buộc phải trống rung cờ mở bởi nhiều nhẽ liên can tới cái đám cưới ấy. Đám cưới của Khúc khải hoàn dang dở lại diễn ra trên một sân đình, nơi một mé sông. Chú rể là một bậc thân vương, mặc tạm chiếc áo trận và cô dâu là một cô dân binh, mặc vội chiếc áo hội thay cho áo cưới.
Người Thăng Long là một nét nhạc bổng, một điệu nhạc hùng tráng nơi lòng quân lòng dân đang sục sôi, sẵn sàng để nghênh tiếp giặc bạo tàn đang tràn xuống bờ cõi. Ở đó, người đọc nghe vang vọng mãi lời hịch truyền thần rạo rực lòng dân của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Khúc khải hoàn dang dở là một nét nhạc trầm, là điệu nhạc lắng đọng của buổi binh đao đã đến kỳ đỏ máu, giặc đã giày xéo, giặc đang rút đi nhưng giặc sẽ còn trở lại. Nhiều con người đã ngã xuống, và rồi sẽ còn nhiều con người nữa ngã xuống bởi trống trận sẽ lại nổi lên.
Hai tác phẩm là hai nét hoạ lịch sử đẹp, thể hiện rất rõ chất bút của nhà văn Hà Ân.