HAY PHƯƠNG ĐÔNG LƯỚT NGOÀI CỬA SỔ
Gần đây, tôi đọc The Great Railway Bazaar của Paul Theroux, hay như tựa Việt là “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ”. Dịch giả chuyển ngữ tựa đề thật thú vị. Một bên, tựa gốc, là danh từ, một trạng thái tĩnh và một bên, tựa dịch, là cụm từ trỏ một hoạt động, một vận động nhanh và dồn dập. Tựa đề dịch rất hợp với tinh thần của cuốn sách!
Tôi đã định đem theo bản dịch để đọc trên chuyến tàu Hà Nội vào Huế, nhưng ngặt nỗi đồ đạc lỉnh kỉnh chẳng nhét thêm vào đâu được, đành gác lại nhà. Tới tối qua, tôi nói chuyện với Mai, cô ấy kể về chuyến đi tàu của cô cùng ba người bạn khác từ Sài Gòn ra Đà Nẵng. Bốn người họ ở trọn trong một khoang bốn giường, họ ngồi uống bia trên toa ăn, họ vui đùa, họ ngắm cảnh… Câu chuyện làm tôi nhớ về cuộc ngồi tàu của chính tôi. Đó là lúc tôi quyết định lấy The Great Railway Bazaar, được tôi xếp ngay ngắn trong kindle, ra đọc (mê cái tựa rồi mua bản dịch mà cuối cùng chẳng đọc luôn!).
Câu chuyện, cuốn sách và ký ức làm tôi lại thèm ngồi bên cánh cửa tàu hoả và nhìn ngắm khung cảnh trải ra trước mắt, ăn gì đó, ngủ, đọc sách, và rồi lại hướng mắt ra ngoài ô cửa mà nhìn ngắm… Hay như lời của Paul Theodox nói rất hay, tôi xin dịch lại đây:
“Người khách tàu chẳng phải chịu một đòi hỏi nào. Khách đi máy bay phải chịu bó gối hàng tiếng đồng hồ trong chỗ ngồi chật hẹp; đi tàu thuỷ thì phải vui vẻ và quảng giao; ô tô hay xe khách thì khó mà diễn tả thành lời. Tàu giường nằm là loại hình du lịch ít đau đớn nhất trong tất cả.
Chính đây, tôi nghĩ, là điểm quyến rũ hàng đầu của du ngoạn bằng tàu hoả. Tàu di chuyển chậm rãi và nó khuấy động rất ít cái khung cảnh nó dẫn ta qua, để rồi trái tim ta trở nên ngập tràn những bình an và tĩnh lặng của vùng đất; và trong khi cơ thể ta được các toa tàu đang lao về phía trước mang theo, bao suy tưởng trong đầu óc ta có dịp bừng nở, theo dòng cảm xúc, ở từng trạm dừng cách quãng…”
Tôi từng sướng mê trước những trang văn ngập đầy chuyển động trong Trên đường của Jack Kerouac, thì với The Great Railway Bazaar, tôi được cảm nhận sức hút của du hành bằng tàu hoả và chiêm nghiệm những cảm xúc chính mình đã có khi ngồi trên tàu. Tôi lại sướng mê đi. Thật đấy. Cứ như thể tàu hoả là thứ phương tiện tiện lợi bậc nhất. Ở đó, anh có thể tự do đi lại, tự do ngắm cảnh, không sợ tắc đường, chẳng sợ mưa bão, con tàu lao về phía trước, đem theo anh – kẻ lữ hành, thoả mãn con mắt tò mò của anh bằng vô vàn những cảnh sắc, lấp đầy trái tim đói khát của anh bằng những câu chuyện trên những toa tàu hay bên những nhà ga… Và:
“Nếu một con tàu đủ rộng rãi và ấm cúng, ta còn chẳng cần tới một điểm đến; một góc để ngồi là đủ, và ta có thể trở thành một trong những kẻ kia, những kẻ lữ hành chuyển động không ngừng, trên đường, không bao giờ tới nơi hay cảm thấy cần phải tới nơi.”
Điều tôi thích ở cuốn sách này là Paul Theroux viết chân thực, cả về cảnh vật, con người và những trải nghiệm mà ông gặp trên đường. Tôi tìm thấy vài cảm xúc khó chịu trước người khách tọc mạch hay ồn ào, đôi nỗi bực tức về một trải nghiệm không mấy thoải mái. Như đây chẳng hạn, hai người đàn ông chui vào khoang của Paul và hỏi ông đủ điều:
“Ông già tiếp tục nhấp nước bọt vào ngón tay và lần giở cuốn sách của tôi.
Vài ba đứa trẻ ló mặt qua khung cửa; một đứa con nít cất tiếng khóc, và sức chịu đựng của tôi tới giới hạn. Tôi đòi lại quyển sách của mình rồi đuổi họ ra. Tôi khoá cửa, đi ngủ.”
Càng đọc tôi lại càng thấy vui vẻ và, ừ, vững tâm. Tôi gạt đi được những băn khoăn tồn tại trong mình, về chuyến ngồi tàu ngắn ngủi của mình nói riêng và về du hành nói chung. Tôi nhận ra chẳng cần tô hồng hay lãng mạn hoá quá mức bất cứ trải nghiệm gì, như cách tôi thấy người ta vẫn làm nhan nhản trên mạng xã hội ngày nay. Du hành là trải nghiệm cá nhân, mang đậm cá tính từng người; và cách ta nhìn đời sống trải ra trước mắt phụ thuộc vào cách nghĩ của riêng ta. Đôi khi có cả thiên kiến trong đó. Nhưng vậy thì có sao? Trải nghiệm nơi vùng đất mới có thể đủ sức phá vỡ vài ba thành kiến, nếu trải nghiệm ấy đủ sâu sắc và nếu điều đó là cần thiết. Và ai mà lúc nào cũng vui vẻ cho được với mọi thứ mình gặp trên đường đi.
Cũng bởi từng đọc nhiều quá những bài viết ca ngợi trải nghiệm đi tàu Bắc Nam mà tôi ôm mộng ước ấy. Tới lúc đi một chặng ngắn thì thấy trải nghiệm này cũng thú vị thật, nhưng sao vẫn có gì đó không hay ho, không đẹp đẽ như mình tưởng (như mình từng đọc). Một người khách nói chuyện quá to suốt buổi; một người đi lại trong khoang tàu mà không đeo khẩu trang giữa mùa dịch bệnh căng thẳng… Ôi, chẳng gì to tát cả, nhưng sự thực là chúng cũng làm tôi đôi chút băn khoăn về “ước muốn” của mình. Giờ đây, những dòng viết của Paul Theroux bỗng làm tôi an lòng. Mọi sự ấy là nhẽ bình thường thôi.
Tôi thấy thật thoải mái trước những trang văn này. Mọi thứ đều tạo cảm giác dễ chịu. Không một sự gượng gạo hay cố gồng để tạo ra bức tranh đẹp đẽ nhất hay toàn mỹ nhất về một cuộc hành trình. Những khung cảnh, từ vùng sa mạc cằn khô tới triền núi màu mỡ, từ những ngõ phố hỗn loạn và điên rồ tới những trấn thị êm đềm và bình yên; những con người, từ nhiệt thành tới tọc mạch, từ trầm lặng tới ồn ã,… mọi thứ đều được Paul Theroux kể lại, tưởng như vẫn đầy đủ và vẹn nguyên như khi ông đang thực hiện chuyến hành trình của mình vậy.
Tôi thích du hành nên rất thường tìm đọc những cuốn du ký. Nhưng tôi hơi khó tính trong chuyện đọc du ký, khó về giọng văn, về cách nhìn, về cách truyền tải chuyến hành trình và những suy nghĩ của tác giả trên trang văn… Vậy nên, danh sách những cuốn sách du ký tôi đọc nhỏ bé lắm. Ở đó có Một mình ở Châu Âu của Phan Việt, Du hành cùng Herodotus của Ryzard Kapuscinski, Hải trình Kon Tiki của Thor Heyerdahl, Trên đường của Jack Kerouac (đây có được gọi là một cuốn du ký không nhỉ?!), Into thin air của Jon Krakauer (gọi cuốn này là nhật ký hành trình leo núi thì đúng hơn). Và bây giờ danh sách ấy có thêm The Great Railway Bazaar của Paul Theroux.
Tôi sẽ còn đắm đuối những trang văn này dài dài. Và sau đó, biết đâu đấy, một vài chuyến ngồi tàu nữa thì sao?! Chuyến tàu Hà Nội – Huế có vẻ như chưa đủ dài để tôi cảm nhận được hết, vẫn ngắn ngủi và chóng vánh quá!
* Những đoạn trích trong bài viết trên là do tôi tự dịch từ bản gốc tiếng Anh. Mặc dù nhắc tới tựa dịch Phương Đông lướt ngoài cửa sổ do nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2012 nhưng tôi không có cơ hội cầm trong tay cuốn sách khi viết bài viết này, nên đành xin tự dịch lại.