“Giàn Thiêu” lấy bối cảnh thời nhà Lý. Cuốn tiểu thuyết lịch sử này vừa đào sâu những tầng lớp kiến thức Phật Giáo, vừa bóc tách những “khuôn mặt Phật” chốn nhân gian: sự cuồng loạn của dân đen, sự sùng bái tới mê muội của tầng lớp vua quan, những “vấn nạn” về chùa chiền và sư sãi, những góc khuất trong chính tâm hồn kẻ tu Phật… Tất cả dựng nên bức tranh sống động về Phật Giáo và xã hội nước Nam thế kỷ 11.
Tôi đọc thấy nhiều ý kiến chê bai cuốn sách, cho rằng nó hư cấu quá mức và chứa nhiều sai sót trong phản ánh sự thật lịch sử. Tôi thì chỉ nghĩ bàn đúng sai chẳng ích gì, khi những trang sử thế kỷ 11 ta có ngày hôm nay nào khác huyền sử. Truyện dã sử hay truyền thuyết còn nhiều hơn chính sử; mà ngay bản thân chính sử cũng không tránh khỏi những huyền hoặc. Chuyện sư Từ Đạo Hạnh đầu thai làm vua Thần Tông, chuyện vua hóa hổ, chuyện Ỷ Lan Thái Hậu bức chết Dương Thái Hậu và 76 cung nữ… bao câu chuyện đã biến thành cổ tích qua hơn nghìn năm lưu truyền dân gian. Thứ gây ấn tượng với tôi ở đây là cách tác giả khai thác những huyền hoặc ấy và gài cắm chúng vào câu chuyện của mình. Tác giả vừa dùng sử, vừa có những sáng tạo riêng. Có chăng, một vài sáng tạo trong số đó mang màu liêu trai quá nên đôi khi tôi thấy nuối tiếc bầu không lịch sử mà mình vừa thưởng thức ở những trang trước đó. Phải chăng đây là nguồn cơn của những chỉ trích?! Nhưng suy cho cùng: “Tiểu thuyết gia không phải người hầu của sử gia” (Milan Kundera).
Tôi thích cách hành văn của tác giả với những đoạn tả cảnh với ngôn từ rất gợi và có hồn. Thêm nữa, tác giả không quên mượn chuyện sử để nói chuyện đời. Qua những giằng co, qua số phận các nhân vật, ta thấy được những vấn đề quen thuộc: hận thù, đố kị, nhân quả, chuyện chính sự như dùng quân, dùng dân, những tranh đấu trong nhiều mặt xã hội phong kiến. Dầu vậy, cuốn sách không tránh khỏi vài trường đoạn lê thê, có khi đi quá sâu vào huyền bí Phật Giáo và người đọc quả tình phải kiên trì với những đoạn như thế.
Gấp lại cuốn sách, tôi cảm giác như mình vừa trải qua một giấc mộng, có những điều tưởng rằng mình đã nắm bắt, có khi lại thấy như không thấu hết một nhẽ gì. Bỏ qua vài chi tiết hư cấu tôi không vừa ý, tôi vẫn đánh giá cao cuốn tiểu thuyết, bởi nó không chỉ phản ánh bộ mặt xã hội mà cả tâm can và bản ngã những phận người. Thấm đẫm trang văn là một bầu không khí Phật Giáo – một bầu không rất riêng, và tôi thích điều ấy.