Evil isn’t born, it’s made. Tôi sẽ chọn câu nói ấy nếu cần gói gọn Ác nhân trong một câu nói.
Yuichi có phải là Ác nhân không?
Với tôi thì không. Anh ta chỉ là nạn nhân của những con ác nhân giấu mình trong lớp vỏ bọc “tử tế”. Anh ta không ác, anh ta chỉ bị cái ác của kẻ khác xô đến đường cùng. Anh chỉ vì quá cô đơn mà không thể kiểm soát được bản thân, không thể ngăn bản thân bị những ác tâm của những kẻ khác chi phối. Yuichi không ác, anh ấy chỉ phản ứng quá mạnh mẽ trước cái ác của xã hội. Chỉ bởi muốn khoả lấp nỗi cô độc trong mình mà anh để người ta có cơ hội hành hạ, chà đạp bản thân.
Suốt cuộc đời mình, Yuichi gắng gượng tìm kiếm một người có thể hiểu, có thể yêu thương anh, hoặc một người sẵn lòng để anh yêu thương. Yuichi không tìm được điều ấy ở mẹ mình – nơi đáng lý phải có, anh sinh ra ruồng rẫy và gây ác cảm với bà. Yuichi cố tìm cảm thông và chia sẻ ở một cô gái điếm, để rồi cô vì ghê sợ sự lạ kỳ ở Yuichi mà chạy trốn. Yoshino cũng vậy thôi, nhưng cô ta là con quỷ trong lốt người nên mới dồn ép Yuichi tới mức phải giết cô.
Chính xã hội đã thai nghén và nhào nặn ra những con ác nhân của nó. Chính từ thời điểm Yuichi xuống tay ấy, mọi chuyện không thể vãn hồi. Và như một sự trêu ngươi của số phận, chính lúc ấy thì Yuichi gặp Mitsuyo. Một trò đùa hay cuộc hạ màn trong bi kịch: số phận để hai người họ yêu nhau và tìm thấy đồng cảm nơi nhau.
Yuichi chỉ là một đứa trẻ cô độc tìm kiếm tình yêu để rồi bị sự nhẫn tâm, vô tâm của người xung quanh ruồng rẫy.
Mà tôi gọi Yoshino là ác quỷ kể cũng nặng lời quá chăng? Dù sao, cô ấy cũng chỉ là một thực thể cô đơn tột cùng khác gắng kiếm tìm một sự công nhận, gắng hết mình thoát khỏi sự khinh rẻ, và nỗi cô độc – giống Yuichi. Cố ấy, có khi cũng như Yuichi, không ác, nhưng bị đè nén quá nhiều bởi ánh mắt soi xét của người đời.
Suy cho cùng, mỗi thực thể sống là một thực thể cô đơn, và:
“Sự cô độc. Chính điều này đôi khi khiến con người ta hành động ngu ngốc.”
[Thế giới thực – Natsuo Kirino]
Ác nhân cũng chỉ là sản phẩm của một xã hội thờ ơ và nhẫn tâm.
Cuốn sách này không hấp dẫn tới mê đắm, nhưng những trang cuối gây ấn tượng mạnh với tôi. Nói cách khác, tôi cho rằng những trang cuối làm nên giá trị của cuốn sách. Ác nhân gợi nhắc tôi tới những nhân vật trong Xấu và Thế giới thực của Natsuo Kirino; tất cả đều là nạn nhân của sự cô độc, cô độc tột cùng.