Bài viết
Trang chủ » Trang sách » Gom » Cô nàng cửa hàng tiện ích | Murata Sayaka

Cô nàng cửa hàng tiện ích | Murata Sayaka

Keiko 36 tuổi, làm bán thời gian tại một cửa hàng tiện ích đã 18 năm. Keiko sống một mình, không bạn trai, không định yêu ai và chưa từng nghĩ tới việc lấy ai. Keiko không thể hiểu tại sao gia đình và bạn bè, ai cũng cho rằng cô kỳ lạ hay “bị bệnh” chỉ bởi cô sống vậy. Cô chỉ muốn yên ổn sống thế, nhưng vẻ như điều cô cho là ổn lại không hề ổn trong mắt người đời.

Tôi thích cuốn sách này ở chỗ tác giả để cho nhân vật chính – Keiko – có một cái nhìn “bất bình thường” về thế giới. Nói ngắn gọn thì Keiko vô cảm. Cô không hiểu sao em gái không bóp ngạt đứa con mới sinh cho nó thôi khóc? Tại sao bạn bè phải gặp gỡ nhau chuyện trò hay ăn uống? Tại sao công việc bán thời gian ở một cửa hàng tiện ích lại không phù hợp với phụ nữ ngoài ba mươi?…

“Em gái tôi từng giải thích cho tôi biết người ở tuổi tôi mà công việc không ra đâu lại chưa chồng con thì thuộc dạng không bình thường.
(…) Thời còn đôi mươi không hiếm người làm nghề tự do nên cũng không cần lý do gì, nhưng dần dà mọi người đều liên kết với xã hội bằng hình thức đi làm hoặc kết hôn, chỉ còn lại mình tôi là vẫn chưa có cả hai.”

Với việc dùng góc nhìn của một “kẻ ngoại lai” – kẻ không giống ai, tác giả soi chiếu “xã hội bình thường” bằng một lăng kính mới, và phơi bày sự “bất thường” của nó. Chúng ta đang sống bình thường hay chúng ta sống như những cái máy và tuân theo quy luật “bình thường” của xã hội? Sao một xã hội không thể để một cá nhân được sống “bất thường” theo cách riêng của cô ta?

Ngắn gọn, sâu sắc, và đem lại nhiều suy ngẫm, cuốn sách làm tôi nhớ tới The Stranger của Albert Camus. Nhưng cuốn sách này mang màu đời sống hơn là sự chiêm nghiệm triết học sâu sắc kiểu Camus.

Tôi từng đọc một ý kiến cho rằng hành động của Keiko ở cuối sách thể hiện rằng, tới cuối cùng, Keiko vẫn phó mặc bản thân cho guồng quay tầm-thường của xã hội. Tôi không đồng ý với ý kiến đó. Những hành động trước đó của Keiko, lên tới đỉnh điểm là khi cưu mang và quyết định “gá” đời mình với tên người-yêu-hờ, mới thể hiện cô bất lực tìm cách uốn nắn đời mình để theo được cái guồng của xã hội xung quanh. Còn hành động ở cuối là một sự phản kháng. Đó là khi cô tìm thấy được thứ bản thân cô có thể làm tốt và mong muốn làm tốt. Ai nói gì cũng không còn quan trọng, quan trọng là ở nơi đó có một Keiko đích thực là Keiko. Và cô lựa chọn nơi chốn ấy như một sự khẳng định: mình sẽ sống đời mình như mình muốn!

1430cookie-checkCô nàng cửa hàng tiện ích | Murata Sayaka
Bình luận

2 bình luận cho “Cô nàng cửa hàng tiện ích | Murata Sayaka”

  1. Truong Son Dang viết:

    Cuốn sách hay quá. Em muốn mua quyển này mà ko biết phải làm sao ? Hỏi chỗ nào cũng hết mất rồi. Mọi người biết chỗ nào mua được có thể báo cho em được ko ah ?

    • admin viết:

      Em thử tìm ở các shop sách cũ xem. Chị hay follow Dieu Bong Bookstore và Momo Bookstore trên facebook, 2 page này up khá nhiều sách cũ, may ra có cuốn này.

Trả lời admin Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *