Bài viết
Trang chủ » Trang sách » Đọc và ghi » Đọc về nội chiến ở Việt Nam

Đọc về nội chiến ở Việt Nam

Ảnh chụp tại lăng vua Gia Long

Lịch sử Nội chiến ở Việt nam 1771-1802 của Tạ Chí Đại Trường là một cuốn sách thực sự đồ sộ đối với tôi. Đọc nó, tôi bị ngợp. Ngợp bởi thông tin và bởi những cái nhìn sâu sát vào nhiều vấn đề trong thời kỳ lịch sử này, những vấn đề mà trước nay tôi chưa từng có khái niệm, chưa nói tới chuyện biết hay không.

Lần đầu tiên đọc, tôi chỉ cảm nhận được rằng cuốn sách này chi tiết và nhiều thông tin, nhưng tôi không thể nói gì về cuốn sách hay các vấn đề cuốn sách đưa ra, chỉ biết tự mình cảm thán thế. Tôi lần hồi quên hết những thông tin thu lượm được sau lần đọc đầu, để tới lần đọc thứ hai vẫn thấy được khai sáng như cũ (quả thực phải dùng từ “khai sáng” vậy). Lần này, tôi muốn viết lại những điều, hay những thông tin, mà tôi thấy thú vị. Viết lại như một cách ghi nhớ sau khi đọc.

Chuyện “cõng rắn cắn gà nhà” và con người Nguyễn Phúc Ánh

Thứ duy nhất tôi nhớ về Nguyễn Ánh trong những trang sách lịch sử phổ thông là cụm từ “cõng rắn cắn gà nhà”, nhắc chuyện Ánh dẫn quân Xiêm vào vùng Gia Định, hòng mượn sức Xiêm để giành lại đất. Chính tại đây, quân Ánh và quân Xiêm chịu trận thua lớn dưới sức mạnh của quân tướng Tây Sơn mà người chỉ huy, không ai khác, chính là Nguyễn Huệ. Trận chiến mà kể cả không biết rõ diến biến thì nhắc tới tên ai cũng phải gật gù rằng mình đã nghe nói tới: trận Rạch Gầm Xoài Mút.

Đó là Nguyễn Phúc Ánh, kẻ cầu viện ngoại bang, kẻ luồn cúi không làm được gì khác ngoài rước voi về giày mả tổ. Và Ánh phải chịu thua trước người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ như một lẽ tất nhiên vậy. Nhưng Ánh có phải người như thế hay không? Mấy ai biết rằng Ánh khi ấy cũng chỉ như một quân cờ trong tay vua Xiêm và mang tiếng “nhờ Xiêm đem quân giúp” mà thực chất là bị Xiêm vương “lôi” về Vọng Các và nằm vào cuộc mưu đồ Thuỷ Chân Lạp của Xiêm.

Trong một bức thư gửi giáo sĩ J.Liot, Ánh trần tình về chuyện mình thấu rõ những hành động bạo ngược của quân Xiêm. Và cũng ngay trong đợt theo Xiêm về đó, Ánh vẫn không hoàn toàn dựa cả vào Xiêm (như Lê Chiêu Thống ngày ngày tới xin chỉ thị của Tôn Sĩ Nghị) mà Ánh vẫn lo gây dựng quân riêng và mưu đồ riêng của mình. Mà ngay chuyện cầu viện, cái nguyên cớ dẫn tới trận Rạch Gầm Xoài Mút kia, chỉ là cột mốc rất nhỏ trên chặng đường ba mươi năm lưu lạc của chàng trai trẻ Nguyễn Phúc Ánh mà sau này là Hoàng Đế Gia Long thống nhất sơn hà.

Chính đây là điều đầu tiên tôi thích ở Lịch sử nội chiến ở Việt Nam 1771-1802 của Tạ Chí Đại Trường. Những trang viết này cho tôi cái nhìn cặn kẽ và sâu sắc vào con người Nguyễn Phúc Ánh, những đưa đẩy và hun đúc, những thay đổi trong tâm tính và cách nhìn, để từ một đứa trẻ mười ba tuổi chạy loạn vào Nam theo chú mình là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần trở thành thống lãnh ba quân mà dưới trướng là những cái tên như Tam hùng Gia Định, Gia Định Ngũ hổ tướng, hay những kẻ “hồng mao” mà ai ai cũng khiếp sợ tài năng khí phách.

Nếu Nguyễn Phúc Ánh chỉ là một kẻ hèn nhát, luồn cúi, đi cầu viện ngoại bang để mưu chuyện tranh giành thì liệu những kẻ kia có chịu sự chỉ huy của Ánh hay không, hay liệu có một Gia Long sau này hay không? Hoặc, như nhận định tôi cho là cực kì thấu tình đạt lý mà nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường đã đưa ra ngay phần mở đầu cuốn sách, tôi xin trích lại đây:

“Tất nhiên không nên quên cố gắng của riêng ông ta. Hậu bán thế kỷ XVIII có ba họ phong kiến bị biến cố xua đuổi. Thế mà Trịnh Bồng khóc than “chẳng may đẻ vào nhà Chúa (…) bị một lũ tiểu nhân xúi khôn xúi dại…”. Lê Chiêu Thống không có phản ứng nào trước sự thay đổi của vua tôi nhà Thanh nên phải ngậm ngùi chết ở đất khách. Chỉ có Nguyễn Ánh theo quân Xiêm về nước mà vẫn có một đạo quân riêng, lưu vong vẫn có quân khai thác đồn điền, gặp dịp thì lẻn trốn về phục nghiệp.
(…)
Chính khả năng vượt khó khăn đó của Nguyễn Ánh và bề tôi khi gặp dịp Tây Sơn không giải quyết được khó khăn của họ, đã giúp ông trở về Gia Định tổ chức quân lính mở rộng chiến tranh phục thù đưa đến trận thắng cuối cùng.”

Ở vào hoàn cảnh bị truy đuổi, gia tộc lần lượt bị diệt vong dưới đao kiếm Tây Sơn, mất đất mất nhà, trôi dạt khắp các đảo từ Côn Lôn tới Phú Quốc, nhưng Ánh vẫn trở về. Ánh vẫn về dựng quân và kéo tới đối đầu với Tây Sơn. Ánh vẫn không ngừng nghỉ, trong bao nhiêu năm, mưu đủ mọi sự để tìm đường lấy lại mảnh đất tổ tiên gây dựng. Nếu chỉ là một kẻ tầm thường hèn nhát thì liệu có đủ kiên tâm và bền chí tới vậy không? Ba mươi năm mà trong đó mười năm đầu bị truy cùng giết tận, suýt mất mạng không biết bao nhiêu lần, người ta vẫn thấy Ánh trở lại với quân đội của mình. Quân đội của Ánh, không phải của Xiêm hay của người Pháp.

Ánh kiến thiết Gia Định, biến nơi này thành hậu phương vững chắc phục vụ các kế hoạch giặc mùa của mình. Ánh thông thương và lợi dụng chính những tay lính Tây phương dưới trướng mình để vừa buôn bán vừa phô trương thanh thế của Ánh. Ánh tổ chức quân đội, biến đội quân với đủ các thành phần ô hợp thành một đội quân hùng mạnh đủ sức đối đầu với quân Tây Sơn.

Chuyện Tây Sơn và lý do Tây Sơn là lẽ tất yếu nhưng cũng tất yếu sụp đổ

Nhắc chuyện Nguyễn Ánh kiến thiết và tổ chức Gia Định thành một khu vực vững chắc nhằm đảm bảo sức mạnh và nguồn lực để đối đầu với Tây Sơn, tôi thấy cần nhắc ngay chuyện về Tây Sơn và lý do phong trào Tây Sơn khởi phát để rồi “đi vào bế tắc”. Một lần nữa, ở đây, Tạ Chí Đại Trường lại cho thấy khả năng vừa bao quát vừa đi vào chi tiết, từ đó dựng nên bức tranh toàn cảnh rõ ràng nhất về tình hình chiến sự, đời sống và xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỉ 18.

Trước nay tôi cứ nghĩ chuyện chiến chinh thành bại chỉ phụ thuộc vào số quân nhiều ít, cách tổ chức và cách cầm quân của người chủ tướng. Tôi chưa bao giờ biết tới những vấn đề nào khác có thể ảnh hưởng tới cục diện một cuộc chiến tranh. Nhưng hoá ra chuyện chẳng bao giờ đơn giản như đầu óc những người đơn giản suy nghĩ. Hoá ra, đoàn quân áo vải mạnh bạo như vũ bão kia rơi vào cái thế bế tắc mà chính chúng ta ngày nay thường thấy mình rơi vào: không có tiền!

Tây Sơn, bởi gốc khởi phát và những xô đẩy trong tiến trình tiến lên, gặp xung đột với tầng lớp thương nhân, nhất là thương nhân Hoa kiều – lực lượng buôn bán chính tại các cảng biển. Khi tìm được một địa vị trong trường chính trị, Tây Sơn lại không giải quyết được vấn đề cốt yếu là tìm ra phương cách khai thác nông nghiệp hiệu quả và thông thương buôn bán để xây dựng hậu thuẫn kinh tế phục vụ chiến tranh. Những bức thư của thương nhân người Anh C. Chapman cho ta thấy thế loay hoay của Tây Sơn, Nguyễn Nhạc đưa ra nhiều đề nghị hòng mời dụ các thương nhân Tây phương tới buôn bán nhưng hầu hết đều vô vọng.

“Tây Sơn mất sự hợp tác của tầng lớp sĩ phu có truyền thống gần gũi tổ chức nông nghiệp đã đành, mà còn mất luôn cả tập hợp Hoa kiều trung gian buôn bán nữa.”

Không phát triển được kinh tế, Tây Sơn không thể nuôi được quân và nuôi được những cuộc đánh Nam dẹp Bắc. Thiếu hụt nguồn lực kinh tế cũng là một trong những nguyên cớ dẫn tới xích mích giữa Nhạc và Huệ để rồi hợp với các nguồn cơn sâu xa khác mà gây cảnh “thanh trừng nội bộ” sau này. Chính vì không phát triển được giao thương mà Tây Sơn phải tận dụng lực lượng cướp biển Tề Ngôi, vừa làm thuỷ quân, vừa làm công cụ cướp bóc để đem về một phần nguồn lợi duy trì chiến tranh.

“Vàng bạc vốn không phải chỉ cần thiết cho bề ngoài một triều đình mà còn thiết yếu cho việc binh nhung nữa.”

Ta thấy, điều Tây Sơn không làm được thì Nguyễn Ánh lại làm rất tốt. Ấy cũng là một nhẽ dẫn tới chiến thắng cuối cùng cho Gia Long vậy.

Dầu vậy, kinh tế chỉ là một phần trong câu chuyện này, luôn là thế. Theo đường bước phân tích cặn kẽ của Tạ Chí Đại Trường, người đọc sẽ hiểu rõ gốc gác buôn “trầu nguồn” của anh em nhà Nguyễn Tây Sơn, tại sao trong khi chính quyền Trịnh-Lê ở Đàng Ngoài ở vào cái thế thối nát và lung lay hơn nhưng phong trào “khởi nghĩa” lại thành công ở Đàng Trong, điều gì làm nên sức mạnh của đoàn quân Tây Sơn và những xô đẩy gì đưa đoàn quân ấy tràn từ Quy Nhơn ra Phú Xuân rồi ra Bắc, nhưng cuối cùng tan tành dưới tay Gia Long Nguyễn Ánh. Và tất nhiên, một điều không thể thiếu: Nguyễn Huệ là người như thế nào và vai trò cốt tử của Nguyễn Huệ với Tây Sơn.

Thực hư về các nhân vật thời thế

Tạ Chí Đại Trường nhận định:

“Nguyễn Ánh bền dai, kiên trì có lẽ đã làm cho một số người trầm tĩnh thán phục, nhưng lại từng là bại tướng của “ông Long Nhương”. (…) Nguyễn Nhạc thất bại ngay lúc còn sống (…). Nguyễn Hữu Chỉnh bị bêu đầu sau một hồi làm mưa làm gió. Nguyễn Huệ trái lại sống giữa hào quang rực rỡ của chiến thắng. (…) Nguyễn Huệ thu nhặt được tất cả những lời khen lao, từ bọn bầy tôi quen tán tụng bất cứ ai là chủ tể cho tới đám thù nghịch từng chịu điên đảo vì ông.
(…)
“Nguyễn Huệ là bậc lão thủ hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam thật là xuất quỷ nhập thần. Không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn cả sấm sét…”
(…)
Có thể nói Nguyễn Huệ đã dùng hào quang của mình mà che chở cho chế độ khi phong trào Tây Sơn đưa ông lên đài danh vọng.”

Đó là Nguyễn Huệ – linh hồn của Tây Sơn. Chính các sử quan nhà Nguyễn thời đó cũng phải thốt lên rằng chủ tướng Nguyễn Ánh của họ chắc chắn sẽ gặp hồi lao đao nếu phải đối đầu trực tiếp với Nguyễn Huệ. Tới mức khi tin thám báo đưa về rằng Huệ đang riết ráo tuyển mộ binh sĩ định kéo quân vào Gia Định, Ánh tới mức “bấn loạn”. Nhưng cuộc đối đầu của một Nguyễn Huệ đang trên đỉnh cao với một Nguyễn Ánh mới bắt đầu gây dựng lực lượng đã không diễn ra.

Huệ chết để lại một Tây Sơn oai hùng không còn kẻ nào đủ trí và dũng để cầm đầu. Từ đây, tác giả tiếp tục cho ta thấy oai hùng của danh tướng chưa một lần bại Nguyễn Huệ và cái hố sâu quá lớn mà Nguyễn Huệ để lại sau khi qua đời.

Giống như với chân dung Gia Long Nguyễn Ánh hay Quang Trung Nguyễn Huệ được dựng lại từ nhiều nguồn sử liệu: sử quan, giáo sĩ Tây phương, thư từ trao đổi,… các nhân vật nổi bật thời kỳ này cũng được Tạ Chí Đại Trường khắc hoạ rõ nét, nhằm làm rõ các xu hướng dẫn tới kết cục của từng người, ảnh hưởng của họ tới diễn tiến cuộc chiến.

Đây, hãy lấy một ví dụ. Tạ Chí Đại Trường đưa ta ra Bắc gặp Nguyễn Hữu Chỉnh, cho ta biết về nguồn gốc xuất thân của con người này, từ đó giúp ta hiểu ra lý do tại sao Chỉnh bỏ Đàng Ngoài mà vào Quy Nhơn đầu quân cho Tây Sơn, rồi gắn kết và kéo Tây Sơn về dẹp Trịnh, sau đó lại bước lên muốn làm một “chúa Trịnh” tiếp theo vậy. Nguyễn Hữu Chỉnh, hoá ra, tương đồng với Nhạc và Huệ. Họ là một tầng lớp mới, bắt đầu tìm chỗ đứng trong xã hội Đại Việt và với những đổi mới trong ý thức hệ, họ làm nên những biến chuyển của đại cuộc như ta thấy.

Tác giả đưa ta tới từng khu vực của từng thế lực chiếm cứ thời kỳ ấy, cho ta gặp từng con người, từ đơn giản tới phức tạp, từ người có địa vị thấp tới người nắm giữ vai trò lớn trong cuộc chiến chinh. Ta thấy những kẻ oai hùng dám đứng lên mưu sự biến thiên, ta trông những danh tướng nổi bật trên chiến trường, hiểu về khí chất và những thúc đẩy dẫn họ tới dưới trướng một kẻ chủ sự của thời đại.

“… những khuôn mặt đã làm nên lịch sử: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ và chót hết, vinh dự thay trong lịch sử tàn nhẫn, Nguyễn Phúc Ánh.
(…) Ngôi sao Nguyễn Huệ có chói sáng rực rỡ vì chiến công cũng không che lấp được tính cách mâu thuẫn bấp bênh của chế độ Tây Sơn. Cho nên, Nguyễn Hữu Chỉnh cô độc giữa xứ Bắc Kỳ cũ kỹ trong thành kiến đến phải mắc tội “bội phản” mà chết, Nguyễn Nhạc ôm lấy thành Chà Bàn chờ Nguyễn Ánh mạnh lên.”

Rốt lại, nói về Lịch sử nội chiến ở Việt Nam 1771-1802 của Tạ Chí Đại Trường, tôi muốn nói nhất về sự vừa cặn kẽ vừa bao quát trong diễn giải và phân tích. Các sự kiện lịch sử (cả trong và ngoài nước), hoàn cảnh và các xô đẩy lịch sử (sâu xa và bề mặt), từng con người và các thế lực, lực lượng tồn tại trên khắp Đại Việt thời kỳ này, mối tương quan của họ với nhau, những tác động qua lại và sự đổi thay bên trong từng con người hay từng cánh quân… đều được tác giả trình bày rõ ràng và khúc chiết. Mà nào chỉ chuyện chiến trinh không, tác giả còn dành nhiều tiết nói về tình hình xã hội, đời sống, lối sống của cư dân Đại Việt, những cội rễ tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng và biến đổi của chúng trước thời cuộc.

Cuốn sách này cho tôi cảm giác như thể mình đang nhìn sâu xuống một mặt nước tưởng như chỉ cồn lên vài con sóng nhưng kỳ thực bên dưới là tầng tầng lớp lớp các luồng nước xô đẩy, giao thoa, tác động và biến đổi nhau. Những luồng nước âm thầm và lặng lẽ bồi đắp nên cục diện An Nam những năm cuối thế kỷ 18. Nói âm thầm và lặng lẽ bởi người đời sau còn hiểu quá ít về một trong những thời kỳ biến động nhất trong lịch sử đất nước này. Những thét gào của hàng vạn lớp người và lớp quân ngày ấy tạo ra các cuộc chiến chấn động một thời, giờ đây, chẳng còn gì ngoài vài con chữ trên trang giấy mà không mấy ai đọc đủ.

Cuốn sách này thực sự quý giá cho những ai muốn hiểu về lịch sử và con người lịch sử.

19550cookie-checkĐọc về nội chiến ở Việt Nam
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *