Bài viết
Trang chủ » Chuyện » Nhật ký Huế - 2021 » Viết cho ngày 113 – phố đã xa

Viết cho ngày 113 – phố đã xa

Tôi đã rời Huế được bao lâu thời gian rồi? Những tháng ngày ở nơi thành phố ấy trôi đi như cơn gió thoảng, và khi rời đi rồi thì thời giờ còn thoảng nhanh hơn gió, con người ta thấy mình cứ thế trôi ào đi theo chiều thời gian, cứ tự nhủ lòng mình sáng mai, tối mai, hay một ngày mai nào đó phải ngồi lại và viết về cuộc chia ly với thành phố, để rồi tới giờ đã ngót nghét hai tháng trôi qua mà chưa một lời cuối nhắn gửi những con ngõ thân quen nơi thành phố đã thành kỷ niệm.

Những ngày này, cứ mỗi khi nhìn thấy hình ảnh một góc vườn hoa hay một nhịp cầu nơi tôi đã từng qua nơi thành phố nằm êm ả bên dòng Hương ấy, lòng tôi lại dềnh lên một nỗi nhớ. Tôi nhớ những giờ phút mình còn đi ngang địa điểm ấy, những tháng ngày mình còn nhìn thấy chúng như nhìn ánh nắng mỗi sớm mai – một lẽ tất nhiên, thường nhật. Khi xa rồi thì sự tất nhiên và thường nhật thoáng hiện ra cũng đủ làm trái tim rung lên một nỗi khao khát. Khao khát được quay lại, được ở đó, ngay lúc này!

Những ngày này, tôi cũng lại thoáng nhớ về Những thành phố trôi dạt của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên và thèm được lần giở những trang văn ấy lần nữa, để hoà nỗi nhớ của mình về thành phố mình yêu và mình đã xa với những nỗi khắc khoải phố xá của những lữ khách trên trang văn Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ồ, sao mà chúng lại tương đồng tới thế. Nhớ tới da diết nhớ.

Tôi vẫn nhớ ngày mình lên tàu rời thành phố. Bữa đó, trời Huế gió hây hây. Cơn nắng lửa đổ xuống đã nhuốm vị mát lành của gió mùa, của mưa bão, nên nắng chỉ vàng và nồng đượm chứ không cháy da cháy thịt như buổi sáng ngày đầu tiên tôi đặt chân tới. Tôi thức dậy và vẫn làm những việc đã thành quen của mình sau bốn tháng nơi thành phố.

Tôi đi ăn sáng nơi hàng bún cá đã quen tên quen mặt, hai mẹ con chị chủ vẫn cười khi gặp tôi, và tôi cũng chẳng nói đây là buổi cuối tôi ngụ nơi phố, ngày mai và rất nhiều ngày sau nữa họ sẽ không còn thấy tôi nơi phố này. Liệu rằng họ có nhớ tôi chăng? Liệu rằng có một buổi hàng nào đó, trong dòng chuyện vãn giờ vắng khách, họ có nhắc một cô bé nói giọng Bắc vẫn hay ghé ăn lâu nay chẳng còn thấy? Ra đi mà không một lời biệt từ như thế…

Tôi ghé quán cơm nơi góc đường Lê Huân, cô bán cơm xởi lởi nhắc tôi trưa mai lại qua mở hàng, bởi “con mở hàng đắt khách lắm”. Tôi cũng không nói với cô rằng ngày mai tôi chẳng còn ở đây để tới mở hàng cho cô nữa. Cô cũng đã quen với sự có mặt của một cô bé nói giọng Bắc thường hay đi bộ tới quán mua cơm trưa, thường hay ăn sườn nướng và không bao giờ lấy canh hay nước chấm. Tôi vẫn nhớ vị cơm sườn nóng hổi của cô, liệu rằng cô có nhớ tôi và sẽ nhớ tôi trong bao lăm thời gian? Có lẽ sẽ chỉ một, hai tháng, rồi sau đó cuộc đời sẽ làm nốt phần việc là để người quên người đi bởi người không còn xuất hiện trong cuộc đời người nữa.

Liệu rằng, một ngày khi có cơ hội trở lại phố quen, tôi có còn gặp họ không và họ có còn nhớ tôi?

Tôi cứ thích bận lòng hỏi những câu hỏi đó. Bởi phố đã trở thành thân quen quá, một sự chia xa bỗng làm lòng người chếnh choáng chênh vênh và cứ muốn bám víu lấy những mối liên kết dẫu là mỏng manh với phố. Để một ngày được về và được thấy lại phố vẫn quen như trong dòng kỷ niệm.

Huế của tôi những ngày này có lẽ mưa đã nhiều hơn nắng. Suốt một tháng sau ngày rời đi, tôi vẫn dõi theo chuyện nắng mưa nơi thành phố mà mưa nắng ở đó đã chẳng còn tác động đến tôi. Một trang nhật ký trong đêm khi còn ở phố, tôi viết rằng tôi đã quen tiếng mưa rơi đều đều và âm vọng trong đêm đen, tới nỗi nếu mưa ngớt đi tôi bỗng thấy giấc ngủ chập chờn không yên. Lúc này, sao mà tôi thèm tiếng mưa ấy đến thế. Tiếng mưa Huế, rơi trên những mái nhà chỗ thưa thớt, chỗ dày đặc, mưa trong đêm Huế tịch lặng tới mức không một âm thanh nào len vào được nhịp điệu của mưa…

Nhưng tôi cũng đâu quên được màu nắng chiều xứ Huế. May mắn làm sao khi những ngày cuối tôi được ngắm lại màu nắng vàng phủ tràn trên những bờ cỏ, hàng cây, những mảnh tường cũ rêu phong của nhiều năm thời gian chất chồng. Nắng Huế mải miết và như thể cũng mang nặng màu thời gian. Màu nắng vàng thêm lên, thắm thêm lên, nhưng cũng chùng xuống, lãng đãng hơn, mênh mang hơn. Một chiều, tôi nhớ, khi chạy bộ dọc con đường bên sông Hương, nhìn về phía cầu Dã Viên, tôi thấy màu nắng vàng cam như rực lên, như làm cả khung trời phía xa ánh lên một quầng hào quang và trong màn khói chiều vơ vất không rõ ở đâu tràn về, nắng làm cho khung cảnh như khoác vẻ thiên thai, không thực. Người xưa có ngắm những màu nắng như thế? Họ nghĩ gì nhỉ?

À, con đường bên bờ sông Hương, con đường tôi chạy bộ mỗi chiều. Tôi qua lại nhiều tới nỗi đã bắt đầu quen được với đôi dáng hình thường xuyên xuất hiện trên con đường ấy, vào khung giờ ấy. Một bác có đôi chân tật, cần mẫn và khó nhọc đi bộ mỗi chiều. Một anh với chiếc mũ rộng vành và đôi giày màu nê-on cam, luôn đi một vòng từ bên bờ Nam, qua cầu Dã Viên, sang cầu Phú Xuân… Cũng có những người nhận ra tôi, tôi đoán vậy, bởi có bữa có người lên tiếng hỏi chạy được bao nhiêu hay động viên gắng chạy tiếp. Hay họ chỉ vui vì thấy có người tập luyện nên hỏi vậy? Tôi cứ tự nghĩ là họ nhận ra cái dáng bé nhỏ của tôi chạy mỗi chiều nên lên tiếng đi, ừ thì có sao, nhỉ?!

Tôi cũng nhớ cả những chiều tới ngồi bên bờ sông, ngồi trên đoạn thềm gỗ lim mà thành phố đã ưu ái làm và biến bờ sông Hương thành một chốn đẹp gọn gàng, một chốn mà ai rồi cũng sẽ muốn dừng chân mỗi chiều ngắm hoàng hôn buông trên một trong những con sông yên ả, một trong những thành phố thanh bình nhất Việt Nam này. Màu nắng, màu chiều, màu của những ánh đèn đường và của mặt trăng chênh chếch, lúc này, vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Và cái cảm giác thênh thang, êm ái, tĩnh lặng tôi cảm nhận ở nơi chốn ấy vẫn cứ trở đi trở lại, càng ngày càng da diết hơn bởi sâu thẳm trong tôi biết rằng càng ngày những ký ức ấy sẽ càng lạt phai hơn…

Biết bao giờ mới được trở lại. Và biết bao giờ mới lại được sống trong lòng phố như thế?! Huế ơi. Huế vẫn luôn và sẽ mãi là thành phố của tâm tưởng trong tôi. Sẽ còn quay lại chứ, phải tìm được cách để quay lại sống trong lòng Huế.

25910cookie-checkViết cho ngày 113 – phố đã xa
Từ khóa : Huế
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *