Con thoi cứ chạy qua lại, đan cài những sợi vải, tạo tác nên tấm thảm dệt to lớn lộng lẫy. Cuốn sách này chứa những truyện ở trong truyện, truyện kể về truyện, rồi truyện lại dẫn sang truyện… Các câu chuyện cứ mải miết chồng chéo, xoắn bện vào nhau kéo tôi vào một khoảng mênh mang vừa thực vừa hư ảo. Tôi nhìn như thôi miên vào chuyển động của con thoi dệt, ngóng đợi cái khoảnh khắc diện mạo toàn vẹn của tấm thảm dệt, hay của cuốn sách, thành hình.
Tại sao lại vừa thực vừa hư ảo? “Nàng phù thuỷ thành Florence” dựa trên những sự kiện có thật. Phần nhiều các nhân vật trong cuốn sách là những nhân vật của lịch sử – của Ấn Độ, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý… Nói cách khác, tác giả dựng một căn nhà tiểu thuyết trên nền móng của sự thật lịch sử. Nên ở đây, người đọc sẽ gặp rất nhiều thực, nhưng người đọc cũng lại bị lừa bởi chính những thực ấy vì nếu không tỉnh táo thì người đọc sẽ tưởng một hư ảo là thực.
Tôi cũng đã vậy. Tôi hăm hở tìm kiếm thông tin về Akbar – vua của các vị vua, về Salim – người kế vị ngài, về Niccolò Machiavelli – hay il Machia của cuốn sách, về Amerigo Vespucci – với một người em họ tên Ago, về các vị vua Hồi, các vị vua Ấn, về đế chế Ottoman, về những lâu đài của Ấn Độ và quảng trưởng của nước Ý… Tôi bị cuốn đi tới mức tra cứu cả “Lời nguyền Cá tầm và Khoai tây chống Shiite” bởi cứ ngỡ nó là thực mà hoá ra chỉ là một hư cấu của tác giả.
Lịch sử và kỳ ảo đan vào nhau như thế. Một câu chuyện từ cái nền móng lịch sử xây thành một toà nhà cổ tích.
“Câu chuyện hoàn toàn không có thật, nhưng cái sự không thật của những câu chuyện không có thật đôi khi cũng có ích trong thế giới thực.”
Nhan đề nhắc tới “Nàng phù thuỷ thành Florence”. Nàng gần như là nhân vật có tầm ảnh hưởng tới thảy các nhân vật còn lại. Nhưng người xuất hiện nhiều hơn cả và gần như là trung tâm của những suy ngẫm và quyết định thì lại là Akbar – vị vua vĩ đại. Kề bên cạnh Akbar còn có chàng trai với ba tên gọi, kẻ xuất hiện đầu tiên nơi trang đầu tiên của cuốn sách, kẻ lữ khách với tấm áo choàng may bằng những mảnh vải hình quả trám. Rồi lại có ba cái tên cấu thành một cái tên của kẻ-ba-tên. “Ngày xửa ngày xưa có ba người bạn, Antonino Argalia, Niccolò Machiavelli và Ago Vespucci…”
Thế đấy, làm sao để biết nhân vật chính của cuốn sách là ai khi có quá nhiều truyện kể gói vào gần bốn trăm trang tiểu thuyết. Truyện nào cũng mang sức nặng của riêng nó và nhân vật nào cũng có một vị thế quan trọng khác nhau. Người đọc đành cứ thế lật giở những trang sách và để con thoi dệt đưa chân.
Tôi muốn nói rằng xuyên suốt những trang sách này, có một chủ đề trở đi trở lại như thanh xương sống giữ cho một cơ thể động vật được thẳng thớm và uyển chuyển.
Shalman Rushdie có cách thức kể chuyện khá thú vị, kể mà bàn. Tức là tác giả đang kể một hành động của nhân vật, một chi tiết truyện đấy, nhưng trong lời kể ấy lại là những lời bàn luận, những truy vấn sâu sắc về một vấn đề. Từ vấn đề bản ngã con người hay thậm chí là thần chết, tới triết lý về quyền lực, nghệ thuật, những giấc mơ… rất nhiều thứ được tác giả bóc tách qua từng đoạn, từng câu. Nhưng cái vấn đề không thể bị gạt bỏ và toả bóng gần như toàn bộ cuốn sách, chỉ có một, ấy là: tôn giáo và tín ngưỡng.
Cuốn sách kể về hai nền văn minh: Ấn Độ và Ý – tức là có một sự song hành giữa phương Đông và phương Tây đặt trong cùng một bối cảnh thời gian lịch sử. Người đọc thấy một đại diện của phương Đông lạc bước tới phương Tây và một con người của phương Tây chu du tới phương Đông. Và cuốn sách này, không gì khác, chính là khắc hoạ lại những phản ứng của cư dân hai phương trời trước những tiếp xúc xa lạ từ một nơi họ không biết tới đó.
Nàng công chúa thất lạc của phương Đông được thành phố Florence chào đón như một thánh nữ. Nàng được tung hô bởi cái vẻ huyền bí Đông phương mà những con người Tây phương luận giải bằng niềm tin tôn giáo của mình.
Gã ngoại lai tóc vàng bị quần thần trong triều đình của vị vua vĩ đại phương Đông dị nghị và nghi ngờ. Nhưng gã dần chiếm được cảm tình nơi những con người cả độc thần và đa thần đó bởi kiến thức và khả năng của gã, một thứ hẳn đã được đào luyện nhờ nền giáo dục Tây phương.
Ở đây ta nhận thấy tác giả đang khéo léo xây dựng giả thuyết của mình về bản chất, sự phát triển, cũng như sự cố hữu của đức tin và tôn giáo. Người dân ở hai vùng đất có tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo riêng, ăn sâu bén rễ bao đời. Và trước những ngoại lai xâm nhập, họ có thể sẽ tìm cách dung hoà chúng vào tôn giáo mình (trao cho nàng công chúa phương Đông vầng hào quang của một vị thánh Công giáo; gán cho gã người ngoại quốc một sức mạnh huyền bí Đông phương) hoặc tìm ra lý do để loại bỏ chúng (vầng hào quang đã mất, nữ thánh trở thành mụ phủ thuỷ; gốc gác huyền bí bị lột bỏ, thay vào đó là sản phẩm của một tội ác không thể dung thứ trong niềm tin phương Đông).
“… ma thuật ở khắp nơi và sẽ không bị phủ nhận, và chỉ có nhà thống trị thiếu suy nghĩ mới bác bỏ nó. Tôn giáo sẽ không thể bị nghĩ lại, kiểm tra lại, làm lại, hoặc thậm chí không bị vứt bỏ; ma thuật không bị tổn thương trước những đòn tấn công như vậy.”
Tôi cứ mạn phép cho rằng tác giả, bằng cách đặt một giả thuyết về giao thoa Đông Tây, còn chủ đích chỉ ra sự khác biệt trong các chân giá trị mà hai xã hội ấy coi trọng.
Khác biệt trong niềm tin, trong suy nghĩ, trong những nền tảng cốt lõi mà hai xã hội dựa vào mà phát triển nên, chính chúng là nguồn cơn tạo ra hết thảy những phong ba bão táp nơi số phận các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết. Nếu Tiểu thư Mắt Đen không cảm thấy một thôi thúc được vượt thoát khỏi lề thói Đông phương, nếu gã trai Argalia không nhiễm máu phiêu lưu đang tràn ngập Tây phương thời bấy giờ, nếu vua Akbar không bị chi phối bởi những suy nghĩ thuần tuý phương Đông, nếu… Người đọc sẽ gặp không ít nếu như vậy.
Một điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc phản ánh tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như giá trị cốt lõi của hai phương trời không chỉ nằm ở tầm bao quát – tức là toàn vẹn câu chuyện của cuốn sách. Nó còn hiển hiện trong những phân đoạn nhỏ nhất, chính bằng cách vừa kể vừa bàn mà tôi đã nhắc ở trên. Nó nằm trong đoạn đối thoại của hai nhân vật, khi người này hỏi người kia về lý tưởng sống. Nó nằm trong nỗi băn khoăn của một vị vua trước những đứa con kế vị của mình… Suy tưởng về tôn giáo có ở khắp nơi, chúng thấm đẫm những trang sách này và người đọc có thể choáng ngợp trước tất cả những triết lý dồi dào và gợi mở ấy.
“Nâng một người lên địa vị gần như thần thánh, và trao cho người đó quyền lực tuyệt đối, trong khi lại lập luận rằng chính con người chứ không phải thần thánh là chủ nhân của định mệnh con người.”
Một cuốn tiểu thuyết lịch sử chăng? Khi nó dựa trên lịch sử và sử dụng các nhân vật lịch sử.
Một cuốn tiểu thuyết kỳ ảo? Bởi bầu không cổ tích và huyền hoặc mà nó tạo ra, với những truyện truyền kỳ và những phép thuật khó giải đoán.
Hay một cuốn sách triết học? Tôi không muốn bỏ qua phương án này, bởi suy ngẫm về triết học và tôn giáo thấm đẫm trên trang giấy.
Mà đây cũng có thể là một văn bản khoa học giả định. Nó đặt ra giả thuyết về sự giao thoa giữa Tây và Đông trên một điểm mốc thời gian mà cả ở Đông và Tây đều có những thành tựu rực rỡ riêng có. Sẽ thế nào nếu những rực rỡ ấy gặp nhau? Sẽ thế nào nếu Đông và Tây tác động lẫn nhau? Có lẽ đó cũng là điều mà Salman Rushdie quày quả tìm kiếm bằng cuộc phiêu lưu lịch sử-kỳ ảo này.