Huế, ngày 21 tháng 10 năm 2021
Hôm nay tôi lại tới lăng vua Gia Long, lần nữa. Thật lạ là dù đã tới đây mười lần có lẻ nhưng lần nào tôi cũng tìm thấy một điều gì đó mới. Một màu nắng chiếu, một mùi hương lạ, một khúc rẽ ngang…
Hôm nay, tôi tìm tới một con đường đi lên phía trên gờ tường thành ngoài cùng ôm lấy khu mộ của vua và hoàng hậu. Hoá ra, ngôi lăng mộ ăn vào một gờ đồi, nên bức tường ngoài cùng thực chất là bức tường chắn nằm trong lòng đất đồi.
Tôi lần theo lối cỏ mọc hoang, không một lối mòn, đi lên, nhìn xuống. Quang cảnh ở vị trí cao nhất ấy, nơi trông xuống được hai ngôi mộ đá nằm cạnh nhau, thật kỳ vĩ, hệt như tôi đã từng mường tượng. Đứng từ đó nhìn miết ra được phía xa, nơi có hai trụ biểu sừng sững và nơi núi đồi điệp trùng in dáng lên trời xanh.
Phía trên gờ đồi ấy, thông mọc kín. Thông xanh mướt trên đầu. Những dáng thông thẳng tắp. Cỏ cũng xanh dưới chân. Lớp cỏ thấp tà tà ngang đế giày, mọc chen trên nền đất lá thông nâu rụng đầy. Tôi bước chân lên cỏ, lên những mảnh lá thông dài. Bước chân lút sâu. Nắng chiếu chênh chếch khoả lấp những dáng thông, xuyên qua những thân đen đúa, làm thành những dải sáng vàng trên nền đất xanh.
Đi lên, rồi đi xuống. Tôi đi ngang dọc khắp quả đồi nhỏ thoai thoải ấy. Tôi sang phía nhà bia. Đứng bên hông nhà bia đang kỳ tu sửa, nhìn xuống, thấy người ta đang làm một con đường chạy vòng quanh ôm lấy mảnh hồ dài đổ loang lổ phía trước lăng vua, nối sang cả lăng hoàng hậu thứ hai ở chênh chếch phía không xa lắm. Có lẽ, lần tới, khi quay lại nơi này, một, hai, hay nhiều năm nữa, tôi sẽ được ngắm trông một cảnh sắc khác của khu di tích này. Không, không hẳn là một cảnh sắc khác, mà là thêm những điều khác lạ trong một cảnh sắc đã quen. Tôi đã quen lắm khung trời, dãy núi, hồ nước, và những dáng tường cao đen đúa rêu phủ của toà lăng mộ này.
Tôi bước vòng qua cổng sau khu điện thờ. Tôi đi vòng bên ngoài tường thành ngôi điện. Con đường có dấu xe qua, một đống gạch đá nằm cuối lối mòn. Cỏ cây xanh mởn lên trong mùa Huế mưa. Một dáng cổ thụ gốc to ôm rậm rì loài cây dây leo lá như những trái tim nhỏ bé màu xanh phớt trắng. Tôi bắt gặp một vòng xây đen đúa đá rêu như thể một hồ nước xưa, hay một gờ tường thành còn sót lại của một ngôi nhà nhỏ nào đó. Không rõ.
Tôi bước trở lại bậc thềm bên ngoài điện Minh Thành. Nắng dần nhạt. Nắng chiếu xiên hơn. Tiếng mấy người công nhân đang làm việc bên hồ nước phía xa vẫn vẳng lại. Ngày chưa kết thúc. Nhưng cuộc đi hôm nay của tôi đã đến lúc kết thúc rồi. Và cuộc ngơi nghỉ của tôi nơi thành phố này cũng đang dần đi đến hồi kết. Đây có lẽ sẽ là lần cuối tôi ghé thăm Thiên Thọ Lăng trong lần lưu lại Huế này. Tôi tới đây, hôm nay, cốt để nói lời tạm biệt với nơi chốn tôi quá yêu kể từ lần đầu đặt chân đến, và vẫn luôn nhớ về, luôn trở về dẫu có tới Huế bao nhiêu lần.
Tôi thích bầu không nơi này. Thích nét trầm mặc mà uy nghiêm của toà lăng mộ nằm xa xôi, nằm sâu giữa những đồi thông, nằm lọt thỏm giữa trùng điệp núi đồi. Một nơi thật xa, một nơi thật vắng. Một nơi thuần tuý của suy tư mộng tưởng. Nơi cho tôi những mường tượng của một cuộc gặp gỡ như thật mà như không thật. Có khi ngôi lăng mộ này, đối với tôi, chính là cái nơi chốn mà cụ Nguyễn Xuân Khánh đã nhắc trong Tiếng người trong văn của mình. Có thể tôi chẳng phải một nhà văn nhưng ai cũng cần một nơi chốn cho tâm hồn mình tìm về, nhỉ?! Một nơi để lặng, một chốn để mộng.
“Nhớ sông Tô, Tô Hoài muốn bảo chúng ta rằng mỗi người viết văn phải có một vùng quê, một hậu trường, một sân sau để suốt đời người viết văn có thể đi về, có thể thuộc làu, có thể quan sát sự biến đổi của người cũng như cảnh vật. Cái sân sau của một nhà văn có thể là một ngôi làng, một miền đất, một xí nghiệp, một trường học, một khu phố. Có nhiều nhà văn xây dựng sự nghiệp của mình ở trên nền cái sân sau ấy. Tất cả các nhân vật, tất cả sách của họ đều rút ra từ cái sân sau ấy. Rút cả đời mà vẫn không hết.”
Một chiều nắng ươm sau cơn mưa mùa hạ,
một chiều nắng chợt tắt đón cơn mưa đầu thu,
một chiều nắng dìu dịu khi tiết trời bắt đầu vào đông…
Nhiều chiều tôi đã đến đây, ký ức vẫn còn đong đầy trong tâm trí.
Tôi sẽ nhớ nơi này rất nhiều.
Và vẫn còn lời hứa. Lời hứa tôi đã có khi lần đầu tới đây. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện lời hứa ấy, dù có ở phương trời nào chăng nữa.