Bài viết
Trang chủ » Chuyện » Nhật ký Huế - 2021 » [Những cuộc du ngoạn] Bái kiến đức Gia Long

[Những cuộc du ngoạn] Bái kiến đức Gia Long

Bài viết tham khảo tư liệu từ cuốn sách Kiến thức cố đô Huế (Phan Thuận An) và trang web hueworldheritage (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), cùng các sách đã dẫn. Mọi sai sót trong bài viết, nếu có, đều thuộc về phần lỗi của người viết.

Tôi chạy xe giữa hai hàng thông. Tôi đã qua lại con đường này biết bao lần, lần nào cũng thấy một cảm giác an bình dâng lên khi bước vào dưới bóng ôm của những dáng thông cao dày.

Đường uốn khúc, dẫn vào trước điện Minh Thành. Nắng chiều soi nghiêng qua những tán bằng lăng còn lưa thưa đôi chùm hoa tím sót lại của mùa hè. Tôi luôn thích tới Thiên Thọ Lăng vào buổi chiều. Giờ này, nơi đây chẳng có lấy một bóng du khách. Mà kì thực, bởi ở vào nơi xa nhất so với tất cả các lăng vua triều Nguyễn, Lăng vua Gia Long có bao giờ nhộn nhịp khách tham quan. Tôi mến nơi này một phần cũng bởi thế. Không ồn ào, không náo động, không một bờ tường rào ngăn cách khu lăng mộ với những đồi thông chung quanh, một du khách có thể tới đây vào bất cứ quãng nào trong ngày.


Tôi dựng xe nơi những bậc đá dẫn lên điện thờ.

Điện Minh Thành là nơi thờ vua Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Bên trái điện là toà lăng mộ với sân chầu có hai hàng tượng đá và toà Bửu Thành; cạnh đó là nhà bia. Các kiến trúc được xếp đặt theo hàng ngang – cung cách bài trí ít gặp ở các lăng vua đời sau. Ở về bên phải, xa hơn, là lăng mộ của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu – vợ thứ của vua Gia Long và là mẹ đẻ của vua Minh Mạng. Nơi ấy mang tên lăng Thiên Thọ Hữu, có một điện thờ riêng, tên điện Gia Thành.

Đôi khi người ta dùng tên Thiên Thọ Lăng để chỉ lăng vua Gia Long; đôi khi tên ấy lại dùng cho toàn bộ quần thể hai toà lăng mộ kể trên và một số lăng mộ khác nằm rải rác quanh đây.

Việc trước nhất của bất cứ du khách nào tới đây là vào điện Minh Thành và thắp nén nhang lên bàn thờ vua và hoàng hậu. Có một lần, khi tôi và bạn mình lững thững dạo chơi trong điện Gia Thành, chúng tôi được nghe chuyện về khu lăng mộ từ người trông điện. Trong nhiều điều lạ kì và xưa cũ chú kể, có một điều tôi nhớ mãi, ấy là chuyện nơi này không chỉ là một điểm tham quan mà còn là một địa điểm tâm linh của xứ Huế. Lăng đức Gia Long rất thiêng và người ta vẫn tìm tới đây khi có điều gì đó mong cầu.

Tôi gặp chú bảo vệ lăng đang đi thắp nhang, hẳn là những nén nhang chiều đánh dấu một ngày sắp tàn. Chú mở cánh cửa điện thờ vừa đóng, dẫn tôi vào dâng hương. Những người trông coi lăng mộ ở xứ này ai cũng vậy, luôn sẵn sàng chào đón bất cứ vị khách nào.


Tôi rời ngôi điện thờ, bước sang phía sân chầu trước Bửu Thành.

Tôi đã đi gần hết những ngôi lăng mộ của các vị vua Nguyễn, và có một điều tôi luôn suy nghĩ, rằng phải chăng kiến trúc một ngôi lăng mộ biểu hiện tính cách của vị vua nằm bên trong. Những ngôi lăng mộ xứ Huế luôn có những tương đồng về cảnh quan và bố cục. Nhưng mỗi nơi lại mang một vài biến tấu đặc trưng, để người khách viễn du một ngày tới thăm sẽ có cho mình những dấu ấn trong ký ức lúc trở về.

Sự bề thế của quần thể Hiếu Lăng thấm đẫm hơi thở vị vua nước Đại Nam – Minh Mạng, nét lãng mạn của Khiêm Lăng thể hiện sự trầm tư của vua Tự Đức, kiến trúc Á-Âu kết hợp nơi Ứng Lăng cho thấy cá tính của ông vua cách tân Khải Định… Còn ngôi lăng mộ này thì sao? Thiên Thọ Lăng nói gì về vua Gia Long? Hay vua Gia Long thể hiện điều gì nơi ngôi mộ của mình đây?

Michel Đức Chaigneau, con trai của J.B.Chaigneau – người lính Pháp từng phụng sự trong đoàn quân của Nguyễn Phúc Ánh và là một trong hai người Tây phương cuối cùng ở lại làm quan dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng, ghi lại về vua Gia Long như thế này:

“Khuôn mặt Đức vua thật uy nghi và thần thái, cho thấy một tấm lòng cao cả bao dung: ngài có những cử chỉ thật trang nhã và tính cách thân thiện, nhất là trong những lần trao đổi thân tình thường nhật. Nhưng sự lanh lợi tự nhiên của ngài cũng có thể làm cho ngài từ thái độ nhân từ sang trạng thái tức giận tột cùng mỗi khi lệnh của ngài không được thi hành đúng như chỉ bảo.”[1]

Một vị vua có tính cách vừa mạnh bạo và uy vũ, vừa dân dã và thân tình. Lẽ ấy hẳn cũng tất yếu thôi đối với một Gia Long Nguyễn Ánh. Tôi đã rất bất ngờ khi theo chân ngài dọc khắp các trang sách của cuốn “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam 1771-1802” và thấm thía những trầy da tróc vảy, những nhục nhã và vinh quang, gian nan và thách thức nơi các cuộc chinh chiến mà Nguyễn Ánh Gia Long phải trải.

Một chàng trai trẻ mười ba tuổi theo chú mình lưu lạc vào Gia Định vì dòng tộc bị Tây Sơn đuổi giết, mười lăm tuổi làm thống lãnh đạo quân dưới trướng vị chúa cuối cùng nhà Nguyễn, rồi hơn hai mươi năm cuộc đời tiếp sau chỉ toàn nếm mật nằm gai bên quân tướng, mưu bao nhiêu sự, chiến chinh bao nhiêu cuộc. Tới cuối cùng, chàng trai ấy mới bước lên ngai cao và khoác lên mình bộ long bào Hoàng đế. Một con người hun đúc qua bao thăng trầm như vậy thì làm sao mà không tồn tại hai mặt đối lập trong một cá tính.

Michel Đức Chaigneau còn kể ngài rất hay đùa và thường cười ha hả về những câu đùa vui của mình:

“(…) Vua Gia Long là một người có nhiều trí tuệ và hoài bão. Do trải qua nhiều gian nan thử thách, ngài có được sự đúng đắn, chín chắn trong đánh giá người và việc. Ngài nắm rõ mọi ngóc ngách của hệ thống hành chính vương triều, hơn cả những vị thượng thư mà ngài nhiều lần bắt lỗi. Nhưng ngoài công việc phải trao đổi nghiêm túc ra, ngài là người vui tính nhất, dễ mến nhất của đất nước này: nhiều lúc, do ý thích và ở nơi thân tình, ngài đã thốt ra những lối nói bông đùa dân dã đến mức làm người nghe đỏ cả mặt.”[2]

Tôi bỗng nảy ra mong ước được diện kiến một người như thế. Tôi muốn tỏ tường về ngôi lăng mộ này, về cá tính con người nằm lại đây. Tôi muốn hỏi về những sự thế đã xảy ra; tôi muốn nghe câu chuyện chiến tranh từ người trong cuộc. Một cuộc chuyện trò giữa một đứa nhỏ tò mò với ông già râu bạc, người hẳn sẽ chẳng thiếu chuyện li kỳ để mà kể. Những cảnh nồi da xáo thịt, đầu rơi máu chảy có khi sẽ biến thành những chuyện bông đùa, bởi ở vào cái tuổi này rồi thì ông già coi mọi sự chỉ còn như cái chớp mắt. Chớp mắt thấy mình đã là quá khứ xa xôi.


Tôi tưởng ra cảnh mình ngồi trên chiếc đôn gỗ, bồn chồn vì được tiếp chuyện một Hoàng đế. Còn ngài, ngồi trên ngai chạm rồng, sẽ bật cười ha hả. Ngài hẳn sẽ cười nhiều lắm trước những lời tôi nói, tôi nói toàn những điều lạ tai. Chếch về bên trái chỗ ngài ngồi, nơi con mắt tôi sẽ hướng tới luôn luôn bởi không dám nhìn thẳng vào gương mặt một Hoàng đế, là chiếc bàn gỗ chạm trổ những đường vân cây lá đan cài. Trên bàn là chiếc bình sứ lớn. Lớp men xanh hiển hiện những bông cúc và những dáng người mảnh mai thuộc về một điển tích nào đó. Trong bình là đoá sen bung nở.

Những bông sen hẳn được hái từ dưới hồ nước trước mặt tôi đây.

Tôi ngồi xuống bậc thềm dẫn xuống hồ dài, hồ nước tự nhiên chảy qua trước lăng mộ vua và hoàng hậu. Không, nói cho đúng thì vua đã chọn đặt lăng mộ mình trước hồ nước này. Một hồ nước tự nhiên, uốn khúc, như vệt mực đổ loang trên khoảng trũng thung lũng được dãy Thiên Thọ bao bọc. Hồ nước trở thành một phần của hai ngôi lăng mộ, hay hai ngôi lăng mộ – một của đức Gia Long và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, một của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu đã mượn hồ nước sẵn có mà nương vào.

Theo tất cả những tài liệu tôi tra cứu được, tên hồ chỉ mang vỏn vẹn hai chữ: hồ dài. Chẳng có những cái tên mỹ miều như Trừng Minh, Tân Nguyệt, Ngưng Thuỷ, Lưu Khiêm… như người ta thấy ở các lăng vua Nguyễn đời sau.

– Thưa đức vua, liệu trước đây ngài có đặt một cái tên nào đó thật đẹp và kêu vang cho hồ nước này chăng?

Nhưng tôi chẳng cần nghe câu trả lời của đức Gia Long mà cũng đoán định được, hồ này chỉ đơn giản là hồ dài vậy thôi. Đơn giản như chính ngôi lăng mộ ngài.

Ngôi lăng mộ dựa hoàn toàn vào thế tự nhiên của vùng đất, chỉ gồm một điện thờ và một tẩm mộ. Một con đường nhỏ uốn lượn theo dáng uốn của hồ, dẫn từ lăng Thiên Thọ sang lăng Thiên Thọ Hữu, làm cho người ta có cảm giác bước chân đến đâu cũng thấy cảnh sắc thật lặng và yên. Nơi này không có lầu son gác tía, không trường lang, cũng chẳng la thành. Chẳng có lấy một nét trạm trổ phượng loan trên những phiến đá lớn ghép thành hai ngôi mộ đặt cạnh nhau: vua và hoàng hậu, song táng – hai toà mộ đá nằm sóng đôi – đức vua và người vợ cả đã vào sinh ra tử cùng ngài.

Bên kia hồ, đối diện với tẩm mộ nhà vua, trên ngọn đồi thoải, hai trụ biểu đứng sừng sững in hình lên dãy núi xanh thẳm mấp mô và bầu trời xanh cao vời vợi. Lần nào tôi cũng mê mải ngắm nhìn khung cảnh này. Cột trụ biểu như hai cây kiếm lớn cắm xuống mặt đất, đánh dấu nơi an nghỉ của vị vua đầu triều. Và, ở vào giữa khung cảnh núi đồi và trời đất xanh miên man như thế, hai cột trụ ấy càng thập phần uy nghiêm.

Đây chính là nét quyến rũ bậc nhất của nơi này: giản đơn nhưng vẫn đầy khí khái. Giống quá tính cách vị Hoàng đế này chăng? Uy nghi mà gần gũi. Một ngôi lăng mộ nằm gọn gàng giữa thiên nhiên hùng vĩ, không cố tìm cách biến đổi hay khuôn ép địa thế tự nhiên mà khéo léo đặt nơi yên nghỉ của mình vào sự an nhiên của vùng đất. Ngay tới toà Bi Đình ở về bên trái tẩm mộ, nơi khắc bài văn bia “Thánh đức thần công”, cũng rất nhỏ bé và giản đơn. Mà bài văn bia ấy nào phải của đức Gia Long, ấy là do vua Minh Mạng dựng để nói lên công đức vua cha. Đức Gia Long có lẽ chẳng màng tới chuyện công tội.

“Ta đã sống đủ và đã trải đủ, giờ đây ta nằm giữa đất trời núi sông của ta. Những kẻ hậu thế muốn phán xét thế nào cũng mặc, không bận lòng ta.”


Một làn gió nhẹ từ mặt hồ kéo lên. Tôi nhận ra có hương thơm thoảng trong gió. Mùi hương mang vị ngọt nhè nhẹ, thanh thanh. Hương sen! Những bông sen đang vào mùa mãn khai. Đài sen vàng nằm lọt trong lớp cánh hoa lụa là như càng thắm sắc dưới nắng chiều.

– Thưa đức vua, tôi xin nói rằng lăng mộ của ngài là đẹp nhất trong số tất cả những ngôi lăng mộ xứ Huế.

Tôi thấy vua lại cười vang. Tôi trần tình rằng tôi chẳng nói thế để lấy lòng ngài mà làm gì, tôi thực tâm nghĩ vậy. Tôi sẽ nói ngài nghe về cảm giác thanh bình, tịch lặng mà vẫn đầy nghiêm cẩn tràn lên trong tôi mỗi lần tới đây. Ngài hẳn sẽ vừa cười vừa kể tôi nghe về câu chuyện chọn đất dựng lăng, về chuyện ngài đã cho khảo sát và ưng ý làm sao với khung cảnh núi non nơi này, với vùng núi có tới bốn mươi hai ngọn đồi núi cao thấp mà ngài ban cho cái tên Thiên Thọ Sơn.

Ngài chắc cũng sẽ nhắc chuyện phong thuỷ của cuộc đất và cách ngài đặt ngôi lăng mộ của mình vào phong thuỷ sẵn có ấy. Chẳng thế mà trước mặt lăng có dãy Đại Thiên Thọ án ngữ, hai bên mỗi bên có mười bốn ngọn núi như “Tả thanh long – Hữu bạch hổ”, sau lưng là bảy ngọn núi làm hậu chẩm. Một sự uyển chuyển tận dụng phong thuỷ sẵn có của vùng đất là vậy.

Mà, tôi cũng muốn hỏi về sự đặc biệt của vùng đất quanh đây nữa. Ngay gần lăng mộ vua còn là lăng mẹ và chị gái ruột của ngài. Hai người đã cùng ngài rong ruổi trong buổi can qua nay nằm trong những gờ tường đổ nát của Lăng Thoại Thánh và Lăng Hoàng Cô. Tôi từng tìm tới ngôi điện thờ thờ chung hai vị. Điện đã đổ nát hết cả, chỉ còn sót lại những bậc thềm đá và đôi ba mảng tường gạch. Một hồ vuông nằm trước lăng Thoại Thánh, mà những ghi chép về Huế của Michel Đức Chaigneau từng miêu tả là trồng đầy hoa súng, nay cạn khô, trơ cỏ.

Đó không phải là những hoang phế duy nhất. Cuộc đất nơi dãy Thiên Thọ còn là nơi an nghỉ của sáu vị chúa Nguyễn và không ít những phi tần vợ chúa. Phải có lý do cho những điều này chứ?!

Trong dòng câu chuyện, hẳn vua sẽ bảo tôi đứng dậy và theo ngài đi xung quanh mà tận mắt chiêm ngưỡng cảnh sắc.

Tôi đứng lên khỏi bậc thang nơi hồ nước, bước trở về phía sân chầu. Sân chầu rộng lát gạch Bát Tràng vuông vức, bảy bậc sân tế thoai thoải dẫn lên Bửu Thành Môn. Cánh cửa lớn, nguyên làm bằng gỗ, tới thời vua Thiệu Trị thì thay bằng cửa đồng, vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày nay. Toà Bửu Thành có hai vòng tường cao. Lớp tường dày thấm màu thời gian nhìn trông thật trầm mặc, phải chăng đang nói lên tâm tư vị vua già. Ngài trầm ngâm ngẫm ngợi về nhân tình thế thái, về cuộc đời binh lửa lao đao.

Bên ngoài Bửu Thành còn một lớp tường nữa, cũng cao lớn và bề thế vậy, vòng cung ôm lấy tẩm mộ như lớp phòng thủ vững chãi của một toà thành hiên ngang đón đợi những đoàn quân hùng mạnh. Hai đầu bức tường là hai chóp trụ, như hai điểm lô cốt mà hẳn quân lính đức vua luôn sẵn đợi với những khẩu điểu thương mạnh bạo và những cây kiếm dài sắc nhọn.

Tôi thả bộ dọc bờ tường ấy. Tôi vẫn thường có thói quen này, dạo bước một vòng quanh Bửu Thành của các vị vua, cảm nhận khoảng tĩnh mịch của bức tường thành cao, của những tán cây xoà bóng. Chẳng có âm thành nào ngoài tiếng bước chân tôi đạp trên lá khô. Tôi cũng đang trầm ngâm theo đà lặng im của vị Hoàng đế.

Bước ra khỏi bờ tường thành, bỗng nhiên tôi thấu tỏ cái cảm giác mà Roland Gorgelès từng mô tả ngày ông thăm nơi này vừa tròn trăm năm trước.

Tôi chia sẻ điều ấy với đức vua. Tôi kể về một nhà văn người Pháp nọ, ông ấy từng tới đây và viết về lăng mộ ngài. Ông nói trông lăng ngài như thể một pháo đài và ngài như lúc nào cũng sẵn sàng tiến tới một cuộc chiến chinh mới. Ngài sẽ bước xuống khỏi vị trí của mình bên cạnh hoàng hậu. Phía dưới hồ nước, chiếc chiến thuyền bọc đồng từng làm nổi danh thuỷ quân của ngài đang đón đợi. Ở bờ bên kia, sau hai trụ biểu, đoàn quân hùng mạnh dưới quyền ngài đã hàng lối tề chỉnh, chỉ đợi tiếng chỉ huy của ngài mà lao về phía trước.


Trời chiều bắt đầu vãn sáng. Hoàng hậu bước tới cạnh đức vua và ngỏ ý cho tôi lui. Nhưng đức Hoàng đế vẫn giữ tôi lại thêm một chút, ngài muốn nghe đoạn viết tôi vừa kể. Vâng, tôi giữ nó bên mình đây. Tôi xin phép đức vua và hoàng hậu được đọc lên, một đoạn văn thật đẹp viết về cá tính ngôi lăng mộ của vị Hoàng đế thống nhất sơn hà:

“(…) ta đến trước lăng mộ người cha là vua Gia Long.

Đâu phải là lăng mộ, mà là một pháo đài.

Những mảng nước lấp lánh và những khu vườn chắc là phù hợp với vua Minh Mạng, nhà lập pháp tinh tế, nhà chính trị khôn ngoan nhưng lại không phù hợp với người chinh phục, với Gia Long Đại đế, vị hoàng đế anh hùng (…) người đã tập hợp dưới vương trượng bằng ngọc của mình tất cả xứ sở An Nam.

(…) Cho xây ngôi mộ to lớn của mình bằng những khối đá hoa cương, dường như nhà vua vẫn nghĩ đến những trận chiến sắp tới. (…) Không có lối đi thoáng nhẹ, những tòa lầu các: chỉ là một công trình xù xì bằng đá xám xếp thành tầng.

(…) mộ ngài nằm giữa thanh thiên bạch nhật. Từ trên các bờ hào, phía trên các tường thành, đã có thể thấy ngay mộ ngài, nằm sát bên cạnh mộ hoàng hậu như để che chở cho bà. Ngài phô ra chiếc áo giáp bằng đá của mình, không chút e sợ:

– Chính là ta, hoàng đế Gia Long!”[3]


[1] Trích Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, NXB Thuận Hoá, 2016

[2] Trích Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, NXB Thuận Hoá, 2016

[3] Trích Nhà đoan Thuế muối Rượu cồn, NXB Thế Giới, 2017

19960cookie-check[Những cuộc du ngoạn] Bái kiến đức Gia Long
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *