Bài viết
Trang chủ » Trang sách » Đọc và ghi » Thỏ hay người, người hay thỏ

Thỏ hay người, người hay thỏ

Chuyện bắt đầu vào một buổi chiều, Fiver và Hazel – hay như bản dịch là Thứ Năm và Cây Phỉ – hai anh em thỏ dắt nhau ra khỏi hang, tìm cỏ ăn dưới ánh hoàng hôn đỏ rực. Hai chú thỏ, một lanh lẹ, một nhút nhát, men qua bờ mương, bò ngang sườn đồi, cho tới khi chúng đến trước một tấm biển gỗ lớn màu trắng có những nhát gạch đen như những con dao găm sắc nhọn.

Thứ Năm bỗng nổi một cơn run rẩy và sợ hãi. Chú không ngừng kêu lên với Cây Phỉ rằng nguy hiểm to lớn đang tới gần và chúng phải rời đi ngay, rời xa nơi này, cả hai đứa chúng và cả đàn thỏ của chúng nữa. Cây Phỉ, đã quen với những cơn sợ hãi và những lời “tiên tri” của Thứ Năm, dẫn em mình tới nói chuyện với Thỏ Thủ lĩnh. Nhưng con Thỏ Thủ lĩnh nào mà lại nghe lời một chú thỏ gầy gò, ốm yếu và như đang lên cơn bệnh thế kia. Một con thỏ Thủ lĩnh kiểu như Cây Phỉ thì có thể, còn Chúa Thanh Lương Trà – thỏ Thủ lĩnh của bầy thỏ mà Cây Phỉ và Thứ Năm đang sống cùng thì không.

Không thuyết phục được bầy thỏ rời đi, nhưng nguy hiểm thì vẫn đó và đang ngày càng tới gần hơn, to lớn, đẫm máu (Thứ Năm không ngừng run rẩy nói vậy), Cây Phỉ quyết định sẽ cùng em mình rời bầy. Trước khi đi, chúng thuyết phục được vài người bạn sẵn lòng theo chúng vào cuộc phiêu lưu không rõ điểm đến, chẳng rõ kết cục phía trước.

Vậy là những chú thỏ, Cây Phỉ, Thứ Năm, Tóc Giả, Bồ Công Anh, cùng nhiều cái tên khác mà bầy thỏ lớn chẳng mấy khi để tâm, rời đi trong một đêm trăng. Chúng tiến về phía vô định, và sớm thôi, sẽ lưu dấu tên mình vào những câu chuyện truyền miệng diệu kỳ về những cuộc phiêu lưu thượng hạng mà thỏ mẹ sẽ kể cho những đứa con của mình trong ánh chiều tà hay một đêm đông lạnh giá…


Khi đọc cuốn sách này, tôi cứ không ngừng tự hỏi bản thân rằng: chi tiết này, con thỏ này, hay cách hành xử của từng bầy thỏ liệu là ẩn dụ cho con người nào, cho cung cách nào của con người. Rất nhiều chi tiết xuyên suốt cuốn sách gieo vào đầu tôi băn khoăn ấy. Lớn nhất trong số chúng phải kể tới hai bầy thỏ mà nhóm thỏ của Cây Phỉ giáp mặt trong hành trình xây dựng đồi thỏ của riêng mình: hang thỏ đầy cạm bẫy và Efrafa.

Đối với tôi, không chi tiết nào rùng rợn hơn chi tiết những con thỏ lang thang bắt đầu tìm cách hoà nhập vào bầy thỏ đầu tiên chúng gặp trên đường phiêu lưu.

Bầy thỏ này kiếm ăn bằng cách mò tới những đống rau củ mà người nông dân trong trang trại gần đó vứt ra, ăn tại chỗ rồi tha về tổ. Chẳng đàn thỏ rừng nào làm thế! Cây Phỉ và những người bạn của mình thấy lạ lẫm trước cung cách kiếm ăn ấy của lũ thỏ, trước vẻ ngoài béo tốt mập mạp của chúng và trước những trò tiêu khiển thật lạ đời như dựng tượng hay ngâm thơ. Bầy thỏ có gì đó rất mờ ám, nhưng lũ thỏ lang thang không thể biết đó là gì. Những câu hỏi của chúng hầu như đều bị phớt lờ một cách hoàn toàn chủ đích. Rồi còn khu rừng quanh đây nữa, không một elil nào quấy rối. Lũ thỏ ở đây nói con người cầm súng và bắn tất cả những con vật nào có thể gây nguy hại tới hang thỏ. Lại một điều lạ kì khác.

Dẫu vậy, lũ thỏ lang thang cố tìm cách gạt bỏ những câu hỏi không lời đáp. Chúng đã đi một chặng đường dài và giờ đây chúng tìm được một đàn thỏ sẵn sàng cưu mang chúng, cho chúng ăn uống và thật thân thiện với chúng, sao phải lo lắng nhiều vậy?! Tất cả những con thỏ đều tìm cách hoà nhập, trừ Thứ Năm. Thứ Năm nhất định không ở trong hang cùng lũ thỏ, và nhất quyết rời đi. Đó là khi vấn đề dần lộ diện…

Những trang văn kể lại câu chuyện này như ngập một thứ không khí tù túng chết chóc sờ nắn được. Đây là một trong những đoạn tôi vừa đọc mà vừa thấy tim mình đập thình thịch, không dám bỏ rời dù chỉ một chữ. Những bí mật, những chi tiết, những hành động, liên tục hiện ra trước mắt tôi như ẩn dụ cho những điều gì đó rất con người. Và tôi cố theo sát trang văn, mong cầu thấu xem những dự đoán của mình có đúng hay không, những việc làm này của lũ thỏ liên quan gì tới loài người, và bầy thỏ của Cây Phỉ có rời đi an lành hay không.

Điểm đến thứ hai khiến tôi suy nghĩ nhiều là Efrafa. Đây cũng là nơi diễn ra một trong những trận mưu đồ gay cấn và hồi hộp bậc nhất của cuốn sách. Bầy thỏ của Cây Phỉ dự định “cướp dâu” từ Efrafa, nhưng Efrafa không phải chuyện đùa, mọi loài vật quanh đó đều biết điều ấy.

Tại Efrafa, General Woundwort – Thống soái Hoắc Hương là kẻ đứng trên chóp cao nhất của bộ máy quyền lực. Dưới trướng Thống soái sẽ có Council – tức Hội đồng, gồm nhiều con thỏ mưu mô và thâm hiểm, giúp đưa ra các chính sách và kế hoạch kiến thiết, tổ chức bầy thỏ, đồng thời trừng phạt những con thỏ dám chống đối hoặc đi sai lệch khỏi đường lối. Owsla – hệ thống thỏ Cốt Cán của Efrafa đặc biệt thiện chiến, tinh nhuệ và khát máu. Tất nhiên là chúng vẫn ăn cỏ thôi, thỏ mà, nhưng chúng sẵn sàng ra tay tàn độc để phục vụ mưu đồ của bầy thỏ, hay cụ thể hơn là mưu đồ của Thống soái. Ngoài ra, giúp việc cho Hội đồng còn có Owslafa – Cảnh sát hội đồng, một nhóm cốt cán đặc biệt chỉ chuyên thi hành các nhiệm vụ hoặc án phạt mà Hội đồng tuyên xuống.

Toàn bộ bầy thỏ được chia ra thành các nhóm khác nhau. Những nhóm này sống ở các khu khác nhau, không có đường thông để đảm bảo sự tách biệt, ngăn chặn lan truyền thông tin, hạn chế thông đồng chống đối. Mỗi nhóm được đánh dấu bằng một vết thẹo nào đó trên cơ thể nhằm phân biệt với các nhóm khác. Từng nhóm lại có giờ ăn riêng và sẽ có lính thỏ canh gác và giám sát đặng ngăn chặn mọi nỗ lực trốn khỏi bầy. Kể cả một con thỏ có đủ mưu mô hoặc nhanh nhẹn thoát được khỏi sự kiểm soát của lũ thỏ canh gác thì cũng sẽ ngay lập tức bị chặn lại bởi một nhóm các thỏ tuần tra luôn có mặt xung quanh khu vực hang.

Lúc đọc, tôi không ngừng tự hỏi liệu hình ảnh Thống soái Hoắc Hương có phải là ẩn dụ cho Hitler hay một gã độc tài nổi danh nào đó, hay ẩn dụ cho một kiểu độc tài nói chung. Tôi nghĩ tới những trại tập trung của quân Phát xít, khác chăng có lẽ Phát xít dồn người vào trại tập trung để giết, còn Hoắc Hương dồn thỏ để dễ dàng thống trị và cai quản. Nhưng sau khi đọc bài viết của tác giả Jo Walton về cuốn sách này(*) thì tôi mới biết Richard Adams đang ám chỉ Stalin.

Những cuộc phiêu lưu của Cây Phỉ và những chú thỏ bạn bè mình diễn ra vừa thật thỏ, vừa thật người như thế. Ở đây, tác giả không ngừng nhắc tới một tập tính của loài thỏ, nhấn mạnh chuyện những hành xử này là dễ hiểu, là bản năng đối với một con thỏ. Ở kia, người đọc không khỏi nhíu mày và băn khoăn liệu mình có đang đọc một phúng dụ nào đó về xã hội loài người hay chăng.

Tôi biết thoáng qua cuộc tranh luận về vấn đề “phân biệt giới tính” của cuốn sách này, rằng cuốn sách quá đề cao vai trò của nam giới trong khi xây dựng nhân vật nữ giới chỉ là những con thỏ ngu ngốc, yếu ớt và không biết làm gì ngoài việc đào hang và đẻ con. Có lẽ, chính việc kể chuyện thỏ nhưng vẫn làm người đọc cảm giác như đang đọc về chuyện người, hay mượn thế giới thỏ để nói thế giới người, đã khơi lên những bàn luận như thế. Riêng tôi, tôi nghĩ việc “giới” thật không nên mang ra bàn.

Nếu công nhận tác giả mượn xã hội thỏ để nói xã hội người thì cũng cần để lại một khoảng giới hạn sáng tạo cho tác giả. Nếu tập tính của lũ thỏ cái và thỏ đực trước nay luôn là thế thì không thể đòi hỏi một sự hư cấu quá mức và biến đổi hoàn toàn xã hội thỏ thành xã hội người được.

Tôi cho rằng, cái hay của cuốn sách nằm ở chỗ người đọc mang một mối liên tưởng tự thân, một nhận thức rằng mình đang đọc thấy những ám chỉ người dưới lốt những con thỏ nhưng vẫn đắm chìm vào câu chuyện về loài thỏ. Những con thỏ mà Richard Adams vẽ ra thật sinh động, những cuộc phiêu lưu này thật chân thực, người đọc chỉ có cảm giác về những liên kết người, còn vẫn đang sống trong thế giới loài thỏ. Một điều gì đó quá mức, khiến xã hội thỏ hoàn toàn biến thành xã hội người, sẽ phá vỡ khoảng không diệu kỳ ấy của liên tưởng.  

Vậy nên, sao không thể thưởng thức trọn vẹn một chuyến phiêu lưu vào vương quốc loài thỏ và chỉ nhấm nháp chút dư vị loài người thôi? Hãy cứ để thỏ là nguyên thỏ như thế và đừng mang quá nhiều tiêu chuẩn loài người áp đặt vào một cuốn tiểu thuyết, nhỉ?


Một trong những yếu tố làm tôi mê đắm cuốn sách này chính là hệ thống các nhân vật mà Richard Adams xây dựng. Từng con thỏ đều có cá tính rất riêng, được khắc hoạ vô cùng rõ nét. Và theo bước đường phiêu lưu, người đọc sẽ chứng kiến sự thay đổi, trưởng thành của từng chú. Tóc Giả, từ một chú thỏ nóng nảy và hăng chiến sẽ biến đổi để trở nên trầm tĩnh hơn, kiên trường hơn. Cây Phỉ, từ con thỏ vùng ngoại biên lo lắng về mọi chọn lựa mình đưa ra sẽ vững vàng hơn, chủ động hơn trong những quyết định đối với bạn bè mình…

Ngoài ra, tác giả cũng thật khéo léo trong cách giữ chân người đọc. Ông đan vào giữa những cuộc phiêu lưu “thật” đang diễn ra của bầy thỏ Watership những “câu chuyện cổ” kể về cuộc phiêu lưu của El-ahrairah – Hoàng tử có Nghìn kẻ thù. El-ahrairah như ông tổ của loài thỏ, một con thỏ đệ nhất mưu mô và luôn tìm được các mánh lới để duy trì cuộc sống tốt đẹp cho bầy thỏ của mình hay trả đũa những kẻ chơi khăm.

Chuyện về El-ahrairah như những truyện ngụ ngôn hoặc cổ tích răn dạy mà trẻ con thường được nghe từ các bậc phụ huynh (ở đây là thỏ con nghe từ ba mẹ hoặc những người lớn tuổi trong bầy của chúng). Những mẩu chuyện xen kẽ này không chỉ làm tăng sức hấp dẫn cho trang văn mà còn tăng sức nặng cho cuốn tiểu thuyết. Nó mang tới cho người đọc cảm giác đây như thể là một thế giới có thực, một thế giới mà thỏ đang kể những câu chuyện đồng thoại về tổ tiên và giống loài mình.

Tất nhiên, không thể không nhắc tới những đoạn tả cảnh rất đỗi yên bình xuyên suốt các trang văn. Với nhiều người, những đoạn này có khi thật lê thê, nhàm chán hoặc làm chậm nhịp truyện. Tôi thì thích được đắm mình vào khung cảnh đồng quê, cảnh chiều tà hay đêm đen, cảnh những bãi cỏ hay cây rừng chạy xen giữa những dòng suối, con sông… Tôi thích nhấm nháp những câu từ mềm mại, từ đó tưởng ra những khung cảnh sống động và cảm nhận cuộc phiêu lưu một cách toàn vẹn nhất.


(*) Bạn có thể đọc thêm bài viết của Jo Walton về cuốn sách này tại đây.

Một chút thông tin ngoài lề: Jo Walton là một nhà văn chuyên viết truyện khoa học viết tưởng và kỳ ảo. Tôi biết ông cũng qua trang Tor.com và rất hâm mộ một trong những bộ tiểu thuyết của ông là Thessaly trilogy, gồm ba tập: The Just City, The Philosopher Kings và Necessity. Có lẽ tôi sẽ viết bài về bộ này vào một ngày nào đó, khi tôi có thời gian và cảm hứng ngồi đọc lại.

21990cookie-checkThỏ hay người, người hay thỏ
Từ khóa : sách nhã nam
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *