“Ngày đã gần tàn, tôi có thể nghe thấy tiếng sóng khi cất bước.”
Còn đối với tôi ở đây, ngày đã sang mới và tôi chẳng nghe được tiếng gì trong đêm tĩnh lặng, ngoài tiếng quạt chạy vù vù gắng làm tan đi hơi oi bức đã lần hồi tìm đường quay trở lại thành phố.
Lâu lắm rồi mới kết thúc một cuốn sách trong đêm và lâu lắm rồi mới có cảm giác muốn viết gì đó ngay sau khi đọc xong. Vẫn mãi là Murakami. Vẫn là cái thế giới vừa thực vừa hư ảo, vừa mông lung mà lại vừa sinh động mà tôi mê đắm suốt nhiều năm. Mỗi cuốn sách là một thế giới khác nhau, dẫu cho có thể chúng cùng bóc tách một góc độ của cùng một chủ đề nhưng chúng vẫn là các thế giới khác nhau và bước vào đó là cả một cuộc hành trình thử thách. Có một quãng thời gian tưởng như tôi không còn có thể bước vào thế giới ấy của Murakami nữa. Nhưng Cuộc săn cừu hoang vào tháng Tám này của năm, vào quãng đời này, đã giúp tôi hiểu ra. Tôi vẫn sẽ bước vào được những thế giới đó, cái tôi cần là một khoảng không gian-thời gian phù hợp.
Tôi trở lại với Cuộc săn cừu hoang lần này là lần thứ ba, sau hai nỗ lực bất thành, cứ được vài trang đầu thì bỏ ngang. Không rõ tại sao, những lúc ấy câu từ của cuốn sách chẳng hấp dẫn gì với tôi. Lần này lại khá khẩm hơn, rồi hoá ra khá hơn hẳn.
Tôi bắt đầu săn Cừu hoang khi bên ngoài, đường phố Hà Nội ngập trong màn mưa. Gió lần hồi rít qua khung cửa. Những cơn mưa của trời miền Bắc cuối hạ đầu thu, một cơn bão hoành hành ngoài biển kéo mưa gió về. Tôi mải miết với Cuộc săn cừu trong những đêm nằm bên khung cửa sổ mở rộng, nhìn xuống con ngõ tuổi thơ – một chốn đã quá quen trong ký ức tôi những ngày hè và đông – con ngõ giữa một làng quê Thái Bình từng nghèo xơ xác và tới giờ dẫu mang vẻ hiện đại vẫn bàng bạc nỗi xác xơ. Bầu không bắt đầu chuyển se se lạnh. Gió Bắc tìm về. Những trang văn của Cuộc săn cừu hoang, những đoạn thoại lặng tờ, những suy nghĩ miên man của nhân vật chính, những dòng tả cảnh dịu êm – khung cảnh thị thành và thôn quê nước Nhật mà tôi từng chiêm ngưỡng… Mọi thứ cứ quyện hoà vào nhau, từ cảnh bên ngoài tới cảnh trong trang sách, từ ký ức của nhân vật trên trang sách tới ký ức của chính tôi.
Hoá ra, mỗi cuốn sách cần một khoảng không-thời gian của riêng nó. Hoá ra, khi đọc một cuốn sách, cái không-thời gian bên ngoài ngấm vào theo dòng chảy con chữ, để tới một lúc ký ức về cuốn sách quyện chặt cùng ký ức về mùi, về vị, về tất cả tri nhận của xúc giác vào thời điểm đọc ấy. Để tới một lúc, khi nhớ về cuốn sách, tôi không còn chỉ nhớ con chữ, nhớ nhân vật, nhớ tình tiết, mà nhớ cả hơi lạnh của gió, sự tĩnh lặng của đêm, hay mùi ngai ngái thơm mát của vườn cây sau mưa… Hoặc giả, có khi quên hết về người, về vật, về việc của sách rồi, thì cảm xúc mà cuốn sách để lại và cảm xúc mà thế giới bên ngoài tác động lên tôi tại thời điểm đọc cuốn sách ấy vẫn vẹn nguyên.
Tôi nhớ những đêm đông giá rét, mùa đông Bắc kỳ đã vào quãng gay gắt nhất của năm, tôi chìm trong thế giới hai mặt trăng của 1Q84. Tôi nhớ những chiều vắng, ngồi một mình trong căn phòng không người, tôi bước đi trong màn mưa của Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương. Rồi những đêm, ngồi bên ánh đèn bàn học vàng vọt, nhìn xuống con ngõ đêm lặng tịch cũng vàng vọt ánh đèn, tôi bước vào Xứ sở diệu kỳ tàn bạo… Đó là những ký ức đọc. Lần này, lại góp nhặt thêm một ký ức đọc mới: những đêm chuyển mùa mưa gió cùng Cuộc săn cừu hoang.
Tôi đọc Cừu hoang sau khi đã đọc Nhảy. Một sự lúc đầu tôi cũng cho là chẳng ra làm sao, đáng lý phải đọc phần một rồi mới nên đọc phần hai. Nhưng càng đọc Cừu hoang, tôi càng nhận ra, cuộc sống đã có một sắp xếp không thể hoàn hảo hơn khi để tôi tìm được Nhảy nhảy nhảy lúc tôi cần những suy ngẫm của cuốn sách ấy hơn bao giờ hết. Những liên tưởng, hành trình đi vào tâm trí, cuộc vật lộn bóc tách những ẩn dụ của chính tôi khi đọc sách, đó là những thứ thiết yếu cho cái tâm trí đang đói khát một con đường của tôi thời điểm tháng Năm năm 2021. Tôi cần những thứ đó để bước ra khỏi quyết định lớn nhất đời mình tính tới thời điểm ấy.
Và rồi lúc này, tìm tới Cuộc săn cừu hoang khi bản thân đã đi một chặng đường không hề ngắn kể từ sau quyết định lớn đó, tôi nhận ra tôi cần một cuộc dạo chơi, một cuộc “đổi gió” vào thế giới không đòi hỏi vắt óc ra suy ngẫm, chỉ thư thả tận hưởng một hành trình. Cuộc săn cừu hoang đối với tôi là thế. Đây không phải một cuốn sách đọc để suy nhiều như những cuốn trước tôi từng đọc của Murakami. Cuộc săn cừu hoang, với tôi, như một quãng dừng nghỉ. Thời gian qua tôi đã hối hả lao theo những cuộc đi không ngừng, tâm trí tôi chưa một lần được nằm dài để cỏ dưới lưng ôm lấy thân mình. Không một cuốn sách nào suốt chặng đường vừa qua cho tôi được cái cảm giác vừa thư thái vừa hoài niệm, để tâm trí mình cuốn theo một cuộc săn bất định mà cũng chẳng cần một cái mốc cố định.
Nói sao nhỉ, cuốn sách này thay vì khơi gợi trong tôi những suy nghĩ về câu chuyện trên trang sách, nó lại đưa tôi đến những soi chiếu vào trong chính tâm hồn tôi. Tôi thấy mình thả lỏng, mọi căng thẳng đều giãn ra, được làm mềm đi, bằng ngôn từ cuốn sách. Những điều quen thuộc trong thế giới của Cừu hoang mà tôi đã bắt gặp ở Nhảy nhắc tôi nhớ về con người tôi của hai năm trước và con người tôi bây giờ. Thật kỳ lạ, dẫu câu chuyện giữa chúng tôi không tương đồng nhưng hành trình quái gở của nhân vật chính trong cả hai cuốn sách lại cho tôi cơ hội ngẫm lại hành trình của chính mình.
Thật kỳ lạ mà cũng thật lý thú.
Dầu sao, những điều dài dòng này chỉ là dòng cảm xúc vô cùng cá nhân của một cá nhân luôn thích xoay hướng những suy ngẫm của mình về cuộc sống của riêng cá nhân mình. Không chút gì liên quan tới chuyện đánh giá cuốn sách.
Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn thấy cần nói rằng, đối với tôi, Nhảy nhảy nhảy là cuộc hành trình vào thế giới bên trong tâm trí, còn Cuộc săn cừu hoang là hành trình tới thế giới bên kia rồi trở lại (ừ, như Spirited Away ấy). Thế giới tâm trí lúc nào cũng tăm tối và lộn xộn; còn thế giới bên kia, hẳn rồi, đẹp như một bức tranh cổ tích.