Bài viết
Trang chủ » Chuyện » Nhật ký Huế - 2021 » Ngày 3 – “Ai đem phân chất một mùi hương”

Ngày 3 – “Ai đem phân chất một mùi hương”

Huế, ngày 13 tháng 7 năm 2021

Chiều đổ bóng trên hai cột trụ biểu của một ngôi lăng mộ thuộc quần thể Thiên Thọ Lăng (lăng vua Gia Long).
Thiên Thọ Lăng là nơi tôi luôn tìm tới đầu tiên mỗi khi tới Huế, nguyên cớ thì xin phép được trình bày vào một bài viết sau.

Đường Đoàn Thị Điểm nằm sát bên hông Hoàng Thành, dẫn ngang cửa Hiển Nhơn (nếu bạn chưa biết thì đây chính là cửa ra sau khi bạn đã tham quan hết bên trong Đại Nội). Những giọt đèn toả ánh vàng, len qua tán cây rậm rì. Tôi vừa chạy xe vừa nghĩ về hai mùi hương mà mình muốn ghi nhớ trong ngày hôm nay.

Một là mùi lúa. Khi chạy xe trên con đường dẫn qua lăng vua Thiệu Trị, tôi bắt gặp mùi lúa nếp thơm nồng. Hai bên đường là hai khoảnh ruộng nhỏ, lúa đang kỳ lên xanh. Mùi lúa ngọt thơm, như càng tròn đầy lên dưới nắng. Lúc quay về, cũng ngang đường ấy, khi ánh ngày đã tắt, tôi cố hít sâu lồng ngực nhưng không còn gặp được mùi đượm nồng ấy nữa, mùi hương chỉ còn phảng phất trong bầu không đã se sẽ lạnh. Phải nắng làm hương đượm hơn chăng?

Hai là mùi sen. Lang thang một mình trong lăng vua Gia Long, tôi lại tìm tới những bậc thang dẫn xuống hồ sen trước mặt sân chầu của Bửu Thành nơi có mộ vua và hoàng hậu. Đang kỳ sen hồng nở. Hồ nước này có hai loài sen, trắng và hồng. Và lạ một điều là cứ mỗi lần tới đây thì tôi lại bắt gặp một loài đang nở rộ, không bao giờ chúng nở xen kẽ nhau. Nếu hồng thì chỉ hồng và nếu trắng thì toàn trắng, mọc cả cụm lớn, phủ kín mặt hồ. Làn gió chiều đưa hương sen thơm nhẹ, thoảng lên.

Chẳng thể miêu tả được hai mùi hương ấy. Ngay đến việc nhận ra chúng trong bầu không cũng đã khó lắm. Biết bao lần tôi đi qua con đường này, biết bao lần tôi đứng nơi hồ nước đó, nhưng hôm nay tôi mới có cơ hội bắt gặp những mùi hương ấy quanh mình. Thật lạ. Điều này làm tôi nhớ tới ý thơ của nhà thơ Xuân Diệu trong bài Vì sao mà tôi lấy làm tựa đề cho những dòng viết ngày hôm nay:

“Ai đem phân chất một mùi hương”

Tôi vẫn chưa chán việc chụp sen Huế, đặc biệt là sen trong hồ nước ở lăng vua Gia Long

Từ đường Đoàn Thị Điểm, tôi rẽ trái sang Đặng Thái Thân – con đường chạy phía sau Hoàng Thành, ngang toà lầu mang cái tên mà tôi luôn thích được nhắc đi nhắc lại: Tứ Phương Vô Sự Lầu. Lại rẽ trái, tôi vào đường Lê Huân, con đường dẫn qua cửa Chương Đức – cánh cửa luôn đóng kín của Đại Nội. Rẽ vào Trần Nguyên Hãn là về tới nhà trọ.

Tôi chợt nghĩ ra mình thích được lang thang những nơi chốn của Huế khi chiều về, mà vẻ như đây là quãng thời gian thích hợp nhất để ngắm nhìn và cảm nhận nét đẹp của Huế.

Sáng nay, tôi trở dậy không sớm cũng chẳng muộn, nhưng mặt trời cũng đã lên đủ cao để thấy cái nắng gay gắt phả xuống mình. Tôi xách máy ảnh, chạy xe vòng vòng đặng tìm kiếm một vài tấm hình nào đó nhưng chẳng nổi. Lúc nào tôi cũng thầm hâm mộ những người có thể không ngại ngần mà rẽ vào những con ngõ, chụp những tấm hình của cuộc sống sinh hoạt trải ra xung quanh mà không sợ người ta dòm ngó. Vấn đề là ở tôi, tôi sợ người ta không thích mình chụp họ. Nhưng điều lo lắng ấy quả là vô lý. Ta có thể xin phép cơ mà? Hoặc giả một nụ cười và đôi lời hỏi han hẳn sẽ xoá đi những nghi ngờ. Bởi cái nết nghĩ ấy mà tôi vẫn chẳng mang về được một tấm ảnh nào.

Tôi chạy xe lên tận chùa Thiên Mụ, lên Văn Thánh Huế. Nhưng nắng. Nắng chói chang. Trời có gió và chạy xe thì chẳng nồng nực gì cho cam nhưng nắng cứ xối thẳng xuống người nóng hôi hổi, làm mọi ý tưởng chụp hình bay biến. Tôi quay về.

Vậy là, như ngày hôm trước, tôi lại trở về phòng, làm mấy việc quanh quất, rồi trở ra đường khi ánh chiều bắt đầu chênh chếch. Buổi trước, tôi đi bộ dọc bờ sông Hương; chiều nay, tôi chạy xe lên lăng vua Gia Long, bởi tôi đã trót yêu khung cảnh nơi này khi chiều tà, khi chẳng có khách du lịch nào bỏ công tới đây vào quãng này trong ngày và khi những hồ nước quanh đây thấp thoáng đôi bóng người dân thả lưới, lùa trâu, hay thể dục.

Ấy đấy, hai buổi chiều đã dạo chơi Huế như thế, nên khi chạy xe quay về tôi mới nghĩ tới cái ý rằng chiều tà là khoảng thời gian thích hợp nhất để ngắm Huế. Có gì đó trong nhịp lãng đãng ngày tàn thật hợp với màu Huế, thứ màu dịu nhẹ, ấm nóng, trầm tư…

“Có bao nhiêu chiều trong một chiều
Mà ngổn ngang mặt gió
Có bao nhiêu nhớ hoà trong nhớ
Mà bóng cây nghiêng lệch của hoàng hôn”
– Chiều | Thanh Tùng –
14080cookie-checkNgày 3 – “Ai đem phân chất một mùi hương”
Từ khóa : Huế nhật ký Huế
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *