Bài viết
Trang chủ » Chuyện » Nhật ký Huế - 2021 » Ngày 2 – Huế ơi!

Ngày 2 – Huế ơi!

Huế, ngày 12 tháng 7 năm 2021

(Nếu bạn tìm kiếm bài của ngày 1 thì quả tình không có đâu. Ngày 1 sẽ được kể trong ngày 2 dưới đây)

Tôi chạy xe từ đường Hùng Vương thẳng lên cầu Trường Tiền.

Cây cầu trong đêm được thắp sáng bằng ánh đèn điện đủ màu. Chênh chếch phía trên cao, mờ dần trong màn mây mỏng là vầng trăng khuyết, nằm nghiêng. Nhìn trăng mà tôi nhớ về buổi chiều ngày hôm trước, khi ngồi bên khung cửa tàu hoả, nhìn trời chiều đổ bóng yên ả trên khoảng ruộng đồng đầy nhóc lũ trẻ con đang chạy chơi thả diều và trên những mái đỏ của ngôi làng nằm kề QL15 đoạn dẫn từ Đồng Hới (Quảng Bình) xuống Đông Hà (Quảng Trị). Những hình ảnh trôi qua ngoài cửa tàu khiến lòng tôi chống chếnh. Một con đường bê tông nhỏ chạy vòng quanh, len giữa hai vệ cỏ, qua ruộng lúa mạ lên xanh non, dẫn sâu vào làng, ngang những khung cổng sắt… Những làng quê trải dọc khắp dải đất này cứ yên bình và hiền hoà như thế. Nên một khi đã trót yêu một nơi thì tới đâu cũng bắt gặp hình bóng thân quen và tới đâu thì tâm trí cũng lại hoài niệm, nhớ thương.

“Chiều trên quê hương tôi
Có những chốn riêng cho mọi người
Những con đường lứa đôi
Những góc hè phố vui
Giọt chiều trên lá
Như một người cười giữa chiều phai”

– Chiều trên quê hương tôi | Trịnh Công Sơn

Đáng lí tối hôm nay tôi mới lên tàu rời Hà Nội. Nhưng lịch tàu lại một lần nữa thay đổi do dịch bệnh, thay vì có hai đôi tàu chạy tuyến Bắc Nam thì nay rút lại chỉ còn một. Vậy là tôi mua vé sang sáng ngày Chủ Nhật. Năm giờ sáng tôi rời nhà, nhìn ngắm phố phường Hà Nội chìm trong ánh hồng rực của buổi ban mai, tới ga Hà Nội, nói lời chia tay đứa em trai, rồi ì ạch xách chiếc túi lèn chặt đồ vào nhà ga. Nhà ga, như tất cả những ga tàu và ga bay trong những tháng ngày này, chẳng lấy gì làm đông đúc. Người xếp hàng không dài và ai ai cũng mau mải khai báo y tế rồi bước vội lên tàu.

Tôi ngồi nhìn những con phố quen khuất dần qua ô cửa đoàn tàu đang rầm rập tiến về phía trước.

Tôi cứ mộng tưởng về một lần ngồi tàu Bắc Nam và ngắm xem cuộc sống trên tàu diễn ra và chụp những tấm hình mà người ta vẫn hay chụp. Nhưng ngồi trên tàu rồi mới thấy mộng tưởng lúc nào cũng chỉ là mộng tưởng, tôi lười tới độ chẳng nhấc người rời chỗ đi đâu ngoài những lúc tàu dừng ở ga thì lê gót ra nhà vệ sinh (đi vệ sinh lúc tàu đang ngả nghiêng trái phải thật là một thử thách tôi không dám thực hiện).

Do dịch bệnh nên tàu chỉ khai thác nửa công suất; một mình tôi chiếm trọn hai ghế khoang ngồi mềm. Rồi, cũng do dịch bệnh mà có ga tàu sẽ không dừng hoặc có ga tàu chỉ cho khách xuống chứ không đón khách lên. Tôi nghe loáng thoáng những câu chuyện của vài ba vị khách ngồi quanh mình; vài ba người bắt tàu vào Nam, lo lắng chuyện không biết tàu có cho xuống ở ga này không, có được người nhà đón không, có phải xét nghiệm cách li không… Cảnh đìu hiu do dịch bệnh càng hiển hiện rõ khi tàu dừng ở ga Đồng Hới, nơi cách đây hai năm tôi cùng gia đình bắt tàu đi Huế. Những hàng quán mở lác đác, đợi chuyến tàu duy nhất trong ngày tới và rồi những người chủ hàng lầm lũi dọn đống đồ ít ỏi vào trong, đóng cửa thôi, đâu còn tàu đến đi để bán buôn nữa.

Cảnh buồn trên ga Đồng Hới

Ngồi tàu, chẳng có gì làm, tôi mải miết ngắm cảnh sắc bên ngoài. Thích nhất là đoạn tàu chạy dọc theo QL15 và QL12A dẫn từ Hà Tĩnh xuống Quảng Bình, ngang khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, tôi ngắm nắng vàng xối xuống những triền xanh thẳm núi rừng. Một con lộ chạy song song với đường tàu, xuyên qua những ruộng lúa xanh non thấp thoáng bóng cọ. Tôi lại ước mình đang chạy xe máy trên con đường ấy, dẫu biết rằng với trời nắng như thế này thì tôi phải thấy may mắn khi được ngồi tàu mà ngắm cảnh thay vì lè lưỡi hụt hơi vít ga chạy qua khoảng trời chẳng cây cối che chắn kia.

Con đường mộng tưởng

Không ngắm cảnh thì lại ngồi dán mắt vào điện thoại, hoặc ngủ, hoặc ăn. Đồ ăn trên tàu thì toàn những thức tôi thích, nên tôi phải kiềm chế lắm. Nhưng dù kiềm chế tới mức nào thì tôi cũng không thể chối từ bản thân một bắp ngô cho bữa sáng, hai quả trứng luộc ăn dọc đường, một suất cơm với chả lá lốt và rau muống xào cho buổi trưa và buổi chiều hứng chí mua tới năm cái bánh gai ăn thay cơm. Ôi, những thứ đồ ăn giản đơn nhưng không gì thay thế nổi và sao mà không ăn cơ chứ. Nếu bạn bè nước ngoài có muốn trải nghiệm tàu hoả Việt Nam thì tôi nhất quyết ép họ thử cho bằng được những thứ thức ăn này. Chúng chính là “trải nghiệm Việt Nam” nếu họ thực tâm muốn trải nghiệm; chúng là những thứ đồ ăn đã bán dọc những con đường Việt Nam suốt từ những ngày thơ bé khi tôi theo xe khách chuyến Thái Bình – Hà Nội mỗi độ hè hay tết và giờ đây chúng vẫn ở đó, được bán ra hàng ngày, những món ăn đậm chất Việt quê dân dã.

Mở bản đồ xem định vị là một trong những thú thú tiêu khiển của tôi trên tàu.
Đây là đoạn tàu chạy bên bờ sông Gianh, tôi vui vẻ nghĩ rằng mình đang bước qua ranh giới chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài, và mình đang nói lời tạm biệt vua Lê chúa Trịnh để tới với chúa Nguyễn đây!

Lại nói, ngồi tàu nhưng tôi lo nhất là khi xuống ở ga Huế. Huế kiểm soát người ra vào tỉnh rất chặt chẽ nên tôi không khỏi lo lắng dẫu cho đã tham khảo thông tin đủ các đường. Tôi còn tải hẳn ứng dụng dành cho công dân sinh sống, làm việc và du lịch tại Huế về tra cứu. Bên trong có mục tra cứu cách li, cho phép người các tỉnh kiểm tra xem mình có thuộc diện cách li tập trung theo quy định của tỉnh Thừa Thiên Huế hay không. Tất nhiên là tôi đã kiêm tra và biết chắc mình không nằm trong diện ấy thì mới dám mua vé đi Huế chuyến này. Nhưng lo thì vẫn lo, cái tính tật tôi nó vậy, sợ những điều chưa đến và những điều mình chưa biết.

Xuống tàu, chúng tôi xếp hàng để khai báo. Lại phải kể ra đây một điều tôi thành tâm khâm phục Huế. Ứng dụng mà tôi mới kể ở trên tên là Hue-S, và ứng dụng này tích hợp mọi thông tin và chức năng cần thiết cho bất kỳ công dân Huế nào. Nhân viên y tế và an ninh yêu cầu tôi khai báo theo mục “Khai báo về Huế” trong Hue-S và để họ quét lại mã QR của tôi. Huế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh ngẫu nhiên cho những người đến từ Hà Nội, tôi may mắn được vào số này. Chẳng biết phải nói may mắn hay không nhưng chắc là may đó, vì biết mình không sao cũng thấy an tâm hơn, dẫu rằng khi đợi xét nghiệm tôi cũng (lại) lo lắng nhỡ mình… dương thì sao?! (Ôi, phải bỏ cái tính lo lắng không đâu này đi thôi!).

Đúng chín giờ tối tàu dừng ở Huế, tôi khai báo y tế, xét nghiệm, đợi kết quả, xong xuôi mọi thủ tục là chín giờ bốn mươi. Tôi chính thức bước tới với nàng thơ của lòng mình.

Việc đầu tiên tôi làm sáng nay, khi thức dậy, đó là tới trạm y tế phường Thuận Hoà để khai báo theo yêu cầu của nhân viên y tế tối hôm trước lấy mẫu cho tôi tại ga. Gì chứ mấy khoản thủ tục quy định này thì tôi luôn quan tâm chấp hành đúng đắn và đẩy đủ, và nhanh chóng! Làm đúng và làm đủ thì không ai bắt bẻ mình được, và làm xong xuôi sớm thì có thể thảnh thơi mà đi đâu thì đi, làm gì thì làm chứ. Nhưng tôi được pha suýt nảy tim ra ngoài cũng chỉ vì chuyện này.

Số là, sau khi khai báo tại y tế phường, đi bộ ra lấy được chiếc xe thân yêu ngày trước đó đã theo xe khách vào Huế trước tôi, đang chạy xe đi tìm cây xăng và đang lo lắng không biết kiếm đâu hàng sửa xe để chỉnh lại gương cũng như đầu xe sau khi vận chuyển bị vặn vẹo thì điện thoại reo. Chị công an khu vực phường Thuận Hoà gọi cho tôi. Trong số rất nhiều câu chị nói mà tôi do đang ngoài đường ồn ào, nghe bằng loa ngoài, câu được câu mất không hiểu hết thì tôi bắt được một câu “em về Trần Nguyên Hãn gấp”. Trần Nguyên Hãn là phố có homestay tôi trọ.

Ủa, sao lại về gấp, có chuyện gì, trời ơi, tôi dương hả (tào lao ghê, nếu dương thì dương từ qua rồi nay dương âm gì nữa chứ?!). Hơi lo lắng, tôi hỏi lại mấy lần. Sau một hồi mới hiểu là chị tưởng tôi chưa khai báo với y tế phường nên yêu cầu tôi quay về khai báo. Khi biết tôi làm rồi thì chị nồng nhiệt cảm ơn tôi và chào tôi, cho phép tôi được tiếp tục bận tâm với chiếc xe của mình mà không phải về đâu gấp hay chóng gì hết nữa. Hú hồn!

Nhà trọ ở gần cửa Chương Đức nên tôi cũng không quên chụp một tấm hình nơi này lần nữa

Vậy là, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của một công dân gương mẫu tới nương nhờ Huế, với tâm trạng không khỏi bồi hồi khi được cả thành phố này săn đón tới vậy, tôi vào Big C Huế mua đồ đạc cho những tháng ngày sắp tới. Tại đây, tôi lại một lần nữa phải ngợi khen chính quyền thành phố. Vẫn là Hue-S, lần này là quét mã QR. Từng địa điểm tại Huế như siêu thị, di tích, điểm vui chơi công cộng đều có các mã QR và khi người dân sử dụng ứng dụng Hue-S để quét thì hệ thống sẽ ghi nhận tài khoản đó (đã đăng ký bắng số CCCD/CMND/Hộ chiếu) đã tới địa điểm đó. Hoàn toàn vượt trội so với việc quét QR ra trang tokhaiyte.vn và khai đi khai lại một đống thông tin không thay đổi nhưng chẳng có mục nào là ghi nhận người khai đang tới địa điểm nào hay đang ở đâu mà cần khai. Mười điểm cho Huế!

Có thể do thành phố chống dịch tốt và mạnh tay nên khi tới đây, tôi thấy như mình đã bước vào một vùng đất khác hẳn so với thành phố mình vừa rời đi. Buổi chiều, đi bộ dọc con đường bên sông Hương – trong khu công viên ven sông mới được chỉnh trang rất đẹp và rộng rãi, tôi bắt gặp một bến nước với hàng chục người đang vui vẻ bơi, chèo sup và chơi đùa. Chiều tà dần buông bóng trên những bức tường rêu phong của Kinh Thành, bên bờ Hương, những tốp người đi bộ, đạp xe, những gia đình ngồi bên bờ sông hóng mát, những đứa trẻ chạy chơi, bao nhiêu nhóm người đang bơi lội trên sông… Ôi xứ thơ yên bình!

Qua cửa và cầu Quảng Đức nay đã có thêm làn đi bộ
Sân Kỳ Đài
Cô bán diều cười rất tươi, nhưng tới lúc kêu con chụp nhé thì cô lại đeo khẩu trang vào ngại ngùng
Ba mẹ con đi bộ ra Kỳ Đài, hai đứa nhỏ ôm theo con diều giấy
Bãi tắm đông đúc bên sông Hương
Thanh bình con đường bên bờ nước
Chiều buông trên xứ Huế
13360cookie-checkNgày 2 – Huế ơi!
Từ khóa : Huế nhật ký Huế
Bình luận

2 bình luận cho “Ngày 2 – Huế ơi!”

  1. Thu viết:

    Tôi đã lộn ra tìm ngày 1 trước khi đọc đoạn mở đầu 🤣

Trả lời admin Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *