Tựa đề có làm tôi hơi chút băn khoăn. Cứ ngỡ câu chữ khó hiểu phải vận tới vốn Hán Việt hay sở học cao xa mới thấu tỏ. Hoá ra, nhan đề ấy trỏ rằng: có một dòng họ khoa cử nọ, tham dự những cuộc thi Hán học của xứ ta suốt một thời gian dài trải nhiều triều đại, những cuộc thi ấy tổ chức lần lượt ở nhiều trường thi nằm dọc theo một con đường cũ nơi đất Thăng Long xưa, câu chuyện này lần theo bước đường của những trường thi đó, khởi từ một bến nước, xuôi tới cuối đường, rồi ngược trở về bến nước, ấy là kết thúc chuyện dòng họ như thế – một hồi thịnh rồi suy.
Mà dòng họ cũng rất đặc biệt, một dòng tôn thất nhà Lý.
Trong lời tựa đầu sách, tác giả nói hai điều đáng lưu tâm, mà tôi cho rằng có can hệ trực tiếp tới sự thú vị của cuốn sách này.
Một là cách kể. Tác giả nhắc về một lối nghệ thuật thứ bảy của Pháp mà tôi không hiểu rõ. Khi đọc về lời ấy, tôi chỉ chú ý rằng, hẳn đây tác giả sẽ có một lối kể chuyện độc đáo chăng. Và quả có vậy.
Cuốn sách bắt đầu bằng những lời mô tả giản dị mà sống động về một ngôi trường giữa Hà Nội, vào cái thì xứ An Nam đang thuộc cuộc đô hộ của Pháp. Lời mô tả ấy giới thiệu cho người đọc người kể chuyện – vị thầy giáo tuổi trạc ba mươi, đang trong một tiết học cuối trước khi kỳ nghỉ Tết. Thầy bỗng cao hứng kể lại cho lũ trò hiếu động một câu chuyện cũ xưa nhằm khoả lấp đi cái buổi học mà chẳng tâm hồn nào còn muốn học hành chi nữa bởi Tết đã gần lắm rồi.
Vậy là, lời kể của người thầy thành lời kể của tiểu thuyết. Đủng đỉnh và khoan thai, thầy kể về lịch sử một dòng tộc – như một cuốn gia phả dòng tộc – trải suốt từ cuối thời Lý, khi Trần triều dần tìm cách hợp thức hoá cuộc hoán ngôi, tới thời Nguyễn, khi An Nam đã nằm dưới sự kiềm toả của Thực dân. Vì là lời kể của một người thầy cho bè lũ học trò, nên lời văn rất tâm tình, lại cũng rất cặn kẽ, giảng giải. Nhiều chỗ, khi “thầy” nhắc tới một điểm trong lịch sử, một tích, một tục, một nét đẹp cũ nào đó, “thầy” đều lý giải tường tận ra, làm tôi thấy thích vô cùng.
Ấy, đây cũng là cái hay của tiểu thuyết này, thiết tưởng tôi nên tiện mà nói thêm luôn. Cuốn tiểu thuyết lịch sử này còn chứa đựng rất nhiều chi tiết cho người đọc tỏ tường về một vài nét đời sống và phong tục của người An Nam xưa, dưới chế độ phong kiến. Mặc dù phần lớn lời kể là sự điểm lại những tên tuổi lớn của một vọng tộc – một sự đi-nhanh, thì tác giả vẫn có những đoạn bước-chậm – tả lại một buổi đi coi phong thuỷ cuộc đất hay một buổi trà lúc sớm trời. Cá nhân tôi thấy những cảnh ấy được tả rất chân và rất… đẹp.
Hai là, sự “trộn lẫn giữa chân sử với bông lông” – nguyên văn tác giả viết vậy. Có bao nhiêu phần trong những lời kể này là thực? Tôi khó lòng biết nổi. Tôi thực lòng rất muốn biết, bởi câu chuyện trải ra thú vị quá, đặc biệt quá, làm tôi cứ phải thắc mắc không nguôi rằng những sự nào trong cuốn tiểu thuyết này là “chân sử” và sự nào là “bông lông”. Đọc những trang tiểu thuyết này mà tôi phục sự am tường, hay sự tận tình tra cứu “chân sử” để có thể từ “chân sử” mà biến hoá nên những “bông lông” tiểu thuyết. Sự am tường lịch sử từ mạt Lý tới mạt Nguyễn đâu phải chuyện chơi?!
Với tôi, một cuốn tiểu thuyết lịch sử mà tạo dựng được cho mình một nét cuốn hút nhường ấy, tức là vừa cuốn người đọc vào không gian tiểu thuyết, vừa gây ra trong lòng người đọc một nỗi tò mò muốn đi tìm về những trang sử để hiểu thấu đâu là sự thật lịch sử, đâu là sáng tạo của nhà văn, thì cuốn tiểu thuyết lịch sử ấy là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hay và đáng đọc. Ngược đường trường thi là một cuốn sách như thế.
“Truyện phải có đầu đuôi. Quãng gần đuôi lại càng phải biết rõ hơn. Mặt trời mọc rồi mặt trời phải lặn. Lúc trời xế bóng, nóng lại gay gắt hơn lúc đứng bóng. Lúc ở chân trời phía tây, mặt trời đẹp không kém lúc mới mọc ở đông.”