“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”
Thơ quen. “Tống biệt hành” của Thâm Tâm. Mà, liệu mấy ai biết Thâm Tâm được cho là nhân vật anh người yêu sầu muộn trong “Hai sắc hoa ti-gôn” của nữ sĩ T. T. Kh. Rồi thì, ai biết Thâm Tâm còn viết tiểu thuyết?
Tôi không biết, cho tới khi đọc Thuốc mê. Và khi đọc xong, tôi đã phải thốt lên: nó là một cuốn sách thực hút với ngôn từ có cảm giác được chắt lọc đến tận cùng sao cho chỉ giữ lại những từ vừa vặn nhất.
Cuốn sách kể về một thứ hủ tục lạ kỳ của một ngôi làng thờ vị Thành Hoàng là người đàn bà điên đã chết trong đau đớn sau khi đầu độc người chồng phản bội. Thứ hủ tục đòi hỏi mỗi năm làng phải chọn ra một cô gái đẹp, giả làm người đi buôn bán chợ xa, mang theo hai thứ thuốc mê và thuốc độc. Trong hai mươi lăm ngày, người con gái ấy phải bùa bả và giết được một người đàn ông. Nếu thành công cô sẽ được trở về làng, lấy chồng người làng. Còn nếu không về đúng hạn hoặc làm hỏng việc, làng sẽ cử một người đàn ông đi tìm để đầu độc cô.
Vỏn vẹn hơn trăm trang mà câu chuyện có đầy đủ kịch tính, cao trào, thắt mở liên tục làm tôi không thể bỏ rời. Ngôn từ vẻ như được tác giả gạn lọc ghê gớm lắm, không câu chữ thừa. Nhưng, sự cạn lọc ngôn từ ấy không hề làm giảm đi chất thơ trong từng câu văn; hay chính sự cạn lọc làm cho những dòng văn của Thâm Tâm đọc lên như thơ vậy! Bằng ngôn từ như thế, câu chuyện được đưa đẩy nhịp nhàng, vừa như một cuốn trinh thám kỳ bí hút người đọc theo diễn tiến của thứ tập tục lạ kỳ, vừa như một văn bản lưu trữ sinh động những nét độc đáo, đặc trưng của văn hoá nông thôn Bắc Việt, con người Việt. Sách ngắn mà thấm từng trang, đọc thật vui thích.