(Truyện ngắn dựa trên tiểu thuyết Người Thăng Long của nhà văn Hà Ân)
Chiêu Minh vương nhìn chằm chằm lá thư trước mặt. Hai tay vương nắm thành nắm đấm trên mặt bàn. Đôi mày nhíu lại. Đôi môi mím chặt. Một hồi, vương thầm thì:
– Hoá ra còn điều này nữa mà ta…
Vương thở ra. Rồi như ngẫm thêm được điều gì chí lý lắm, vương bật cười thành tiếng:
– Thầy ơi, ta lại hàm ơn thầy nữa rồi. Lần tới chắc chắn ta phải mời thầy qua phủ với ta.
Người mà Chiêu Minh Vương gọi bằng thầy không ai khác chính là quan đại học sĩ Lê Văn Hưu, người đã rèn cặp vương từ những ngày ông hoàng tóc còn để chỏm. Mãi tới khi Chiêu Minh Vương lên làm Thái Sư, Lê Văn Hưu mới thôi giữ chức phó quan cho ông hoàng ba[1] mà về Quốc Sử Viện làm quan chép sử của triều đình. Nhưng bất cứ khi nào gặp chuyện khúc mắc, Chiêu Minh Vương vẫn không quên tìm tới vấn kế thầy. Lần này, mối tơ vò trong lòng ông Thái Sư cũng vẫn là nhờ Lê Văn Hưu mà được gỡ bỏ.
Số là những năm này, công việc của Thái sư đầu triều ngày càng chồng chất khi tin tức gửi về cho biết quân Nguyên đã động binh.
Trước đó, một toán quân do tướng Toa Đô chỉ huy đã theo đường biển tiến xuống đánh Chiêm Thành. Nguyên Chúa gửi chiếu yêu cầu Đại Việt hộ lương và cho quân Nguyên mượn đường đánh Chiêm; nhưng hẳn nhiên Đại Việt đâu thể rơi vào cái bẫy mà nhà Nguyên giăng ra. Mượn đường thực chất là cái cớ. Đại Việt chỉ cần cho mượn đường là mất nước, chẳng khác nào mở cửa cho giặc vào nhà đánh cướp.
Rồi, vài tháng sau, thám báo Đại Việt báo tin, Nguyên chúa Hốt Tất Liệt đã thông qua kế hoạch đánh chiếm nước ta. Hai cánh quân, một từ biên giới phía Bắc đánh xuống, một từ Chiêm Thành đánh lên, sẽ tạo thế gọng kìm mà bóp nát Đại Việt. Cuộc chiến chinh đã gần lắm. Gia tướng các lộ đang tăng cường tuyển mộ và luyện tập binh mã, khí thế quan và quân cả nước như sục sôi thêm bội phần.
Việc nước việc quân bận là thế. Vậy mà gần đây, Quan gia Nhân Tông còn đặt thêm một trọng trách nữa lên đôi vai của đức ông Thái sư.
Bữa ấy, trúng ngày rằm tháng Tám, Quan gia Nhân Tông và Thượng hoàng Thánh Tông cho vời Chiêu Minh vương Trần Quang Khải vào gặp. Danh nghĩa là thưởng trăng, là bữa anh em con cháu mừng nhau ngày tết Trung thu. Nhưng hẳn nhiên, đất nước vào buổi chiến chinh, làm gì có bữa rượu đoàn viên an nhàn như thời thái bình. Nhân buổi gặp ấy, Quan gia Nhân Tông hỏi ý kiến cha và chú, rồi chẳng rào đón trước, giao luôn trọng trách lớn cho ông chú Chiêu Minh. Trọng trách vua giao nghe tưởng đơn giản nhưng nó đã làm ông chú Thái sư trầm tư suốt mấy tuần nay.
Quan gia muốn ông chọn người nắm quyền Tiết chế cho buổi binh đao đang gần kề.
Quyền Tiết chế!
Người giữ đại binh quyền!
Đó đâu phải chức vụ ai giữ cũng được?! Nhà Trần không thiếu tướng tài, tướng dũng. Nhưng cũng chính bởi cái nhẽ đó, Quốc công Tiết chế không thể chỉ tài và dũng, mà còn phải đủ uy và tín để thống lĩnh những người tài dũng của cả dòng họ Đông A.
Thực ra, chọn lựa không nhiều tới mức để Chiêu Minh vương phải nhọc lòng. Trong tất cả con cháu dòng tộc, chỉ có hai người đủ sức nắm giữ chức vụ này. Một, đương nhiên là chính vương, Thái sư đầu triều. Người còn lại, không ai khác ngoài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Ấy thế nhưng, cũng chính vì chỉ có hai lựa chọn hợp nhẽ ấy, việc chọn sao cho phải nhẽ càng khiến Chiêu Minh Vương trăn trở.
Chiêu Minh Vương bước ra trước khung cửa sổ mở rộng. Trời vào thu, những cơn gió đêm vi vút đưa hương bạch đàn thoang thoảng. Mùi bạch đàn thanh khiết, mát lành, làm dịu lòng vị quan đầu triều nhiều lo toan.
Từ cái hồi lâu lắm, một lần được Thượng hoàng Thái Tông dẫn theo thăm dân binh các lộ, cậu bé Quang Khải, khi ấy mới chỉ mười ba tuổi, đã lập tức thích thú hàng bạch đàn mọc đều tắp dọc con đường kề bên một ruộng lúa. Dáng bạch đàn thẳng, hương bạch đàn thơm, tiếng bạch đàn trong gió xào xạc sao mà hợp với chí khí một cậu trai tài giỏi và nhiều hoài bão họ Đông A. Cho đến ngày được cấp phủ đệ riêng, việc đầu tiên mà Chiêu Minh Vương Quang Khải làm là đưa về trồng trong phủ một hàng cây bạch đàn. Tới giờ, khi đã ngoại tứ tuần, Chiêu Minh Vương vẫn thích những đêm khuya đứng bên cửa sổ hay hiên nhà mà lắng nghe tiếng bạch đàn khẽ khàng trong gió.
Đêm nay, mùi bạch đàn gợi nhắc vương về những ngày xưa. Ký ức càng dội về càng khiến vương ngẫm nghĩ về cái mà cả dòng tộc gọi là mối đại thống Đông A.
Kỳ thực, chuyện chọn người nắm quyền tiết chế, chọn Chiêu Minh Vương hay chọn Hưng Đạo Vương không đơn giản. Nó liên can tới mối hiềm giữa dòng trưởng và dòng thứ, mà căn cớ bắt nguồn từ thời nhà Trần vừa tiếp quản ngôi cao từ tay nhà Lý.
Ai mà không biết ngày ấy, một tay Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ cáng đáng từ việc nội tộc tới việc triều chính. Chính ông Thái sư là người đưa cậu bé Trần Cảnh, lúc đó mới tám tuổi, vào hầu cận cô công chúa nhỏ Chiêu Thánh, rồi nhẹ nhàng dựng cái thế vợ nhường ngôi cho chồng để nhà Trần đường đường chính chính bước lên ngôi cao. Mười hai năm sau, cũng vẫn ông Thái sư lại ép anh nhường vợ cho em. Hoàng hậu Chiêu Thánh không sinh hạ được Thái tử, lo nhà Trần không có người nối dõi, Trần Thủ Độ buộc Trần Liễu phải nhường vợ mình là Thuận Thiên công chúa – chị gái của Chiêu Thánh, khi ấy đã mang bầu ba tháng, cho vua Trần Thái Tông. Ông Thống quốc Thái sư lúc đó lý luận rằng, lọt sàng thì xuống nia, dù thế nào cũng vẫn là con cháu trong nhà, vẫn là dòng dõi hoàng tộc, không đi đâu mà thiệt.
Ấy vậy mà, cái thiệt vẫn âm ỉ tồn tại cho tới hôm nay. Từ vụ việc này, mối gắn kết của tôn tộc nhà Trần lung lay.
Trần Liễu cầm quân nổi loạn hòng đòi lại vợ, mà cũng có ý đòi cái ngai vàng đáng lẽ phải thuộc về con trưởng, nhưng bị Thái sư Trần Thủ Độ dẹp yên. Mang trong lòng mối hận, Trần Liễu quay về thái ấp An Sinh, dồn tâm sức mời thầy giỏi từ khắp nơi tới dạy dỗ cho con trai cả Trần Quốc Tuấn. Trước lúc nhắm mắt, ông còn trăng trối, hối con giành lấy ngai vàng thì ông mới an lòng nơi chín suối.
Chi trưởng – tức chi của đức ông Hưng Đạo và chi thứ – tức chi nắm ngai vàng, chi của đức ông Chiêu Minh dè chừng nhau cũng từ ấy.
Vua Thánh Tông khi lên ngôi có ý trọng dụng người của chi thứ mà hạn chế thực quyền của anh em dòng trưởng. Lần lượt các ông Chiêu Minh, Chiêu Quốc, Chiêu Văn đều giữ các chức vụ lớn trong triều. Còn như đức ông Hưng Đạo, từ sau bận dẹp quân giặc hồi Nguyên Phong, đức ông về lại thái ấp Vạn Kiếp mà sống đời một lão nông, chăm lo đời sống cho gia nô trong ấp chứ nào có nắm quyền hành. Tất nhiên là thi thoảng vua tôi vẫn triều kiến, chi thứ vẫn bàn chuyện với chi trưởng để lo liệu công việc nội tộc, còn như việc nước việc binh thì các ông dòng trưởng rất ít khi được động tay tới.
Chi thứ là vậy, còn chi trưởng… Đức ông Hưng Đạo quả thực khó dò. Suốt mấy chục năm, lời trối trăng của An Sinh Vương còn đó, nhưng không ai thấy đức ông tỏ ý gì tới chuyện thực hiện ý nguyện ấy. Vua không tin dùng, đức ông cũng không oán thán, vẫn vui vẻ nơi thái ấp và sẵn sàng về kinh nếu triều chính có việc cần tới ông.
Năm tiên đế Thái Tông còn sống, sứ thần nhà Nguyên tới Thăng Long đúng lúc vua Thánh Tông cùng Thái sư Quang Khải dẫn quân đi đánh dẹp nơi biên ải. Thượng hoàng cho vời đức ông Hưng Đạo về kinh tiếp sứ. Thượng hoàng lại có ý phong cho ông làm Tư Đồ để đủ danh nghĩa tiếp sứ thần, nhưng Hưng Đạo Vương từ chối. Vương viện lý, vua và tể tướng cùng vắng mặt, ông nhận chức ấy không phải lẽ, sau vua về rồi ban tước cũng chưa muộn. Chuyện đó về sau cứ thế chìm đi, không ai nhắc tới nữa.
Cũng bởi không ai dò được ý của đức ông Hưng Đạo nên mới nói, mối hiềm khích cứ âm ỉ trong dòng tộc, không cách nào dập tắt hay ít ra là thổi bùng nó lên cho người ta bớt đắn đo. Nếu đức ông Hưng Đạo một lòng trung quân, không màng tới lời của cha mà chịu an phận để giữ hoà khí cho dòng họ và giữ hòa bình cho quốc gia, thì đức ông thực là bậc nghĩa khí. Nhưng nếu trong lòng đức ông toan tính điều gì khác thì sao…
Cứ vậy, thời gian trôi, dòng trưởng và dòng thứ vẫn trước là vua tôi, sau là anh em con chú con bác, nhưng không bao giờ thẳng thắn dốc hết tâm can với nhau.
Chiêu Minh Vương thở dài. Chuyện gia đình thập phần rối ren. Ngôi cửu ngũ còn càng làm sự rối ren tăng lên gấp bội.
Vương rời khung cửa sổ, bước trở lại bàn tấu sớ. Đi ngang bàn trà, vương bỗng dừng chân.
Vương nhìn cuộc cờ vây vẫn còn ngổn ngang. Những quân cờ đen và trắng đặt chằng chịt trên chiếc bàn gỗ lớn, đan cài, xoắn bện vào nhau. Mối đại thống Đông A mà cả dòng tộc hướng về có khi cũng giống bàn cờ này. Những thế cờ đan xen, cái thì tương hỗ nhau, cái thì kình chống nhau. Bao nhiêu năm, phải chăng hai bên đen và trắng vẫn đang tìm cách tranh thế thượng phong? Mà ô hay, bên nào đen, bên nào trắng kia chứ?
Bàn cờ vây làm Chiêu Minh Vương nhớ tới ông chú họ Thủ Độ. Ngày còn sống, ông Thống quốc Thái sư thích đánh cờ vây. Mà bạn cờ thường xuyên của ông, không ai khác chính là cậu chàng Trần Quốc Tuấn khi đó mới đôi mươi theo học ở phủ Thái sư. Cậu bé Quang Khải thường ngồi xem ông và anh đánh cờ. Nhiều năm sau, lại vẫn là Quang Khải đứng xem các cuộc cờ của đức ông Hưng Đạo.
Cách đánh của Hưng Đạo Vương rất đặc biệt. Mỗi người chơi cờ thường có riêng cho mình một phong cách rõ rệt. Tay cờ như Trần Quốc Toản hay Trần Nhật Duật thích công, với các nước đi liều lĩnh, chọc sâu vào phần lãnh thổ đối phương. Vua Thánh Tông hay Quan gia Nhân Tông thì có lối đánh trầm lặng hơn, nước đi chậm rãi và chắc chắn. Nhưng Hưng Đạo Vương thì khác. Lối đánh của vương biến đổi theo lối đánh của người đánh cờ với ông. Hưng Đạo Vương điều chỉnh thế trận nương theo thế trận của đối thủ. Cờ của vương biến hóa khôn lường, và lúc nào vương cũng làm cho người ta có cảm giác vương đã tính trước nhiều nước đi.
Công bằng mà nói, chính bàn cờ vây là nơi khơi nguồn cho nỗi ganh tị của chàng trai Quang Khải với anh họ mình Trần Quốc Tuấn. Những ngày lui tới phủ Thống quốc Thái sư xem cờ, Quang Khải không tránh khỏi nghe được những lời nhận xét của Trần Thủ Độ về mình và về Quốc Tuấn. Thái sư Thủ Độ đánh giá Quốc Tuấn cao hơn Quang Khải, bởi qua những cuộc cờ, Trần Quốc Tuấn đã thể hiện rõ tài thao lược và mưu trí xứng tầm một vị thống lãnh đại quân.
Xét về toàn tài văn võ, cả dòng tộc ai cũng công nhận đức ông Chiêu Minh và đức ông Hưng Đạo một chín một mười. Cả hai đều kiến văn quảng bác, trí lực sâu sắc mà hào khí hiên ngang, lại cùng có tài nguyên thủ và có đức thu phục lòng người. Nhưng trong lòng Chiêu Minh Vương biết rõ, Hưng Đạo vương là mười, còn ông chỉ là chín. Đức ông Chiêu Minh hiểu, bản thân dù tài giỏi đến đâu vẫn chưa thể bì kịp với Hưng Đạo Vương. Thời trai trẻ, hiếu thắng, khi được trao quyền tể tướng, nghe theo ý anh trai Thánh Tông mà không dụng người của chi trưởng là một chuyện, bản thân Chiêu Minh Vương cũng muốn nắm quyền hành để tỏ ra mình không thua kém gì đức ông Hưng Đạo.
Chiêu Minh Vương cầm lên một quân cờ. Quân cờ đá lành lạnh trong đôi bàn tay ấm nóng. Vương tự nói với chính mình:
– Ở vào cái tuổi này rồi mà lòng ta vẫn giữ những háo danh và so bì của tuổi đôi mươi hay sao?!…
Vương lại nhìn xuống bàn cờ vây. Trên bàn là cuộc cờ vương chơi cùng Quốc Toản. Cậu nhóc mới mười mấy tuổi đầu nhưng đã tỏ rõ chí khí của mình bằng những nước đi bạo liệt. Nếu được trao quân thì hẳn cậu ta sẽ là một dũng tướng. Quả là con cháu họ Đông A!
Nhưng tuổi trẻ không thể tránh khỏi những hấp tấp, cuộc cờ này cậu ta thua Quang Khải bởi một nước đi quan trọng. Khi mở đầu trung cuộc, cậu ta đứng giữa lựa chọn liên kết hai đám quân hoặc phát triển đám quân phía dưới, để đe doạ cánh quân của Chiêu Minh Vương và chiếm lấy một vùng lãnh thổ rộng lớn hơn. Cậu ta đã chọn đánh chiếm thay vì củng cố quân của mình. Lựa chọn này sau đó đã giáng cho Quốc Toản một đòn chí tử. Chiêu Minh Vương đã lợi dụng thế lỏng lẻo của hai đám quân mà chia cắt chúng và sau đó là giết từng đám quân một.
Chiêu Minh Vương bỗng thần người.
Kìa, có phải cuộc cờ cũng mách bảo vương cái điều mà vương đã đọc được trong thư của quan chép sử Lê Văn Hưu?
Phải rồi.
Cờ vây.
Đen và trắng.
Nhưng sao có thể ví họ Trần như hai màu đối nghịch đen và trắng. Họ Trần chỉ là một. Và phải là một nếu muốn đối đầu với địch thủ hùng mạnh đang nhăm nhe kéo xuống từ phương Bắc. Và trận cờ này, trận cờ này… Nếu người chơi cũng sai lầm mà không cố kết hai cánh quân kịp lúc thì chẳng phải số phận đất nước sẽ như số phận cuộc cờ này sao?!
Chiêu Minh Vương đặt quân cờ đá vào hộp, quay người bước trở lại bàn tấu sớ. Ngọn đèn hiu hắt vẫn soi tỏ bức thư của Sử quan Lê Văn Hưu để mở trên bàn.
Trong thư chẳng viết gì nhiều, chỉ một câu hỏi. Nhưng câu hỏi xoáy vào tâm trí Thái sư Trần Quang Khải.
Thời bình, Chiêu Minh Vương tỏ rõ là một vị tể tướng tài giỏi, đủ sức cáng đáng việc quốc gia. Nhưng thời chiến, Chiêu Minh Vương biết vị trí thống lãnh toàn quân không phải là vị trí dành cho ông. Mà kể ông có nắm đại binh quyền chăng nữa thì mệnh lệnh của ông liệu có đủ uy quyền đối với dòng trưởng?
Đất nước sắp bước vào kỳ can qua. Giặc hung tàn đã giày xéo không biết bao nhiêu vùng đất, một mảnh đất cỏn con Đại Việt có là gì trước vó ngựa cao nguyên? Nước nhà cần lắm vị tướng tài đủ sức chống đỡ con thuyền Đại Việt trước cơn giông bão. Chỉ khi đất nước kiên tâm, muôn dân đồng lòng thì non sông bờ cõi mới mong vẹn toàn. Và muốn vậy, nhà Trần không thể chỉ cố kết lòng dân, mà còn phải cố kết mối đại thống của chính dòng tộc mình trước nhất. Tức là dòng trưởng và dòng thứ phải gạt đi những hiềm khích xưa. Những con người của ngày ấy nay chẳng còn ai, hà cớ gì mà thế hệ con cháu cứ ôm mãi những nứt vỡ cha ông để lại?
Chiêu Minh Vương nhìn xuống bức thư của thầy mình. Nét chữ gọn gàng và mềm mại của vị quan chép sử thoáng làm Chiêu Minh Vương xúc động. Thư ghi:
“Đức ông, trước khi chọn người cầm quyền tiết chế, hãy tự mình trả lời câu hỏi:
Đức ông chọn Quốc công Tiết chế cho ai?”
Phải.
Nếu chọn cho bản thân mình, chọn cho hai vua, hay kể là chọn cho họ Trần đi nữa, thì Chiêu Minh Vương vẫn có thể đường hoàng nắm quyền tiết chế. Nhưng chọn cho trăm họ và muôn dân, chọn cho sự vững mạnh của con thuyền Đại Việt, thì phải chọn khác.
Chiêu Minh Vương thấy lòng mình như rực lên một ngọn lửa. Đây có lẽ là thời điểm của chính vương, trước cuộc cờ với hai nước đi. Nước đi này sẽ ảnh hưởng tới thế cục cả ván cờ, không thể đi sai. Vả chăng, dè chừng mà làm gì? Cố đoán thâm ý nhau mà làm gì? Nếu không ai chịu bước ra hoà giải mối hiềm khích thì lần này vương sẽ là người làm điều đó.
Phải.
Nhà muốn vững thì rường cột phải cố kết chặt chẽ với nhau.
– Sao ta còn phải giữ cái thể diện cỏn con? Ngày mai ta sẽ vào cung tâu việc với hai vua, và ngay ngày mai ta sẽ gửi thư mời anh Hưng Đạo về kinh. Chà… Chắc ta phải ép bằng được anh Hưng Đạo đánh với ta một ván cờ. Mà lần này ta sẽ vui vẻ mà thua.
Vương cười lớn, gấp lại bức thư, đặt lên chồng tấu sớ, rồi bước về phía phòng ngủ.
Trống canh vẳng lại từ phía xa. Đã qua canh bốn. Vương cũng cần giữ sức cho những ngày bộn bề phía trước.
[1] Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải là hoàng tử thứ ba, sau Tĩnh Quốc Đại Vương Trần Quốc Khang và vua Trần Thánh Tông nên được gọi là ông hoàng ba.