Huế, ngày 21 tháng 7 năm 2021
Cuộc hành trình nhỏ ngày hôm qua xuất phát từ một lời chia sẻ của anh bạn cùng nhà.
Trong câu chuyện vu vơ bên ổ bánh mì O Tho (mà tôi giới thiệu với anh, hàng bánh mì tôi ăn suốt bốn tối rồi chưa thấy chán), anh có nhắc về lăng mộ của Chúa Nguyễn Hoàng mà anh từng có dịp ghé thăm. Sự nuối tiếc và ngỡ ngàng về ngôi lăng mộ đổ nát bị bỏ mặc hiện rõ trong lời nói của anh khiến tôi tò mò. Mà kỳ thực, bao nhiêu lần tới Huế nhưng chưa một lần tôi nghe tới lăng mộ của Chúa Tiên. Tôi còn không biết là ngôi lăng mộ nằm tại đây, trong địa phận Huế này. Một địa điểm tình cờ xuất hiện trong câu chuyện phiếm như thế hẳn có một duyên cớ gì đấy, tôi cứ thích nghĩ vậy, và đã là duyên thì nên tới, biết đâu?! Vậy là, tôi quyết tâm lên đường.
Ngôi lăng mộ hoá ra nằm ở khu vực gần Thiên Thọ Lăng, nơi tôi vẫn luôn thích ghé đầu tiên và trước nhất mỗi lần tới Huế.
Nhắc tới Thiên Thọ Lăng cũng là nhắc tới một mối duyên tình cờ vài năm trước. Hồi cuối 2016 đầu 2017, tôi biết về ngôi lăng mộ này qua bài đăng của anh giám đốc Alphabooks. Khi ấy tôi mới chỉ tới Huế một lần nhưng đã thích lắm không gian nơi đây, và đã luôn tự hứa sẽ quay lại, sẽ thăm thú cho bằng hết những dấu tích xưa cũ còn nằm lại nơi vùng đất này. Để rồi, ngày trở lại Huế, ngày tôi tới Thiên Thọ Lăng lần đầu tiên, tôi không đi một mình.
Lần ấy, trên con phố Lê Lợi, tôi tình cờ gặp được chú Trị, người đàn ông Huế chuyên chở khách đi thăm các điểm di tích và chú mời tôi theo trong chuyến đi một ngày tới các địa điểm do cả tôi và chú chọn. Một kẻ độc hành gặp lời mời như vậy thì chẳng lý gì lại từ chối. Tôi ngồi sau chiếc xe cũ, để con người gầy gò ấy chở tôi đi khắp nơi, tới Điện Hòn Chén, cầu ngói Thanh Toàn, đàn Nam Giao,… và tất nhiên, Lăng vua Gia Long như tôi mong mỏi. Những cơ duyên giao nhau tại cùng một điểm.
Kể từ đó, năm nào có dịp về Huế tôi đều tới Lăng vua Gia Long. Ngôi lăng mộ nằm khuất nẻo sau những hàng thông chẳng bao giờ đông du khách. Trong những hàng cây, bia đá, những toà lầu, những bức tường lăng có gì đó ưu tư và lặng lẽ, khiến tôi cứ muốn được trở đi trở lại, hệt như niềm mong mỏi được trở đi trở lại Huế.
Vậy đấy, mối duyên của tôi với Thiên Thọ Lăng là thế và khi biết được lăng của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng ở gần khu vực này thì tôi càng thêm hứng thú muốn đến. Tôi biết có một vài lăng mộ khác thuộc khu Thiên Thọ Lăng và vẫn luôn muốn một lần tìm vào từng nơi. Như buổi chiều một tuần trước, trong ngày thứ hai tôi ở Huế, tôi đã chụp được tấm hình hai trụ biểu của một ngôi lăng mộ xa xa nằm khuất lấp sau những hàng cây. Tôi cứ thắc mắc hai trụ biểu ấy thuộc về lăng mộ của ai và đã thầm nhủ sẽ tới đó. Đi tìm lăng mộ của Chúa Tiên thì sao không tiện thể tìm luôn đường vào hai trụ biểu mình đã chụp được dưới ánh chiều bữa ấy?!
Không dừng lại ở đó, tìm hiểu trên google, tôi nhận ra còn rất nhiều lăng mộ khác nằm rải rác quanh khu vực này và ôm tham vọng đi hết trong một buổi chiều. Một số lăng được đánh dấu tên như:
Lăng Trường Thanh – lăng Chúa Nguyễn Phúc Chu
Lăng Trường Thiệu – lăng Chúa Nguyễn Phúc Thuần
Lăng Trường Phong – Chúa Nguyễn Phúc Chú
Lăng Trường Cơ – lăng Chúa Nguyễn Hoàng
Lăng Hoàng Cô – Thái trưởng công chúa Long Thành (chị ruột vua Gia Long)
Lăng Thoại Thánh – lăng của mẹ đẻ vua Gia Long
Lăng Trường Cơ nay đã được Nguyễn Phước tộc tu sửa lại to và đẹp, đã không còn dáng vẻ đổ nát và “bị bỏ mặc” như lời kể của anh bạn tôi. Nhưng điều đó cũng chẳng gây nên một vấn đề gì. Lăng mộ được trùng tu là một điều tốt.
Lăng Trường Thiệu nằm gần Lăng Trường Cơ. Tôi tìm đường vào mà không thấy.
Ngôi lăng mộ nằm khuất sau một điểm trường trung học. Tôi đi quá lên thì trông thấy một con đường mòn có vẻ như dẫn về hướng lăng. Rẽ xe vào và đi bộ thêm một đoạn, tôi bắt gặp một ngôi lăng mộ đổ nát, cũng xây theo phong cách nhiều lớp tường ôm lấy ngôi mộ nằm bên trong, có bình phong, có bia đá ghi hàng chữ Hán. Kiểm tra trên bản đồ, không phải Lăng Trường Thiệu. Đây là một ngôi lăng mộ không tên nằm ngay sát Lăng Trường Thiệu. Tôi không cách nào biết được đó là lăng ai, cũng chẳng có ai quanh đấy để hỏi. Xung quanh cây cối mọc rậm rì, tôi định tình đường đi vòng ra sau ngôi lăng này để tìm vào Lăng Trường Thiệu nhưng đành từ bỏ ý định. Con đường cỏ mọc dày, đất đá lởm chởm, hẳn chẳng ai tìm vào đây bao giờ. Những bức tường đổ nát…
Lúc ấy, tôi mới nhận ra quanh đây còn nhiều ngôi lăng mộ giống như vậy: không được đánh dấu tên.
Tôi rời khỏi điểm vô danh và tiếp tục chạy xe trên con đường dẫn tới Thiên Thọ Lăng. Một đoạn, bỗng nhìn ngang, thấy xa xa sau khoảng ruộng cạn, khuất lấp sau hàng cây cao là một mái nhọn và đôi ba bậc thềm dẫn xuống hồ sen lớn. Tôi mở bản đồ ra xem. Lại là một ngôi lăng mộ khá bề thế nhưng cũng không tên. Một bài viết trên mạng cho tôi biết khu vực xã Hương Thọ (huyện Hương Trà, Huế) – địa điểm tôi đang có mặt đây – là nơi an nghỉ của chín Chúa và hai vua nhà Nguyễn (vua Gia Long và vua Minh Mạng). Nhưng những ghi chú về địa điểm của từng ngôi lăng mộ chẳng giúp được gì cho một người không am hiểu địa lý nơi này như tôi. Ngoài ra, ở đây không chỉ có lăng chúa và vua, còn có lăng của các bà công chúa, vợ chúa, vợ vua. Quy mô những lăng mộ ấy hẳn cũng không kém. Liệu ngôi lăng mộ không tên tôi nhìn thấy gần Lăng Trường Thiệu là của một bà vợ chúa hay một công chúa đây(*)?!
Chạy xe dưới trời nắng gắt đã thấm mệt, tôi bỏ những ngôi lăng vô danh ấy vào một góc tâm trí, hướng tới đích đến tiếp theo là hai trụ biểu mà mình nhìn thấy ngày hôm trước trên con đường dẫn qua hàng thông trước cổng vào lăng vua Gia Long. Đi vào như thế nào đây? Một khoảng đồi thông và ruộng cạn ngăn cách chiếc xe của tôi với hai trụ biểu. Bỏ lại xe ở đây thì không đành, tôi tìm cách chạy xe vào. Một nhánh đường mòn hiện ra trên sườn cỏ đồi thông. Hoá ra người dân ở đây chạy xe vào bên trong rất nhiều. Tôi đi theo đường mòn, rẽ lối hết chỗ này tới chỗ kia, bắt gặp một chuồng trâu lớn, thấy đôi ba chiếc xe máy dựng trên cỏ, mãi rồi cũng vào được tới gần trụ biểu nhất – chỉ còn cách một khoảng ruộng cạn. Tôi dựng xe và đi bộ.
Nơi này là lăng của mẹ đẻ vua Gia Long. Trong cuốn Lịch sử nội chiến ở Việt Nam 1771-1802 của Tạ Chí Đại Trường mà tôi từng đọc, tôi mang máng biết hồi vua Gia Long còn lưu lạc khắp nơi tìm cách gây dựng quân đội để kình chống với quân Tây Sơn, bà cũng theo bước chân vua và chịu nhiều khổ cực. Hai trụ biểu vẫn sừng sững, nhưng nơi trước kia là hồ nước trồng đầy hoa súng thì nay chỉ còn trơ lại đôi mảng tường gạch tạo ra cái thế vuông vắn, lòng hồ cạn khô; những bậc thềm dẫn lên Bửu Thành vỡ nát, cỏ mọc len; những bức tường cũng nặng dấu thời gian… Dầu vậy, tôi vẫn không khỏi cảm thán quang cảnh từ ngôi lăng mộ nhìn ra.
Đứng phía trước những bậc thềm, nhìn về phía hai trụ biểu, thấy núi mấp mô và bầu trời trong xanh trải dài. Quang cảnh ở đây cũng đẹp như phía lăng vua Gia Long. Mà, hai trụ biểu đứng nghiêm cẩn quả tình là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh. Những trụ biểu ở khu Thiên Thọ Lăng này ấn tượng hơn nhiều so với trụ biểu ở lăng vua Tự Đức, vua Minh Mạng, hay vua Khải Định, những nơi nhiều du khách ghé thăm. Chỉ ở đây, khi xung quanh là núi đồi trập trùng, là thiên nhiên và cây cối, là bầu trời cao rộng, những trụ biểu đứng xa xa, sau những hồ nước, mới như càng uy nghi lại càng đậm chất huyền thoại hơn. Hình dáng những cột trụ in lên trời xanh nơi này có gì đó vừa lãng mạn vừa thâm nghiêm.
Tôi rời đi trong ánh nắng đã nhạt. Mây vần vũ phía chân trời đằng tây. Cao trên đỉnh trời, vầng trăng thượng huyền khi ẩn khi hiện sau làn mây trắng mỏng. Tôi vừa đi về vừa nghĩ về hành trình của mình ngày hôm nay.
Tôi rất muốn đi hết từng ngôi lăng mộ, lần tìm vào từng nơi dẫu có phải cuốc bộ qua ruộng cạn, rừng cây hay men theo những hồ nước… Nhưng có gì đó vẫn giữ chân tôi lại. Một nỗi sợ hãi mơ hồ, những dè dặt của riêng tôi. Điều này làm tôi nhớ tới bài đăng của chị Eva Zu Beck – một travelloger mà thôi theo dõi qua Instagram. Trong bài, chị có nói về các cấp độ du lịch một mình và một người nên biết chọn cho mình cấp độ thích hợp, đừng cố gò ép bản thân đi theo những lịch trình quá sức (như chị một mình đi khắp nơi như Afghanistan, Pakistan, Mông Cổ… còn tôi thì chắc chắn khó lòng theo nổi).
Tôi nghĩ tới một cô bạn của mình. Cô ấy từng một mình du lịch Ấn Độ trong hai tháng, cô ấy còn lên kế hoạch đi từ Ấn qua Pakistan, hay một mình tới những nước xa xôi như Kyrgystan, Tajikistan,… Với tôi, những nơi ấy xa vời quá. Tôi có thể một mình lang thang Huế như thế này, nhưng vẫn có những nơi tôi không dám đi vào. Tôi từng một mình tới Thái, Đài, Nhật, nhưng những điểm đến ấy vẫn mang vẻ an toàn và thân thuộc, là nơi đã quá nhiều người đi và sẽ còn rất nhiều người đi, những nơi không hề khó khăn cho một cuộc độc hành. Còn những điểm đến kia, những lịch trình kia? Có lẽ, tôi vẫn cần vượt qua những nỗi sợ của riêng mình, tôi cần thêm tự tin, kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện được chúng. Tôi nhận ra “think out of the box” không phải chỉ mang nghĩa sáng tạo ngoài khuôn khổ, mà còn là mở rộng tầm nhìn của bản thân và thay đổi những định kiến bên trong mình để tri nhận thế giới một cách cởi mở hơn, sâu sắc hơn.
Tôi chạy xe về trung tâm thành phố với những suy nghĩ ngổn ngang như thế. Tôi của hôm nay đã khác trước, nhưng vẫn còn cần đi một quãng đường dài để trở nên tốt đẹp hơn.
Dầu sao, biết được mình đã từng như thế nào, đã thay đổi ra sao và đang hướng tới những điều gì cũng là một niềm hạnh phúc. Tôi muốn lấp đầy tháng ngày của mình bằng những trải nghiệm và những buổi học về mình và về cuộc sống như thế. Cũng bởi vậy, tôi cứ thích câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu:
“Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm”
(*) Tôi đã có dịp hỏi về ngôi lăng mộ này. Đó đúng là lăng của một bà phi của chúa Nguyễn Phúc Thuần.