Để nói về cuốn sách này, tôi muốn đặt hài hước và đen tối cạnh nhau, bởi câu chuyện rất buồn cười nhưng cũng rất cay đắng.
Có cách nào thoát khỏi cuộc đời đáng chán, đáng tuyệt vọng, bế tắc và quẩn quanh không? Mattia Pascal phát hiện ra là có. Có một cách. Là chết – một cái chết chính thức, của cái nhân dạng mình, trên giấy tờ, được người thân và toàn thể cư dân chòm xóm công nhận, trịnh trọng thông cáo lên báo. Sau khi bàng hoàng đọc tin báo tử chính mình, Mattia Pascal bỗng thấy tràn trề hạnh phúc và tự do. Giờ anh có thể đi bất cứ đâu, tiêu số tiền mình có theo bất cứ cách nào mà ko phải lo về cô vợ tiều tuỵ và bà mẹ vợ ác quỷ, thoát khỏi lũ chủ nợ và tất cả những rắc rối đáng chán của cuộc đời trước kia. Ôi cuộc sống mến thương sau khi chết sao mà thênh thang thế. Anh giũ bỏ được kẻ mang tên Mattia Pascal. Anh sẽ là một con người mới, hoàn toàn khác. Một Adirano Meis.
Nhưng, ơ kìa, sao hạnh phúc này lại có mùi đắng cay và tự do này lại bị những xích xiềng của dối trá bủa vây thế kia?!
“Điên rồ! Làm sao tôi lại tự dối mình rằng một thân cây có thể sống sót khi bị cắt bỏ khỏi gốc rễ? Thế nhưng, thế nhưng, đó, tôi vẫn nhớ chuyến đi nọ, từ Alenga tới Torino: khi đó, tôi đã cho rằng mình hạnh phúc, cũng bằng cách ấy. Điên rồ! Tự do! Tôi đã nghĩ… Tôi đã tưởng ấy là tự do!”
Sẽ thế nào khi mọi thứ thuộc về nhân dạng anh bị chôn dưới một nấm mồ, còn anh thì lang thang nay đây mai đó khắp chốn? Tới một lúc, anh nhận ra, dẫu cho nhân dạng có được chứng tử thì nó vẫn là anh và anh vẫn là nó, nó vẫn là cái bóng đi theo anh hoặc anh vẫn là cái bóng sống dưới sức kiềm toả của nó. Thiếu anh, cái tên Mattia Pascal vẫn có nghĩa, nhưng thiếu nó, anh sống không ra sống…
“Người hùng, đó, tôi làm sao có thể là một người hùng thực sự được nữa. Chỉ trừ khi tôi chết đi… Nhưng tôi đã chết rồi mà!”
“Giờ đây tôi là gì nếu không phải là một người giả tưởng?”
Ngoài một vài đoạn hơi lê thê và đôi chỗ liên can tới kiểu cách suy nghĩ của người Ý thế kỷ trước – thứ dễ gây nhàm chán cho người thế kỷ này, thì cuốn sách là một cuộc dạo chơi ngắn thú vị vào hành trình phân tích sự tồn tại của một bản thể người. Những chương đầu sách được tác giả viết theo kiểu vừa chớt nhả vừa úp úp mở mở làm tôi cũng hơi khó khăn chạy theo, nhưng quen rồi, lại ấn tượng với nan đề “nhân dạng” mà tác giả đặt ra, thì tôi cứ thế bị cuốn đi và càng đi tới cuối thì càng thích thú mà bật cười sảng khoái!