Bài viết
Trang chủ » Trang sách » Đọc và ghi » Đọc Quốc sử tạp lục, nghĩ về một cách viết sử hay

Đọc Quốc sử tạp lục, nghĩ về một cách viết sử hay

Tôi đọc Quốc sử tạp lục mà tâm đắc luôn luôn, và thích nhất là cách viết sử của tác giả Nguyễn Thiệu Lâu. Nhân đọc bài “Một cuộc cách mạng nông dân thất bại”, tôi ghi lại đây những điều mình khâm phục, hay có thể gọi là những điều tôi cho rằng rất đáng học hỏi trong cách kết cấu bài viết và trình bày quan điểm của người viết.

Tôi muốn viết ra để giục mình ghi nhớ rồi học hỏi theo, không cứ là viết sử hay viết về bất cứ chủ đề gì. Cách viết và tâm thế viết của tác giả rất hay và đẹp.


Kết cấu bài viết

“Một cuộc cách mạng nông dân thất bại” là bài khảo sử về cuộc nổi loạn của Phan Bá Vành và các đóng góp của kinh lược Nguyễn Công Trứ trong quãng thời gian từ 1826 tới 1832 – thời vua Minh Mạng. Với bài viết này, Nguyễn Thiệu Lâu đi sâu vào phân tích “một đề sử học” mà như ông viết nguyên văn: “Tôi nhận thấy, phải nối liền hai nhân danh Phan Bá Vành và Nguyễn Công Trứ vì có liên lạc với hai giai đoạn, sự nổi loạn và sự dẹp loạn, và vì là hai chủ động chính”. Nội dung cụ thể thế nào, bài khảo sử nằm tại trang 264 cuốn Quốc sử tạp lục do Nhã Nam ấn hành, bạn có thể tham khảo để biết thêm, tôi xin không nói sâu hơn.

Bài viết dài 18 trang, mở đầu bằng đôi lời giới thiệu ngắn – nhằm đặt vấn đề, sau đó, nội dung chính được kết cấu thành hai phần: Sử liệu và Lời bàn.

Trong Sử liệu, tác giả trích dẫn lại toàn bộ các nội dung tài liệu có liên quan tới vấn đề mình đặt ra, một cách cặn kẽ, chi tiết và được đánh số cụ thể. Các dữ liệu được sắp xếp theo lối biên niên, chiết xuất đầy đủ thời gian, sự việc và các thông tin liên quan. Cụ thể, bài viết này bao gồm các sử liệu liên quan tới: bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của thời điểm khởi phát cuộc nổi loạn, Phan Bá Vành đã điều khiến của nổi loạn ra sao, triều đình đã có những quyết sách gì, và các việc làm của kinh lược Nguyễn Công Trứ trong và sau thời gian loạn diễn ra.

Sau khi xây dựng hệ thống các dữ kiện và trình bày chúng đầy đủ, sáng rõ, tác giả đi tới phần thứ hai: Lời bàn.

Lời bàn là phần chứa đựng các luận điểm mà tác giả muốn phân tích. Tác giả có cho mình một danh sách các luận điểm và triển khai chúng trong Lời bàn, bàn luận về chúng và lấy dẫn chứng từ Sử liệu đã trích trong phần trước đó (bằng cách nhắc lại ngắn gọn hoặc dẫn số Sử liệu theo thứ tự đã đánh từ trước). Trong bài này, vấn đề chính tác giả nhắm tới là loạn Ba Vành khởi phát và Nguyễn Công Trứ đánh dẹp; các luận cứ bao gồm: Tại sao có loạn Ba Vành, Tương quan lực lượng giữa quân khởi loạn và quân triều đình cùng diễn biến cuộc đánh nhau, Chính trị của hai bên (của Ba Vành và của vua Minh Mạng mà đại diện tiêu biểu có Nguyễn Công Trứ) đã như thế nào để có thể thuyết phục dân theo.

Sau khi đưa Sử liệu, rồi trình bày Lời bàn trên cơ sở sử liệu đó, tác giả đi đến phần tiếp theo: Kết luận. Đây là phần tổng kết, tóm gọn toàn bộ các vấn đề chính yếu đã nêu trong bài. Bản thân Kết luận có thể đứng riêng lẻ như một bài văn ngắn trình bày đầy đủ luận điểm và dẫn chứng. Nói cách khác, đọc Kết luận là nắm hết các ý chủ đạo của bài viết, đọc Kết luận là rút được những cốt lõi nhất của toàn bài.

Nhưng Kết luận chưa phải là kết thúc, tác giả bổ sung một phần là Phụ chép – có thể coi như một phần để “bàn rộng thêm ra”. Ở Phụ chép, Nguyễn Thiệu Lâu đưa thêm một vài luận điểm nhằm làm rõ các phần mà tác giả cho rằng chưa thực sự sáng hoặc cần nhấn mạnh thêm để giúp nội dung bài viết được tường minh. Trong bài này, có hai ý trong Phụ chép: Cách Nguyễn Công Trứ triển khai và bày cho dân đất đai, và Cái không may của Nguyễn Công Trứ.

Một trong những lợi ích đầu tiên mà tôi nhận thấy trong cách viết đưa sử liệu trước rồi bàn sau như thế này là ở chỗ: người đọc có thể tự mình nghiền ngẫm tư liệu và suy nghĩ về cái cốt yếu của sự việc, từ những dữ kiện cho trước, người đọc có thể có các kiến giải của mình, sau đó đọc Lời bàn để so sánh và đối chiếu với ý kiến của người viết.

Ngoài ra, kết cấu bài viết theo cách này còn hai ưu điểm khác.

Đầu tiên, chắc chắn phải kể tới sự thuận tiện cho cả người viết và người đọc. Người viết hệ thống được các sử liệu một cách tập trung và chi tiết; sau đó ở phần bàn luận, có thể nhanh chóng trích xuất lại dẫn chứng để chứng minh cho luận điểm của mình chỉ bằng một con số (do đã đánh số thứ tự từng sử liệu). Người đọc thì dễ dàng theo dõi nội dung, mà sự dễ dàng này còn liên quan tới ưu điểm thứ hai.

Điều thứ hai: cách viết này đảm bảo phân rõ đâu là sử, đâu là bàn. Sự phân chia rạch ròi và rõ ràng như vậy hợp với tư tưởng viết sử của Nguyễn Thiệu Lâu (điều tôi sẽ trình bày trong phần hai của bài viết này). Nó cho phép người đọc nhận định rõ đâu là sự thật lịch sử ghi chép trong sử sách, và đâu là nhận định hay đánh giá của người khảo sử, tránh nhập nhằng hay hiểu lầm sự kiện và bàn luận.


Tâm thế người khảo sử

Trước khi đến với cách Nguyễn Thiệu Lâu viết sử, tôi thiết nghĩ nên trích lại đây lời chính ông nói về quan niệm viết sử của bản thân.

Trong bài viết “Vua Gia Long và vua Minh Mạng” ở đầu sách Quốc sử tạp lục, ông nhận định: “sự “bàn” lịch sử không phải là việc dễ”. Ông cho rằng nhà sử học vừa phải hiểu về lịch sử nước nhà, vừa phải thông tỏ lịch sử nước ngoài, phải rõ mọi nhẽ, và “đối với các người xưa không có thiện cảm mà cũng không có ác cảm gì”. Tức là người khảo sử phải giữ được sự công tâm, phải có kiến thức để óc xét đoán và giải đoán các vấn đề lịch sử được khúc chiết và đúng đắn, không thiên kiến, không sai lệch.

Ông cũng nhấn mạnh, trong bài “Muốn được một bộ sử đúng mà đọc”, rằng: “sử học rất khó và người viết phải có sức học và biết thận trọng”. Sức học thì ta đã hiểu ông muốn trỏ điều gì, nhưng còn một điều không kém phần quan trọng, theo ý ông, ấy là: sự biết thận trọng. “Biết thận trọng” của Nguyễn Thiệu Lâu ra làm sao, ta cùng đi vào câu từ ông dùng trong “Một cuộc cách mạng nông dân thất bại”.

(Cần phải khẳng định rằng, những câu từ này không chỉ xuất hiện trong duy nhất bài viết này mà thôi. Nguyễn Thiệu Lâu làm như vậy trong tất cả các bài viết được in trong cuốn Quốc sử tạp lục. Tôi chỉ dẫn ra đây “Một cuộc cách mạng nông dân thất bại” như một minh chứng tiêu biểu cho quan niệm khảo sử của ông.)

Cảm nhận trước nhất của tôi về bài viết của Nguyễn Thiệu Lâu là: câu từ thể hiện rõ sự khiêm nhường.

Sở học của Nguyễn Thiệu Lâu cao tới đâu, tôi không đủ năng lực để nhận định, nhưng chắc chắn ông không phải người kiến thức ở mức tầm thường. Với những thứ ông viết ra trong sách này, ta có thể tin rằng ông học rộng. Ông là một người uyên thâm nhưng ông luôn nhún nhường và không tỏ bất cứ vẻ gì tự cao tự đại trong những điều mình ngẫm, mình suy. Không một câu văn nào trong các bài viết của ông tuyên bố hay hé ra cái ý rằng ông là kẻ biết mọi sự và sự khảo sử của ông là đúng đắn lắm rồi.

Ở phần dẫn nhập đầu bài “Một cuộc cách mạng nông dân thất bại”, ông viết: “tôi sẽ có lời bàn rất dè dặt, căn cứ vào sử liệu mà tôi sẽ dẫn”. Hay một đoạn khác: “tôi đã dẫn tất cả những tài liệu mà tôi đã biết, một cách khách quan, thực thà. Có thể có những tài liệu mà tôi không biết và đó là lỗi của tôi”. Đây chính là sự “biết thận trọng” của ông.

Khi trình bày ý kiến của bản thân, ông có sự phân định rõ ràng giữa: ý kiến rút ra từ cứ liệu đầy đủ và ý kiến suy luận từ sự phân tích của cá nhân người viết. Tức là khi có trong tay những dữ kiện chính xác và có thể đi tới một kết luận vững chắc, ông sẽ khẳng định ngay. Nhưng nếu ông nhận thấy rằng vấn đề mình đang bàn có chỗ thiếu đi một căn cứ hay đó là kết luận ông tự mình phân tích mà ra, thì ông không ngần ngại nhận rằng đó là thiển ý của ông, nó có thể đúng mà cũng có thể sai, và ông còn lên tiếng cảnh báo người đọc như vậy.

Ta có thể đọc một vài lời văn dưới đây trích trong “Một cuộc cách mạng nông dân thất bại” để hiểu hơn về tâm thế ấy:

“Ta nhận rõ chính sách của Nguyễn Công Trứ đã đầy đủ, đứng về đủ mọi phương diện…”

“Tôi đã đặt ba câu hỏi và đã cố trả lời cho đúng theo các sử liệu của Quốc sử quán, nghĩa là theo chỗ tôi biết, thời không còn tài liệu nào thêm cả. (…) Dù sao chúng ta có thể tóm tắt như sau này những điều nhận xét.”

“Vậy tôi không nhận lý do của sử thần dẫn ra là đúng (nhưng không dám nói là sử thần mà tôi không biết là ai đã không có trí xét đoán hay đã cố tình ghi sai để hậu thế không hiểu biết được sự thực…)”

“Đứng về phương diện quân sự, tôi không có một điều kiện nào để phê bình Phan Bá Vành, nhưng tôi phải trình bày ý nghĩa của tôi: ấy là…”

Nếu những lời văn trên chưa đủ rõ, thì ta có thể đọc thêm trong bài “Sự bang giao giữa nước ta với nước Tàu trong nửa đầu TK19”. Nguyễn Thiệu Lâu có đoạn viết:

“Tôi không đủ tài liệu để hiểu rõ vấn đề bang giao giữa nước ta với Tàu trong nửa đầu thế kỷ 19 cũng như không đủ vật liệu để xây một dinh thự đồ sộ, chắc chắn. Nhưng vì khảo cứu đã kỹ về lịch sử nhà Nguyễn, tôi có những lời bàn sau này:…”

“Tôi dẫn ra sau đây một giả thuyết. Giả thuyết này có thể hoàn toàn sai, dù sao, tôi không tìm được một giả thuyết thứ hai.”

Hoặc trong “Nghĩa Cần Vương”:

“Ta đã thất bại về quân sự. Sau đây tôi sẽ trình bày mấy thiển kiến của tôi.”

“Tôi không biết tờ dụ và tờ cáo thị này nói những gì? Tôi cũng không biết là nhà vua đã khiến Võ Bá Liêm đi khâm phái ở các tỉnh phía bắc kinh thành từ tháng nào…”

“Hoàng Tá Viêm về kinh từ bao giờ, tôi không biết. Trong trường hợp nào, tôi cũng không biết. Dù sao Hoàng Tá Viêm không tham dự chính quyền và chỉ là một người dân mà thôi. Bây giờ, vì lý do gì một người đã về phe chủ chiến chống Pháp lại bó thân ra làm kinh lược cho triều đình, tôi không biết…”

Một đoạn văn ngắn mà tới ba cụm từ “tôi không biết”, ấy là cái nhẽ “biết thận trọng” của ông. Tôi cho rằng “biết thận trọng” là một điều thực quý giá, không chỉ về vấn đề khảo sử, mà về mọi vấn đề nói chung.

Đọc phân tích sử liệu mà thấy người viết nói “tôi không biết” thì có mất niềm tin chăng? Tôi cho rằng không, ta chỉ thấy tin thêm mà thôi. Nguyễn Thiệu Lâu luôn dẫn sử liệu rất cặn kẽ và rõ ràng. Các luận điểm và luận cứ của ông được triển khai chặt chẽ trên nền móng sử liệu đó. Và ông dám thẳng thắn nói “không biết” trước một vấn đề. Chính việc làm ấy giữ vững tính xác đáng cho bài viết của ông. Thay vì đưa vào những lời văn mang tính võ đoán, ông coi bài khảo sử của mình như một cuộc bàn luận giữa hai học giả – người viết và người đọc. Nhiệm vụ của ông là trình bày mọi kiến thức ông thu lượm được, ông viết ra để người đọc cùng ngẫm và chính ông mong rằng một người đọc kiến văn quảng bác hơn sẽ từ đó mà phát triển thêm ra.

“Tôi biết được một ít sử liệu, xin đem trình với độc giả: theo ý tôi, ta có thể có một vài nhận xét căn bản mà ta phải cho là đúng. Lẽ tất nhiên là vấn đề sử học này chỉ nhờ một nhà sử học thông thái mới giải quyết hoàn toàn.”

“…không chắc thực là đúng, lẽ tất nhiên là không đầy đủ, cũng như một người muốn xây dựng một dinh thự nhưng vật liệu ít, có thể mình cũng nghĩ kiểu sai nữa, nhưng cắm được hướng nhà, làm cái rào, cái giậu, đào cái móng, đặt mấy viên gạch cùng sẽ rõ kiểu nhà sau này, cũng không phải là hoàn toàn vô ích cho người xây nhà sau này. Tôi rất mong sẽ có một nhà sử học khảo cứu đầu đề quan trọng này.”

Bài viết này của tôi đã dài, nhưng vẫn còn một ý cuối cùng về quan niệm viết sử của Nguyễn Thiệu Lâu mà tôi không thể bỏ sót. Nó là một ý quan trọng đối với cá nhân tác giả. Ấy là sự: không thiện cảm mà cũng không ác cảm gì khi “bàn” về người xưa. “Một cuộc cách mạng nông dân thất bại” cho thấy rất rõ tâm thế này.

Khi nhận định về tính chính danh của cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành và cách phản ứng của triều đình vua Minh Mạng, Nguyễn Thiệu Lâu đưa ra những nhận định công tâm cho cả hai bên.

Ông khen vua Minh Mạng là “ngài đã có lòng “nhân” đối với dân” khi kể ra những việc vua đã cho thực thi để phủ dụ dân chúng và “ngài Minh Mạng đã có một ưu điểm nữa ấy là biết dùng Nguyễn Công Trứ vào một việc ích quốc lợi dân”. Ông cũng nói: “Đọc sử liệu này ta không thể không khâm phục uy tín của chính quyền, gọi là quân chủ độc đoán nhưng để xem phụng sự dân thời đã thi hành chẳng khác gì chính quyền nhân dân, bài trừ một cách quyết liệt các kẻ đã hại dân”.

Đối với Phan Bá Vành, ông nhận định đó là “một quân nhân có tài, lãnh đạo được một lúc hơn năm nghìn quân để mở cuộc tấn công và đã làm cho quan quân và chính ngài Minh Mạng phải náo động”. Từ các phân tích, ông cho rằng Bá Vành không phải chỉ là một nhà quân sự mà trước hết là một nhà chính trị, và là “một nhà chính trị giỏi”.

Bài viết của ông không bao giờ rời khỏi kim chỉ nam: “TA PHẢI KHÔNG CÓ MỘT ĐỊNH KIẾN GÌ TRƯỚC” – in hoa theo đúng nguyên văn trong bài viết “Sự bang giao giữa nước ta với nước Tàu trong nửa đầu TK19”.


Đó là toàn bộ những gì tôi rút ra được về cách kết cấu bài viết và tâm thế viết bài của tác giả Nguyễn Thiệu Lâu, thông qua bài “Một cuộc cách mạng nông dân thất bại”. Kết cấu rõ ràng với hai phần chính Sử liệu và Lời bàn, từ đó rút ra một Kết luận, nhưng không quên thêm vào một Phụ chép để nói rộng ra cho trọn vẹn mọi vấn đề liên quan. Các bài viết trong Quốc sử tạp lục đều được trình bày theo lối này, bất kể là bài dài hàng mấy chục trang hay bài ngắn chỉ một hai trang. Và tất cả các bài viết trong Quốc sử tạp lục đều khẳng định tâm thế khảo sử và viết sử của học giả Nguyễn Thiệu Lâu: không định kiến và biết cẩn trọng!

23860cookie-checkĐọc Quốc sử tạp lục, nghĩ về một cách viết sử hay
Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *