Bài viết
Trang chủ » Chuyện » Vãn » Đọc “Con sẻ vàng” nhớ chuyện mình

Đọc “Con sẻ vàng” nhớ chuyện mình

“Đêm đó, ở nhà Boris – say mềm nằm trên phần đệm vải batik của mình – tôi cố nhớ thử xem Pippa trông như thế nào. Nhưng mặt trăng chiếu vào cửa sổ không rèm thật to và rõ nét khiến tôi lại nghĩ đến câu chuyện mẹ từng kể, đi xem triển lãm ngựa cùng ông ngoại hồi bé, ngồi sau chiếc Buick cũ. “Đi nhiều lắm, đôi khi cả mười tiếng, qua vùng đất cứng. Vòng quay khổng lồ này, sân rodeo rắc mạt cưa, khắp nơi là mùi bắp rang và phân ngựa. Một đêm ở San Antonio, mẹ đang dỗi – đòi phòng mình, con hiểu không, đòi chó và giường mình – thì ông ngoại bế bổng mẹ lên trên sân hội chợ, bảo mẹ nhìn lên trăng. ‘Mỗi khi thấy nhớ nhà,’ ông bảo, ‘con hãy nhìn lên trời, vì con có đi đâu thì vẫn là trăng ấy.’ Thế nên khi ông mất, mẹ phải đến nhà dì Bess – mà cả bây giờ, trong thành phố, cứ khi nào thấy trăng rằm, mẹ lại thấy như ông đang bảo mẹ đừng ngoái lại đằng sau, đừng buồn bã, vì nhà đi theo mẹ bất cứ nơi nào mẹ đến.” Mẹ hôn lên mũi tôi. “Hoặc là nơi nào con đến, cún con à…”.”

(Trích tiểu thuyết Con sẻ vàng của nhà văn Donna Tartt, bản dịch của Nguyễn An Lý, Nhà xuất bản Thế Giới)

Chẳng hiểu sao đọc đoạn văn này làm tôi nhớ quê khủng khiếp lạ kỳ. Dù đời tôi gắn bó với thành phố nơi mình đang sống nhiều hơn.

Hầu hết những kỉ niệm của ba mươi năm cuộc đời đã trải của tôi đều là ở thành phố này. Bè bạn nơi đây hết cả, trường lớp từ thuở mới chập chững đi học cũng chẳng ở nơi nào khác. Có chăng những năm đầu đời, thuở mẫu giáo, theo học trường làng, nhưng bè bạn ngày ấy đã rời khỏi tâm trí mươi chục năm, chẳng nhớ được gì. Đời sống có tới chín mươi sáu phần trăm là diễn ra tại thành phố. Chỉ còn bốn phần trăm nhỏ nhoi là thuộc về một mảnh đất chẳng lấy gì làm xa xăm, nhưng ở vào cái thời tôi bé tí xíu thì nó cách tới ba giờ xe khách lao trên những con đường gập ghềnh, và chỉ hiện ra trước mắt tôi trong vài ngày hè vội vã hoặc đôi ngày nghỉ tết rét căm.

Ấy vậy mà, tôi vẫn chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ mảnh đất ấy, nhớ ngôi nhà nằm giữa chòm xóm bên bờ kênh nước nhè nhẹ trôi.

Tôi thèm những trưa hè, thơ thẩn chơi trong con ngõ rợp bóng hoè đang đúng độ rộ hoa. Hoa hoè trắng sữa, hơi ánh vàng, nở từng chùm lớn. Những bông hoè rơi rụng hoà vào màu hoa nắng nở trên nền con ngõ dần được bê tông hoá. Tôi quay quắt trong ký ức tuổi bé thơ chạy chân trần trên nền sân phủ đầy rơm khô nắng. Mùi rơm trưa quyện vào dòng kỉ niệm để bây giờ mỗi bận đi ngang một ngõ vắng vừa qua mùa gặt, mùi tuổi thơ lại bay về và cồn cào tâm trí.

Có lẽ, những câu văn kia mang thứ nhớ nhung tương đồng với nỗi thương nhớ trong tôi, nên chỉ cần đọc là thấy lòng dềnh dang ký ức.

Mà nào phải tôi xa cách quê mình đã nhiều tháng năm chưa trở lại. Tôi vừa dành ra ba tuần thảnh thơi quẩn quanh nơi quê nhà. Tôi chỉ mới rời đi có vài ngày. Thế mà nhớ. Hay bởi vừa chia xa nên càng nhớ, và bởi rồi đây sẽ xa xôi cách trở lắm khi tôi lên đường rời thành phố quen thuộc này, nên cảm thức về một cuộc chia xa lâu lắc làm nỗi lòng càng thêm đau đáu.

Tôi muốn viết dài dòng về nỗi nhớ trong lòng mình. Nhưng chợt nhận ra nếu ai đó có đọc những dòng này thì chắc người ta sẽ khó lòng hiểu về nổi nhớ ấy của tôi nếu không thấu tỏ cái hoàn cảnh phát sinh nó. Nghĩ thế nên tôi phải trải ra chút ít câu chuyện cuộc sống của mình, đặng cho người đọc một vài manh mối. Biết đâu người hiểu và đồng cảm với tôi chăng?

Tôi sinh ra ở một làng nơi quê lúa Thái Bình. Kể có nói ra đây địa điểm chính xác thì có lẽ bạn cũng khó mà hình dung cho nổi nó ở góc nào trên bản đồ nhiều đường rối rắm. Thôi, chẳng cần biết cụ tỉ mà làm gì, bạn hãy cứ tưởng về một xóm nhỏ, nằm kề mênh mông ruộng lúa, lọt giữa quanh co đường bê tông nhỏ xíu trải cạnh con kênh bốn mùa nước lựng lờ. Một cảnh làng quê Bắc Bộ điển hình, với khung cảnh điển hình của loài cây đã đi vào tên vùng đất.

Tôi chỉ sống năm năm đầu đời nơi này, đủ để học hết bậc mẫu giáo ở ngôi trường làng, nằm cạnh trường cấp một và cấp hai nơi mẹ tôi dạy học. Ngôi trường nhỏ có khung cửa sổ mở ra con đường chạy ngang một cây đa lớn, có quán hàng kẹo mà tụi trẻ con hay thèm thuồng nhìn ngó. Khi đủ tuổi vào lớp một, bố tôi – khi ấy sống và làm việc ở Hà Nội – mang tôi theo lên thành phố, dứt tôi khỏi chốn quen thân, rời vòng tay mẹ, ném tôi vào một nơi mà, cho tới tận bây giờ, tôi không thể thấy mình thuộc về. Vậy là, những năm học cấp một và cấp hai cứ thế đằng đẵng trôi, tôi không thôi nhằng nhẵng đòi được quay lại quê học, quay lại ở cùng mẹ, quay lại chơi với những đứa nhỏ anh chị em họ mà tôi thân thiết.

Có bận dọn nhà, tôi quanh quất tìm lại được cuốn vở văn ngày cấp hai. Bên trong vẫn còn nguyên nét bút mực viết những bài văn biểu cảm và miêu tả, mà chủ đề, chẳng đâu khác, là chính quê hương mình. Nỗi nhớ trong tôi vẫn luôn cồn cào như thế. Tới độ tôi thuộc nằm lòng bộ tứ – bốn bài thơ về quê hương nổi tiếng. Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân; Quê hương của nhà thơ Giang Nam; Quê hương và Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh.

Tôi vẫn luôn mong ước được quay về, sống đời ở quê, rời khỏi mọi ồn ào và huyên náo của phố thị, ngày ngày được thức dậy trong ánh tươi mới của cỏ cây xung quanh nhà, lắng nghe không gian lặng yên chỉ bị phá vỡ bởi tiếng chim hót hay tiếng xe đạp lách cách ngang con ngõ vắng người… Chưa bao giờ niềm mong ước ấy nguôi ngoai. Ngay cả tới ngày tốt nghiệp đại học, ra đi làm, tôi vẫn mơ tưởng tìm cho mình một công việc gì tại nhà và rời phố thị này mãi mãi. Nhưng quả là, mộng tưởng mãi là mộng tưởng, tôi chưa bao giờ cố thử thực hiện mộng ước ấy.

Giờ đây, tôi đang đứng trước một chặng mới trong cuộc đời mình. Bởi nhiều lý do, tôi rời bỏ công việc đã quen thuộc sáu năm, vẽ ra một kế hoạch lên đường, khám phá những vùng đất trải dọc Việt Nam và rồi tìm cho mình một chốn dừng chân. Tôi đã xếp sắp mọi thứ, để lên đường ngay khi xong xuôi thủ tục xin thôi việc. Vậy mà, một bất trắc của cuộc đời thường xảy đến ngáng trở những dự định ta đã tin chắc mình sẽ thực hiện. Hay một cơ may hiếm có để chính tôi có cơ hội xếp sắp lại cẩn thận hơn tâm hồn mình? Dịch bệnh trở lại làm tôi không thể lên đường đúng ngày đã chọn. Tôi về quê.

Sáng, tôi ngồi trước màn hình máy tính để chuyển thành câu chữ những điều tôi vẫn luôn ấp ủ. Đôi dòng viết về những cuốn sách mình đọc, về những nơi chốn mình từng qua, về suy nghĩ trong đầu óc mình… 

Trưa. Nấu cơm, ăn cơm cùng ông nội và mẹ. Nằm ngủ trưa trên tấm chiếu cói, trải trên hàng hiên lộng gió, nhìn lên màu xanh cao rộng của vòm trời và màu trắng lấp loá của mây trong nắng hè.

Chiều. Học. Đọc. Và khi mặt trời gần tắt nắng thì chạy xe xuống nhà cậu, ở xóm bên cầu, chạy bộ trên con lộ lớn nằm giữa một bên là ruộng lúa đang trổ bông trĩu hạt và một bên là dòng sông lóng lánh nắng chiều.

Tôi nhận ra, chính mình không biết mình cần quãng thời gian này tới mức nào. Tôi đã vội lao đi theo tiếng gọi của những chân trời xa mà quên mất một phần trái tim mình vẫn ở đây. Và không thể lao đi mà không xếp đặt phần trái tim ấy thật ngăn nắp, để mà ghi dấu, để mà nhớ về, để mà vững vàng trên con đường dài rộng sắp bước lên.

Mùi lúa. Mùi gió. Mùi nắng. Mùi đất. Mùi cỏ cây… Muôn thứ mùi hương thân thuộc, rồi sẽ như ánh trăng của Theo, theo tôi tới mọi vùng đất tôi tới. Một lúc nào đó, trên đường, trong một ngày hoang hoải tôi đi, tôi sẽ bắt gặp một mùi hương gợi nhắc tôi về những thứ mùi quen thuộc ấy, tôi sẽ nhớ, tôi sẽ bồi hồi, tôi sẽ ngây ngất đi trong thực tại và mộng tưởng hoà làm một. Tôi sẽ ở nơi xa xôi, và tôi sẽ ở chính nơi quê nhà mình, cùng lúc, không xa cách, chẳng khác biệt.

Đừng ngoái lại sau. Đừng buồn bã. Bởi hẳn rồi, như những câu thơ tôi thuộc nằm lòng khi tuổi chưa tròn đôi:

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm
Tiếng ếch râm ran bờ ruộng
Con nằm nghe giữa mưa đêm

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người đều có
Vừa khi mở mắt chào đời
Quê hương là dòng sữa mẹ
Thơm thơm giọt xuống bên nôi

(Trích bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân)

2750cookie-checkĐọc “Con sẻ vàng” nhớ chuyện mình
Từ khóa : Vãn
Bình luận

2 bình luận cho “Đọc “Con sẻ vàng” nhớ chuyện mình”

  1. Thu viết:

    Đọc mấy bài đường rừng, do đã quen với những nhật ký/ hồi ký hành trình nên đâu đó thấy không bắt kịp với những cảm xúc thay đổi của người viết. Ở đây thì khác, có thể do ba tuần và ba ngày rút lại cũng khác nhau, cũng có thể do hình ảnh làng quê quá đỗi thân thuộc.
    “Nhà vẫn luôn ở đó, mong chờ những đứa con”.
    Đi chưa nhỉ 🙂

Trả lời Thu Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *