“Con người chỉ là một thoáng qua. Mà nước mà non thì không có tuổi.”
– Đỗ Long Vân –
“Cán cân tạo hoá rơi đâu mất?
Miệng túi càn khôn thắt lại rồi.
– Hồ Xuân Hương
Tôi không thể nói gì về nội dung cuốn sách này. Tôi không biết nói gì cả. Bởi một nhẽ đơn giản rằng tôi không hiểu hết nó. Tôi không hiểu được toàn vẹn những điều tác giả Đỗ Long Vân bày ra trên những trang viết của “Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương”. Tôi không hiểu, nhưng tôi vẫn đọc, tôi đọc ngốn ngấu, tôi đọc điên cuồng hết trang này tới trang kia và chỉ mất có ba tiếng đồng hồ để vừa đọc hết hơn một trăm trang viết vừa tìm đọc các sáng tác của Hồ Xuân Hương được điểm thơ trong sách. Tại sao vậy?
Một lẽ dĩ nhiên, bởi lời văn quá cuốn hút. Hay như lời tựa nơi bìa gập của cuốn sách mà nhà xuất bản đã trân trọng ghi: “Đỗ Long Vân đã chứng tỏ khả năng kỳ diệu của tiếng Việt nhuần nhuyễn và đa tầng…”. Đọc những trang văn này và tôi nghĩ phải có một ai đó viết những lời phân tích về chính những lời phân tích này của Đỗ Long Vân. Ngôn từ ông sử dụng, cách ông kiến thiết câu văn, cách ông xếp sắp từ và câu và dấu… chúng đẹp quá, mượt mà quá, và trôi chảy như một con nước được thông dòng, cứ cuồn cuộn không ngơi nghỉ, làm cho tôi, người đọc, người trót yêu ngôn từ của ông, không thể ngừng lật giở những trang giấy.
Cái đẹp của cuốn sách này là vậy. Nhưng tất nhiên, để bị hút theo dòng chảy khôn xiết của lời văn đẹp mềm mại ấy thì căn cớ cũng phải nằm ở chủ thể mà lời văn trỏ tới. Ấy là thơ Hồ Xuân Hương, nguồn nước ẩn của bà chúa thơ Nôm. Từ mà tôi muốn thốt lên nhất khi đọc những lời phân tích thơ Hồ Xuân Hương của Đỗ Long Vân là: kỳ diệu. Thật kỳ diệu làm sao. Sao mà ông có thể chắp nối và liên kết ý thơ và câu chữ của người nữ thi sĩ ấy theo cách này và lý giải chúng bằng một giả thuyết như thế này. Cuốn sách, có thể nói rằng, ghi lại một cách kiến giải những bài thơ của Hồ Xuân Hương bằng việc đặt những tứ thơ ấy vào dòng chảy cuộc đời của người nữ sĩ và đi tìm cái ngọn nguồn nguyên thuỷ của ý thơ mang một vẻ thật ngạo đời và giễu nhại ấy.
“Hồ Xuân Hương đòi người ta sống theo lòng mình nghĩa là sống tự do, sống mở và sống cho cũng như, để có cái biết thực trong tâm tình của mọi vật, nàng đòi người ta xé vỏ chúng.”
“Khám phá của Hồ Xuân Hương có tất cả những tính cách của bạo động. Và nàng cũng khám phá rằng có tính bạo động thì người ta mới khám phá và thấy được lòng mọi vật.”
“Núi của nàng đâm toạc chân mây và dang tay và xoạc cẳng, như tự vỡ xác, để ôm chầm lấy thế giới.”
“Nếu người ta không thẹn chữ thì tôi có thể nói rằng thơ Hồ Xuân Hương dâm. Nhưng dâm tính ấy không diễn tả một xu hướng nào có sẵn trong cơ thể nàng. Nó thiết lập một quan điểm sống.”
“Thơ nàng bắt đầu trong trực giác rằng lòng thế giới giữ một nguồn nước ẩn. Và nàng gọi người ta giải phóng cái nguồn ấy để sống có thể là sống thực trong chan hoà.”
“Ngôn ngữ nàng là một ngôn ngữ phản tả chân, nghệ thuật chủ ngoại của nàng là một nghệ thuật tố ngoại, và thơ nàng thường là những nghịch hoạ để nhạo đời.”
Tất nhiên rồi, tôi không hiểu hết mọi sự Đỗ Long Vân nói, nhưng có gì đó tôi vẫn có thể chạm vào, vẫn có thể nhận thức được, giữa muôn vàn thứ trừu tượng và siêu hình và lắt léo mà Đỗ Long Vân bày ra.
Diệu vợi làm sao. Thích thú làm sao. Một trang văn đẹp hoạ một nét thơ tài tình. Đọc sách mà như chạy theo cuộc đuổi bắt con thuyền giấy thả trôi trên dòng nước dập dềnh, dòng nước lúc thì lững lờ, khi thì mau mải, nước lóng lánh lên dưới nắng trời, và con thuyền trong mắt ta cứ khi ẩn khi hiện, khi lên khi xuống theo con nước mênh mang. Ta đọc, ta vui thích đuổi theo, một dáng hình văn, một dáng hình thơ.
“… tuy có tất cả những lý do để chọn giữa nhiều giả thuyết cái giả thuyết tôi đã chọn, tôi cũng không có ảo tưởng rằng tất cả những gì tôi viết về Hồ Xuân Hương là đúng. Thừa can đảm thì có lẽ tôi đã viết lại. Nhưng lễ độ của người viết là không bao giờ muốn có lý đến cùng. Muốn có lý thì người ta dùng súng!”