Bài viết
Trang chủ » Trang sách » Gom » Kim | Rudyard Kipling

Kim | Rudyard Kipling

Tôi say mê những chương đầu cuốn sách này bởi ở đó chứa đựng nhiều hứa hẹn về một cuộc phiêu lưu có tầm vóc, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu – một hành trình phiêu lưu vào lòng Ấn Độ đa sắc màu.

Chú bé Kim – mang dòng máu da trắng nhưng được nuôi lớn như một đứa trẻ Ấn, chú bé có đầy đủ giấy tờ để minh chứng cho một xuất thân “tôn ông” (tức là một người ngoại quốc được trọng vọng ở đất này) nhưng lại ngày ngày lăn lộn dưới cái nắng và trong lớp bụi mù của đường phố Ấn Độ nhem nhuốc. Khoác lên mình bộ trang phục một thằng bé Hindu, sẽ chẳng ai nói Kim là một thằng nhóc mang xuất thân nào khác ngoài Hindu. Và khi thằng bé ấy đang ngất ngưởng trên khẩu đại bác kỳ vĩ trước bảo tàng lớn, nó chạm mặt người rồi sau sẽ trở thành thầy và trở thành người bạn đồng hành dẫn dắt nó trên hai con đường – đường phiêu lưu xuyên qua Ấn Độ và đường tìm kiếm vào trong tâm khảm sâu xa một bản ngã thật mà Kim muốn là mình.

Mọi thứ mở ra ngập tràn màu sắc như vậy đấy, và tôi thích mê trước nhiều trang văn tả lại những khung cảnh diễm lệ của một thành phố hay cảnh thôn dã của một miền quê Ấn, lại cũng mê đi trước dãy núi cao huyền thoại Hy Mã Lạp Sơn hay đôi thăng trầm của cuộc đời những con người rải rác trên những vùng đất này. Nhưng quả tình trải nghiệm đọc của tôi với cuốn sách không đẹp như những hứa hẹn thuở ban đầu. Mọi sự không đẹp đều xuất phát từ trí óc kém hiểu biết của tôi.

Cuốn sách lấy bối cảnh Ấn Độ những năm cuối thế kỷ 19 khi đất nước này vẫn thuộc quyền kiểm soát của Anh và nằm trong Cuộc Chơi Lớn giữa hai cường quốc lúc bấy giờ Nga – Anh, một cuộc chiến giành quyền kiểm soát khu vực Trung Á. Rudyard Kipling không bỏ sót bất cứ cơ hội nào để đưa những chi tiết này vào cuộc phiêu lưu của Kim. Tác giả đẩy nhân vật chính của mình – cậu bé chỉ mười mấy tuổi đầu vào “Cuộc Chơi Lớn”, đào luyện và biến cậu thành một “người chơi” có vai vế.

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh chính trị, cuốn sách còn lồng ghép rất nhiều chi tiết và triết lý tôn giáo. Ấn Độ xưa nay vẫn được nhắc tới như một đất nước của muôn vàn tôn giáo và văn hoá; và Rudyard Kipling cũng không phí hoài bất cứ chương truyện nào để tái khẳng định sự thực ấy. Xuyên suốt một quãng đường trưởng thành được thuật lại trên trang sách, Kim có cơ hội đối diện và suy ngẫm về không ít nét văn hoá hay tôn giáo tồn tại trong lòng Ấn Độ. Có một lúc, cuốn sách gợi tôi nhớ về “Cuộc đời của Pi” và cuộc diện kiến cũng như thoả hiệp của Pi với Hồi giáo, Thiên chúa giáo và Hindu giáo. Nhưng ở Kim, Rudyard Kipling có cách thức diễn giải và đưa tôn giáo vào trúc trắc hơn, sâu xa hơn, thách thức một người đọc “bình dân” như tôi hơn (nghĩa là không có sự dễ thẩm thấu như trong Cuộc đời của Pi – một cuốn sách có lẽ bởi được viết trong thời đại này nên dễ hiểu hơn một cuốn sách khởi sinh từ thời đại trước).

Đó là vài điều ngắn gọn tôi nghĩ về Kim của Rudyard Kipling. Tôi không thích cũng chẳng ghét cuốn sách này. Với tôi, nó ổn. Đọc để biết thêm một vài điều thú vị nhưng đọc xong cũng không mang lại một bừng sáng nào thật đáng lưu tâm.

28380cookie-checkKim | Rudyard Kipling
Từ khóa : Kim Đồng
Bình luận

Một bình luận cho “Kim | Rudyard Kipling”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *