Tôi đã nghĩ mình sẽ không đọc cuốn sách này, hoặc giả, có đọc chăng nữa thì cũng không thích nó. Có gì đó ở những lời giới thiệu, những lời tụng ca và săn đón cuốn sách làm tôi không muốn cầm nó lên. Tôi ghét đi theo những rực rỡ của đám đông bởi, thường khi, những rực rỡ bất chợt chỉ dẫn tới một trang sách không lấy gì làm đẹp đẽ. Chỉ nhõn một hào nhoáng thoáng qua mà thôi.
Nhưng cuốn sách. Thật tốt khi tôi vẫn mạnh dạn nhận lời đọc khi được đề nghị. Thật tốt khi tôi đã mở những trang sách này ra, để nét rực rỡ huy hoàng của từng câu, từng từ, từng chi tiết, từng mối xúc cảm chứa đựng bên trong đó cuốn hút tôi, choáng ngợp tôi. “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” chẳng phải một rực rỡ thoáng qua. Tự thân cuốn sách là một ngọn lửa bừng cháy, nóng hổi, và nó cuốn người đọc vào như cuốn những con thiêu thân đam mê vẻ lộng lẫy và da diết của lửa đỏ.
Cuốn tiểu thuyết là bức thư mà chàng trai Cún Con gửi cho mẹ. Cuốn sách gồm ba phần, được đánh dấu I, II và III, nhưng tôi thích coi ba phần này như ba quãng trong một đời người: Sinh ra, Trưởng thành, và Chết.
Ở phần I – Sinh ra, Cún Con kể về sự ra đời của anh và mẹ, về cuộc đời của mẹ, của bà và của cả cái gia đình trầy trật bị bóng đen chiến tranh đè nát. Ở đây cũng có câu chuyện về sự sinh ra của những kiếp người nơi xứ lạ, trôi dạt tới một đất nước xa xôi và gây dựng lại cuộc đời. Tất cả những nhức nhối và đen đúa của chiến tranh, của kiếp người cơm vãi cơm rơi trải ra nóng hổi và ngào nghẹn.
Phần II – Trưởng thành – bóc tách cuộc đời chàng trai, khi anh đi tìm định nghĩa cho sự tồn tại của mình. Anh kể về những năm tháng định hình con người anh, về những người đã giúp anh cố kết mọi định hình ấy. Những trang sách trong phần II cũng chứa đựng suy ngẫm về cuộc đời những kẻ khác màu da trên một đất nước mà da trắng là tấm vé nghiễm nhiên đặt anh vào vị thế cao hơn cả.
Phần III là sự Chết. Cún Con kể về hai cái chết xảy đến đối với hai người thân yêu trong cuộc đời anh và những cái chết ấy có ý nghĩa thế nào đối với việc anh giải nghĩa mình.
Có một điều phải khẳng định: cuốn sách này không dễ đọc. Cuốn tiểu thuyết viết dưới dạng bức thư dài, cuốn sách là câu chuyện đời gói vào những dòng thư nghiêng ngả tràn xúc cảm người con trai dành cho mẹ, sẽ chẳng lạ khi mọi thứ như dòng thác lũ cuồn cuộn. Những câu chuyện chất chồng lên nhau, những chi tiết nhập nhoà vào nhau, những xúc cảm gối lên nhau xô bờ… Có những khi mọi thứ dồn đẩy tới mức tôi cảm thấy như lạc vào mê cung của câu từ mà không phân định nổi mình đang đọc về gì hay đang cảm nhận điều gì trên trang giấy. Những khi ấy trang giấy như vỡ oà, và tôi chỉ còn biết ngỡ ngàng để dòng thác lũ cuốn đi.
Tôi cũng đã bị cuốn đi hệt vậy. Nhưng dòng chảy thác lũ của ngôn từ này không chỉ phập phồng những xúc cảm chất chứa, chúng còn đẹp tới hoang hoải. Tôi chưa có cơ hội đọc bản gốc tiếng Anh, nhưng ngôn từ của bản dịch tiếng Việt đối với tôi đã đẹp như một quầng lửa đỏ, cháy rạo rực trong đêm đen tăm tối nơi những kiếp người quầy quả sống đời.
“Bởi vì con là con của mẹ, nên bao nhiêu điều về lao động con biết là bấy nhiêu điều về mất mát con hay.”
“… chị dịu dàng nói với con gái mình, kể cho nó nghe câu chuyện về một cô gái chạy trốn khỏi tuổi trẻ không có khuôn mặt chỉ để đặt cho mình cái tên theo một loài hoa khi nở ra trông như bị xé toạc.”
“… biến đất cứng thành bùn tươi – và con thành sống trên đời.”
“… mẹ à, nói tiếng mẹ đẻ đối với mình là nói thứ tiếng Việt dở dang, nhưng là nói tiếng chiến tranh hoàn thiện.”
Và, không thể quên câu nói mà tôi nghĩ làm nên sức nặng của bức thư này:
“… tiếng Việt mình ít khi nào nói mình yêu ai đó, và khi nói, mình gần như chỉ nói tiếng Anh, I love you. Thương và yêu, ở nhà mình, thể hiện rõ nhất qua hành động…”
Giữa mẹ và con trai, biết bao điều muốn nói mà khó cất ra lời. Chỉ còn cách này, đặt mọi thứ lên trang giấy, để con “đến gần thêm mẹ”, để con được tự do trải lòng mình dẫu rằng mẹ sẽ không bao giờ đọc bởi mẹ không biết chữ.
“Chính vào những lúc như thế này, bên cạnh mẹ, con mới thấy ghen tị với từ ngữ, chúng làm được những điều ta sẽ chẳng bao giờ làm được – chúng kể được hết mọi thứ về bản thân bằng cách chỉ cần đứng yên, bằng cách chỉ cần tồn tại.”